Phim truyền hình Việt vẫn hót nhờ kịch bản ngoại

Thứ Sáu, 25/01/2019, 09:26
Sau một thời gian chờ đợi, bộ phim "Mối tình đầu của tôi" (đạo diễn Bảo Nhân - Nam Cito, Việt hóa từ bộ phim ăn khách "She was pretty" của Hàn Quốc) chính thức lên sóng VTV3 từ ngày 16/1 vừa qua. Với dàn diễn viên trẻ đẹp là những gương mặt được nhiều khán giả trẻ mến mộ và lợi thế từ kịch bản phim hấp dẫn, "Mối tình đầu của tôi" hứa hẹn sẽ "gây bão" trên sóng truyền hình.


Liên tiếp những bộ phim Việt hóa tạo được sức hút mạnh mẽ, đó là tín hiệu khởi sắc cho truyền hình vào thời điểm này nhưng cũng là nỗi lo cho sự phát triển của phim Việt trong tương lai.

Những bộ phim Việt hóa gây sốt màn ảnh nhỏ

Không nằm ngoài dự đoán, những tập đầu tiên của "Mối tình đầu của tôi" tạo được ấn tượng tốt với khán giả. Sự xuất hiện của Ninh Dương Lan Ngọc với vai diễn An Chi hoàn toàn khác so với hình ảnh của cô trước đó đã mang đến cho khán giả sự háo hức và những tiếng cười.

An Chi là một cô nàng có ngoại hình xấu xí, luôn gặp xui xẻo trong cuộc sống và công việc. Trái ngược với An Chi là cô bạn thân Hạ Linh (Chi Pu thủ vai) xinh đẹp, có nhiều chàng trai vây quanh. Những rắc rối, tình tiết hấp dẫn, hài hước xuất phát từ mối quan hệ giữa hai cô gái và các chàng trai.

"Mối tình đầu của tôi" còn có sự tham gia của hai hot boy là Bình An (vai Nam Phong) và B Trần (vai Minh Huy). Phiên bản gốc của phim là "She was pretty" từng tạo được hiệu ứng rất tốt ở xứ sở Kim Chi. Nhà sản xuất cũng cho biết, do "She was pretty" thành công nên "Mối tình đầu của tôi" đứng trước áp lực khi bị so sánh với phiên bản gốc. "She was pretty" phiên bản Việt có độ dài là 60 tập.

Dàn diễn viên "trai xinh, gái đẹp" trong "Ngày ấy mình đã yêu" - một bộ phim Việt hóa được nhiều khán giả trẻ yêu thích trong năm 2018.

Những bộ phim được vinh danh ở hạng mục phim truyền hình tại Liên hoan phim truyền hình toàn quốc lần thứ 38 tổ chức tại Lâm Đồng hồi cuối tháng 12 vừa qua đều là phim Việt hóa. Trong đó, giải vàng cho phim "Gạo nếp gạo tẻ" (DID TV sản xuất, đạo diễn Nguyễn Hoàng Anh, Võ Thạch Thảo, Việt hóa từ phim "Wang's Family của Hàn Quốc) cùng giải "Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất" cho Lê Phương; giải "Nam diễn viên chính xuất sắc nhất" được trao cho Nhan Phúc Vinh trong phim "Ngày ấy mình đã yêu" (VFC sản xuất, đạo diễn Khải Anh, Việt hóa từ phim "Discovery of love" của Hàn Quốc).

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Trưởng ban giám khảo thể loại phim truyền hình nhận xét rằng, phim "Gạo nếp gạo tẻ" có câu chuyện rất phù hợp với tâm lý khán giả Việt. Tuy là kịch bản Việt hóa nhưng lại thể hiện rất sinh động. Các nhân vật gắn kết với nhau trong một gia đình và nhiều câu chuyện tạo cảm giác rất gần gũi. Ban Giám khảo đánh giá rất cao sự đồng đều về diễn xuất của các diễn viên, cũng như sự đầu tư, dàn dựng về hình ảnh, giúp phim vượt trội về chất lượng trên mặt bằng chung của các tác phẩm dự thi năm nay.

Trước đó, được biết, thể lệ các kỳ liên hoan phim thường niên, phim Việt hóa thường không có cơ hội tranh tài mà chỉ phim có kịch bản thuần Việt mới có cơ hội được vinh danh. Sự thay đổi này chứng tỏ tư duy mới của Ban Tổ chức liên hoan khi xác định sự ảnh hưởng, vai trò của dòng phim Việt hóa. Bên cạnh đó, sự vinh danh này cũng là dịp để các nhà làm phim Việt nhìn nhận, soi chiếu, đánh giá, tại sao những bộ phim thuần Việt lại không thu hút khán giả như phim Việt hóa.

Nhìn lại phim truyền hình Việt thời gian gần đây, có thể thấy rằng, những bộ phim hot nhất thuộc về dòng phim remake. Ngoài "Gạo nếp gạo tẻ", "Ngày ấy mình đã yêu", có thể "điểm danh" một vài bộ phim như "Sống chung với mẹ chồng" (chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của tác giả Trung Quốc Phù Thủy Dưới Đáy Biển), "Người phán xử" (Việt hóa từ phim Israel) hay gần đây nhất là "Hậu duệ mặt trời" (Việt hóa phim Hàn Quốc)… Phim được Việt hóa nhiều nhất có nguồn gốc từ Hàn Quốc, Trung Quốc. Có lẽ yếu tố văn hóa, tâm lý của các quốc gia phương Đông có nhiều nét tương đồng với Việt Nam sẽ thuận lợi hơn trong quá trình Việt hóa phim.

