Phim truyền hình Việt: Vẫn “hot” phim Việt hóa

Thứ Năm, 28/12/2017, 09:49
Bộ phim "Cả một đời ân oán" vừa ra mắt những tập đầu tiên đã thu hút được sự quan tâm khá lớn của khán giả truyền hình. Như vậy, ngay sau sự thành công của những bộ phim chuyển thể từ kịch bản nước ngoài như "Người phán xử", "Sống chung với mẹ chồng"... phim truyền hình Việt Nam vẫn tiếp nối trào lưu này. Sự chiếm lĩnh của dòng phim "Việt hóa" không chỉ đánh dấu một thời kỳ đặc biệt của phim truyền hình Việt Nam mà còn đặt ra những vấn đề còn nhiều băn khoăn.


Ngay khi vừa ra mắt khán giả màn ảnh nhỏ, bộ phim "Cả một đời ân oán" (đồng đạo diễn là NSƯT Vũ Trường Khoa và NSƯT Nguyễn Trọng Trinh) đã bước đầu tạo được sự quan tâm của dư luận. Bộ phim không chỉ quy tụ một dàn diễn viên khá ưu tú của cả hai miền Nam - Bắc như NSƯT Mạnh Cường, NSƯT Mỹ Uyên, diễn viên Mạnh Trường, Hồng Đăng, Hồng Diễm, Lan Phương... mà còn tạo được sự tò mò bởi đây là bộ phim được mua kịch bản và chuyển thể từ bộ phim Đài Loan. Bộ phim này từng "làm mưa làm gió" tại châu Á, thậm chí ngay tại quê hương gốc đã có 2 phiên bản của phim này: "Cô dâu triệu phú" (năm 2006) và "Cô dâu bạc triệu" (năm 2014).

Dù kịch bản không mới nhưng "Cô dâu bạc triệu" có mạch phim vừa kịch tính, vừa lồng ghép được những câu chuyện gia đình, lứa đôi một cách nhẹ nhàng, hợp lý khiến nguyên tác Đài Loan được khán giả châu Á đón nhận và theo dõi. Giống như kịch bản gốc, "Cả một đời ân oán" xoay quanh mối quan hệ gia đình phức tạp: vợ cả, vợ lẽ, con chung, con riêng và những câu chuyện tình cảm trong gia đình Vũ Gia.

Phía nhà sản xuất cho biết, "Cả một đời ân oán" được chỉnh sửa cho phù hợp với văn hóa và thói quen của người Việt. Ngoài ra, bộ phim cũng nhận được sự đầu tư khá lớn về công nghệ làm phim như chất lượng hình ảnh 4K, hệ thống thu thanh đồng bộ cũng như bối cảnh, trang phục cho diễn viên được chăm chút kỹ lưỡng.

Phim “Cả một đời ân oán” là sự tiếp nối dòng phim Việt hóa.

Như vậy, có thể nói, năm 2017 là năm của những bộ phim được mua kịch bản từ nước ngoài. Thậm chí, so với số lượng những bộ phim điện ảnh được Việt hóa thì ở lĩnh vực phim truyền hình đang có con số áp đảo. "Người phán xử", bộ phim có lượng rating cao nhất từ trước đến nay được Việt hóa từ kịch bản của Israel, ngay cả bộ phim tưởng là vô cùng thuần Việt "Sống chung với mẹ chồng" cũng là phim khai thác kịch bản từ tiểu thuyết "Phù thủy dưới đáy biển" của Trung Quốc.

"Gia đình là số 1" có kịch bản chuyển thể từ sitcom "High kick" đình đám của Hàn Quốc do đạo diễn Trung Lùn thực hiện. Đây là tác phẩm dài hơi, phát trên HTV7 từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần. Đến nay phim đã đạt đến gần 200 tập mà chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Không chỉ có lượng rating cao, "Gia đình là số 1" còn thành công ở mặt trận online. Có khá nhiều khán giả theo dõi phim trên mạng.

Không phải tới thời điểm này mới có trào lưu Việt hóa từ kịch bản nước ngoài. Trước đó, từ năm 2006 đã có những bộ phim được Việt hóa từ kịch bản nước ngoài như "Mùi ngò gai", "Cô gái xấu xí", "Cầu vồng tình yêu" "Người mẫu", "Anh em nhà bác sĩ"...

Sau này, danh sách dòng phim này được nối dài bằng "Ngôi nhà hạnh phúc" (chuyển thể từ "Full House" của Hàn Quốc), "Váy hồng tầng 24" (Việt hóa từ "Unbeatable 1" của Đài Loan), "Những người độc thân vui vẻ" (Việt hóa từ kịch bản gốc Trung Quốc). Gần đây, những bộ phim như "Dù gió có thổi", "Gia đình là số 1"... cũng có kịch bản được mua từ nước ngoài. Tuy nhiên, một số bộ phim Việt hóa trước đây không tạo được cơn sốt nào đáng kể. Thậm chí, có những bộ phim đã phải dừng lại giữa chừng vì nhạt, khán giả tẩy chay vì cho rằng không phù hợp với tâm lý, đời sống người Việt.

Sau một thời gian, trào lưu phim truyền hình Việt hóa đã lắng lại. Từ thành công của "Người phán xử", "Sống chung với mẹ chồng" trong việc thu hút khán giả đã khiến cho những quan niệm về phim Việt hóa lại thay đổi. Không thể phủ nhận, chính những bộ phim này đã khiến khán giả có cái nhìn thiện cảm trở lại với phim truyền hình.

