Người họa sĩ từng đi qua trầm cảm

Thứ Hai, 21/05/2018, 18:14
Là họa sỹ sơn mài, sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nghề sơn mài truyền thống,  ai cũng ngỡ  đó là thuận lợi lớn, nhưng họa sỹ Phan Hùng mới thấm hiểu những trở ngại mình phải vượt qua. Bởi lẽ, tư duy người nghệ sỹ sáng tạo có phần khác với tư duy người nghệ nhân làm hàng mỹ nghệ.


Ông Phan Đình Bính, một nghệ nhân sơn mài xuất sắc của vùng quê sơn mài Từ Sơn sớm hướng con cái  học nghề, làm nghề sơn mài. Quá trình truyền nghề, ông Bính phát hiện khả năng sáng tạo hội họa của con trai, liền cho Phan Hùng theo học Trường Văn hóa Nghệ thuật Hà Bắc.

Ba năm học, Phan Hùng đỗ bằng trung cấp khoa sơn mài xuất sắc. Ra trường, anh về giúp người cha làm hàng sơn mài mỹ nghệ. Một mặt âm thầm ôn luyện để ba năm sau, 1985, quyết thi đỗ vào Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội.

Năm năm học Trường Đại học Mỹ thuật là bao cơ hội được tiếp xúc với các họa sỹ bậc thầy. Bao kiến thức được bồi đắp một cách hệ thống. Đó là thời gian tốt nhất cho Phan Hùng nạp năng lượng để đi tiếp trên con đường sáng tạo nghệ thuật vốn vô cùng nghiệt ngã.

Họa sỹ Phan Hùng.

Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật, với tấm bằng trên tay, Phan Hùng lại bơ vơ không xin được việc làm. Anh đành quay về xưởng sản xuất của gia đình, giúp người cha đánh sơn, làm vóc. Niềm khao khát vẽ lại bùng cháy. Phan Hùng mạnh dạn mở một cửa hàng dịch vụ mỹ nghệ tại thị trấn Từ Sơn. Công việc từng bước vào nền nếp, nhưng đam mê vẽ đã làm anh không yên.

Năm 1992, có cơ hội vào học Trường Công nghệ thực hành bên Nga, Phan Hùng liền bỏ cửa hàng,  khăn gói lên đường. Những ngày ở Nga, ngoài các buổi lên lớp học, Phan Hùng tranh thủ đến các bảo tàng mỹ thuật, các trung tâm triển lãm mỹ thuật để học hỏi. Sau các buổi chạy chợ kiếm tiền ăn học, tiền mua sơn dầu, Phan Hùng lại căng toan vẽ.

Sự kiện chính trị ở Nga năm 1994 đẩy đời sống du học sinh vào thế khó khăn, Phan Hùng theo bè bạn sang Đức, vào trại tị nạn. Năm 1995, một buổi lang thang ở Tây Berlin, tình cờ  gặp một vài họa sỹ cũng tị nạn như mình, mải vẽ chân dung  kiếm sống, Phan Hùng hòa nhập vào đám họa sỹ người Việt tị nạn  đó, vẽ kiếm sống.

Việc vẽ vời kiếm sống bên nước người xem ra chẳng dễ dàng gì. Nhóm họa sỹ người Việt lưu vong tại Đức rủ nhau mở triển lãm hội họa tại Munchener. Cuộc triển lãm có chút tiếng vang trong cộng đồng người Việt ở Tây Berlin, song đời sống vật chất và tinh thần xem ra chả được cải thiện gì. Năm 2001, Phan Hùng quyết định khăn gói về nước sau 8 năm lưu lạc xứ trời châu Âu.

Quê hương mấy năm Phan Hùng đi vắng bao đổi thay. Trở về làng, không có kiện hàng to nhỏ như bao người ở nước ngoài về, hành lý của Phan Hùng chỉ là mấy bức tranh cuốn tròn, mấy hộp sơn dầu vẽ dở dang. Cái làng Trang Liệt vốn là làng giầu có, nay càng giầu có. Người cha của anh là nghệ nhân sơn mài vẫn phải cặm cụi vẽ tranh sơn mài mỹ nghệ.

Vợ anh, họa sỹ Trịnh Lễ vẫn gò lưng mài những tấm vóc khổ lớn do các họa sỹ đặt hàng. Đời sống kinh tế gia đình xem ra tụt hậu so với xóm làng. Cảm giác vui buồn chộn rộn, mà khát vọng vẽ vẫn bùng cháy trong con người anh. Không lao vào cuộc kiếm tiền đang ào ạt của làng xóm, Phan Hùng lại liều mình cho cuộc chơi nghệ thuật. Anh hăm hở tham gia triển lãm “Ngọn lửa - Tia lửa - Ánh sáng” do vợ chồng họa sỹ An Khánh và Mai Hiên tổ chức tại Gia Lâm, Hà Nội. Cuộc triển lãm bế mạc, với lùm xùm bao lời khen chê.

