Họa sĩ Lý Trực Dũng: Tranh biếm họa đang thiếu “đất sống”

Thứ Bảy, 28/04/2018, 08:10
Phải ngắt quãng hơn 4 năm, "Giải Biếm họa báo chí Việt Nam lần V- Cúp Rồng tre" do Báo Thể thao Văn hóa mới lại được tổ chức. Họa sĩ Lý Trực Dũng - một họa sĩ hàng đầu về tranh biếm họa ở Việt Nam thẳng thắn trò chuyện với chúng tôi về vai trò của tranh biếm họa trong đời sống. Ông khẳng định: "Chúng ta chưa coi trọng vị trí của tranh biếm họa nên, chất lượng của nó, vì thế, cũng nhạt nhòa".


Ít ai dám "cầm" vì nó sắc quá

- Khá lâu rồi, sau 4 năm chúng ta mới có một cuộc thi về tranh biếm họa. Có vẻ như vị trí của tranh biếm họa trong đời sống hiện nay khá khiêm tốn, trong khi xã hội hiện tại khá phong phú chất liệu cho các họa sĩ?

+ Trên thế giới, mỗi năm có tối thiểu 30 cuộc thi biếm họa. Ở Mỹ hằng năm đều có giải thưởng Pulizer dành cho tranh biếm họa, ở ta hai năm mới tổ chức một lần, thậm chí lần này 4 năm mới có cuộc thi vì không có kinh phí. Các doanh nghiệp ít khi tài trợ cho biếm họa vì biếm họa hay chọc ngoáy doanh nghiệp.

Tôi nhớ, cách đây 2-3 năm, có cuộc thi biếm họa về bình đẳng giới do Đại sứ quán Bỉ tại Việt Nam tổ chức, người được giải không phải là các họa sĩ biếm họa hàng đầu mà là một giáo viên tiếng Anh. Rất thú vị. Cuộc đó được giới thiệu rộng rãi, làm lan tỏa giá trị của tranh biếm họa. Xã hội chúng ta hiện nay có nhiều vấn đề nhưng chúng ta có dũng cảm để nói không.

Biếm họa là một vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, biếm họa là bộ môn nghệ thuật tạo hình luôn đóng vai trò tiên phong. Bây giờ vũ khí sắc bén ấy ít ai dám cầm vì nó "sắc" quá. Đấy là sự thật.

- Vì thế tranh biếm họa hiện nay cũng kém chất lượng, né tránh những vấn đề nóng của thời cuộc. Nó mang tính minh họa nhiều hơn là biếm họa?

+ Vấn đề là ai sử dụng tranh. Thiên chức của biếm họa là phản biện xã hội, không phải làm cho xã hội điêu tàn mà làm cho xã hội tốt hơn. Thời đổi mới, chúng ta để lại rất nhiều tranh biếm họa có giá trị lịch sử. Ngày nay, chúng ta chỉ có những tác phẩm chung chung, nhạt nhòa. Tranh sâu sắc một chút sẽ bị từ chối.

 - Tôi nhớ một câu của Ronald Scarle, họa sĩ biếm họa tài năng người Anh, rằng: "Biếm họa phải được thể hiện bằng sự khéo léo của một bác sĩ giải phẫu và sức mạnh của anh hàng thịt".

+ Đúng thế, biếm họa là đỉnh cao của trí tuệ. Thật bất hạnh cho ai không biết và không hiểu nổi tiếng cười. Cao hơn, trí tuệ hơn là tự cười mình. Đối với họa sĩ biếm họa, không có hạnh phúc nào to lớn hơn, sứ mạng nào cao cả hơn và nhân đạo hơn là được đem đến cho người đời tiếng cười dí dỏm, thông minh, vật báu của loài người. Càng ngày đội ngũ họa sĩ biếm họa trên thế giới càng trở nên đông đảo hơn và đã trở thành một lực lượng đáng nể trong giới mỹ thuật nói chung. Người ta đã buộc phải đánh giá đúng mức vai trò của nó. Thay vì treo cổ các họa sĩ biếm họa như trước đây, nay người ta lại tranh nhau treo tranh của họ.

Chưa được đánh giá đúng giá trị

- Lực lượng vẽ tranh biếm họa ở Việt Nam có đông không thưa ông?

+ Rất đáng tiếc là không đông, chỉ vài chục bạn, nhưng có chừng ấy họa sĩ cũng vui rồi. Chỉ có điều, những tác phẩm vượt qua biên giới Việt Nam rất ít, tranh biếm họa của ta mới chỉ đề cập đến những gì thuộc đất nước mình, con người mình thôi. Bạn muốn ra thế giới phải có ngôn ngữ của thế giới. Tay nghề các bạn Việt Nam không kém, kỹ thuật họ cũng ngang ngửa thế giới. Nhưng biếm họa đặc trưng của nó là trí tuệ, trí tuệ, và trí tuệ, cho nên có tranh biếm họa có trữ lượng cao thì bằng hàng ngàn câu chữ. Những bức tranh như thế chúng ta còn thiếu.

- Lực lượng của chúng ta quá mỏng, và thiếu những tác giả có thể định danh mình?

