Văn học nghệ thuật trong cơ chế thị trường và hội nhập:

Bản lĩnh văn hóa của người làm văn học nghệ thuật

Thứ Năm, 13/11/2008, 08:30
(Phỏng vấn nhà phê bình Chu Thị Thơm)

-Theo quan sát của chị, đâu là những đổi thay căn bản của văn học nghệ thuật Việt Nam trong những năm đổi mới và hội nhập đã qua?

+ Rõ ràng, từ sau Đổi mới, văn học nước nhà đã có một đội ngũ sung sức, tinh nhuệ và bản lĩnh để có thể nói lên khát vọng cái "tôi" cá nhân - cả cái ta chung - trong sự nhìn nhận đa chiều, cởi mở và phong phú hơn.

Mọi sự cực đoan, đơn tuyến trong lăng kính phản chiếu hiện thực trước kia đã dần dần được thay thế bởi một cách tư duy và nhìn nhận mới. Kể cả những vấn đề thuộc phạm trù đạo đức, mỹ học... tưởng như bất di bất dịch của một thời đại cũng được nhìn nhận lại...

- Có thể dễ dàng nhận thấy sự phát triển đa dạng và phong phú trong các lĩnh vực văn học nghệ thuật hiện nay. Nhưng nếu đi tìm một tác giả lớn, một tác phẩm đỉnh cao lại vẫn phải... đốt đuốc. Theo cá nhân chị, vì sao lại có hiện tượng này?

- Tôi nghĩ rằng, sự phá vỡ kỷ lục trong thể thao là khẳng định một mốc thành công của người đến sau. Nhưng trong văn học nghệ thuật, giải thưởng này không phủ nhận giải thưởng khác, và đôi khi chính giải thưởng cũng không có sức thuyết phục lớn lao nếu tác phẩm không sống lâu bền trong lòng độc giả.

Một tác phẩm hay sẽ ám ảnh độc giả bởi phong cách nghệ thuật và sức thuyết phục ở tính nhân văn. Một tác phẩm đỉnh cao là tác phẩm được công chúng đồng tình nhiều nhất, có ảnh hưởng trong đời sống xã hội và đời sống văn nghệ nhiều nhất. Chúng ta đã từng gặp và sẽ gặp những cái tên thuyết phục, nhưng có thể trên con đường sáng tạo của họ chưa có sự gặp gỡ và phản hồi tích cực thực sự của độc giả.

Hiệu ứng sáng tạo giao thoa giữa công chúng và người sáng tạo chưa xảy ra một cách tích cực thì tác phẩm có được trao giải thưởng đi chăng nữa cũng chưa thể gọi là tác phẩm lớn được. Vì vậy, tác phẩm nào đó gây xôn xao trong đời sống một thời vẫn chưa thể gọi là đỉnh cao cũng là lẽ thường tình.

- Chị đánh giá thế nào về đội ngũ các văn nghệ sĩ trẻ hôm nay, liệu họ có thể kế cận xứng đáng thế hệ đàn anh đi trước, sáng tạo ra các tác phẩm xứng đáng với thời đại mình đang sống để sẵn sàng cho việc giao lưu văn hóa với các nước trong khu vực và trên thế giới.

+ Chúng ta đang có một đội ngũ làm văn nghệ trẻ sung sức, có tri thức, táo bạo và đầy bản lĩnh. Cái mà họ thiếu chính là độ trải nghiệm và vốn sống, sự chín chắn, điềm tĩnh - một trong những yếu tố rất cần của người nghệ sĩ. Sự giao lưu văn hóa toàn cầu cần rất nhiều đến bản lĩnh và yếu tố tri thức, văn hóa.

Nếu không cẩn thận, các thế hệ nghệ sĩ sẽ có độ vênh nhau rất lớn về văn hóa nhận thức. Theo tôi, điều quan trọng là qua tác phẩm, mỗi người sáng tạo không những chỉ cho độc giả biết mình là ai, mà phải cho mọi người biết mình là con người như thế nào.

- Người ta nói nhiều về sự yếu và thiếu các nhà lý luận phê bình dẫn đến việc "loạn chuẩn" các giá trị trong nhiều lĩnh vực của văn học nghệ thuật. Chưa đi song hành với đời sống sáng tác nên các nhà phê bình đang dần tự làm mất đi vị trí quan trọng của mình trong đời sống văn nghệ. Theo chị liệu nhận xét này có chính xác không?

+ Nói riêng trong lĩnh vực văn học, hiện nay chúng ta thừa các nhà điểm sách chuyên nghiệp và thiếu những nhà phê bình thực sự. Việc khen chê theo trào lưu, hoặc gắn vào tác phẩm những giá trị không có thực theo cảm tính... đang là một sự thật diễn ra hàng ngày.

Một số nhà phê bình đang đánh mất mình bởi sự đánh tráo khái niệm tốt, xấu, hay dở... trong tác phẩm. Và chính sự lặng im, vô can trước một hiện tượng văn học nghệ thuật "có vấn đề" cũng thể hiện một sự tắc trách của nhà phê bình.

Công việc của nhà phê bình không phải là phân tích cái đã có của tác phẩm, mà chính là ở sự phát hiện ra cái tưởng như không có trong tác phẩm. Nếu như cả đời làm công tác phê bình, ông (bà) ta chưa phát hiện ra một tác giả mới, một tác phẩm có những đóng góp mới cho nền văn học... thì coi như chưa làm tròn trách nhiệm

Việt Hà (thực hiện)
.
.