Hiếm có bộ phim nào mà trong và sau khi phát sóng đều được khán giả bàn luận rôm rả trên các trang mạng xã hội cũng như trên báo chí. Nhân vật trong những bộ phim này đi vào trong câu chuyện đời thường. Ngoài ra, những bộ phim này cũng đã chiếm lĩnh phần lớn giải thưởng dành cho lĩnh vực phim truyền hình trong năm qua.

Được biết, thừa thắng xông lên, khu vực phía Nam cũng đã cho ra mắt khán giả bộ phim "Glee" có kịch bản gốc của Mỹ, "Mối tình đầu" - bộ phim có kịch bản từ bộ phim truyền hình nổi tiếng một thời của Hàn Quốc. Và nghe đâu, một nhà sản xuất cũng ấp ủ Việt hóa bộ phim đình đám của Hàn Quốc "Vì sao đưa anh tới"...

Chọn kịch bản nước ngoài để Việt hóa đang là cách làm của nhiều đạo diễn phim truyền hình hiện nay. Họ chỉ cần Việt hóa không gian, văn hóa, câu chuyện, con người... là có thể có một bộ phim hứa hẹn thành công. Tiết kiệm thời gian viết kịch bản và khả năng thành công cao hơn đang là những lợi thế của cách làm này.

Từ sự thất bại và thành công của những bộ phim Việt hóa vừa qua cho thấy một quy tắc: chỉ có thể Việt hóa một cách thông minh mới mang lại chiến thắng. Từ cốt truyện chính, các nhà biên kịch phải lồng vào đó những câu chuyện của người Việt, suy nghĩ, tính cách của người Việt mới thu hút được khán giả. Việc Việt hóa phim thực sự là một trào lưu và lựa chọn kịch bản nào để Việt hóa là một việc làm mạo hiểm vì không phải kịch bản nào cũng thành công như mong đợi. Nó phụ thuộc vào tính phát hiện đề tài của nhà sản xuất, khả năng tiếp cận vấn đề của đạo diễn, trình độ diễn xuất của diễn viên và cả yếu tố may mắn.

“Người phán xử” được đánh giá là bộ phim Việt hóa thành công nhất từ trước đến nay.

Sự thành công của những bộ phim truyền hình Việt hóa gần đây tiếp tục khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của kịch bản. Và rõ ràng, lâu nay, phim Việt bị khán giả quay lưng chính bởi chúng ta chưa có những kịch bản hay, thu hút khán giả. Không ít đạo diễn cho rằng, khả năng diễn xuất của diễn viên không hề thua kém các nước bạn nhưng chúng ta không có nhiều kịch bản hay để các diễn viên phát huy hết khả năng của mình.

Trả lời báo chí về số lượng những bộ phim được Việt hóa, đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc VFC cho biết: Năm 2017, kịch bản phim có bản quyền nước ngoài chiếm tới 40% các bộ phim do đơn vị này sản xuất. Việc Việt hóa một kịch bản phim nước ngoài cũng tốn khá nhiều thời gian. "Người phán xử" phải mất tới 3 năm để hoàn thiện kịch bản, "Sống chung với mẹ chồng" còn kéo dài tới 4 năm để có được một kịch bản thuần Việt.

Bên cạnh niềm vui từ những bộ phim Việt hóa thì kèm theo đó là sự chạnh lòng và không ít băn khoăn. Giả sử, nếu những bộ phim ấy không có kịch bản gốc từ nước ngoài, liệu có được khán giả yêu thích đến như vậy? Hoặc, nếu những bộ phim có lượng người xem khủng ấy có kịch bản của trong nước thì niềm vui mới thật trọn vẹn. Tình trạng thiếu kịch bản hay là điều không thể phủ nhận.

Ngoài sự xuất hiện của những bộ phim truyền hình được Việt hóa thì sự có mặt của những bộ phim nối dài như "Hoa cỏ may", "Những ngọn nến trong đêm", "Thương nhớ ở ai", "Tuổi thanh xuân"... đã cho thấy kịch bản của các tác giả Việt hiện nay đã không đáp ứng được nhu cầu làm phim cũng như nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của đa số khán giả. Mặc dù số lượng phim ngày càng tăng lên nhưng chất lượng phim không tương xứng. Và nguyên nhân của sự ra tăng số lượng phim mua kịch bản của nước ngoài chính bởi sự phát triển không đồng nhất giữa chất và lượng. Các nhà làm phim đã phải làm mọi cách để có được những kịch bản phim ưng ý.

Một trong những lý do khiến chúng ta thiếu vắng những kịch bản hay là bởi việc đào tạo các nhà biên kịch phim truyền hình chưa chuyên nghiệp. Đa số các đơn vị sản xuất phim đều rơi vào thế "ăn đong", cũng như phần lớn lực lượng tác giả kịch bản là nghiệp dư. Phía VFC cho biết, có thể sắp tới sẽ tổ chức phát động thi viết kịch bản phim truyền hình. Ngoài mong muốn có kịch bản chất lượng tốt thì hy vọng tạo được cú hích để có thêm nhiều tác giả mới, chuyên tâm với viết kịch bản phim.

Khánh Thảo
.
.