Chuyện nhà thơ và quán cơm dưới chân núi Nghĩa Lĩnh

Thứ Bảy, 27/08/2016, 08:05
Một hôm tôi đang nghỉ trưa, bỗng có tiếng điện thoại: “Em Đỉnh đây, tối qua em nghe thơ bác trên đài, được đấy”. Giữa lúc đang ngái ngủ, chuyện thơ phú chỉ ậm ừ, tôi  bảo tiếc quá, lâu rồi không nghe đài, nên không biết, rồi tôi hỏi lại Đỉnh: “Dạo này chú bán hàng đông khách không?”. “ Em ở  nhà trông cháu thôi, nghỉ hết quán sá rồi bác ạ” - Đầu dây bên kia trả lời...


Đấy là nhà thơ Ngô Kim Đỉnh ở Phú Thọ. Một người yêu thơ và say thơ theo tôi vào hàng bậc nhất, nhì ở tỉnh Phú Thọ, mấy chục năm làm nghề vận tải, rồi quay sang bán cơm phở cũng chỉ để nuôi… nàng thơ.  Cùng quê,  nhưng tôi ít giao du, nên bạn viết ở Phú Thọ chỉ quen thân vài người, trong đó có Đỉnh.

Nhớ lại cách đây mấy chục năm, lần đầu mới gặp, Đỉnh còn đang hành nghề vận tải khách, một mình vừa làm tài xế, vừa quản lý mấy ôtô, vi vu suốt ngày, thời gian gặp nhau hiếm lắm. Hôm ấy Đỉnh đưa tôi về thăm nhà, ngôi nhà ống đối diện với nhà máy điện (cũ) không có người ở.

Đỉnh bảo nhà này mỗi lần bác Lưu Công Nhân (họa sỹ) từ Đà Lạt ra lại về đây ở, những ngày ở Phú Thọ bác ấy vẽ được cái gì cũng để lại hết, rồi anh kéo tôi lên tầng hai mở cho xem những bức vẽ của họa sỹ, chủ yếu là các bức vẽ nhanh, ký họa.

Chủ quán Ngô Kim Đỉnh (thứ 3 từ phải sang) và các bạn văn Hà Nội.

Họa sỹ Lưu Công Nhân quê gốc ở Dữu Lâu, Việt Trì, nghiệp vẽ đã đưa đẩy ông phiêu bạt khắp nơi, dù định cư hẳn ở phía Nam, nhưng sinh thời, thi thoảng ông vẫn về thăm thú quê cũ, gặp gỡ bạn bè. Với ông, Ngô Kim Đỉnh là bạn vong niên thân gần nhất. Họa sỹ Lưu Công Nhân là người đam mê nghệ thuật và chơi nghệ thuật, suốt đời ông rong ruổi đi tìm cái đẹp trong thế gian. Ông vẽ để thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ của mình, chứ không vì cái gì cả, ông là một họa sỹ tự do theo đúng nghĩa đen, gặp Ngô Kim Đỉnh một người làm thơ, viết phê bình cũng vì quá mê say thơ, chỉ vì thơ, chứ không mấy quan tâm tới những chuyện khác.

Có lần Đại hội Hội Văn học – Nghệ thuật Phú Thọ bầu Đỉnh vào Hội đồng Văn học nghệ thuật, nhưng Đỉnh từ chối. Hai con người hợp nhau ở cách sống, quan điểm nghệ thuật, thân gần nhau cũng là bình thường.

Ngô Kim Đỉnh học Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nhưng anh không hành nghề báo chí, mà làm các nghề tự do khác kiếm sống, trong đó có 13 năm làm nghề lái xe ôtô, còn viết báo và sáng tác anh chỉ làm tay ngang, tùy theo sở thích.

Từ bài thơ đầu tay “Em yêu người lính ấy” của anh in năm 1987 trên tạp chí Sáng tác mới của Hội Văn nghệ Vĩnh Phú, đến bài thơ “Mái nhà xưa” in trên báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1995 với bút danh Kim Ngọc Đại, cho thấy thơ Ngô Kim Đỉnh ngày càng hòa sâu rộng vào đời sống văn học của cả nước. Đến nay anh đã có nhiều bài thơ, bài báo, tản văn in trên các báo, tạp chí. Anh là cộng tác viên thân thiết ở mảng văn học của các tờ báo văn nghệ hàng đầu trong nước như Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ Công an và các tạp chí sáng tác văn học - nghệ thuật.

