Nhà thơ Nguyễn Hồng Hà:Người lính ít lời

Thứ Hai, 29/08/2016, 07:51
Một chiều cuối tháng 7, đến một căn nhà trong một con ngõ nằm trong con phố Hào Nam, y hẹn, tôi đã gặp được nhà thơ Nguyễn Hồng Hà. Ở tuổi ngót nghét 70, trông anh già đi nhiều lắm, không giống như tôi hình dung qua một vài bức ảnh của anh từng đăng in trên báo, trên tạp chí, trên sách. Cũng không có gì lạ, vì con người, bất kể là ai, có thể "chống" được nhiều thứ, nhưng không thể "chống" được thời gian...


1.  Mấy chục năm qua, lâu lâu, tôi lại chủ động đi tìm gặp một vài người với lý do của riêng tôi. Có người tôi gặp vì ngưỡng mộ như nhà thơ Thi Hoàng. Có người vì lâu ngày "biệt tăm biệt tích" nhau, từng là lính chung một chiến hào thời chống Mỹ đầy kỷ niệm sống chết có nhau, có một lúc nào đó chợt nhớ ra, như các anh: Phạm Dần, Trần Dũng, Nguyễn Vân Quang… 0Có người ở Hải Phòng. Có người ở Hà Nội. Có người ở Sài Gòn. Có người ở Đồng Nai… Những cuộc đi tìm như thế, nhìn chung rất hấp dẫn và nói theo cách của một nhà thơ thì… lúc nào cũng "mang theo niềm háo hức trong tim".

Còn lần này?

Nhà thơ Nguyễn Hồng Hà.

Tôi hỏi mãi, hỏi mãi… cuối cùng cũng tìm ra được số ĐTDĐ của nhà thơ Nguyễn Hồng Hà qua nhà thơ Trần Anh Thái. Có vẻ như những người bạn thơ của tôi lưu giữ số ĐTDĐ của anh không nhiều.

Một chiều cuối tháng 7, đến một căn nhà trong một con ngõ nằm trong con phố Hào Nam, y hẹn, tôi đã gặp được nhà thơ Nguyễn Hồng Hà. Ở tuổi ngót nghét 70, trông anh già đi nhiều lắm, không giống như tôi hình dung qua một vài bức ảnh của anh từng đăng in trên báo, trên tạp chí, trên sách. Cũng không có gì lạ, vì con người, bất kể là ai, có thể "chống" được nhiều thứ, nhưng không thể "chống" được thời gian.

Và câu chuyện của chúng tôi bắt đầu, tất nhiên là bắt đầu từ thơ và những chuyện có liên quan đến thơ từ nhà thơ Nguyễn Hồng Hà.

-  Anh có nhớ thơ anh lần đầu tiên xuất hiện trên báo vào thời điểm nào không?

-  Năm 1971. Trên Tuần báo Văn nghệ. Khi ấy ông Hoài Thanh còn là Chủ nhiệm. Lần ấy, tôi xuất hiện trên một tờ báo văn uy tín bằng 2 bài thơ trong mục "Giới thiệu một chùm thơ chiến sĩ" cùng với Nguyễn Văn Chương và Nguyễn Viết Sơn.

-  Vậy lúc ấy, anh hẳn là chiến sĩ?

-  Đương nhiên. Khi ấy tôi đang là lính của Sư đoàn 308, từng được coi là "sư đoàn chiến lược", "quả đấm thép" của quân đội ta. Hồi ấy, đơn vị tôi thường vào Nam ra Bắc như cơm bữa và thường vào chiến trường B theo mùa hoặc theo chiến dịch. Trong một lần thật may mắn, tôi được gặp nhà thơ Phạm Hổ. Tôi mạnh dạn gửi ông một chùm thơ. Không ngờ, sau đó tôi thật cảm động khi thấy thơ mình được đăng báo…

 -  Vậy, khi cầm bút viết những bài thơ đầu tiên, anh chịu ảnh hưởng từ ai?

 -  Nhà thơ Phạm Tiến Duật. Nói chính xác là được truyền cảm hứng từ nhà thơ Phạm Tiến Duật. Đọc thơ anh Duật, tôi nghĩ: Thơ viết như thế này thì cũng không khó. Hay nói một cách khác: Lần đầu tiên, tôi thấy có một nhà thơ có thể đưa nhiều chi tiết của đời sống chiến trường vào thơ cứ dễ dàng như không. Và rồi được tổng thể hóa, khái quát hóa mà sinh ra những tứ thơ lạ.

