Xem phim lậu online: Thói quen tiếp tay cho hành vi ăn cắp bản quyền

Chủ Nhật, 09/09/2018, 12:29
Xem phim online là thói quen không thể thiếu với nhiều người sử dụng Internet trong những năm qua. Tuy nhiên, nhiều người chưa ý thức được rằng, xem phim trên các trang web vi phạm bản quyền là đang tiếp tay cho một hành động “ăn cắp bản quyền”, gây thiệt hại lớn cho nhà sản xuất và những đơn vị mua bản quyền. 


Gần đây, cơ quan chức năng đã xử lý mạnh tay với một số website vi phạm, nhưng sau khi nhận án phạt, chủ các website này “đẻ” ra nhiều trang khác… và tiếp tục hành vi ăn cắp của mình. Nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải có biện pháp chặt đứt nguồn “oxy” nuôi dưỡng các trang web này là quảng cáo mới xử lý được triệt để.

Vừa nhận án phạt xong, lại ngang nhiên tái phạm

Gần đây, tình trạng vi phạm bản quyền phim và các chương trình truyền hình trên Internet diễn ra ngày càng phức tạp, có xu hướng gia tăng. Theo thống kê của Cục Điện ảnh, hiện có tới hơn 400 website tiếng Việt đang công khai chiếu hàng chục nghìn bộ phim trên Internet. Đây là các bộ phim trong nước và cả quốc tế, đều chưa được các website này mua bản quyền. 

Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm bản quyền trên Internet gặp không ít khó khăn. Mặc dù cơ quan chức năng đã kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm bản quyền sau khi nhận được phản ánh của chủ sở hữu quyền tác giả nhưng hiện tượng vi phạm vẫn không có dấu hiệu giảm. Việc xử lý vi phạm khó khăn là vì rất khó để xác định chủ thể của các website. 

Chẳng khó khăn để tìm ra được một trang phim như thế này trên mạng.

Các website này đều đăng ký tên miền quốc tế, chủ thể ẩn danh, hoặc khai báo thông tin không đúng để tránh sự kiểm tra của cơ quan pháp luật. Cơ quan chức năng dùng các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn cũng chỉ mang tính chất tương đối, bởi khi chặn truy cập vào một website thì người vi phạm dễ dàng mở một trang web khác.

Còn nhớ, vào tháng 7 -2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nhận được đơn khiếu nại của Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (MPA) yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả với sản phẩm điện ảnh của MPA. Đó là các trang: Phim47.com; vlvn.com và pub.vn. Sau khi bị xử lý, các trang này nhanh chóng đổi thành một trang web khác để tiếp tục đăng tải phim. 

Cụ thể, trang phim47.com đổi thành phimhh.com, trang pub.vn chuyển thành pubvn.tv và đăng tải những phim chưa có bản quyền. Đến giữa tháng 4-2014, MPA lại tiếp tục gửi hồ sơ liên quan đến việc tái phạm bản quyền phim của 3 trang kể trên và 9 trang khác tại Việt Nam. 

Không chỉ những bộ phim của Mỹ, hồi tháng 6-2014, Thanh tra chuyên ngành cũng đã xử phạt 2 website vi phạm bản quyền phim Hồng Kông bị TVB Hồng Kông khiếu nại. Tuy nhiên việc xử phạt này chỉ như “muối bỏ biển”. Hàng trăm website vẫn cố tình vi phạm bản quyền, hàng nghìn bộ phim, chương trình truyền hình được công chiếu trên Internet nhằm thu lợi bất chính. 

Trong một buổi hội thảo về vi phạm bản quyền phim, ông Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho hay, người ta không chỉ ăn cắp bản quyền phim trên mạng Internet mà còn có rất nhiều hình thức ăn cắp khác như: sao in đĩa lậu, trích đoạn, làm các tác phẩm phái sinh. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, việc ăn cắp bản quyền rồi đưa lên trang web để thu phí quảng cáo là khá phổ biến. 

