Sân khấu Hà Nội: Những chuyển động đầu xuân

Thứ Sáu, 25/02/2022, 19:41

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, từ đầu tháng 2/2022, các nhà hát trên địa bàn Hà Nội bắt đầu khởi động việc tập luyện và biểu diễn. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trở nên căng thẳng nên chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến những nỗ lực “kéo” khán giả đi xem kịch của các nhà hát. Sống chung với dịch bệnh và duy trì hoạt động nghệ thuật bình thường dường như đã và đang là niềm mong mỏi của mọi nghệ sĩ.

Lần lượt sáng đèn

Thực tế, từ nhiều năm nay, sân khấu khu vực Hà Nội luôn có sự chuyển động chậm chạp trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán. Không giống như tại TP. Hồ Chí Minh, Tết là dịp các nghệ sĩ sân khấu rất bận rộn với các show diễn liên tục trong ngày để phục vụ thói quen đi xem kịch Tết của công chúng. Nhưng ở Hà Nội thì khác, cứ dịp Tết là sân khấu lại chìm sâu trong giấc ngủ đông dài.

Hai năm trước, do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, sân khấu Hà Nội đã “đóng băng” suốt mùa xuân, khi dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động mới bắt đầu dần trở lại cầm chừng trong sự hoang mang, lo lắng. Năm 2021, Liên hoan Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2021 tổ chức tại Hải Phòng đã giống như một “cú hích” làm cho đời sống sân khấu tại các nhà hát tại Hà Nội trở nên sôi động, hào hứng hơn. Bước sang năm thứ 3 đối mặt với dịch bệnh, đã có rất nhiều nghệ sĩ chia sẻ về nỗi nhớ nghề, nhớ ánh đèn sân khấu và mong muốn được đi diễn trở lại và đó chính là nỗi niềm chung của giới làm nghệ thuật.

Sân khấu Hà Nội: Những chuyển động đầu xuân -0

Vở hài kịch “Cái ao làng” của Nhà hát Tuổi trẻ sẽ tiếp tục phục vụ khán giả Thủ đô vào tối 26/2.

Khai xuân sớm nhất phải kể đến 3 đêm diễn vở “Thượng thiên thánh Mẫu” (Kịch bản: Lê Thế Song, Xuân Xồng - Đạo diễn: NSND Triệu Trung Kiên, NSND Tống Toàn Thắng) của Nhà hát Cải lương Việt Nam phối hợp với Liên đoàn Xiếc Việt Nam biểu diễn vào các ngày mồng 6, 7, 8 tháng Giêng, tức ngày 6, 7, 8 tháng 2/2022 tại Rạp Xiếc Trung ương. Đây là vở diễn thứ 2 năm trong dự án “Huyền sử Việt” do 2 đơn vị nghệ thuật này phối hợp cùng thực hiện kể về các hình tượng “tứ bất tử” trong tín ngưỡng của người Việt Nam. Vở “Thượng thiên thánh Mẫu” với sự kết hợp của 2 loại hình nghệ thuật hoàn toàn khác biệt, tưởng chừng như chẳng liên quan gì đến nhau là Cải lương và xiếc một lần nữa kể câu chuyện về Đệ nhất thánh Mẫu Liễu Hạnh, dựa trên những huyền tích được lưu truyền trong dân gian.

Theo chia sẻ của đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên, trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp và các lễ hội đầu xuân theo truyền thống hàng năm của người Việt đều không thể tổ chức được, thì việc ra mắt vở “Thượng thiên thánh Mẫu” là một nỗ lực rất lớn của Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam để phục vụ nhu cầu giải trí của khán giả, đồng thời tôn vinh những giá trị truyền thống, những vẻ đẹp trong tín ngưỡng thờ Mẫu lâu đời của người Việt.

Vào tối 13/2, Nhà hát Chèo Việt Nam đã biểu diễn chương trình “Chiếu chèo Xuân” với một số làn điệu chèo tiêu biểu và trích đoạn chèo độc đáo như “Thị Màu lên chùa” với sự tham gia của các nghệ sĩ tài năng sân khấu trẻ. Tối 19/2, Nhà hát Chèo Việt Nam đã biểu diễn vở chèo kinh điển được nhiều khán giả chờ đợi là vở “Quan Âm Thị Kính”. Các chương trình biểu diễn này còn được Nhà hát Chèo Việt Nam phát trực tiếp trên các nền tảng số như fanpage của nhà hát và trên kênh Youtube của nhà hát phục vụ cho các khán giả mọi miền đất nước không có điều kiện đến xem biểu diễn trực tiếp. Đây cũng là bước chuyển động hết sức nhanh chóng, nhạy bén của Nhà hát Chèo Việt Nam trong thời đại công nghệ số và dịch bệnh hoành hành để quảng bá các hoạt động của nhà hát và phục vụ nhu cầu giải trí của đông đảo khán giả.

Với Nhà hát Tuổi trẻ - một đơn vị trẻ trung, năng động và luôn có một thực đơn biểu diễn tương đối phong phú đã có kế hoạch biểu diễn trong tháng 2 để phục vụ đa dạng các đối tượng khán giả. NSƯT Chí Trung - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết: “Sang xuân, Nhà hát Tuổi trẻ đã chuẩn bị rất nhiều tác phẩm hay để đón khán giả đủ các lứa tuổi đến với nhà hát. Những người lớn tuổi có thể đến với các tác phẩm của tác giả Lưu Quang Vũ mà chúng tôi vừa dựng lại như “Ông không phải là bố tôi”. Những khán giả trung tuổi có thể đến với “Ngược chiều gió”, những thanh niên có thể đến với “Trại hoa vàng”, chương trình ca nhạc “Thanh xuân”, còn khán giả nào thích cười thì đến với hài kịch “Cái ao làng” và khán giả nhỏ tuổi có thể đến với vở “Bầy chim thiên nga”, “Cuộc chiến virus”... Nhưng hiện tại, theo thông tin từ fanpage Nhà hát Tuổi trẻ, lịch biểu diễn của nhà hát mới có cho vở hài kịch “Cái ao làng” dự kiến vào tối 26/2/2022.