Thơ ấy là thơ thật giản dị mà sâu sắc và cái "điệu tâm hồn" của người ấy, cũng thật là lạ. Có lẽ vì thế, không phải vì ngẫu nhiên mà anh Duật được "phong" là thi sĩ của Trường Sơn, nhà thơ hàng đầu của thơ chống Mỹ đâu nhé!

Nhưng đấy chỉ là cảm giác ban đầu. Sau này, tôi mới nhận ra: Làm thơ như Phạm Tiến Duật, cũng rất khó, tôi không thể theo anh được. Anh là nhà thơ có phong cách thật đặc trưng. Như nhiều người làm thơ khác, tôi phải tự tìm ra cách đi của riêng mình. Còn thơ tôi sẽ đi đến đâu, đấy là một việc hoàn toàn khác. 

2.  Từ lâu, tôi đã có ấn tượng về thơ Nguyễn Hồng Hà qua các bài thơ: "Bài thơ viết ở nhà mình", "Chúng tôi đi bốc mộ ở Trường Sơn", "Khấn động thổ", "Thương nhớ", "Chú Lục tâm thần"… Những bài thơ ấy cùng với một số bài thơ khác, đã giúp anh nhận tặng thưởng thơ hay và giải thưởng của các báo, tạp chí: Nhân dân,Văn nghệ, Giáo dục và thời đại, Văn nghệ Quân đội trong các năm từ 1975 đến 1998.

Trong số này, sớm hơn cả và cũng thật đáng nhớ là "Bài thơ viết ở nhà mình" được trao giải C trong cuộc thi thơ của Tuần báo Văn nghệ năm 1975 - 1976. Những gương mặt thơ đoạt giải năm ấy là Hữu Thỉnh, Văn Lê, Anh Ngọc (giải A); Lê Đình Cánh, Huyền Sâm, Đoàn Việt Bắc (giải B); Nguyễn Hồng Hà, Ngô Văn Phú, Phạm Minh Dũng, Nguyễn Phan Hách, Đỗ Minh Dương (giải C)…

Tôi đã đọc kỹ một tuyển thơ và tạp văn của Nguyễn Hồng Hà xuất bản vào đầu năm nay. Ở chiến trường lúc nào cũng sẵn sàng hứng "bom rơi đạn lạc" mà vẫn có sự thanh thản để phát nhận ra một vài hiện tượng lạ của thiên nhiên và xã hội thật nhân bản như thế này thì không phải nhiều: Từ lúc trên trời cà kếu bay ra/ Nửa đêm gọi cả trung đoàn bừng thức ("Nửa đêm ở một trạm rừng"), Súng sắp nổ rồi không làm sao yên được/ Chỉ vì bầy ong lùa mãi không đi ("Bầy ong"), Lời chị rao dưa như gió thoảng/ Thổi màu xanh vào cửa mọi nhà/ Và màu xanh loang đi xóm ta/ Gặp làng xanh bộ đội/ Người lính bỗng sững sờ chẳng nói/ Nhìn áo mình và miền đất hoang sơ/ Đã xanh lại màu xanh lời rao dưa ("Nghe tiếng rao dưa ở Quảng Trị sau ngày giải phóng"). Nhìn lại tuổi thơ, luyến tiếc nuối tiếc tuổi thơ mà bật ra được hai câu thơ như thế này, cũng thật quý hiếm: Tôi trèo qua suốt tuổi thơ/ Dấu chân vỏ hến trong mơ còn hồng ("Lại về qua núi Thiên Thai").

Nhưng chiếm một tỷ lệ lớn hơn cả, vẫn là những câu thơ viết về đời lính và thân phận người lính nói riêng, thân phận con người nói chung trong chiến tranh. Đây là những câu thơ viết về một người lính trở về và tình yêu thương của một người mẹ phải tiếp tục chăm con, nuôi con sau khi biết con mình bị ảnh hưởng của "di chứng chiến tranh": Chú như là con của mọi nhà/ Cánh chim tật trong vườn, cây tre vẹo bụi tre/ Giọt máu mẹ đón về từ bão tối/ Chú nhớ gì mà mắt vẫn ngẩn ngơ; Đứa con choán hết phần đời của mẹ/ Đếm từng ngày, từng thang thuốc, mẹ mong…("Chú Lục tâm thần").