Một số đài truyền hình địa phương cũng tự do phát sóng nhiều bộ phim mà chưa thỏa thuận với hãng phim. Để khẳng định sự phức tạp của việc vi phạm, ông Hải đưa ra vài trường hợp như: Đầu năm 2012, bộ phim truyền hình “Những đứa con biệt động Sài Gòn” mới trong giai đoạn chuẩn bị bán cho các đài truyền hình thì đĩa phim lậu đã bán khắp thị trường.

Xa hơn nữa là bộ phim “Dòng máu anh hùng” năm 2007 tuy lập kỷ lục bán vé, thu về 4 tỷ đồng trong 3 tuần đầu công chiếu, nhưng vẫn lỗ vì bản quyền bị xâm phạm nghiêm trọng. Chỉ với cái click chuột, người xem hoàn toàn có thể thưởng thức được những bộ phim ăn khách hiện nay, có phụ đề, thậm chí có cả bán HD tiêu chuẩn. Bộ phim “Bụi đời Chợ Lớn” cũng là nạn nhân của nạn ăn cắp bản quyền này. Dù bị cấm chiếu nhưng không hiểu bằng cách nào phim này vẫn phát tán trên mạng, chỉ vài ngày sau đĩa in lậu vẫn bán tràn lan.

Mới đây nhất, bộ phim Diên Hy Công Lược – một series phim truyền hình cổ trang Trung Quốc đã gây bão tại nhiều quốc gia trong thời gian qua trong đó có Việt Nam. Nắm bắt được thị hiếu của khán giả, ngay khi có thông tin ra mắt, Công ty Truyền thông TKL đã mua bản quyền từ nhà sản xuất Trung Quốc, trong đó HTV7 và FPT là các đơn vị mua lại bản quyền phát sóng từ TKL. 

Trang phimmoi.net có lượng truy cập rất lớn ở Việt Nam.

Thế nhưng, từ giữa tháng 8, khi mới được nửa bộ phim thì TKL đột ngột tạm gỡ bỏ các tập phim trên kênh Youtube chính thức của mình, cũng như trên các ứng dụng xem phim bản quyền. Các đơn vị mua lại như HTV và FPT cũng đứng ngồi không yên trước nguy cơ ảnh hưởng việc phát sóng. 

Nguyên nhân của sự việc này là do các trang phim lậu tại Việt Nam nhanh chóng phát phim mà không mua bản quyền. Đặc biệt hơn, tại các trang này, họ còn cho phát nhanh hơn so với chính trang gốc có phim bản quyền, nhanh hơn đến vài chục tập. Thậm chí còn chiếu nhanh hơn cả trang phim chính thống bên nước sản xuất ra là Trung Quốc.

Nhiều nhãn hàng là nguồn "oxy" nuôi dưỡng

Đã có nhiều câu hỏi đặt ra, tại sao các trang web chiếu phim chưa mua bản quyền? Kinh phí đâu để hoạt động? Câu trả lời là tiền quảng cáo của một số nhãn hàng là nguồi sống của họ. Tuy nhiên, để duy trì một trang phim lậu với doanh thu cả tỷ đồng mỗi tháng, chủ nhân gần như không phải bỏ bất kỳ một chi phí nào. 

Họ lấy từ nguồn lưu trữ chính của Google và chiếu những bộ phim không có bản quyền. Qua khảo sát tại trang Phimmoi.net (trang phim lậu có lượng truy cập cao nhất Việt Nam), một ô quảng cáo lên đến 25 triệu đồng/tuần, một đoạn quảng cáo trước khi chiếu phim được thu với mức 20.000 đồng/1.000 lượt xem. 

Theo thống kê của Cục Phát thanh Truyền hình thì hiện nay có tới 72% quảng cáo từ các trang xem phim lậu của các nhãn hàng lớn, 28% còn lại là những quảng cáo độc hại. Nhiều người cho rằng các biện pháp ngăn chặn là hoàn toàn bất lực, chỉ còn cách chặt đứt nguồn sống đó là quảng cáo mới là giải pháp. 