Không nản chí, Phan Hùng lại đánh liều cùng nhóm họa sỹ trẻ mở Triển lãm Mỹ thuật tại 183 Nguyễn Thanh Bình, thành phố Hồ Chí Minh.

Nghệ thuật vốn là cuộc chơi vô tăm tích. Sau mấy kỳ tham gia triển lãm, tranh pháo chả bán được, chi phí tốn kém, danh và lợi chưa thấy đâu, Phan Hùng phải nhìn thẳng vào đời sống vốn nghiệt ngã, anh đành xếp tranh pháo góc nhà, ba lô vào Huế giúp người em phục chế các di tích lịch sử.

Vốn là con nhà nòi nghề sơn mài, công việc trùng tu sơn thếp hoành phi, câu đối, ngai vàng, võng lọng... với Phan Hùng, coi là việc nhỏ. Những ngày ở Huế, máu vẽ lại trỗi dậy. Phan Hùng tìm gặp các họa sỹ miền cố đô. Các họa sỹ cố đô mời Phan Hùng đem tranh tham gia Triển lãm Festival Huế năm 2002. Lại ảo vọng với hội họa, năm 2003 Phan Hùng quyết định về mở Triển lãm mỹ thuật tại quê hương Trang Liệt của mình, nhân dịp hội làng.

Làng Trang Liệt, xưa có tên nôm là làng Sặt Đồng. Đấy là làng làm ăn kinh tế giỏi, lại là làng văn hóa kiểu mẫu. Làng có thư viện nông thôn điển hình toàn quốc, lại có nhiều nhà doanh nghiệp giỏi, lại có mấy họa sỹ, nghệ sỹ, nhà văn, nhà báo cấp Trung ương. Triển lãm “Mỹ thuật về làng” do Phan Hùng mở ra, thu hút đông đảo các họa sỹ chuyên nghiệp, nghiệp dư của làng tham gia. Ngoài mảng tranh sơn mài của Phan Hùng và gia đình là chủ đạo, có bày nhiều tranh và tượng của gia đình họa sỹ-nhà thơ Anh Vũ. Sự  kiện “Mỹ thuật về làng” được giới mỹ thuật và nhiều đài, báo đánh giá tốt.

Năm 2003, Phan Hùng tham gia Triển lãm mỹ thuật Bắc Ninh và Triển lãm mỹ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng, 2004. Anh trở thành hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Trên đà hứng khởi, năm 2005, Phan Hùng mở triển lãm cá nhân tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội. Hàng loạt tranh sơn mài của Phan Hùng bao năm âm thầm sáng tác, được dịp trình làng trước anh em đồng nghiệp. Phan Hùng xứng đáng là một họa sỹ đứng trong đội ngũ các họa sỹ sơn mài đương đại.

“Linh khí Việt”, tranh sơn mài của Phan Hùng.

Sau mọi vinh quang ồn ã và bao vui buồn của các cuộc triển lãm, Phan Hùng bỗng như nhận ra sự bất lực của mình. Cái bất lực của sáng tạo, của cơm áo gạo tiền, của chính tâm thức mình, Phan Hùng chìm vào cơn trầm cảm khi nào không hay. Anh trở nên xa lạ với màu sắc, với toan, với vóc. Xa lạ với đời sống tiền bạc.

Xa lạ với đời sống tập tục ngổn ngang và nặng nhọc của xóm làng. Anh trầm cảm với chính không gian tổ ấm nhà mình. Cơn trầm cảm kéo dài bốn năm, như kéo con người Phan Hùng đi vào cõi khác. Nhiều bạn bè và người dân trong làng nhìn Phan Hùng như kẻ dị biệt. Có người ngao ngán lắc đầu, thất vọng. Chỉ có những người trong gia đình anh vẫn gắng sức chăm nom và hy vọng.

Ấy rồi như người qua giấc ngủ dài, bỗng tỉnh dậy. Sau cơn trầm cảm dằng dặc, trời đất như thương anh, mở cho anh một thế giới mới. Bỗng Phan Hùng thấy cảnh vật làng xóm đáng yêu hơn. Ý nghĩ đổi khác, sự viển vông như bớt dần, tính thực tiễn và sâu thẳm tâm thức như nâng anh đứng dậy. Phan Hùng lại cầm bút vẽ. Những hình khối chắc và mới. Những mảng màu bỗng rực rỡ. Phan Hùng trở lại làm việc không mệt mỏi. Vẽ ào ạt, mài tranh ràn rạt. Vẽ gấp gáp như bù lại bốn năm u tịch của mình.