Đây là sự thương tiếc chân tình đến xót xa  những người đã ra đi và một sự biết ơn những người ra đi,  thăm thẳm trong tâm tưởng: Tụi bay đi…thật tiếc thay/ Những thằng lính trận hây hây má hồng/ Tụi bay chưa biết phải lòng/ Cuộc đời trai, những chấm hồng chiến tranh/ Nhoàng một cái! Thế là "xanh"/ Chiến trường còn lại những anh lính già ("Thương nhớ"); Tưởng rằng da ngựa bọc thây/ Nào ngờ còn có phận may mỉm cười/ Nhờ mấy thằng bạn chết rồi/ Đứa nằm che đạn, đứa ngồi đỡ bom ("Khấn động thổ").

Đây là tâm trạng đau đớn của một người trong cuộc khi trở lại chiến trường xưa tìm hài cốt đồng đội: Có gió bấc gì đâu mà mảnh đạn xé thịt da/ Lại lần nữa cứa tôi nhức nhối/ Có thể nào những người đồng đội/ Tôi gọi tìm trong khoảng đất hiu hiu ("Chúng tôi đi bốc mộ ở Trường Sơn").

3.  Nguyễn Hồng Hà là người suốt đời làm lính.  Anh tự nhận mình lúc trẻ thì thư sinh, lúc già thì lặng lẽ, có phần co cụm lại và ngại quan hệ. Anh nói: "Gần bảy chục năm qua, tôi là người lẽo đẽo đi theo cuộc đời với tư cách và trách nhiệm của một người lính thực thụ. Tôi cũng là người thần kinh yếu, đầu óc dễ choáng nên rất không thích dính dấp đến những gì thuộc về kỹ thuật hoặc phương tiện hiện đại". 

Nguyễn Hồng Hà nhập ngũ từ năm 1966 và có nhiều kỷ niệm nhớ đời ở chiến trường Khe Sanh, Quảng Trị, đường 9 Nam Lào… Rất nhiều năm trong quân ngũ,  anh có 15 năm gắn bó với Sư đoàn 308 ở nhiều cương vị khác nhau: Chính trị viên phó đại đội, Chính trị viên phó tiểu đoàn, Trợ lý tuyên huấn sư đoàn…

Về chức năng, nhiệm vụ, có lúc anh là lính trinh sát, có lúc anh là lính văn phòng, có lúc anh là lính chép sử của sư đoàn… Đến năm 1981, anh chuyển về công tác ở Báo Quân đội Nhân dân. Anh bảo: "Đến năm 2008, tôi nghỉ hưu, chức to nhất của tôi khi rời nhiệm sở chỉ là Phó phòng Bạn đọc và Trưởng ban Tư liệu của Báo Quân đội Nhân dân mà thôi".

Riêng về thơ, anh bảo: "Sở dĩ tôi đến với thơ trong chiến tranh là vì cốt để tìm cho mình một giải pháp tinh thần. Ông tính trong tình cảnh mà có lúc phía sau là bùn, phía trước là máu, mà không nghĩ đến thơ thì nghĩ đến gì nữa nào? Chiến tranh mà! Nhiều lúc thơ cũng là sự giải thoát những ghìm nén đấy.

Đề tài cả đời tôi theo đuổi là thơ về những người lính và những gì gần gũi như máu thịt của mình. Cho nên không phải vô cớ mà tôi có đến 70% thơ viết về đề tài ấy". Nhân thể, anh nhắc đến một kỷ niệm với nhà thơ nữ Phan Thị Thanh Nhàn. Anh bảo: "Tác giả của "Hương thầm" và "Xóm đê" từng viết bài thơ "Gương mặt sư đoàn" và đưa tôi vào thơ đấy. Rồi anh đọc:

Nguyễn Hồng Hà cậu bé yêu thơ
Lính trinh sát vừa tròn mười tám tuổi
Là em út nên nó hay hờn dỗi
Trận đánh nào cũng đòi xung phong…

Anh có vẻ ngạc nhiên khi bất ngờ, tôi tìm đến anh và nhắc lại bài thơ "Chúng tôi đi bốc mộ Trường Sơn", cũng như một số bài thơ khác rất đáng nhớ của anh. Anh bảo: "Độc giả của thơ bây giờ ít lắm. Ngay cả người cùng giới, cũng thế. Còn đọc nhau, còn nhớ nhau như thế này là đáng trân trọng lắm rồi".

Tôi nhận ra anh là người trầm lặng, nói ít và là người thiên về hướng nội. Phải chăng vì thế mà anh đặt tên tác phẩm xuất bản mới nhất của mình là "Người lính ít lời"?

Đặng Huy Giang
.
.