Họa sĩ Phạm Lực: Làm việc theo giấc mơ để tạo ra cái chưa thấy

Thứ Sáu, 20/04/2018, 09:06
Nhân triển lãm tranh "Bút lực"- trong bộ sưu tập của nhà sưu tầm Nguyễn Sĩ Dũng (do họa sĩ Lê Thiết Cương giám tuyển), ngày 20-4 tới đây, tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom, họa sĩ Phạm Lực- tác giả của  hàng vạn bức tranh đủ kích cỡ, chất liệu đã có những chia sẻ xung quanh việc sáng tác của mình.


- Được biết, ông sinh ra ở Huế - quê cha, đến năm 3 tuổi (năm 1945) trở ra Hà Tĩnh quê mẹ. Sau khi tốt nghiệp Trung cấp hội họa Trường Mỹ thuật Việt Nam, giữa thập niên 60, ông vào bộ đội. Vào bộ đội và con đường trở thành một họa sĩ phục vụ cho chiến trường có phải là lựa chọn duy nhất của ông lúc bấy giờ?

+ Cha tôi là một viên quan nhỏ của Triều Nguyễn. Ông gặp mẹ tôi ở Hà Tĩnh, rồi sinh tôi ở Huế. Năm 1945, tình hình Huế có nhiều biến động do sự phản kháng của người Việt với thực dân Pháp, cha quyết định để mẹ và ba anh em chúng tôi rời Huế về Hà Tĩnh.

Tôi lớn lên ở quê mẹ, từ nhỏ đã ham mê vẽ, giỏi vẽ hơn các môn học khác. Hết cấp 2 tôi ra Hà Nội, thi đỗ rồi vào học hệ Trung cấp trường  Cao đẳng Mỹ thuật. Tốt nghiệp, tôi về làm ở Ty Văn hóa Hà Đông một thời gian ngắn rồi xung phong vào bộ đội.

Hồi đấy chúng tôi cùng học một lớp thì cả lớp giơ tay đi bộ đội. Một phong trào nhưng đầy thiêng liêng, mọi người đều nghĩ không gì có thể níu giữ mình lại, được vào bộ đội là hạnh phúc, nó gần như là lý tưởng duy nhất lúc bấy giờ.

Các thôn nữ thời chiến (Sơn dầu trên giấy, 1975).

- Xuất phát từ lý tưởng, nhưng ông có cho rằng khi phải chấp hành và hoàn thành công việc được giao trong quân ngũ, tính sáng tạo nghệ thuật của họa sĩ sẽ giảm đi?

+ Trong quân ngũ tôi chủ yếu làm việc ở Phòng Văn nghệ quân đội, công việc chính là dạy vẽ. Cứ 3 tháng chúng tôi mở một lớp để đào tạo bộ đội làm công tác tuyên huấn hoặc đưa họ vào các chiến trường như miền Nam, Lào, Campuchia.

Cũng có thời gian tôi đi biệt phái, tức đơn vị quân binh chủng nào cần thì tôi tới dạy vẽ cho họ. Công việc không cản trở việc sáng tác của tôi, thậm chí vì những yêu cầu phục vụ chiến trường tôi còn mày mò học thêm in lưới, vẽ tranh lụa, tranh sơn mài.

Trước đấy trong nhà trường tôi chỉ học làm tượng, vẽ sơn dầu và học một lớp đồ họa trước khi vào bộ đội. Mặt khác, việc đi thực tế các đơn vị, tiếp xúc với đời sống hằng ngày của người lính và người dân ở những địa phương khác nhau còn cho tôi nhiều chất liệu và cảm xúc để thể hiện những bức tranh của mình.

- Ở triển lãm lần này, số lượng các bức tranh vẽ trong giai đoạn chiến tranh không nhiều (chỉ chiếm 10/60 bức) nhưng đã để lại dấu ấn đặc biệt về cả chất liệu, màu sắc và bút pháp mà họa sĩ sử dụng để khắc họa nhân vật. Đây có phải là giai đoạn sáng tạo đặc sắc của Phạm Lực?

+ Do hoàn cảnh thường xuyên di chuyển trong chiến tranh và không có chỗ lưu trữ, cất giữ cẩn thận nên số tranh tôi vẽ giai đoạn này còn lại ít hơn rất nhiều so với số mà tôi đã sáng tác. Xưởng Mỹ thuật quân đội khi đó nhận họa phẩm viện trợ từ các nước như Liên Xô, Trung Quốc, Cộng hòa Dân chủ Đức, họa sĩ chúng tôi vẫn có đủ màu để lựa chọn, nhưng toan thì chủ yếu làm từ vải bố - thường phải quét lót lòng trắng trứng gà hoặc keo da trâu trước khi vẽ, cho nên tranh dễ bị mốc, bị hỏng.

