Cần một bản lĩnh văn hóa để vượt qua “virus” kì thị

Thứ Năm, 22/07/2021, 15:03
Kết thúc trận chung kết Copa America 2021, hình ảnh đọng lại trong lòng người hâm mộ không chỉ là chiến thắng của một đội bóng nào mà chính là nụ cười của hai danh thủ Neymar và Messi. 


Họ là đối thủ, đại diện cho hai nền bóng đá, nhưng còn là đại diện của hai nền văn hóa và từng là đồng đội. Trải qua trận đấu ''sinh tử'' trên sân cỏ, nhìn vào cách mà họ cùng khóc, cùng cười dù đang là người thắng, kẻ bại, người không tin nổi vào niềm vui, người chưa tin được vừa thất bại khiến chúng ta nhận ra: Trong cuộc sống có những điều còn đáng giá hơn cả những danh hiệu và giải thưởng.

Một tuần trôi qua sau sự kiện ấy, khi nghĩ lại, người viết vẫn băn khoăn đi tìm một câu trả lời khác, ý nghĩa hơn nữa từ hình ảnh hai ngôi sao ấy. Có phải đó là cách các cầu thủ chuyên nghiệp chế ngự cảm xúc trong mọi hoàn cảnh, có phải đó là cách ứng xử kín kẽ của các nhân vật nổi tiếng trong một thời đại mà mọi cử chỉ nhỏ nhất của họ đều có thể trở thành đề tài để truyền thông và cư dân mạng bàn luận chăng? 

Có lẽ đằng sau tất cả còn phải là một sự dũng cảm. Dũng cảm vượt qua sự thất vọng, dũng cảm vượt qua sự đắc thắng để gặp nhau ở giọt nước mắt và nụ cười, một bản lĩnh văn hóa mà con người của ngày hôm nay cần đạt tới. Bản lĩnh ấy không chỉ giúp chúng ta sống tốt, sống đẹp góp phần tạo nên chính kiến, quan điểm sống của bạn trước những hiện tượng đời sống đang đòi bạn phải có một thái độ rõ ràng.

Nếu dừng ở đây thì câu chuyện trên không có gì đáng nói. Nhưng nếu bạn hãy thử liên tưởng đến những gì mà chúng ta đang phải đối diện trong thực tế cuộc sống mới thấy đáng để suy ngẫm. Hai ngày trước, tôi có may mắn được đọc bài: "Nếu chúng ta là F" của bác sĩ, chuyên gia dịch tễ học Trương Hữu Khanh trên báo điện tử Vn.Express.net, trong đó có đoạn ông viết: "Nếu bạn là F0 hay F1, gặp ánh mắt kỳ thị, cũng đừng trách cứ họ làm gì. Khi qua dịch, tình làng nghĩa xóm sẽ trở lại như xưa". Chắc hẳn, bác sĩ Khanh đã quá thấu hiểu những gì mà một người dân không may bị nhiễm virus COVID-19 đã nếm trải, đó là sự kì thị của cộng đồng. 

Đằng sau thắng thua là một tình bạn và bản lĩnh văn hóa.

Sự kì thị ấy không chỉ là nỗi khổ của một cá nhân như tác giả Quốc Thuận đã nêu: "Rõ ràng, tâm lý kỳ thị đã làm giảm hiệu quả của công tác phòng, chống dịch. Không chỉ là miệng lưỡi thế gian mà không ít lần đời tư của những người nhiễm hay những người nghi nhiễm bị phanh phui trên các trang mạng xã hội. Một số trang mạng xã hội, nhiều tài khoản cá nhân sử dụng mạng xã hội đã truy lùng danh tính của những người bị nhiễm bệnh. Thậm chí, có những cá nhân còn bị tung tin đồn thất thiệt, nhiều trường hợp bệnh nhân còn bị cộng đồng mạng săn lùng, suy diễn để thu hút sự chú ý của mọi người. Khi các thông tin cá nhân bị công khai như vậy đã gây ra rất nhiều hậu quả tiêu cực". (Trang thông tin điện tử Công an Đắk Lắk), mà còn là nguy cơ cho cộng đồng xã hội, bởi bên cạnh việc khoanh vùng, cách ly, dập dịch vẫn cần duy trì các hoạt động sản xuất, sinh hoạt đòi hỏi sự tôn trọng về nhân phẩm, tư cách con người. Hay nói một cách khác, sự kì thị về mặt tinh thần cũng tạo ra sự thiệt hại cả ở phương diện kinh tế, xã hội.

Ngẫm ra, chúng ta mới thấy giật mình bởi đâu phải đợi đến khi có đại dịch, tâm lý kì thị này mới xuất hiện trong cuộc sống. Loại "virus" này cũng ẩn sâu trong suy nghĩ, dưới nhiều hình thức mà kì thị trước thông tin là một ví dụ điển hình nhất.

