Tác giả sân khấu và nhà hát

Thứ Ba, 12/06/2018, 08:14
Sân khấu cách mạng Việt Nam, nếu tính từ năm 1954 đến nay đã 64 năm, hơn nửa thế kỷ; nhưng cơ bản vẫn là một nền sân khấu "ăn đong" về kịch bản. Tuy rằng, đã có thời kỳ hơn một thập kỷ của thế kỷ trước, sân khấu rất tưng bừng trong sự đón đợi của xã hội. Cùng đấy là sự xuất hiện của khá nhiều tác giả kịch bản sân khấu, điển hình và rực rỡ nhất là nhà thơ, nhà viết kịch  Lưu Quang Vũ.


Hằng năm, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam vẫn đều đặn tổ chức những trại sáng tác kịch bản sân khấu, nhưng các nhà hát vẫn "đói" kịch bản hay; cho dù nhà hát nào cũng hàng chồng kịch bản sân khấu được gửi đến. Có lẽ cho đến giờ chúng ta mới chợt bừng tỉnh và thấu ngộ: Hóa ra từ trước đến nay, chẳng có một hoạch định cơ bản, bài bản nào cho vấn đề đầu tiên mang tính quyết định của sân khấu, đó là kịch bản sân khấu.

Nếu sân khấu là sự xã hội hóa hoàn toàn thì sân khấu sẽ đi theo chiều hướng khác. Tuy nhiên, sân khấu là một ngành nghệ thuật gần 70 năm nay chịu sự quản lý và lãnh đạo của Nhà nước Việt Nam; hoạt động theo chủ trương, định hướng, được Nhà nước nuôi dưỡng để mong cầu phát triển một nền sân khấu mang bản sắc dân tộc… mới thấy sự quản lý của Nhà nước còn rất nhiều điều phải bàn định một cách thẳng thắn, trung thực vì sự phát triển của sân khấu Việt Nam.

Buồn rằng sự quản lý của Nhà nước thông qua các cơ quan chuyên môn như Bộ, Hội cũng chỉ cấp tiền cho các nhà hát hoạt động; và thường kỳ là thi tài năng, hội diễn v..v… Tại sao Nhà nước cho đến nay chưa có một chiến lược bài bản, lâu dài cho sự hưng thịnh và phát triển các loại hình văn hóa nghệ thuật, trong đó có sân khấu; mà vẫn chỉ hầu như dừng ở những chủ trương và cấp tiền hoạt động…!

Nhà hát Tuổi trẻ lại tiếp tục cho ra mắt vở diễn khá đặc sắc trong kho tàng kịch bản quý giá của tác giả Lưu Quang Vũ.

Muốn phát triển bất kỳ một thứ gì đều phải có sự đầu tư và học hỏi, nhất là trong thời đại toàn cầu hóa hôm nay. Đầu tư phải có cách, có phương pháp đầu tư đúng đắn, tối ưu, hợp lý mới mong có được những sản phẩm tốt. Học hỏi cũng vậy, muốn giỏi hơn người thì phải rèn luyện và học hỏi không ngừng. Điều quan trọng nữa là phải học những người, những nơi giỏi hơn mình.

Trong thế giới rộng lớn, đa chiều, nhiều bản sắc, nhiều trào lưu, khuynh hướng, sắc màu; hơn sáu mươi năm qua, sân khấu Việt Nam ngoài những loại hình sân khấu truyền thống, chúng ta chỉ học và sao chép chủ yếu của sân khấu Liên Xô (cũ) và Đức. Muốn phát triển, chúng ta phải biết "thu cả thế giới về trong tay". Tuy nhiên điều này là xa vời đối với cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa nghệ thuật là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Tài liệu "Vì sao Hàn Quốc giàu mạnh" cho biết: "Năm 1988, phim Hồng Kông tràn ngập thị trường và không có đối thủ. Ngay lập tức người Hàn tuyển chọn ra 2.000 sinh viên ưu tú nhất, cử sang Hollywood, điên cuồng học hành, từ đạo diễn, diễn viên, phục trang, đạo cụ…. 4 năm sau tốt nghiệp (năm 1992), những bộ phim đầu tay như: "Cảm xúc", "Mối tình đầu", "Hoa cúc vàng"… với một thế hệ diễn viên đẹp từng milimet đã chinh phục được hàng triệu con tim.