Điều kiện thời chiến không cho phép chậm trễ và do cả sở trường đam mê, tôi vẽ rất nhiều và nhanh. Tôi tận dụng cả những vỏ bao tải đựng súng ống, đạn dược, thuốc men hay những tấm lót linh kiện điện tử, máy móc rồi "bịa" một số màu đơn giản từ ống xả xe máy, nhọ nồi, sơn ô tô để vẽ.

Việt Nam là đất nước nhỏ bé, chiến tranh phần nhiều theo lối du kích, nếu vẽ cận cảnh các trận đánh trực tiếp thì mình không so được với các nước khác như Nga hay Trung Quốc đã làm. Tôi thường vẽ chân dung những con người "đằng sau" cuộc chiến như những dân công, anh nuôi hay số phận của những người phụ nữ mất chồng con, thay đàn ông làm mọi việc trong gia đình. Những cái đó, thế giới không có, chỉ Việt Nam mới có.

Tôi cũng hay dùng màu trầm, cuộc sống hồi đấy là như vậy. Chiến tranh mà. Áo chỉ có hai màu, màu xanh cỏ úa và màu nâu. Quần thì màu đen. Nón cũng phải sơn màu, không để nón trắng, thậm chí không được mặc áo trắng để tránh bị máy bay phát hiện. Sinh hoạt (đi học, đi chơi, cưới xin…) cũng vào ban đêm.

Sen trắng (Sơn dầu trên toan, 1976).

Thời kỳ chiến tranh là giai đoạn thứ hai trong quá trình sáng tác của tôi, tiếp sau giai đoạn thứ nhất học trong nhà trường. Ở nhà trường, tôi vẽ rất thật, tuân thủ quy tắc, tỉ lệ… như thầy dạy. Nhưng khi vào bộ đội, tôi đã đủ lớn, không còn trẻ con lơ mơ và hơn nữa, chính thực tế cuộc chiến đã làm tôi xúc động. Trong khung cảnh bom thả trên đầu, không cho phép anh ngồi lâu tỉa vẽ tỉ mỉ. Cảm xúc nhanh, vẽ nhanh, lược bớt chi tiết rườm rà mà vẫn thể hiện đúng tinh thần, dáng dấp từng người; tranh vì vậy cũng tự nhiên, phóng khoáng. 

- Lối vẽ nhanh và phóng khoáng cũng trở thành dấu ấn đậm nét trong tranh của Phạm Lực sau chiến tranh, Phạm Lực chủ yếu tả không khí chứ không đi vào tả không gian trong từng bức tranh?

Tôi nhớ một câu ca dao: "Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/ Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa"  tưởng sai mà hóa rất đúng. Nếu mổ xẻ thì anh chồng cày bằng con gì gì, hay là con trâu tự đi bừa; nhưng người ta không để ý chi tiết đó, mà để ý đến cái không khí nhộn nhịp của đồng áng, người và vật ai cũng có việc làm. Nghệ thuật cũng vậy, không thực mà lại thực.

Khi đã nắm vững kiến thức học trong nhà trường (bố cục, quy luật,…), đi vào sáng tác anh phải tập giao lại bút cho Thượng đế, quên mình đi, mình chỉ là tay sai, có lực như con trâu đi cày thì mới có cái mới được. Nếu anh tỉnh quá, mà lại giữ quan niệm lấy cái đúng sẵn có làm khuôn mẫu thì không có sáng tạo được. Nhiều khi người ta phải làm việc theo giấc mơ, để tạo ra cái chưa nhìn thấy.

- "Cái chưa nhìn thấy" có cần chú trọng vào ý của bức tranh không, thưa ông?

+ Mặc dù nghệ thuật không có mổ xẻ, không có đáp số cụ thể nhưng mục đích vẽ theo tôi, là truyền lại những cái mình nghĩ hoặc cảm xúc của mình thông qua bức tranh. Bức tranh đẹp là để người ta phải đặt dấu hỏi, chứ không phải nhìn vào đã đâu ra đấy ngay lập tức. Tức là để người xem, qua bức tranh suy nghĩ và thấy được điều mà trước đó họ chưa thấy.

Mặc dù không phác thảo nhưng tôi thường suy nghĩ trước khi cầm bút vẽ, cách vẽ gần với trừu tượng song vẫn có hình để hình dung được hình dáng chính của chủ thể, nhân vật trong bức tranh. Hình và màu trong tranh nhiều khi là cái cớ để tôi gửi gắm suy nghĩ của mình.

- Xin cảm ơn ông!

Triển lãm "Bút lực" mở cửa tự do từ ngày 20 - 4 đến hết ngày 20-5 tại Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA), B1-R3 Vincom Royal City, 72 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.

Trong khuôn khổ triển lãm, buổi tọa đàm nghệ thuật chủ đề "Chiến tranh và hòa bình" (22-4) với sự tham gia của họa sĩ Phạm Lực, nhà sưu tập Nguyễn Sĩ Dũng, họa sĩ Lê Thiết Cương cũng được diễn ra.
Hải An (thực hiện)
.
.