"Tái sinh" tác phẩm văn học trên sân khấu

Thứ Năm, 14/04/2022, 17:04

Thời gian gần đây, sự trở lại của một số tác phẩm văn học nổi tiếng, đặc sắc được "tái sinh" bởi nghệ thuật sân khấu đã đem đến cho khán giả những cảm thức mới. Đây có lẽ là một hướng đi đúng đắn bởi những tác phẩm văn học ấy vốn đã có một vị thế nhất định trong lòng công chúng.

Sự thành công ban đầu của những vở kịch được chuyển thể từ tác phẩm văn học nổi tiếng như "Vang bóng một thời" của Nguyễn Tuân (Sân khấu Lệ Ngọc - Kịch bản: Nguyễn Hiếu - Đạo diễn: NSƯT Bùi Như Lai) là một ví dụ sinh động.

Ấn tượng đẹp với "Vang bóng một thời"

1.jpeg -0
Vở kịch “Vang bóng một thời” chuyển thể từ các truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Tuân gây được ấn tượng tốt đẹp với khán giả

"Vang bóng một thời" là vở kịch được nhà văn Nguyễn Hiếu chuyển thể từ truyện ngắn "Chữ người tử tù" của nhà văn Nguyễn Tuân sang hình thức nghệ thuật sân khấu. Theo chia sẻ của nhà văn Nguyễn Hiếu, trong kịch bản này ông có sử dụng một số tình tiết trong một số tác phẩm khác của nhà văn Nguyễn Tuân để xây dựng kịch bản như: sử dụng nhân vật đao phủ Bát Lê trong truyện "Bữa tiệc máu" - kẻ có thuật chém treo ngành nổi tiếng và viết thêm nhân vật Bòi Triển trong truyện ngắn "Những chiếc ấm đất".

Sân khấu Lệ Ngọc đã có các buổi biểu diễn vở "Vang bóng một thời" vào các tối 30, 31/3 và tối 1, 2/4 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Điều đáng mừng là, tuy có tới 4 đêm diễn liền nhau, nhưng số lượng khán giả tới xem vẫn đông kín rạp và ekip dàn dựng, biểu diễn đã nhận được những phản hồi hết sức tích cực.

Bà chủ của Sân khấu Lệ Ngọc - NSND Lệ Ngọc chia sẻ: "Những tình cảm và những phản hồi tích cực của khán giả dành cho các buổi biểu diễn "Vang bóng một thời" cũng như các vở diễn khác luôn là nguồn động lực to lớn đối với cá nhân tôi cũng như các cộng sự. Tôi và ekip sáng tạo của mình vẫn trung thành với việc đánh thức niềm đam mê sân khấu của khán giả, tôn vinh những giá trị truyền thống của văn hóa Việt Nam cũng như khơi dậy những vẻ đẹp và giá trị trong các tác phẩm văn học đặc sắc trên sân khấu. Tôi rất hạnh phúc khi ý tưởng của mình được nhà văn Nguyễn Hiếu và đạo diễn - NSƯT Bùi Như Lai thấu hiểu, chia sẻ và thể hiện một cách trọn vẹn, thành công trong kịch bản "Vang bóng một thời" cũng như trên sân khấu!".

Nhà văn Nguyễn Hiếu cũng chia sẻ rằng, từ góc độ người viết kịch bản, ông vốn là người vô cùng yêu thích những tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Tuân và khâm phục tài năng, sự sáng tạo, những giá trị tinh thần trong văn chương của lão nhà văn tiền bối. Có lẽ chính vì thế, cách đây khoảng 30 năm, nhà văn Nguyễn Hiếu đã chuyển thể tác phẩm đặc sắc "Chùa đàn" - một tác phẩm nổi tiếng bậc nhất của nhà văn Nguyễn Tuân sang tác phẩm sân khấu có tên "Tiếng đàn vùng Mê Thảo".

Và lần này, nhận lời mời của sân khấu Lệ Ngọc để xây dựng tác phẩm sân khấu "Vang bóng một thời" thực sự như một cơ duyên nhưng đồng thời cũng là một thách thức với một người cầm bút. Bởi vì, tác phẩm "Chùa đàn" trước đây mà ông chuyển thể có dung lượng lớn, có nhiều tình tiết còn đối với tác phẩm "Chữ người tử tù" chỉ có dung lượng 8 trang giấy nên ông cũng phải đắn đo, suy nghĩ rất nhiều để ra được một kịch bản với những màn đối thoại, lớp lang thế nào để thể hiện thông điệp của tác phẩm.

Trong kịch bản, có một vài tình tiết, hành trình tâm lý nhân vật, sự chuyển hóa nội tâm của nhân vật, viên cai ngục có khác đi so với nguyên tác để tạo nên sự xung đột, kịch tính, song thông điệp của vở diễn vẫn được tác giả kịch bản và đạo diễn thể hiện trọn vẹn. Khi vở diễn ra mắt thành công, cả ekip trong đó có NSND Lệ Ngọc, NSƯT Bùi Như Lai và nhà văn Nguyễn Hiếu đều cảm thấy hạnh phúc vì đã truyền tải đến với công chúng thông điệp trọn vẹn về tình yêu, sự tôn vinh đối với cái đẹp - điều đã được thể hiện xuyên suốt trong các tác phẩm trong sự nghiệp văn học đồ sộ của nhà văn Nguyễn Tuân.