Ngành làm phim đã phối hợp khéo léo với ngành thời trang, mỹ phẩm và hàng tiêu dùng để xâm nhập vào các thị trường. Đại sứ quán Hàn Quốc tại các nước có nhiệm vụ dịch thuật ra tiếng địa phương và tặng không cho các đài truyền hình, tạo ra làn sóng Hanluy nổi tiếng. Người Nhật điên cuồng, người Trung Quốc điên đảo, các nước Đông Nam Á thì chỉ biết ngẩn ngơ. Phim Hồng Kông bị đá văng ra khỏi thị trường cho thuê băng đĩa. Cũng năm 1988, ở lĩnh vực thời trang, mỹ phẩm, thiết kế và một số ngành nghệ thuật khác; mỗi lĩnh vực người Hàn cử hàng nghìn sinh viên sang Ý, Paris, Anh…học hỏi…".

Ngày nay, Hàn Quốc nằm trong 24 quốc gia đứng đầu thế giới.

Đến đây chúng ta sẽ tự hỏi và tự tìm câu trả lời: Liệu đất nước ta có cử 20 người sang Mỹ học về điện ảnh, và 20 người sang Anh hay Đức học về sân khấu không! (chứ khoan nói về con số 2.000, lớn quá)…

Tác giả - người tạo nên diện mạo sân khấu

Không có kịch bản hay thì không thể có một vở kịch hay và hấp dẫn (tất nhiên để có một vở diễn hay còn rất nhiều yếu tố khác, đặc biệt là đạo diễn và diễn viên). Nếu như Nhà nước với các cơ quan chức năng, chuyên môn sớm có tầm nhìn xa rộng và lâu dài; xây dựng có hệ thống, có bài bản về đào tạo những người viết kịch; có lẽ sân khấu nước nhà không đến nỗi khan hiếm kịch bản hay. Đối với kịch nói thì cử người đi học nước ngoài. Đối với kịch truyền thống như Chèo, Tuồng, Cải lương… thì đào tạo trong nước.

Lịch sử sân khấu thế giới hay Việt Nam đã chứng minh, những tác giả tài năng sẽ sống cùng thời gian, như Sếchxpia của nước Anh, Béctôn Brếch của nước Đức, hay Lưu Quang Vũ của Việt Nam. Những tác giả sân khấu tài năng thông qua tác phẩm kịch của mình chuyển tải những thông điệp của cuộc sống, những tư tưởng của thời đại; và xa hơn nữa là chất nhân văn muôn thưở của con người. Và cũng chính các tác giả luôn luôn đi đầu trong sự cách tân, đổi mới sân khấu.

Thực trạng sân khấu Việt Nam mấy chục năm qua cho thấy, các tác giả kịch bản sân khấu là những người đứng ngoài cuộc. Ai có kịch bản cứ gửi đến các nhà hát, nếu thấy phù hợp nhà hát sẽ dựng vở, và tác giả có một khoản tiền nhất định. Vậy là xong. Quan hệ giữa tác giả và nhà hát cơ bản chấm dứt. Nhiều khi vở được công diễn, tác giả không nhận ra đó là vở kịch của mình viết; bởi đạo diễn đã mặc sức thay đổi cho phù hợp với cách nghĩ của họ.

Quá trình lao động sáng tạo ra một kịch bản sân khấu là một hành trình không hề dễ dàng. Viết kịch bản sân khấu, ngoài những yếu tố như tâm huyết, kiên trì đòi hỏi phải có tài năng. Nếu không có tài năng, tác giả cũng chỉ là anh thạo nghề.

Sân khấu Việt Nam đã từng lưu dấu ấn tên tuổi nhiều tác giả, qua nhiều thời kỳ. Khởi đầu của kịch nói có tác giả Vũ Đình Long, giai đoạn 1930-1945, với vở "Chén thuốc độc"; tiếp đó tác giả Lộng Chương với điển hình là vở "Quẫn". Giai đoạn cách mạng và chiến tranh của đất nước có nhiều tác giả, điển hình là Đào Hồng Cẩm với vở "Đại đội trưởng của tôi".

