Sân khấu xã hội hóa liệu có hồi sinh?

Thứ Sáu, 25/05/2018, 08:37
Trở về từ Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2018 (diễn ra vào cuối tháng 4), các sân khấu xã hội hóa phía Nam dường như có sự trỗi dậy mạnh mẽ với các suất diễn dày hơn. Liên hoan tạo ra cú hích ngoạn mục khiến người làm nghề khấp khởi vui mừng. Nhưng hiện tượng đó có kéo dài và thực sự khiến sân khấu kịch hồi sinh hay không vẫn là một câu hỏi lớn.


Sau Liên hoan, các sân khấu xã hội hóa của TP Hồ Chí Minh như đất cằn trải qua một cơn mưa mùa hạ. Sân khấu kịch Hồng Vân, Thế giới trẻ, Kịch 5B … sáng đèn nhiều hơn với các suất diễn kín khán giả. Các sân khấu mới như Kịch Quốc Thảo, Trịnh Kim Chi, Kịch Minh Nhí, Buffalo… cũng nhộn nhịp. Các vở tham dự liên hoan như "Đàn bà dễ có mấy tay", "Yêu là thoát tội", "Rặng trâm bầu", "Hiu hiu gió bấc", "Tiếng giày đêm"… ghi dấu ấn và đoạt giải cao tại Liên hoan trở nên đắt khách.

Người làm nghề không khỏi mừng rỡ xen lẫn ngạc nhiên. Không ngạc nhiên sao được khi một thời gian dài, sân khấu xã hội hóa của thành phố tựa ngọn đèn leo lắt trước gió. NSND Hồng Vân từng có ý định đóng cửa Sân khấu kịch Hồng Vân vì thu không đủ chi, chi phí mặt bằng ngày càng lên cao trong khi kịch mục ế ẩm. Tình trạng đáng báo động là cơ sở vật chất, địa điểm biểu diễn của các sân khấu đều tạm bợ, xuống cấp chứ chưa bàn đến vấn đề đạt chuẩn. 

Đạo diễn Ngọc Hùng, Giám đốc Sân khấu Thế giới trẻ ngán ngẩm: "Các sân khấu xã hội hóa ở TP Hồ Chí Minh có cơ sở vật chất tạm bợ, chủ yếu là thuê hội trường, cánh gà nhỏ hẹp, không có chỗ chứa đạo cụ, cảnh trí. Sân khấu nhỏ, thô sơ, đạo diễn không biết xoay xở thế nào trong không gian hẹp ấy. Do đó, có những nhận xét về kịch rằng, sức hút của vở diễn đều trông chờ vào diễn viên".

Cảnh trong vở "Đàn bà dễ có mấy tay" của Sân khấu kịch Hồng Vân.

Điển hình đau lòng nhất là Sân khấu Kịch 5B. Dù là "anh cả đỏ" của sân khấu kịch xã hội hóa phía Nam nhưng 5B vất vưởng hơn hai năm trời chờ sửa chữa mới có thể hoạt động trở lại. Mà sự trở lại này cũng nhờ tiền túi, nhờ sự chạy ngược chạy xuôi huy động anh em hậu đài, diễn viên của NSƯT Mỹ Uyên. Việc tắt đèn quá lâu khiến lượng khán giả quen thuộc mất dần đi.

Tuy nhiên, ngay cả các sân khấu mới mở dù có cơ sở vật chất khang trang, không chật vật về địa điểm nhưng hoạt động chưa lâu thì cũng phải đóng cửa vì ế khách. Bà Nguyễn Thu Thảo, quận Gò Vấp, một khán giả trung thành của các sân khấu kịch cho rằng thời gian qua khán giả rời xa sân khấu kịch không phải vì họ chán xem kịch, chuộng các món giải trí mới lạ mà vì chất lượng kịch mục quá tệ. 

