Cần thêm những động thái cứng rắn để xử lý tình trạng phim “lậu”
Dịch bệnh COVID-19 bùng phát, khi tiêu chí “ở nhà là yêu nước”, nhiều người đã chọn các hình thức giải trí tại nhà như là cách thể hiện văn hóa, thái độ, trách nhiệm của mình với cộng đồng, xã hội. Trong bối cảnh đó, phim online phát triển mạnh là điều tất yếu. Tuy nhiên, điều này cũng khiến tình trạng phim “lậu” vốn đã tràn lan nay càng khó kiểm soát.
Trang phim “lậu” có thể thu được hàng trăm tỷ đồng mỗi năm từ quảng cáo
Sau thành công từ doanh thu phòng vé, bộ phim “Bố già” được đưa lên ứng dụng xem phim trực tuyến trả phí Galaxy Play. Nhưng phim vừa đưa lên thì ngay lập tức nhiều trang web phim “lậu” đã sao chép lại.
Một số phim có bản quyền khác của Galaxy Play như “Gái ngàn đô”, “Sugar Daddy & Sugar Baby”, “Chị mẹ học yêu”, “Bông hồng lửa”…và cả các phim phát hành độc quyền VOD (dịch vụ video theo yêu cầu) như “Chị Mười Ba”, “Mắt biếc…” cũng bị cố tình đánh cắp và phát tán trên các trang xem phim trực tuyến lậu…
Có đến 80 - 100% phim Việt từng chiếu rạp, sau đó chiếu trên các ứng dụng cung cấp nội dung trực tuyến (OTT - viết tắt của Over The Top, dịch vụ gia tăng trên nền tảng mạng) bị phát tán trái phép trên mạng. Đây là cơn ác mộng đối với nhiều nhà sản xuất phim tại Việt Nam vì không chỉ khi phim mới ra rạp đã bị quay lén, mà khi kiếm thêm chút doanh thu nhờ bán bản quyền cho nhà mạng cũng bị sao chép tràn lan…
Thông tin Công an TP. Hồ Chí Minh khởi tố vụ án hình sự “Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan” liên quan đến website phim “lậu” lớn nhất Việt Nam - phimmoi.net sau nhiều lần trang này bị chặn, có thể coi là động thái cứng rắn nhất và đầu tiên từ trước tới nay của cơ quan Công an khi xử lý tình trạng phim lậu và vi phạm bản quyền trên không gian mạng.
Trong quá trình điều tra vụ án hình sự “Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan” đối với website phimmoi.net, Công an TP. Hồ Chí Minh đã xác định, từ năm 2014, Nguyễn Tuấn Tú (ngụ tỉnh Lâm Đồng) có kế hoạch xây dựng phát triển website chiếu phim trực tuyến miễn phí trên mạng internet.
Tú đã thuê hai cá nhân có trình độ kỹ thuật cao về công nghệ thông tin là Cao Thanh Lai và Cao Duy Anh (đều ngụ Đồng Nai) để thực hiện lập trình, quản trị, vận hành website phimmoi.net. Thông qua trang này, quản trị sẽ thu tiền từ quảng cáo.
Nhóm của Tú đã sao chép, khai thác, sử dụng, trình chiếu, truyền đạt các tác phẩm điện ảnh ra công chúng không được phép của chủ thể quyền và kinh doanh quảng cáo sản phẩm, dịch vụ trái phép trên các bộ phim có bản quyền, nhằm thu lợi bất chính với số tiền đặc biệt lớn…
Nhiều năm trở lại đây, nói đến website xem phim ở Việt Nam thì phimmoi.net là cái tên đầu tiên được nhắc đến và có nhiều “giai thoại” nhất. Đây là website lớn nhất chuyên cung cấp các bộ phim, chương trình truyền hình, TV series không bản quyền lớn nhất nước, có “vietsub” miễn phí cho người dùng. Kho phim cực kỳ đồ sộ với hầu hết tất cả các thể loại phim từ cũ đến mới, hầu hết đều không có bản quyền. Và tốc độ “update” cũng vô cùng nhanh. Phim vừa công chiếu tại rạp, người xem đã có thể tìm thấy bản “cam” quay lén, bản phim không sub (phụ đề) trên phimmoi.net.
Để tăng tốc độ “update” phim, phimmoi.net còn ngang nhiên lấy các bản phụ đề phi thương mại của các cá nhân, các hội nhóm để đăng lên website mà không hề xin phép hay có được sự đồng ý của tác giả… Nhiều năm qua, phimmoi.net liên tục làm giàu kho phim không bản quyền, đáp ứng gần như mọi nhu cầu giải trí của khán giả về phim các thể loại, chủ đề, phim đa quốc gia.
Với sự truy cập “khủng” như vậy, mỗi năm ước tính phimmoi.net thu được hàng trăm tỷ đồng từ lợi nhuận quảng cáo trên website.
Phimmoi.net nổi tiếng đến mức được nhắc đến đậm nét trong Báo cáo “Các thị trường mua bán các sản phẩm giả mạo sở hữu trí tuệ và vi phạm bản quyền năm 2020” của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR). Báo cáo này đã chỉ đích danh phimmoi.net, phimmoizz.net là 2/3 website phổ biến được đề cập. Chúng bị cáo buộc đăng tải trái phép hàng ngàn bộ phim và chương trình truyền hình, bao gồm nhiều tựa phim thuộc sở hữu của các đơn vị nắm bản quyền (quyền tác giả) từ Mỹ.