Tuy nhiên luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng văn phòng luật sư Iterlia cho rằng, một doanh nghiệp đơn vị muốn quảng cáo cho một nhãn hàng của mình thì chỉ cần không vi phạm điều cấm của luật. Trong khi đó không có điều khoản nào ngăn cấm đặt quảng cáo của mình trên website sai hay đúng, hay wesite đó xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hay không. Trong Luật Quảng cáo cũng chỉ quy định: Không quảng cáo bia rượu, bạo lực, tín ngưỡng, mê tín dị đoan, trái thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Gần đây Google có những biện pháp để hạn chế việc này chủ nhân của các web đã chuyển sang sử dụng ứng dụng Facebook. Họ không phải bỏ bất kỳ chi phí nào để lưu trữ trên nền tảng này. 

Anh Lý Bá Tuyền, một lập trình viên website ở Hà Nội cho biết: “Trước đây họ làm trên Google Drive phải bỏ một số tiền để mua, nhưng bây giờ với Facebook, họ không cần phải bỏ một đồng nào nữa mà hệ thống cũng ổn định hơn. Họ chỉ cần lập một fanpage trên Facebook cá nhân, đăng tải những bộ phim ở chế độ riêng tư. Làm thế sẽ tránh được việc Facebook quét bản quyền từng bộ phim. 

Lý do là vì mạng xã hội này không xét bản quyền vi deo riêng tư. Sau khi hoàn thành các bước đăng tải, chủ web thực hiện stream (phát) phim  về trang web bằng cách kiểm tra mã nguồn trang Facebook có video, tìm đường dẫn sau đoạn mã sd _sr_no_ ratelimit: Tương ứng với chuẩn HD. 

Với nguồn này, video sẽ có giao diện xem như trên Facebook tới tên người đăng, có cụ thể số lượng người xem trực tiếp”. Với cách làm đơn giản đó, đã có rất nhiều trang web phim lậu, vi phạm bản quyền chuyển sang sử dụng sever video của Facebook để thay thế Google. Như vậy chi phí tốn kém để mua sever (máy chủ) và mua bản quyền phim đều được chủ các website làm với chi phí gần như bằng 0 đồng.

Thống kê, đánh giá của một số trang phim tại Việt Nam.

Rõ ràng trong mỗi chúng ta, những người sử dụng Ineternet, ai cũng đã từng xem một bộ phim trên các trang web chiếu phim lậu. Nhiều người không biết rằng đây là hình thức tiếp tay cho hành động ăn cắp bản quyền, làm thiệt hại rất lớn cho các hãng phim và các trang web mua bản quyền phim, truyền hình. 

Anh Lê Văn Minh (Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội) cho hay: “Xem phim trên mạng là là thói quen của tôi, những ngày nghỉ thay vì đi chơi tôi thường xuyên lên mạng xem phim. Phim hay xem là những bộ phim lẻ của Mỹ, hay phim chưởng Hồng Kông. Xem trên mạng rất nhanh, không phải chờ đợi như xem trên truyền hình hay các trang có bản quyền. Thực ra nó là thói quen, tôi cũng không để ý trang web đó có mua bản quyền hay không. Đó là tâm lý chung tôi, cứ không mất tiền, tiện lợi là tôi xem. Có thấy ai ngăn cấm hay thu phí gì đâu. Tôi nghĩ ngăn cấm người xem là rất khó bởi vì chẳng ai kiểm soát được người xem”.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định sẽ có biện pháp mạnh tay với những trang web phim lậu này. "Chúng tôi chắc chắn đã có biện pháp và đầy đủ cơ sở để hành động ngăn chặn việc đó. Thứ nhất là dòng tiền của họ đến từ quảng cáo. Những đơn vị quảng cáo chắc chắn không muốn đứng cạnh đơn vị vi phạm bản quyền, kể cả những quảng cáo từ Google, quảng cáo tự động” – ông Lâm cho hay.
Quang Anh – Ngọc Anh
.
.