Sự trở lại của sân khấu nhỏ

Thứ Năm, 28/04/2022, 07:48

Tuần vừa qua có một sự kiện thu hút sự quan tâm của giới hoạt động âm nhạc. Đó là sự trở lại của "Sân khấu Trống đồng", với đêm diễn của ca sĩ Tăng Phúc. Sân khấu này thực tế đã quen thân với đông đảo người dân TP Hồ Chí Minh từ nhiều thập niên trước, nhưng ở thời gian thoái trào của sân khấu ca nhạc tụ điểm, của phòng trà, nó đã gần như biến mất.

Đặc biệt, sau 2 năm COVID, cái tên Trống đồng tưởng như không còn có thể được khôi phục trở lại nữa. Vậy mà giờ đây, dưới sự đầu tư mới, hướng đi mới, Trống đồng đã chính thức sáng đèn trở lại, hoành tráng hơn xưa.

Có một điểm khác của lần trở lại này chính là thay vì tổ chức ca nhạc hàng đêm, Trống đồng sẽ chỉ diễn những đêm cuối tuần. Điểm khác ấy cũng cho thấy con đường đi của những người kinh doanh giải trí thế hệ hôm nay đã có tư duy khác với lớp người đi trước rất nhiều. Nhận thức được vì sao các tụ điểm ca nhạc, một thứ đặc sản của TP Hồ Chí Minh, lại làm ăn bết bát một thời gian dài, phương án tiếp cận thị trường của những người đầu tư trẻ hôm nay đã được xây dựng kỹ lưỡng hơn rất nhiều. Và phương án ấy của họ chính là đáp án của sự hồi sinh sân khấu ca nhạc mini.

Chủ đầu tư của Trống đồng hôm nay cũng chính là người đã tạo nên một sân khấu lẫy lừng thời gian gần đây ở Đà Lạt là Mây lang thang. Và Mây lang thang cũng không phải là một sân khấu duy nhất hoạt động theo mô hình tương tự ở thành phố mơ mộng cao nguyên. Lulolula là một sân khấu khác, với quy mô cũng tương đương, và cũng đang hoạt động rất hiệu quả với những ca sĩ thời thượng. Ngoài những cái tên ấy ra, còn khá nhiều sân khấu khác cũng bắt đầu đi vào hoạt động hiệu quả ở những thành phố lớn, những đô thị du lịch.

Tất cả họ, từ Trống đồng, Mây lang thang, Lulolula… đều cơ bản duy trì chiến lược xây dựng những đêm diễn có chủ đề cụ thể, với phương pháp tiếp thị rất mạnh mẽ và với mức giá vé vào cửa được tính toán chi tiết cho phù hợp với tệp khách hàng của nghệ sĩ biểu diễn. Thể loại âm nhạc mà họ giới thiệu cũng đa dạng, từ nhạc pop ballad với những cái tên như Hà Anh Tuấn, Lê Hiếu… cho tới nhạc rock, indie với những band nhạc như Ngọt, Chillies, Microwave… Chính việc đa dạng thể loại âm nhạc và có chủ đề từng đêm diễn được đầu tư nghiêm túc, họ đã thu hút được rất đông  khán giả và không ít những đêm đã cháy vé dù mức vé VIP có thể lên tới tiền triệu.

Quay trở lại với ký ức cũ, thời của các tụ điểm như 126, Lan Anh, Trống đồng xưa và so sánh với những phòng trà ca nhạc đang èo uột chống chọi lúc này, chúng ta mới hiểu tại sao sự khác biệt hôm nay tạo ra hiệu quả. Kiểu mô hình sáng đèn hàng đêm với rất đông ca sĩ sắp hàng lên hát đã không còn tạo ra sức hút nữa. Điều khán giả cần hôm nay chi tiết hơn, tinh tế hơn, cần đầu tư chỉn chu hơn. Do đó, những chương trình có thiết kế sân khấu đúng chủ đề, có đạo diễn âm nhạc phụ trách phía sau, có sự biên tập nhạc mục kỹ lưỡng đã áp đảo hoàn toàn và tạo ra một sự hồi sinh kỳ diệu cho sân khấu âm nhạc mini.

Đó là còn chưa kể việc nhiều sân khấu ca nhạc ở các địa phương du lịch đã bắt tay rất chặt chẽ với các công ty du lịch lữ hành để thiết kế các tour thưởng thức và giải trí. Đặc biệt là những địa phương cách các đô thị lớn không quá xa, đủ đảm bảo cho khán giả có thời gian thư giãn và thưởng lãm chỉ trong một cuối tuần.

Và cuối cùng, thứ không thể không nhắc tới, chính là chất lượng âm nhạc. Không còn hát với nhạc nền sẵn, không còn hát nhép. Tất cả là thật hoàn toàn, với nhạc công tay nghề giỏi. Nó chính là sự hồi sinh từ sức sống thật, của âm nhạc thật sự và vì thế, nó đảm bảo các không gian âm nhạc này sẽ còn rất bền bỉ với thời gian.

Văn Đoàn
.
.