"Nhìn qua các sân khấu chỉ toàn là kịch hài, kinh dị, đồng tính, ma quỷ. Nội dung câu chuyện dễ dãi, rề rà, giật gân câu khách hoặc lồng nhiều cảnh nóng. Hình thức, cách bố trí sân khấu, dàn dựng còn đơn điệu, lạc hậu. Những vở chất lượng, sáng tạo thì quá ít. Diễn viên hình như chạy show phim ảnh, gameshow nhiều quá nên quên thoại, thiếu nhập tâm, diễn mà như cái máy" - bà Thảo nói.

Tại hội thảo "Nâng cao chất lượng hoạt động nghệ thuật sân khấu trong thời kỳ mới" do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức vừa qua, NSƯT Trần Minh Ngọc, Trưởng Ban Lý luận phê bình của Hội cũng nhận định: "Thời kỳ mới, nhiều mâu thuẫn mới nảy sinh, thậm chí cả xung đột giữa thế giới cũ-mới, nhưng sân khấu vẫn chỉ quanh quẩn những đề tài về quá khứ lịch sử hoặc đời sống hằng ngày với những mâu thuẫn cá nhân vụn vặt, đời thường. Mò mẫm làm sân khấu thị trường mà không nắm được quy luật sẽ dẫn đến bế tắc. Sân khấu xã hội hóa nương theo các yếu tố giải trí như đồng tính, ma, kinh dị, hài…, dần dần đánh mất sức hút với công chúng".

Chật vật một thời gian dài nên các sân khấu xã hội hóa không quá kỳ vọng vào hiệu ứng khán giả ở kỳ Liên hoan vừa qua. Những mùa liên hoan trước, cả khán phòng rộng mênh mông vắng như chùa Bà Đanh nên mùa nào các đoàn cũng đăng ký tham gia với tinh thần giao lưu, học hỏi là chính. 

Nhưng thật bất ngờ khi Liên hoan năm nay thành công ở chính điều ít được kỳ vọng nhất. Khán giả đến xem đông nghịt, thậm chí phải tranh nhau chỗ đứng. Các vở cách mạng như "Rặng trâm bầu" của Sân khấu Kịch Trịnh Kim Chi, "Châu về Hợp Phố" của Sân khấu Kịch Hồng Vân, vở nặng thể nghiệm như "Gương mặt kẻ khác" của Sân khấu Kịch 5B, vở lịch sử như "Yêu là thoát tội" của Thế giới trẻ… đều không còn một ghế trống.

NSƯT Trịnh Kim Chi, bà "bầu" Sân khấu Kịch Trịnh Kim Chi lý giải rằng có thể do năm nay nhiều ngôi sao nổi tiếng tham gia diễn xuất nên liên hoan hút khán giả. NSƯT Hoài Linh, Đàm Loan, Minh Nhí, Mỹ Uyên, Quý Bình, Long Nhật … là những "át chủ bài" làm nên chuyện. Họ là linh hồn, trụ cột để các diễn viên trẻ dựa vào mà tung hứng. Ngoài ra, theo NSƯT Trịnh Kim Chi, khán giả đến ủng hộ còn nhờ chiến lược truyền thông khôn khéo của ban tổ chức lẫn anh em nghệ sĩ. Chị cho biết: "Từ khi liên hoan chuẩn bị khởi động đến trước mỗi đêm thi, anh em nghệ sĩ chúng tôi đều lên Facebook hoặc các trang mạng xã hội kêu gọi bạn bè và fan đến cổ vũ. Nhưng tôi nghĩ điều quan trọng nhất níu chân khán giả, khiến các vở về cuối liên hoan vẫn đủ sức hút khách là nhờ chất lượng kịch được đầu tư, nâng cao". 

Theo dõi nhiều vở dự thi, khán giả Nguyễn Thu Thảo tấm tắc: "Nhờ liên hoan, tôi mới thấy được sự đa diện, đa sắc của sân khấu kịch thành phố. Ngay cả sân khấu mới toanh, lần đầu ra quân như Sân khấu Minh Nhí, Buffalo… cũng có nhiều vở đặc sắc".