Mối lương duyên sân khấu - văn chương

Đối với nhà văn Nguyễn Hiếu đây không phải là lần đầu tiên ông chuyển thể thành công một tác phẩm văn chương đặc sắc thành tác phẩm sân khấu. Trước đây, ông đã từng chuyển thể thành công vở kịch nói "Kiều" từ tác phẩm "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du được Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng thành công và cố NSND Anh Tú làm đạo diễn. Sau này, tác phẩm "Truyện Kiều" còn được ông chuyển thể thành công thành kịch bản rối "Thân phận nàng Kiều" (viết chung với NSƯT Lê Chức) đã đoạt được nhiều giải thưởng danh giá.

Và mới đây, vở cải lương "Nguyễn cầm ca - Kiều" cũng được ông chuyển thể thành công dưới bàn tay của NSND Hoàng Quỳnh Mai do Nhà hát Cải lương Việt Nam biểu diễn, cũng đánh dấu một thành công mới trong việc chuyển thể một tác phẩm kinh điển trong kho tàng văn học Việt sang hình thức sân khấu kịch hát. "Truyện Kiều" còn từng được chuyển thể sang thành vở ballet "Kiều" và được Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP. Hồ Chí Minh dàn dựng với bàn tay của đạo diễn múa tài hoa Tuyết Minh được đông đảo khán giả quan tâm, ủng hộ.

2.jpg -0
Một cảnh trong vở “Trại hoa vàng” của Nhà hát Tuổi trẻ, chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Những năm qua, trong bối cảnh sân khấu rơi vào trạng thái trầm lắng do ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19, khi bắt đầu sáng đèn trở lại, nhiều nhà hát đã khởi động bằng những vở diễn được chuyển thể từ các tác phẩm văn chương nổi tiếng, đặc sắc. Trong năm 2021, Nhà hát Tuổi trẻ gây ấn tượng với 2 tác phẩm dàn dựng cho thanh thiếu niên đó là 2 vở nhạc kịch "Bầy chim thiên nga" (chuyển thể từ truyện cổ Andersen) và "Trại hoa vàng" (chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh) đã tạo được hiệu ứng tích cực với công chúng trẻ Thủ đô.

Một số tác phẩm văn học quen thuộc từng được chuyển thể thành công trên sân khấu trước đây có thể kể tới như "Cánh đồng bất tận" của Nguyễn Ngọc Tư được chuyển thể thành tác phẩm cùng tên do nghệ sĩ Minh Nguyệt chuyển thể kịch bản và đạo diễn tại Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần; vở "Trăng nơi đáy giếng" dựa trên tác phẩm cùng tên của nhà văn Trần Thùy Mai do đạo diễn Ái Như dàn dựng cho Sân khấu kịch Thái Thanh; vở "Con nhà nghèo" được chuyển thể từ tác phẩm "Con nhà nghèo" của nhà văn Hồ Biểu Chánh (Kịch bản: Viễn Hùng - Đạo diễn: NSND Hồng Vân - Minh Hoàng) vở múa "Mỵ" được lấy cảm hứng từ truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ" của nhà văn Tô Hoài do nghệ sĩ Tuyết Minh biên đạo và làm tổng đạo diễn... Ngoài ra, một số tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng cũng lần lượt xuất hiện trên sân khấu phía Nam như "Giông tố", "Làm đĩ", "Chị Dậu", "Bỉ vỏ", "Kỹ nghệ lấy Tây"...

Có thể nói, vừa qua Sân khấu Lệ Ngọc đã gây ấn tượng mạnh với vở "Vang bóng một thời" được nhà văn Nguyễn Hiếu chuyển thể và lấy cảm hứng từ một số truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Tuân khiến nhiều khán giả cũng như người làm nghệ thuật sân khấu thích thú. Nhìn lại con đường nghệ thuật mà sân khấu Lệ Ngọc đã đi trong vài năm qua có thể thấy, Lệ Ngọc đã rất chú trọng trong việc đầu tư các kịch bản sân khấu có nguồn gốc từ các tác phẩm văn học nổi tiếng, có dấu ấn, có chỗ đứng trong lòng khán giả.

Từ những tác phẩm mang màu sắc dân gian như "Cây tre trăm đốt", Lệ Ngọc xây dựng thành "Cây tre thần"; từ truyện cổ tích "Tấm Cám" thành vở kịch "Tấm Cám"; từ tác phẩm quen thuộc với mọi thiếu nhi như "Dế Mèn phiêu lưu ký" của nhà văn Tô Hoài, sân khấu Lệ Ngọc đã xây dựng thành vở kịch "Dế Mèn"; từ tác phẩm "Chí Phèo" nổi tiếng của nhà văn Nam Cao, Lệ Ngọc xây dựng vở "Chí Phèo". Điều này đã cho thấy, Sân khấu Lệ Ngọc đã nhận ra sức hấp dẫn của các tác phẩm văn học nổi tiếng, đặc sắc và có chiến lược đầu tư để những tác phẩm ấy được "tái sinh" trên sân khấu.

Với sự thành công của những tác phẩm sân khấu được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng và đặc sắc có thể thấy rằng, điều đặc biệt của các tác phẩm sân khấu được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng là ở chỗ, tất cả khán giả dường như đã được đọc truyện, đã biết hết diễn biến cũng như kết cục của câu chuyện ấy, hiểu những điều mà tác phẩm văn học gửi gắm nhưng vẫn đi xem sân khấu.

Có được điều này, có lẽ bởi khán giả sân khấu vốn muốn xem tác phẩm ấy, nhân vật quen thuộc ấy được "tái sinh" qua một hình thức nghệ thuật khác là sân khấu sẽ có hình hài như thế nào, và đem lại mỹ cảm gì? Điều này thực sự sẽ đem đến một miền đất mới đối với những người sáng tạo của bộ môn nghệ thuật sân khấu vốn đang đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt trong quá trình kiếm tìm và giữ chân khán giả.

Nguyệt Hà
.
.