Tổng thống Putin ra tuyên bố về khả năng đàm phán với ông Zelensky
Ngày 18/2, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov thông tin, Tổng thống Vladimir Putin sẵn sàng đàm phán với ông Volodymyr Zelensky về việc chấm dứt xung đột Nga - Ukraine. Tuy nhiên, Moscow vẫn đặt câu hỏi về thẩm quyền của ông Zelensky trong việc ký các hiệp ước quốc tế thay mặt Ukraine.
Sáng 18/2 (giờ địa phương), trả lời câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp báo thường kỳ, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay, Tổng thống Vladimir Putin nói rằng sẽ đàm phán với ông Zelensky nếu cần thiết, nhưng nêu rõ việc các thỏa thuận có thể được ký kết như thế nào về mặt pháp lý là chủ đề cần thảo luận nghiêm túc, bởi cần tính đến thực tế về tính hợp pháp của ông Zelensky.
Theo ông Peskov, Hiến pháp Ukraine không quy định việc hoãn bầu cử Tổng thống trong thời gian áp đặt thiết quân luật, mặc dù nhiệm kỳ của ông Zelensky đã kết thúc vào ngày 20/5/2024.
![Tổng thống Putin ra tuyên bố về việc ngồi chung bàn đàm phán với ông Zelensky -0](https://img.cand.com.vn/resize/800x800/NewFiles/Images/2025/02/18/Screen_Shot_2025_02_18_at_8_21_5-1739884981079.png)
Về phía Ukraine, Tổng thống Zelensky cuối năm 2022 ký sắc lệnh cấm đàm phán trực tiếp với Nga chừng nào Tổng thống Putin còn tại nhiệm. Tuy vậy, lãnh đạo Ukraine phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich hôm 14/2 lại tuyên bố sẽ chỉ gặp một quan chức Nga để đàm phán, đó là Tổng thống Putin.
Đại diện Điện Kremlin nhấn mạnh, Nga luôn muốn tập trung vào giải pháp hoà bình cho cuộc xung đột ở Ukraine và sẽ không có một giải pháp lâu dài nếu không có sự xem xét toàn diện về tất cả các vấn đề an ninh.
Cuộc họp báo trên diễn ra trong bối cảnh tại Thủ đô Riyadh của Arab Saudi, các quan chức Nga và Mỹ do Ngoại trưởng Sergey Lavrov và người đồng cấp Marco Rubio dẫn đầu đang tiến hành đàm phán về khôi phục quan hệ song phương và vấn đề Ukraine. Đây là cuộc đàm phán quan trọng nhất từ trước đến nay giữa hai nước về việc chấm dứt xung đột tại Ukraine.
Nỗ lực phá băng này được khởi xướng bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông đã thừa nhận lập trường của Nga rằng sự mở rộng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Âu là yếu tố chính gây ra các hành động thù địch, đồng thời bày tỏ mong muốn nhanh chóng giải quyết cuộc khủng hoảng.
Cũng trong cuộc họp báo, khi được hỏi liệu Ukraine có thể gia nhập Liên minh châu Âu (EU) hay không, ông Peskov nói: "Đây là quyền chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào. Việc này liên quan tới quá trình hội nhập và hội nhập kinh tế, khác với vấn đề liên minh an ninh và quân sự. Và tất nhiên, không ai có thể ra lệnh cho bất kỳ quốc gia nào, và chúng tôi sẽ không làm điều đó".