Tôi nhớ cách đây chưa lâu, có một tin vui với người hâm mộ là sau khi đội tuyển bóng đá nam Quốc gia giành vé lọt vào vòng loại thứ 3 của Word Cup 2022 đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Công bằng mà nói, việc cải thiện từng bước, nâng dần trình độ của nền bóng đá không chỉ giúp bóng đá phát triển mà còn góp phần xây dựng hình ảnh quốc gia, dân tộc, góp phần quảng bá văn hóa, du lịch, thúc đẩy kinh tế… những điều đã được hiện thực hóa ở các quốc gia phát triển. Tuy nhiên, đây đó vẫn tồn tại những bàn luận kiểu "hủ Nho", cho rằng đội tuyển vào đến đây chỉ để làm "bị bông", làm "rổ điểm" cho các đội mạnh cùng bảng đấu.

Khai báo y tế gian dối, cô gái ở Hà Tĩnh bị phạt 10 triệu đồng.

Thay vì bàn đến đúng-sai trong quan niệm đó, người viết cho rằng những suy nghĩ này cũng là sự biến thể của "virus" kỳ thị được sinh ra từ tâm lý sợ hãi và hèn nhát của nhiều người. Họ không dám làm, không muốn người khác làm được cũng như lo sợ người khác hay cộng đồng sẽ vượt qua được thử thách ấy để thành công. Nói đến đây, chúng ta nhớ đến hình ảnh người phụ nữ ở Bắc Giang (thuộc diện F1 phải đi cách ly tập trung) đã cố thủ trên tầng 3 của ngôi nhà khiến lực lượng chức năng phải huy động xe thang cưỡng chế đi cách ly. Sự việc này đã được được chia sẻ khá nhiều trên mạng xã hội và gây bức xúc trong cộng đồng.

Thực ra, những cá nhân đáng trách ấy cũng chưa bao giờ bị cộng đồng tẩy chay kì thị mà chính suy nghĩ của họ là một sự kì thị với cả một xã hội đang vật lộn với dịch bệnh. Phải chăng, bên cạnh các dạng thức kì thị truyền thống như kì thị văn hóa, kì thị giới tính, kì thị chủng tộc… đã xuất hiện một dạng kì thị mới trong thời đại công nghệ: kì thị thông tin. Một dạng kì thị dẫn đến những xu thế chia sẻ thông tin sai lệch, quy chụp theo thuyết âm mưu và gây hoang mang dư luận. Có thể ban đầu chỉ xuất phát từ một thói quen xấu nhưng đã dần trở thành quan điểm thủ cựu, định kiến trong suy nghĩ của nhiều người. Họ kì thị với bất cứ cái gì đài báo chính thống đưa tin, với những gì yên ổn và chỉ hứng thú với những nghi ngờ, đồn đoán…

Qua những hiện tượng ấy, có thể nhận ra những đặc điểm của thứ "virus" kì thị này là:

1. Kì thị thông tin xuất phát từ tâm lý lo sợ mình kém hiểu biết. Bởi thế, họ luôn muốn phủ định nguồn thông tin chính thống, luôn cố gắng giải thích mọi hiện tượng theo thuyết âm mưu mà mình đặt ra. Từ việc nhiều người ùn ùn tích trữ lương thực khi xuất hiện thông tin thiếu chính xác về đại dịch đến việc tích trữ các tin rác trên mạng xã hội facebook, trên youtube, dẫn đến cách bày tỏ thái độ sai lầm, lệch lạc. Thay vì tích lũy kiến thức chính xác để chung tay thực hiện tốt các biện pháp giảm thiểu thiệt hại trước dịch bệnh, thiên tai, họ luôn tạo ra một rào cản ngăn cách với cộng đồng.

2. Sống trong một thời đại cần sự chính xác của thông tin, cần một thái độ sống rõ ràng, sự kì thị này là một cản trở ghê gớm. Trong khi mối quan tâm hàng đầu của chúng ta đều dành cho tình hình dịch bệnh, tốc độ sáng tạo, chiết xuất vaccine, khả năng vực dậy nền kinh tế… thì vẫn có những người muốn làm theo những gì mình thích, mình nghĩ, muốn xã hội tuân thủ theo thói quen, nếp nghĩ của mình. Những trường hợp khai báo y tế gian dối đâu chỉ nói lên sự kém ý thức mà còn thể hiện sự kì thị với những biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Một thái độ vừa thiếu tôn trọng, vừa thể hiện sự hèn nhát, không dám thừa nhận một thực tế là mình từng đến từ vùng dịch, từng có mặt ở khu vực này, khu vực kia và minh bạch thông tin ấy với cộng đồng.

Sự kì thị về thông tin có thể sẽ được các nhà xã hội học lý giải, có thể sẽ bị cộng đồng nhận diện, lên án, nhưng đằng sau những hiện tượng đó cho thấy vai trò của bản lĩnh văn hóa là rất quan trọng. Một bản lĩnh chỉ có được khi có nền tảng vững chắc, tạo ra "sức đề kháng" tốt với các luồng thông tin để nhận ra những gì tốt đẹp nhất với mình và cộng đồng…

Mai Phương
.
.