Vừa chăm chỉ kiếm sống, vừa cần cù sáng tác, gần 20 năm qua, Ngô Kim Đỉnh đã in 7 tập thơ; và anh còn cẩn trọng tự làm một tập thơ chọn “Vọng tiếng những ngày” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản năm 2012, được trao giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam.

Trong bài thơ “Bè bạn ở Việt Trì” mở đầu tôi viết: “Có người từ quê ra phố/ Người đang ở phố lại rời về làng…” là nói về trường hợp Ngô Kim Đỉnh. Đang ở giữa trung tâm thành phố Việt Trì đông vui, năm 2005 anh bỗng quyết định chuyển nhà về xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh cách nơi ở cũ hơn chục km. Mảnh đất anh dựng nhà nằm trong làng, giữa một hẻm đồi, cây cối hoang sơ ven quốc lộ số 2.

Khi ngôi nhà xây 3 tầng còn đang ngổn ngang, anh đã làm lễ khánh thành, rôm rả mời bạn bè. Dù về làng nhưng tiện đường quốc lộ, lại gần khu Di tích Đền Hùng nên bạn bè dễ tìm đến. Đỉnh bảo ngôi nhà mình từng được đón nhiều nhà văn, nhà thơ đến thăm: Trần Đăng Khoa, Dương Kiều Minh, Sương Nguyệt Minh, Văn Giá, Nguyễn Linh Khiếu, Đoàn Hữu Nam, Pờ Sảo Mìn, Lê Va; phía Nam ra có Inrasara, Nguyễn Hồng Lam, Trịnh Bửu Hoài… và nhiều người khác.

Dù chơi thân với nhau, nhưng Đỉnh ít khi gọi điện nói chuyện. Mà mỗi lần gọi điện chắc phải có thay đổi gì đó. Tôi nhớ có lần Đỉnh gọi điện thông báo: “Em chuyển nhà về làng rồi bác ạ, chỗ cũ bán rồi”. Bấy giờ tôi nghĩ Đỉnh đang làm nghề vận tải, chắc cần thêm vốn để mở rộng kinh doanh. Mà đúng thế thật, Đỉnh mua thêm phương tiện, kiêm luôn lái xe, nên rong ruổi suốt ngày.

Nhưng một người có máu nghệ sỹ thì kiểu làm việc cũng rất nghệ sỹ, không tính chuyện thua được, lời lãi. Ấy là khi có phương tiện trong tay, bạn bè đến rủ đi chỗ nọ, chỗ kia là Đỉnh sẵn sàng, có khi đi vài ngày.

Vào mùa khách đông như dịp tháng Giêng, dịp lễ hội Đền Hùng, cũng là dịp bạn văn nghệ các nơi kéo về Phú Thọ chơi, những chỗ bạn bè thân thiết là Đỉnh đưa đón phục vụ hết mình, quên cả việc làm ăn. Bởi thế khi thấy nghề kinh doanh vận tải không còn phù hợp, hơn nữa sức khỏe không còn đảm bảo, Đỉnh quyết định thanh lý hết xe cộ, chuyển nghề.

Lại một lần Đỉnh gọi điện khoe với tôi rằng mới mở quán ăn ở dưới chân Đền Hùng. Tôi nghĩ “thằng cha này” xoay xở kinh thật, không mấy mà giàu. Hẹn hò mãi rồi cũng có lần tôi mò đến quán của Đỉnh. Đón chúng tôi, Đỉnh xoa đầu gãi tai nói mà như thanh minh: “Quán nhà em bình dân thôi mà, không có nhà hàng máy lạnh gì đâu”.

Thì ra chỗ đất này Đỉnh thuê nằm ở lối đi cổng sau của Đền Lạc Long Quân, một con đường mới mở ít người qua lại. Ngôi nhà lá cột tre dựng tạm, bít vách nứa, bên trong có dãy bàn ăn, chỗ nấu nướng, chỗ kê giường không có vách ngăn riêng nên trông không được ngăn nắp. Phía ngoài treo biển “Quán Đèn Bão” ngay phía trên treo chiếc đèn bão kiểu của Trung Quốc có thắp bóng điện sáng choang, khách từ xa vài chục mét đã nhận ra. Thời điểm chúng tôi lên sắp vào dịp Hội Đền Hùng, khách đi lễ hội bắt đầu đông, nhưng vì nằm ở đoạn đường trái chân, nên quán của Đỉnh ít khách.

