Nhà thơ Lê Quang Sinh: Người không… tình cờ
- Nhà thơ Nguyễn Hồng Hà:Người lính ít lời
- Chuyện nhà thơ và quán cơm dưới chân núi Nghĩa Lĩnh
- Đi qua mùa cứu độ chúng sinh
- Nhà thơ Thanh Quế: Những trang văn từ máu và nước mắt!
“Dân Bách khoa chính hiệu làm thơ và trở thành nhà thơ có tiếng từ rất sớm, đầu tiên phải kể là nhà thơ Nguyễn Xuân Thâm. Ông sinh năm 1939, năm nay đã 77 tuổi.
Từ lâu, ông được độc giả nhớ nhất bởi bài thơ “Trống và lửa” với những câu mở rất có nhịp điệu, khí thế và ngồn ngộn hình ảnh: Trống và lửa/ Tiếng gió chạy trong rừng đen, tiếng cây đổ/ Tiếng chiêng trầm trong rông chiêng/ Trời Tây Nguyên, chiều đại ngàn rực đỏ/ Cuồn cuộn sông Ba hiện lên trong ánh lửa/ Bóng lũ làng giáo mác dựng bên nhau/ Đàn voi đi bành tía bành nâu...”. “Trống và lửa” là bài thơ gây được ấn tượng trong thơ chống Mỹ và đến giờ, vẫn được coi là mộ trong những bài thơ hay. Bài thơ này được in chọn vào nhiều tuyển thơ.
Gần đây nhất, nó là một trong hai bài thơ của Nguyễn Xuân Thâm được chọn vào tuyển “Thơ thế hệ nhà thơ chống Mỹ cứu nước. Cho nên, cũng không phải vô cớ mà dân làm thơ một thời gọi Nguyễn Xuân Thâm là ông “Trống và lửa”. Tiếp sau Nguyễn Xuân Thâm, còn có Khánh Nguyên, Đoàn Xuân Hòa, Trần Huy Tản... mỗi người mỗi vẻ khác nhau.
Từ năm 1979 trở đi, danh sách người làm thơ là từng theo học ở Đại học Bách khoa còn nối dài thêm nữa. Đó là Đoàn Thông, Hà Đức Hạnh, Hồ Kim Nga, Kiều Ánh Hương, Thủy Tiên, Nguyễn Thành Phong, Lê Quang Sinh… Lớp trẻ hơn còn có Trần Hưng, Hoàng Liên Sơn, Đỗ Huy Chí… Sau này, trong số này có nhiều người trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, trong đó có Lê Quang Sinh.
Tôi gặp Lê Quang Sinh lần đầu vào năm 1979, sau khi cuộc Chiến tranh biên giới vừa kết thúc. Thời điểm ấy, anh đang theo học năm thứ hai ngành Kỹ thuật đúc -Khoa luyện kim (Đại học Bách khoa Hà Nội), còn tôi đang theo học năm thứ hai Khoa Ngữ Văn (Đại học Tổng hợp Hà Nội). Trong đêm thơ thứ nhất ở một “miền đất” tưởng như rất khô khan này, tôi được nghe những câu thơ tuy vụng về, rụt rè, hồn nhiên, nhưng rất dễ thương của những chàng, những nàng sinh viên vốn thiên về khoa học kỹ thuật.
Lê Quang Sinh nhớ lại: “Đây là kết quả của những tấm lòng yêu thơ một cách nhiệt tình, tự nguyện và cũng là cuộc trình làng của nhóm thơ “Vòm cửa xanh”. Hồi ấy, nhóm này có 13 người thì có đến 12 người là sinh viên, trừ Đoàn Thông là giáo viên trợ giảng. Chúng tôi “là một” rất nhanh và cũng nhanh chóng kết thành một câu lạc bộ.
Từ xuất phát ấy, chúng tôi xác định: Mỗi năm, tổ chức một đêm thơ, tổ chức một cuộc thi thơ, mỗi tháng gặp nhau sinh hoạt một lần và coi đây là một cuộc chơi dài dài. Rồi chúng tôi mở rộng mối liên kết với những tấm lòng yêu thơ của các trường đại học bạn như Tổng hợp, Sư phạm…
Vạn sự khởi đầu nan. Ban đầu, chúng tôi cũng vất vả lắm và phải vượt lên rất nhiều thử thách. Đơn giản vì nếu nói một cách to tát, chẳng gì chúng tôi là những người mang sứ mệnh khai mở và đặt nền móng đầu tiên cho một phong trào thơ. Vả lại, cũng nhân dịp này, chúng tôi cũng muốn chứng minh: Về mặt tâm hồn, chắc gì “dân” xã hội đã phong phú hơn “dân” tự nhiên, “dân” kỹ thuật chúng tôi”.