+ Quá ít, rất đáng tiếc, ở các nước họ thoải mái hơn, cởi mở hơn nên lực lượng vẽ tranh biếm họa đông hơn. Vấn đề dân trí nữa, chúng ta đang có một lối sống nhạt nhòa quá. Trong chiến tranh, biếm họa được đánh giá cao, nên các họa sĩ hứng thú vẽ, giờ nó không được coi trọng, vẽ không có đất dùng, họa sĩ không sống được bằng nghề, một tranh biếm họa được trả 150 ngàn đến 200 ngàn, rất thấp. Vì thế, chúng ta cũng thiếu những tiếng nói có thể tạo thành phong cách.

- Vậy theo ông, làm thế nào để kích hoạt lực lượng sáng tác đối với thể tài này và nâng cao chất lượng tranh biếm họa?

+  Chúng ta phải đánh giá nó đúng mức như nó đáng được đánh giá. Hai năm chúng ta nên có một cuộc thi. Báo chí nên đăng biếm họa nhiều hơn và ưu tiên những bức có sức chiến đấu cao. Các họa sĩ biếm họa làm việc đầu tiên với trách nhiệm xã hội chứ không phải vì tiền. Chừng nào tâm thức chúng ta thay đổi, chừng đó chúng ta mới có nhiều hơn nữa lực lượng vẽ biếm họa.

Những tác phẩm tranh biếm họa của họa sĩ Lý Trực Dũng.

- Nhìn rộng ra trên thế giới, biếm họa Việt Nam vẫn ở đâu đó rất nhạt nhòa, trong khi thế giới rất phát triển và coi trọng thể loại này như một công cụ phản biện sắc bén.

+ Tranh biếm họa trên thế giới vẫn phát triển. Nó thú vị vì nhiều bạn khác vẽ được, các họa sĩ biếm họa không phải dân chuyên nghiệp, họ có thể là nhà báo, nhà văn, họa sĩ, kiến trúc sư, họ hiểu đời sống và có khả năng vẽ. Cho đến nay, trên thế giới chưa có trường lớp nào đào tạo họa sĩ biếm họa.

Trong số các họa sĩ biếm họa nổi tiếng thế giới, có không ít người theo học hội họa nhưng cũng có rất nhiều người nghề nghiệp không hề liên quan đến nghệ thuật như: Kỹ sư, nhà giáo, sĩ quan quân đội, bác sĩ... Bởi vậy đề tài mà biếm họa đề cập hàng ngày là vô tận, mỗi người một cách, không ai giống ai, vô cùng phong phú. Bởi biếm họa xuất phát từ cuộc sống và góp phần thay đổi cách nhìn của chúng ta về cuộc sống.

Ở các nước, biếm họa được đưa vào giảng dạy ở trường phổ thông. Đối với họ, có hai thứ để đánh giá một đất nước, đó là ảnh và biếm họa, nó rất chân thật và có giá trị. Ở Việt Nam, chính bác Trường Chinh đã từng yêu cầu họa sĩ Phan Kế An đăng tranh biếm họa ở trang 1. Phần lớn biếm họa gắn liền với các sự kiện thời sự, chính trị, xã hội nóng bỏng, nó có thể không lời hoặc cũng có thể có lời. Sức nặng của một bức biếm họa hay có giá trị hơn nhiều bài bình luận, các bài diễn văn lê thê. Thời đổi mới, tranh biếm họa trên trang 16 báo Văn nghệ được đánh giá rất cao, ai cũng đua nhau đọc. Khi đó số lượng phát hành của tờ báo này có khi lên đến 80 ngàn bản.

- Và vị trí của biếm họa cũng được nâng tầm bình đẳng so với các loại hình nghệ thuật khác?

+ Trên thế giới, các tác phẩm biếm họa được in đều khắp ở báo hàng ngày, các sách về biếm họa và với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, biếm họa được phổ cập một cách cực kỳ nhanh và rộng đến khắp mọi xó xỉnh của trái đất chúng ta.

Ở nhiều nước trên thế giới có các bảo tàng chuyên về tranh biếm họa của nhà nước, của tư nhân... và luôn được sự đón nhận nhiệt tình, hưởng ứng của người xem. Ta có thể nêu ra đây bảo tàng biếm họa Basel ở Thụy Sĩ hiện lưu giữ tới 3.000 tranh biếm họa nguyên bản của 700 họa sĩ biếm họa từ 40 nước khác nhau trên thế giới ở thế kỷ XX và XXI. Đây là một bảo tàng tư nhân được các nhà hảo tâm tài trợ. Hoặc bảo tàng biếm họa Wilhelm Busch Hanover, hay Bảo tàng biếm họa Krems ở Áo...

Ngày nay các bảo tàng cũng đang gặp phải sự cạnh tranh khá quyết liệt của giới sưu tầm biếm họa ngày càng trở nên đông đảo một cách bất ngờ. Các cuộc bán đấu giá tranh biếm họa của các họa sĩ biếm họa Berlin (Đức) là một minh chứng.

- Vậy ông có nhiều hy vọng vào chất lượng cuộc thi tranh biếm họa lần này?

+ Hy vọng chứ, tôi mong muốn tìm thấy những tiếng nói mới, dấu ấn mới trong lực lượng vẽ tranh biếm họa. Tuy nhiên, như tôi đã nói, chúng ta cũng cần kích hoạt tinh thần của họ. Biếm họa sẽ mang đến cho xã hội những tiếng cười thâm thúy, nó là một giá trị của cuộc sống. Và chất lượng của nó, vì thế cũng cần được đánh giá công bằng hơn. 

- Vâng, cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

Hứa Phương Nhi
.
.