Nhà thơ Ngô Kim Đỉnh (trái) và họa sĩ Lưu Công Nhân tại Đà Lạt năm 2002.

Biết tính của Đỉnh hiếu khách, tôi liền kể cho Đỉnh nghe câu chuyện có thật về một ông anh ở cơ quan mình khi về hưu mở quán nhậu. Đó là trường hợp nhà báo Phạm Hữu Chí quê ở Bình Định, làm báo Công an nhân dân từ thời báo phát hành nội bộ. Lúc ở cơ quan anh có biệt danh là “Chí Phèo” vì rất vô tư bạn bè, vô tư uống rượu. Khi về hưu anh đưa vợ con về sống ở thành phố Quy Nhơn.

Để kiếm thêm thu nhập, anh chị mở quán ăn. Phải nói chị Ngân vợ anh đảm đang khéo tay, nên quán mới mở đông khách. Ngày đó tôi có dịp vào Quy Nhơn công tác, biết tin anh tìm đến nơi đón mấy thằng em về nhà chơi.

Chị Ngân bảo đang yên ổn ở Hà Nội, chị không muốn vào Quy Nhơn, nhưng vì anh Chí mà chị theo vào. Bán nhà ngoài kia vào đây mua cái nhà này, còn ít tiền mở quán ăn cho có việc làm. Để mở quán, anh đầu tư ngâm mấy chục hũ rượu xếp quanh nhà rất hoành tráng, bạn nhậu anh gọi đến rất đông. Nhìn cảnh ai cũng nghĩ kinh doanh kiểu này kiếm ăn to.

Vài năm sau trong một chuyến công tác từ Tây Nguyên về qua Bình Định, tôi lại ghé thăm anh chị. Đến nhà thấy không còn quán sá nữa, hỏi chuyện, chị Ngân ngán ngẩm nói: “Sạch vốn rồi chú ạ, chán quá chị đã định quay ra Hà Nội đây”. Thì ra với phong cách của ông anh Chí xưa nay vẫn lấy vui là chính.

Chị kể anh chị làm ở cơ quan Bộ nên quen biết nhiều, anh Chí thì ham vui, quý bạn bè, nên hễ có đoàn nào đi vào, đi ra, ngang qua Quy Nhơn, anh biết đều kêu đến nhà nhậu, rồi mời cả bạn bè ở tỉnh, thành phố đến chiêu đãi… thành ra tiếng là kinh doanh nhưng chẳng thu được đồng tiền nào, đành đóng cửa quán… Không biết câu chuyện này tôi kể với chủ quán Ngô Kim Đỉnh có điểm chung gì với nhau không, mà thấy anh mở quán được vài ba năm, rồi bỗng dưng gọi điện thông báo bỏ hết quán sá rồi.

Bây giờ thì Đỉnh đang an nhàn để vừa trông thằng cháu nội, vừa hầu… nàng thơ. Ngẫm ra bước đường mưu sinh của Đỉnh dù đầy nhọc nhằn và không được thành công như mong muốn; nhưng bù lại anh có được những trải nghiệm về sự dấn thân trên đường đời; những thành công và thất bại càng giúp anh mạnh mẽ, tự tin trong cuộc sống.

Đỉnh có lần tâm sự rằng đã ở tuổi ngoài năm mươi, anh không vội vàng điều gì nữa, mà sống thong thả, sống chậm lại để chiêm nghiệm những thứ đời mình có. Tình nghệ sỹ của anh nhận ra rằng trong cõi nhân gian này đều có chỗ dành cho mọi kiếp người, kể cả những con người nhỏ bé. Trong bài thơ có tựa đề “Nền” anh viết: “Những kích cỡ không gian/ Nâng bước người bé nhỏ/ Ai cũng thấy mình có ích/ Nhường nhịn và quyền uy, tự do và trật tự/ Sống thong thả trên nền văn hóa…” và “Ta đi lâu lắm rồi/ Chưa hết đồng chiêm trũng/ Chưa hết bài ca nội lực/ Một cái nền cho sức bật ngủ yên”.

Vâng có rất nhiều phận người đi cả đời vẫn không ra ngoài một cánh đồng, mà là đồng chiêm trũng càng vất vả nặng nhọc, nhưng họ luôn thấy cuộc sống của họ có ích, bởi họ luôn biết gắn kết sức mạnh văn hóa cộng đồng, biết biến nội lực thành khát vọng hành động.

Hà Văn Thể
.
.