Tôi đã có mặt trong những đêm thơ Bách khoa ấy và được chứng kiến những khuôn mặt, những ánh mắt tò mò khi người nghe được nhìn thấy những người đọc thơ. Tôi nhớ cả tiếng vỗ tay ran ran không ngớt ở một hội trường lớn có sức chứa cả nghìn người. Về mặt hình thức, phải nói là… rất oách.
Ra trường, Lê Quang Sinh chân ướt chân ráo vào Sài Gòn. Nơi anh gắn bó ban đầu là Nhà máy cơ khí 276 thuộc Bộ Thủy lợi. Có khoảng 6 – 7 năm, theo tiếng gọi của “kế hoạch 3”, anh được giao phụ trách một bộ phận dịch vụ xây dựng và san lấp của nhà máy. Hồi ấy, “kế hoạch 3” được hiểu là phần việc tự khai thác, tự làm thêm ngoài chức năng, nhiệm vụ nhằm kiếm thêm nguồn thu, góp phần cải thiện đời sống cho đơn vị. Hẳn phải là người năng động, Lê Quang Sinh mới dám xông vào cái địa hạt còn lạ hoắc và mới mẻ này.
Năm 1993, Lê Quang Sinh rời cơ quan nhà nước ra ngoài làm thầu xây dựng mà không hề băn khoăn gì. Cuộc mưu sinh cho “ra tấm ra món” của anh bắt đầu chính thức từ đây.
Khi tôi hỏi: “Thế rồi, mọi thứ có khá khẩm hơn không?” thì Lê Quang Sinh cười hóm hỉnh: Cũng không đến nỗi tệ. Sau cuộc ấy, tôi mua được một ngôi nhà có diện tích đáng kể, lại ở mặt phố đàng hoàng. Bây giờ, nếu bán đi cũng thu được kha khá tiền và nếu cho thuê thôi, mỗi tháng cũng gặt hái được mươi mười lăm triệu. Với một người không quá ham về vật chất, mỗi tháng có ngần ấy tiền cũng là tạm ổn, phải không nào?”.
Những tưởng cuộc đời “thầu xây dựng” Lê Quang Sinh sẽ trôi đi yên ả. Và biết đâu, nếu cứ “tuần tự nhi tiến”, anh có thể trở thành một người giàu có. Thế nhưng, một bước ngoặt trong đời đã xuất hiện và đã không để anh yên.
Bước ngoặt này bất ngờ manh nha từ cuối năm 1997. Ấy là khi ông cụ thân sinh của Lê Quang Sinh gửi cho con trai từ Thanh Hóa vào TP Hồ Chí Minh một lá thư đặc biệt. Bóc bao thư, Lê Quang Sinh chỉ nhận được 2 mảnh báo đăng thể lệ 2 cuộc thi thơ: Một, cuộc thi thơ xuyên thế kỷ của Tạp chí văn nghệ Xứ Thanh; hai, cuộc thi thơ chào mừng thiên niên kỷ của Báo Văn nghệ. Đằng sau những gì có vẻ rất “vô ngôn” ấy, Lê Quang Sinh hiểu cha mình muốn gửi gắm và nhắc nhở anh điều gì có liên quan đến thơ. Đây cũng là một thông điệp ngầm từ trái tim đến trái tim từ một người cha tin con đến một người con hiểu cha.
Như thể “liều mình như chẳng có”, Lê Quang Sinh gửi thơ dự thi đến hai địa chỉ cần gửi. Chẳng ngờ, Tạp chí Xứ Thanh đăng liền hai chùm thơ, mỗi chùm 5 bài; Báo Văn nghệ đăng trích đoạn trường ca “Xin làng trồng lại cây đa” của anh. Kết cục, Lê Quang Sinh “dính” giải nhất cuộc thi thơ của Tạp chí Xứ Thanh và “dính” luôn giải B cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ.