Giai đoạn những năm tám mươi, chín mươi của thế kỷ trước, nhiều tác giả đã tạo nên sức sống và diện mạo của sân khấu một thời huy hoàng, như tác giả Xuân Trình, Tất Đạt, Võ Khắc Nghiêm, Lưu Quang Vũ… Ngày nay, điểm mặt đội ngũ tác giả rõ ràng đông hơn trước; nhưng vì sao không có sự nổi trội! Có nhiều nguyên nhân, lý do mà chúng ta cần đặt câu hỏi ở đây: tài năng, sự đầu tư, cơ chế hoạt động, mối quan hệ, không khí thời đại…

Nếu không có một hình thức thích hợp nhằm tạo nên một đội ngũ những nhà viết kịch bản sân khấu có tài, có tâm, có tầm cho hôm nay và cho những năm tiếp theo, chắc chắn sân khấu Việt Nam vẫn sẽ trong tình trạng "ăn đong" về kịch bản, không biết đến bao giờ tình hình mới được cải thiện.

Nhà hát và “Con mắt xanh” của nhà hát

Vai trò của nhà hát vô cùng quan trọng trong một nền sân khấu. Nhà hát là nơi biến những kịch bản sân khấu thành những vở kịch có thể gây chấn động xã hội, tạo nên cách nghĩ, cách nhìn, tư duy thẩm mỹ hoàn toàn khác trước v..v… Nếu như nước Anh thế kỷ XVII không nở rộ sự cạnh tranh giữa các nhà hát ở thủ đô Luân Đôn; và nhà hát "Địa cầu" không là cái nôi khuyến khích, nâng đỡ, phát huy tài năng thiên bẩm của Sếchxpia; chưa hẳn Sếchxpia đã phát lộ thiên bẩm của mình để trở thành nhà viết kịch vĩ đại, để lại cho nhân loại những tác phẩm kịch bất hủ như: "Rômêô và Juliet", "Otenlo", "Vua Lia", "Mac Bet"… mà tư tưởng và tính nhân văn còn giá trị cho đến ngày nay.

Thực tế nhiều năm nay, mối quan hệ giữa nhà hát và các tác giả hết sức lỏng lẻo; thậm chí còn có thể hơn nữa là quan hệ xin - cho. Nhà hát dựng vở cho anh là may mắn lắm rồi… Nhiều khi để kịch bản được dựng, tác giả còn phải này, nọ rất nhiêu khê.

Ở một số quốc gia, như Mỹ và các nước phương Tây, trong lĩnh vực điện ảnh họ có chợ kịch bản và nơi mua ý tưởng. Kịch bản được mang bán, nếu hay được mua và trả bản quyền sòng phẳng. Nước ta cũng manh nha điều này, nhưng không tồn tại được. Bên cạnh đó là nạn quan chức ấn kịch bản để dựng. Làm gì có kịch bản của quan chức xuất sắc đến mức hàng chục nhà hát trong cả nước đều dựng vở.

Với cơ chế tự chủ hiện nay của các nhà hát, vai trò của nhà hát trong việc tìm kiếm kịch bản hay khá thuận lợi. Tuy nhiên, mỗi nhà hát cần tạo cho mình "Con mắt xanh" trong vấn đề lựa chọn kịch bản. Làm thế nào để có thể thẩm định, đánh giá được một kịch bản của tác giả này, tác giả kia là hay… Điều này không quá khó đối với một ban giám đốc nhà hát có trình độ. Và, nên chăng mời các nhà chuyên môn có trình độ cùng thẩm định.

Đã là quá muộn để thay đổi cách nhìn, mối quan hệ giữa nhà hát và tác giả. Mỗi nhà hát tùy điều kiện, khả năng cho phép có thể xây dựng mối quan hệ bền chặt, hoặc đầu tư cho những tác giả cần thiết. Khi đã đầu tư hoặc mua bản quyền từ khi ý tưởng, đồng nghĩa với việc kịch bản văn học ấy thuộc bản quyền của nhà hát, các nơi khác không có quyền khai thác. Mỗi nhà hát chủ động xây dựng cho mình những giải pháp thích hợp và cần thiết nhằm thông qua tác giả, đưa nhà hát trở nên nổi tiếng hơn nữa, độc đáo và mang bản sắc riêng hơn nữa.

Với thực trạng sân khấu nước ta hiện nay đứng trước sự cạnh tranh, lấn át của nhiều loại hình giải trí hiện đại, tìm một hướng đi, cách đi để tồn tại và phát triển là điều không đơn giản. Tuy nhiên, trái đất ban đầu không có đường, chỉ có đi mới thành đường.

Hà Nội, 1-6-2018
Cao Minh
.
.