Ngay năm ấy, 2011, Phan Hùng được Thị ủy thị xã Từ Sơn đặt vẽ bức tranh sơn mài “Hồn Kinh Bắc”, khổ 321cm x 152cm treo trong phòng khánh tiết của Văn phòng Thị ủy. Như một động lưc, như cú hích sáng tạo, Phan Hùng lao vào vẽ ngày vẽ đêm. Cả nhà quay ra pha sơn, mài tranh giúp anh hoàn thành đúng tiến độ. Như dốc cả tình yêu miền quê văn hiến của mình vào tác phẩm, bức tranh khánh thành,  Phan Hùng mới thở phào, anh đã không làm hổ thẹn sự chờ đợi của mọi người.

Cơ may lại đến. Năm 2012, Phan Hùng được một tập đoàn may mặc lớn ở Hà Nội đặt vẽ 15 bộ tranh sơn mài treo ở các xưởng sản xuất. Hợp đồng này như sự thử thách, để năm 2013, tập đoàn may mặc tin cậy đặt anh bức tranh “Linh khí Việt”, kích thước khổ lớn 510cm x 216cm. Như thử thách của người leo núi,  chinh phục hết đỉnh cao này tới đỉnh  cao nữa.

Với lòng đam mê sáng tạo, với kinh nghiệm thể hiện những bức tranh khổ lớn trước đó, Phan Hùng hăm hở bắt tay vẽ phác thảo. Khi phác thảo được duyệt, ngôi nhà của Phan Hùng bỗng như một xưởng thợ. Cả nhà quay ra giúp anh pha sơn, mài vóc. Phan Hùng vẽ như cơn mê sảng. Anh vẽ ngày vẽ đêm. Kinh nghiệm bố cục tranh đông người, hình khối chặt và khỏe. Màu sơn thâm trầm và sự lộng lẫy của vàng quỳ giát mảng rộng.

Bức tranh được khánh thành, treo trang trọng trong phòng Ban giám đốc. Chính bức tranh sơn mài khổ lớn “Linh khí Việt” đã làm chứng chỉ cho Ban giám đốc tập đoàn may mặc đặt tiếp Phan Hùng bức tranh “Hào khí Việt” khổ lớn như bức tranh trước. Vậy là, với cơ duyên, trong vòng 5 năm, Phan Hùng đã được thể hiện 5 tác phẩm sơn mài khổ lớn, giá tiền hàng tỷ đồng cho một tác phẩm, đem lại thành quả không nhỏ cho anh.

Từ một họa sỹ ban đầu có sự viển vông, rồi một người trầm cảm xa lánh cuộc sống, Phan Hùng như một con người lột xác. Những tư duy sáng tạo bỗng lấp lánh, đột khởi, đằm thắm và giản dị. Phan Hùng đã làm được nhiều việc hữu ích. Bạn bè, làng xóm đã nhìn anh với con mắt nhiều thiện cảm. Cũng có người không thiện chí, cho là tranh đặt hàng. Nhưng Phan Hùng đủ vững tin với chính mình.

Anh quan niệm, tranh đặt hàng hay tranh sáng tác tự do, điều cốt yếu phải đẹp, phải giàu tính sáng tạo, phải có phong cách riêng của tác giả. Bao họa sỹ lừng danh thế giới, như Raphael, Michelangelo, bao họa sỹ bậc thầy trong nước chẳng từng vẽ tranh đặt hàng đó ư? Nghệ thuật, nhất là hội họa, điều cốt yếu phải đẹp. Từ cái đẹp, đánh thức bao cảm nhận cho người xem.

Ngoài việc dành tâm sức làm tranh sơn mài khổ lớn, Phan Hùng còn đam mê thể hiện một loạt tranh sơn mài cỡ nhỏ, cỡ trung, chuẩn bị cho cuộc triển lãm cá nhân  trong thời gian tới. Anh tâm phục, học hỏi các họa sỹ sơn mài bậc thầy, như họa sỹ Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tư Nghiêm... để anh đi theo nghiệp sơn mài trọn đời.

Với số tiền thu được sau 5 năm làm tranh sơn mài khổ lớn, Phan Hùng đầu tư vào việc mua sơn, mua gỗ, mua vàng quỳ để chuẩn bị  cho những sáng tác mới. Anh đã xây dựng lại khuôn viên ngôi nhà ba tầng và xưởng vẽ của mình cho khang trang. Phan Hùng tâm sự, ấy là để đền bù lại sự hy sinh của bố mẹ, vợ con đã vì anh trong cơn mê theo đuổi nghiệp sơn mài.

Cái đích của nghệ thuật, muôn đời, luôn mở ra phía trước cho mỗi người sáng tạo.  

Tháng 5-2018

Vũ Từ Trang
.
.