Nên mừng hay lo?

Một số nhà sản xuất cho rằng, khi mình chưa thật sự giỏi thì việc mua kịch bản hay của các nước để làm lại là giải pháp có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không phải dự án Việt hóa nào cũng thành công nhưng ngay cả khi thất bại, các nhà sản xuất cũng rút ra được những bài học quý giá, tích lũy thêm kinh nghiệm cho mình.

Phim muốn thành công, yếu tố đầu tiên cần phải có là kịch bản hấp dẫn. Đây là điểm yếu cố hữu của phim truyền hình Việt. Các nhà sản xuất thường xuyên phải lên tiếng về tình trạng "khát" kịch bản hay, đội ngũ biên kịch Việt thiếu chuyên nghiệp.

Một cảnh trong bộ phim "Mối tình đầu của tôi" - phim Việt hóa từ tác phẩm ăn khách "She was pretty" của Hàn Quốc lên sóng VTV từ ngày 16/1 vừa qua.

Để có kịch bản hay, đòi hỏi nhiều yếu tố, từ sự tâm huyết, tài năng, sáng tạo đến vốn sống của nhà biên kịch. Một vài nhà biên kịch tài năng không đủ để đáp ứng nhu cầu của các nhà sản xuất phim Việt. Bên cạnh đó, suy cho cùng, sản xuất phim truyền hình cũng là một "kênh" đầu tư mà lợi nhuận là yếu tố được đặt lên hàng đầu.

Chính vì vậy, Việt hóa phim truyền hình ăn khách nước ngoài là giải pháp an toàn với các nhà đầu tư. Lợi thế thấy rõ là các phim được lựa chọn Việt hóa là phim ăn khách ở nước sở tại, có nội dung, tình tiết hấp dẫn. Thông qua các phương tiện truyền thông hoặc mạng xã hội, khán giả Việt ít nhiều cũng đã biết đến những bộ phim này. Phim Việt hóa thường có lợi thế về số lượng khán giả do công chúng tò mò xem những bộ phim có diện mạo ra sao khi được Việt hóa, dàn diễn viên chính, phụ trong phim có xuất sắc như phiên bản gốc hay không?.

Nói như vậy không có nghĩa rằng, làm phim Việt hóa đơn giản, nhà sản xuất chỉ việc lựa chọn diễn viên rồi "lắp ráp" vào kịch bản có sẵn. Cái khó nhất là làm sao để đưa yếu tố văn hóa Việt vào phim một cách nhuần nhuyễn, không khiên cưỡng. Dù phim gốc có xuất xứ từ các quốc gia Châu Á nhưng con người ở mỗi quốc gia đều mang nét văn hóa, cách cảm, cách nghĩ riêng không thể trộn lẫn. Ngoài ra, việc khán giả bình luận, so sánh phim với phiên bản gốc tạo áp lực cho các nhà sản xuất phim.

Xung quanh trào lưu phim Việt hóa có nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó, có ý kiến cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, Việt Nam phải hòa nhập với các nền văn hóa khác là xu thế tất yếu. Đây là thời cơ để Việt Nam tranh thủ học tập kinh nghiệm làm phim của các quốc gia trên thế giới. Việt hóa kịch bản ngoại cũng nằm trong trong xu thể này. Thông qua việc sử dụng kịch bản ngoại, Việt Nam cũng có thể học hỏi được kinh nghiệm bổ ích cho quá trình sản xuất phim tại Việt Nam.

Lý giải này không phải không có lý bởi thực tế cho thấy, không chỉ Việt Nam, mua lại kịch bản phim ăn khách để remake là cách mà nhiều quốc gia trên thế giới đang thực hiện. Tuy nhiên, tôi cho rằng, sự khác biệt là ở chỗ, rất ít phim Việt có kịch bản hấp dẫn để nước ngoài mua bản quyền làm lại và hẳn cũng không có quốc gia nào mà trào lưu phim Việt hóa lại rầm rộ, trở thành một xu hướng phát triển mạnh mẽ cả trên lĩnh vực phim truyền hình và điện ảnh như ở Việt Nam.

Nhìn lại bức tranh phim truyền hình Việt Nam 2018, nhiều người nhận định rằng, phim Việt đang khởi sắc khi nhiều bộ phim nhận được sự quan tâm lớn của khán giả. Thậm chí có bộ phim "gây bão" trên các diễn đàn trong một thời gian dài. Đây là tín hiệu đáng mừng cho phim Việt sau thời gian dài bị đánh giá là "ngủ đông".

Tuy nhiên, đó mới là tín hiệu vui ở "cái vỏ bề ngoài", mang tính hiện tượng, chưa xuất phát từ thực chất bên trong. Khi trào lưu Việt hóa lắng xuống, liệu phim Việt có thể tiếp tục phát triển khi vẫn thiếu vắng những yếu tố nền tảng cần thiết?. Tôi không phê phán trào lưu Việt hóa phim nhưng cho rằng, để đi đường dài và phát triển bền vững, phim Việt phải xây dựng được những yếu tố nền tảng cần thiết cho sự phát triển, nhất là vấn đề con người, từ nhà sản xuất, đạo diễn, biên kịch, diễn viên… Việt hóa chỉ nên là "một nhánh" trong sự phát triển phim truyền hình chứ không thể là trào lưu rầm rộ như hiện nay.

Trần Nguyễn Hoàng Vũ
.
.