Với tư cách là nhà thơ đàn anh và là người tham gia ban chung khảo cuộc thi thơ của Tạp chí Xứ Thanh, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu cho rằng: “Sau khi đọc thơ Lê Quang Sinh, tôi linh cảm sẽ có một nhà thơ nữa xuất hiện trên thi đàn”. Còn khi nhận giải thưởng ở Báo Văn nghệ, nhà thơ Hữu Thỉnh chủ động mời Lê Quang Sinh về nhà ông chung vui một bữa cơm thân mật tại gia.
Với tư cách là Tổng biên tập Báo Văn nghệ, nhà thơ Hữu Thỉnh đã lại chủ động mời Lê Quang Sinh về với Báo Văn nghệ. Và thế là từ năm 2001, Lê Quang Sinh đã trở thành người của Báo Văn nghệ trong cương vị: Trưởng đại diện Báo Văn nghệ Trẻ phía Nam, rồi Phó Chủ nhiệm văn phòng Báo Văn nghệ phía Nam. Một thời gian sau, Lê Quang Sinh được điều chuyển công tác ra Bắc sang Bảo tàng Văn học Việt Nam trong cương vị mới: Phó Giám đốc.
Đến nay, Lê Quang Sinh đã cho “ra lò” 10 tập thơ. Tập thơ mới mà anh sắp xuất bản trong năm nay mang một cái tên hơi lạ: “Lý do cho mỗi thiên thần”. Tôi có may mắn được anh cho đọc trước và nhận thấy: Thơ Lê Quang Sinh vẫn bồng bềnh và đắm đuối, nghĩ ngợi như thuở nào.
Những câu: “Sông trước nhà đánh vật để thành sông”; “Sợi tơ chùng võng cả chiều hôm”; “Như anh tin nếu thiếu em dòng trong này sẽ đục”; “Nếu giữ chặt tình yêu sẽ chết”; “Đêm cứ thẳm mà thu không chịu biếc”; “Nấn ná chút bên gốc lim ngàn tuổi/ Cố nhân ơi, sương muối trắng rồi”… gây được ấn tượng. Nhưng qua mười lần ra sách, anh nhớ nhất vẫn là tập thơ “Cỏ xanh mùa hạ” được ấn hành lần đầu tiên qua Nhà xuất bản Công an nhân dân năm 1994 mà người vẽ bìa cho anh là nhà thơ Phạm Khải. Đó cũng là một kỷ niệm đẹp, “một đi không trở lại” với Lê Quang Sinh.
Lê Quang Sinh tâm sự: “Hồi nhỏ, khi còn là học sinh lớp 1 Trường cấp 1, 2 Vĩnh Hòa (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa), tôi đã được cha tôi đặc biệt quan tâm về mặt tinh thần. Dù kinh tế gia đình không thuận lợi lắm, nhưng cha tôi vẫn chắt chiu từng đồng bạc lẻ đặt hẳn cho tôi một tờ báo Thiếu niên Tiền phong. Tôi thành độc giả thường xuyên của báo này từ đó.
Đọc riết, tôi đâm mê thơ của một lứa nhà thơ nhỏ tuổi đang nổi như cồn lúc ấy như Trần Đăng Khoa, Nguyễn Hồng Kiên, Hoàng Hiếu Nhân, Cẩm Thơ… Thế rồi tôi lên cơn cầm bút viết bài thơ đầu đời và đến năm 13 tuổi (1970), tôi có bài thơ “Dạo đàn lên chị ơi” đăng trên Báo Thiếu niên Tiền phong. Hay tin, cha tôi rất vui và có vẻ tự hào về tôi lắm. Nhưng cũng có người lại bảo tôi: Cậu chỉ là người tình cờ đến với thơ thôi”. Sau này, khi về Báo Văn nghệ, Bảo tàng Văn học Việt Nam, cũng có người nhắc lại y như vậy. Và tôi cũng trở thành một “nhân vật tình cờ” trong mắt nhiều người”.
Thời hiện đại, nhiều người quan niệm: Không phải bỗng dưng mà cơ hội đến. Nhiều khi cơ hội được tạo ra từ bên trong, không hẳn từ bên ngoài tới. Hay nói một cách khác: “Cái bên trong” và cái bên ngoài” có khi chỉ là một, không phải là hai, đối với một con người, một số phận. Và nếu Lê Quang Sinh không say mê thơ, không gắn bó với thơ, không được giải thơ, rồi tự đó mà có dịp… liệu anh có trở thành người trong guồng máy của Hội Nhà văn như hiện nay không?
Bởi vậy, tôi tin: Qua những “sự” trên, nhà thơ Lê Quang Sinh là người không tình cờ.