Sau Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc, giới chuyên môn hy vọng sân khấu xã hội hóa phía Nam sẽ hồi sinh (Trong ảnh: Một cảnh trong vở "Hiu hiu gió bấc" của sân khấu Buffalo).

Tóm lại, có thể xem "chất lượng + công nghệ quảng bá + ngôi sao" là công thức thành công của liên hoan lần này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng khán giả đến liên hoan đông đảo vì được xem kịch hay miễn phí chứ nếu bán vé kinh doanh thì vở sở hữu công thức trên cũng sẽ ế chỏng ế chơ. 

Thực tế đã chứng minh có những vở chất lượng, hấp dẫn vẫn tạo nên cơn sốt vé. Nhạc kịch "Tiên Nga", "Chuyện tình nàng Giáng Hương" hay vở "Tấm Cám", "Lan và Điệp phiên bản mới" đều được khán giả ủng hộ nhiệt tình. Thậm chí "Tấm Cám" của Sân khấu IDECAF luôn trong tình trạng "cháy" vé và đau đầu đối phó với vé "chợ đen" lộng hành. Thế nhưng, số vở như thế  hiện nay đếm trên đầu ngón tay.

Do đó, hậu Liên hoan kịch nói toàn quốc, các sân khấu nhanh chóng nhìn lại khâu kịch bản, chất lượng nội dung, dàn dựng lẫn đôn đốc lại đội ngũ diễn viên. Bởi người ta lo ngại rằng, việc nhộn nhịp của sân khấu hiện nay chỉ là nhờ hiệu ứng tức thời hậu Liên hoan. Sau khi cơn sốt lắng xuống, mọi thứ lại đâu vào đấy.

Điều cần vực lại trước tiên là vấn đề kịch bản. Đây vẫn là căn bệnh nan y khó giải. Bởi như đánh giá của NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, số kịch bản đột phá, mới mẻ và dám xoáy sâu vào các vấn đề nhức nhối của đời sống vẫn quá ít ỏi. Đa phần kịch bản đều theo kiểu "cũ người mới ta". Sự sáng tạo, lôi cuốn của vở kịch đến từ phần dàn dựng và diễn xuất. Nhưng hai thứ đó không thể cứu vãn mãi cho tình trạng thiếu kịch bản.

Dựa dẫm quá nhiều vào tên tuổi ngôi sao cũng dễ tạo ra vũng lầy cho các sân khấu. Bởi ngôi sao là những người chạy show nhiều, nhất là khi gameshow truyền hình và phim ảnh nở rộ như hiện nay. Nhà viết kịch Lê Quý Hiền thừa nhận, tại Liên hoan, thành phần tham gia vào các khâu của vở kịch đa phần là những gương mặt cũ, lão làng trong khi đội ngũ trẻ còn hiếm hoi. Trong khi đó, kỳ vọng của Liên hoan vẫn là tạo sân chơi dành cho các nhân tố mới giao lưu, rèn giũa kinh nghiệm. 

Nghịch lý là khi đi thi, ngôi sao giành nhiều đất diễn còn gương mặt mới chỉ là phụ họa, đến khi biểu diễn chính thức ở các rạp để duy trì đời sống sân khấu đúng nghĩa thì lại đổ hết lên vai đội ngũ trẻ còn non kinh nghiệm. Kết quả là kịch mục dễ dãi, diễn xuất đi xuống khiến khán giả quay lưng.

Ai cũng hiểu, đi thi thì các sân khấu chăm chút từng li từng tí cho vở diễn. Khán giả như bà Nguyễn Thu Thảo chậc lưỡi: "Chỉ mong các vở kịch bán vé phục vụ khán giả mà cũng được đầu tư công phu, kỹ lưỡng như đi thi thì khán giả tụi tui đâu có tiếc tiền vô coi".

Mai Quỳnh Nga
.
.