Thấy gì từ “điểm sáng” của sân khấu Lệ Ngọc?

Theo các thông tin phản ánh từ báo chí, dịp Tết Nguyên đán vừa qua cũng là thời điểm dịch COVID-19 tại TP. Hồ Chí Minh lắng xuống, cuộc sống cơ bản trở lại nhịp sống bình thường, nên sân khấu kịch TP. Hồ Chí Minh đã có những dấu hiệu tích cực của sự phục hồi. Nhiều vở diễn mới được dàn dựng, vở cũ được làm mới để đón đông đảo khán giả tìm đến các sân khấu lớn nhỏ trên địa bàn thành phố để xem kịch, giải trí sau một thời gian dài nhịp sống, các thói quen sinh hoạt bị đình trệ.

Sân khấu Hà Nội: Những chuyển động đầu xuân -0
Một cảnh trong vở “Thượng thiên thánh Mẫu” do Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam kết hợp dàn dựng, biểu diễn.

Tại Hà Nội, dẫu còn nhiều e ngại vì mặc dù mọi hoạt động của đời sống kinh tế - chính trị - xã hội và giao thương đã được “mở cửa” bình thường, song đi xem kịch vẫn nằm trong mục lựa chọn “không đi cũng không sao”. Mặc dù vậy, trong suốt năm 2021 và 2022, sân khấu kịch Hà Nội luôn có một điểm sáng không thể không kể đến, đó chính là sân khấu xã hội hóa Lệ Ngọc do NSND Lệ Ngọc là người đứng đầu. Được thành lập từ tháng 9/2016, sau từng bước nỗ lực làm nghề, khẳng định tên tuổi, đến nay sân khấu Lệ Ngọc đã trở thành một địa chỉ hoạt động sân khấu tích cực với số suất diễn/năm có lẽ đang ở mức cao nhất tại Hà Nội trong vài năm qua.

Dịp năm mới này, tuy sân khấu Lệ Ngọc sáng đèn muộn hơn một số sân khấu khác, nhưng từ ngày 21/2 này, Lệ Ngọc sẽ biểu diễn chương trình nghệ thuật mang tên “Kịch Xuân - Hành trình lưu giữ hồn Việt xưa” với 3 vở và 6 đêm diễn liên tục tại Nhà hát Lớn Hà Nội: đêm 21 và 25/2 với ở “Làm vua” (Kịch bản: Đăng Chương - Đạo diễn: Lê Quý Dương); đêm 22/2 với vở “Nước mắt của mẹ” (Kịch bản: Nguyễn Toàn Thắng - Đạo diễn: NSND Lê Hùng); đêm 23 và 24/2 với vở “Vụ án người đốt đền” (Kịch bản: Grigori Gorin- Đạo diễn: Lê Quý Dương). Đặc biệt, vào tối 1-3, Sân khấu Lệ Ngọc sẽ cho ra mắt vở mới “Vang bóng một thời” (nhà văn Nguyễn Hiếu chuyển thể theo một số tác phẩm truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Tuân - Đạo diễn: NSƯT Bùi Như Lai). Sau đó, theo dự kiến vào trung tuần tháng 3 tới đây, sân khấu Lệ Ngọc sẽ đem một số vở diễn đặc sắc của mình đi lưu diễn tại TP. Hồ Chí Minh và có thể là thêm một số tỉnh, thành phía Nam.

NSND Lệ Ngọc - “bà chủ” của Sân khấu Lệ Ngọc, đồng thời cũng là người nghệ sĩ luôn giữ được cho mình tình yêu và ngọn lửa với nghề cháy sáng rực rỡ cho biết: “Ngay cả khi sân khấu dường như “đóng băng” trên cả nước thì Lệ Ngọc vẫn làm, vẫn âm thầm chuẩn bị để có thể trình diễn bất cứ khi nào dịch bệnh ổn định. Trong 2 năm qua, Lệ Ngọc vẫn ra vở mới liên tục, là điều mà ngay cả những sân khấu có sự hỗ trợ của nhà nước cũng không dám làm. Nhiều người bảo tôi sao liều thế, nhưng không phải là tôi liều, mà tôi làm gì cũng đều phải có tính toán kỹ cả đấy chứ. Vì tiền bỏ ra dựng vở là tiền túi của chúng tôi, nên mỗi kịch bản đều phải nâng lên đặt xuống, cân nhắc kỹ càng giữa nghệ thuật và nhu cầu của khán giả. Sau đó phải PR, quảng cáo, tiếp cận khán giả thì mới có người đến xem kín rạp như thế chứ. Thời buổi này làm gì có gì “hữu xạ tự nhiên hương”...”.

Có lẽ, những điều mà sân khấu Lệ Ngọc đang làm, đã làm được đang trở thành một hiện tượng hiếm hoi của sân khấu phía Bắc nói chung và sân khấu Hà Nội nói riêng. Mạnh mẽ, quyết đoán, tính toán kỹ khi quyết định đầu tư, tận tâm, tận lực và phân tích kỹ trong “cung - cầu” đã đem lại sự thành công đáng nể cho sân khấu Lệ Ngọc. Đây hoàn toàn có thể là một ví dụ điển hình, một bài học quý về sự thành công trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật cho bất kỳ một đơn vị nghệ thuật nào, dù là trong khu vực Nhà nước hay tư nhân.

Nguyệt Hà
.
.