Theo thống kê của Cục Điện ảnh Việt Nam, hiện có hơn 400 website tiếng Việt đang công khai chiếu hàng chục ngàn bộ phim trên mạng, đa phần không mua bản quyền. Sự tồn tại của các trang phim “lậu” đã khiến các trang phim chính thống lẫn các rạp bị cạnh tranh không lành mạnh.
Có thể bị phạt tiền đến 1 tỷ đồng, phạt tù tới 3 năm
Trang phimmoi.net từng không ít lần bị chặn hoặc bị sập, nhưng rồi nó lại nhanh chóng “hồi sinh” như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Nhiều người còn đùa nhau rằng có lẽ phimmoi.net bất khả xâm phạm với câu chuyện “chữ Z bất tử”. Mỗi lần bị chặn, nó đều thay đổi tên miền từ phimmoi.net thành phimmoiz.net, phimmoizz.net (thêm ký tự z)… Thậm chí đội ngũ quản trị đã dự kiến duy trì phimmoi.net tới 6 chữ z để đối phó với cơ quan chức năng. Thực tế sau rất nhiều lần bị chặn, trang web này vẫn được tổ chức và hoạt động lại trong suốt 7 năm nay…
Phía Galaxy Play cho biết dù đơn vị đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp xử lý, yêu cầu gỡ bỏ nhưng không thể ngăn chặn hoàn toàn. Galaxy Play cũng đã gửi công văn đề nghị hỗ trợ bản quyền phim của đơn vị đến Sở Thông tin và Truyền thông một số tỉnh, thành, một số cơ quan có thẩm quyền, nhằm đưa ra biện pháp can thiệp, xử lý kịp thời các trang web phát tán phim. VieON và nhiều đơn vị OTT khác cũng đang tích cực ngăn chặn các website “ăn cắp” nội dung của nền tảng. Tuy nhiên, có quá nhiều web “lậu” hoạt động nên quá trình báo cáo này mất khá nhiều thời gian. Chưa kể gần đây, các trang phim lậu đã nâng cấp hệ thống mạnh hơn, hoạt động tinh vi hơn, gây khó cho việc phát hiện, ngăn chặn…
Hầu hết các trang như phimmoi.net đều đăng ký tên miền quốc tế, mua “hosting” từ đơn vị nước ngoài, thuê dịch vụ lưu trữ đám mây từ đơn vị của nước ngoài. Chủ các trang này cũng có thể khai báo thông tin không đúng hoặc ẩn danh để qua mặt các cơ quan chức năng.
Việc chặn các website phim “lậu” suy cho cùng vẫn chỉ giải quyết được được phần ngọn của vấn đề. Muốn giải quyết được vấn nạn phim “lậu” tràn lan, nhiều người cho rằng trước hết phải giải quyết được phần gốc, đó là ý thức của người dùng internet Việt Nam. Chừng nào vẫn còn nhiều người muốn xem phim “lậu” thì chừng đó website phim “lậu” vẫn còn tồn tại được.
Cũng cần lưu ý, việc xem phim “lậu” tưởng như đơn giản và dễ dàng, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro với người xem. Nhiều trang web chứa mã độc “đội lốt” trang xem phim miễn phí, dễ dàng cài cắm virus vào máy tính để ăn cắp thông tin hoặc tài khoản, số thẻ của người dùng. Ngoài ra, việc những bộ phim chưa qua kiểm duyệt, quá bạo lực, khiêu dâm hay vi phạm an ninh quốc gia, chứa chủ đề nhạy cảm được chiếu tràn lan trên các trang web “lậu”, dễ tạo ảnh hưởng rất xấu tới người xem - đặc biệt là các khán giả nhỏ tuổi vô tình xem phải.
Những thông tin quảng cáo, cửa sổ pop-up được cài cắm trên màn hình xem phim được xem như “gài bẫy” người dùng. Ở nhiều trang phim lậu, người xem có thể dễ nhìn thấy hình ảnh 18+ hay các lời mời gọi tham gia cá độ, cờ bạc online… nhiều không đếm xuể, chỉ chực chờ những người dùng cả tin bấm vào.
Tuy nhiên, với việc cơ quan CSĐT Công an TP. Hồ Chí Minh đã tìm được danh tính của đội ngũ quản trị và có quyết định khởi tố vụ án hình sự liên quan tới trang phim “lậu” phimmoi.net thì dư luận có quyền tin tưởng rằng nó sẽ bị xử lý nghiêm minh và chấm dứt hoạt động.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã đưa ra những biện pháp rất cứng rắn, phối hợp với các nhà quảng cáo để ngăn chặn các nguồn thu quảng cáo đổ về các trang web vi phạm bản quyền. Theo ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Cục đang lập chuyên đề lớn liên quan đến việc xử lý website lậu. Đồng thời, cũng thành lập Trung tâm Bảo vệ Bản quyền, phối hợp với một số chủ sở hữu để bảo vệ bản quyền cho các giải thể thao, nội dung phim truyền hình - điện ảnh, cũng như bảo vệ bản quyền cho các cơ quan báo chí...
Theo quy định hiện hành, hành vi phát tán phim lậu có thể bị xử lý hành chính thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự. Cá nhân có thể bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng; phạt tù từ 6 tháng - 3 năm…