Bản lĩnh văn hóa Việt

Thứ Sáu, 11/03/2011, 08:07
Lịch sử còn ghi, ở thế kỷ 14 sau khi xâm chiếm nước ta, nhà Minh đã thực hiện chính sách đồng hóa, đốt sách, phá hủy văn bia hòng xóa bỏ nước Đại Việt. Và chắc chắn cả nghìn năm cai trị của phong kiến phương Bắc, chính sách hủy diệt và đồng hóa đó đã diễn ra rất nhiều lần. Nhưng sức sống của dân tộc Việt, mà trước hết là văn hóa Việt đã vô cùng mãnh liệt, cứ vượt lên đứng dậy từ tro tàn mà sống, mà phát triển...

Có được sức sống như vậy trước hết là phải có bản lĩnh văn hóa. Mà bản lĩnh văn hóa thì đầu tiên là ở chiều sâu văn hóa. Về hội Lim (Bắc Ninh) hôm 13 tháng Giêng vừa qua nghe hát Quan họ, tôi thấy văn hóa Việt thật là sâu thẳm: "Yêu nhau đứng ở đằng xa/ Con mắt liếc lại bằng ba đứng gần". Văn hóa Việt không chỉ sâu mà còn huyền ảo. Phải chăng cả độ sâu và sự huyền ảo đã tạo nên sức mạnh?

Nền văn hóa có bản sắc ấy của chúng ta có thể sánh với bất cứ nền văn hóa nào của thế giới. Chúng ta không đánh giá thấp nền văn hóa của dân tộc nào, nhưng chúng ta cũng không cho phép ai hạ thấp nền văn hóa của chúng ta. Thời đại hội nhập kinh tế thế giới, thì giao lưu văn hóa giữa các nước là cần thiết. Nhưng giao lưu là để biết, để hiểu nhau, và có thể học hỏi những điều hay phù hợp, chứ không phải bỏ văn hóa của mình mà chạy theo văn hóa của người. Ngày Lễ Tình yêu (Valentine, 14/2) là của châu Âu chứ không phải là của thế giới. Hàng mấy nghìn năm chúng ta không biết có ngày lễ ấy, vậy mà ngàn đời nay ông cha ta đã yêu nhau và sống hạnh phúc. Những tình yêu bất tử ấy đã được gửi vào những lời ca tuyệt diệu: "Ra đường mắt mải nhìn anh/ Để chân em đá đổ thành nhà vua", "Ra về em có dặn rằng/ Nơi hơn người kết, nơi bằng đợi em", "Anh còn cái cối giã bèo/ Anh đem bán nốt để theo cô mình"... Vì vậy, dư luận nói chung đã đồng tình với quyết định của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hải Phòng không cấp giấy phép cho Công ty Cổ phần Truyền thông Thương hiệu Vàng tổ chức cuộc thi hôn 100 cặp đôi ở sân Cung Văn hóa Lao động Việt - Tiệp (Hải Phòng) chiều 13/2, vì nó không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Đó là một quyết định đúng đắn. Đó là bản lĩnh của Văn hóa Việt. Những quyết định như thế cần phải được ủng hộ, được khuyến khích giữa lúc nhiều nơi nhiều năm qua đã thường xuyên để cho những tạp chất văn hóa của nước ngoài tràn ngập vào đời sống văn hóa của chúng ta.

Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là một vấn đề được thực hiện với tất cả các dân tộc qua mọi thời kỳ lịch sử. Bởi vì bản sắc văn hóa là linh hồn của một dân tộc, không có bản sắc văn hóa thì coi như dân tộc đó không còn. Dân tộc Việt Nam ta, qua bốn nghìn năm lịch sử đã hình thành, duy trì và phát triển một bản sắc văn hóa độc đáo. Nhưng đồng thời dân tộc ta cũng luôn luôn phải chống lại những ý đồ xâm lăng văn hóa nhằm xóa bỏ nền văn hóa của chúng ta. Cuộc đấu tranh ấy khi yên ả, lúc dữ dội, nhưng luôn luôn quyết liệt vì nó là sự mất còn của dân tộc. Ngày nay, cuộc đấu tranh ấy đang diễn ra quyết liệt hơn bao giờ hết bởi văn hóa ngoại đang có thuận lợi về nhiều mặt: pháp lý, tâm lý, tài chính... để thực hiện. Vì vậy, muốn giữ được dân tộc thì phải xây kè văn hóa thật vững, phải biết tự bảo vệ. Bài học thiếu cảnh giác của Mỵ Châu "Trái tim lầm chỗ để trên đầu", có ý nghĩa hết sức rộng lớn về chính trị, kinh tế và cả văn hóa, và vẫn mang tính thời sự.

Một phần tư thế kỷ hội nhập kinh tế thế giới, chúng ta tự hào vì những thành tựu về kinh tế của chúng ta bao nhiêu thì chúng ta cũng lo lắng về sự phát triển về văn hóa của nước ta bấy nhiêu. Hai mươi nhăm năm qua, văn hóa nước ta phát triển hay là xuống cấp là câu hỏi còn băn khoăn của rất nhiều người khi trả lời. Đòi hỏi những người có trách nhiệm phải tổ chức nghiên cứu, hội thảo, kết luận và đặt ra được chiến lược phát triển và phương thức thực hiện đúng đắn nhất để đạt hiệu quả. Đó cũng là bản lĩnh của văn hóa Việt Nam trước đòi hỏi của dân tộc và thời đại.

18/2/2011

Nguyên Quỳnh Thư
.
.