Một vài suy nghĩ về sân khấu hôm nay

Thứ Bảy, 23/06/2018, 08:23
Sân khấu là mối quan hệ tổng hòa từ kịch bản, đạo diễn, mỹ thuật, âm nhạc, múa… nhưng kịch bản là khâu đầu tiên và quan trọng nhất để tạo nên thành công của một vở diễn. Có bột, mới gột nên hồ - vì thế, kịch bản là vấn đề chúng ta cần quan tâm nhất...


Suốt hơn nửa thế kỷ qua, sân khấu đương đại Việt Nam đã đạt tới thời hoàng kim của nghệ thuật biểu diễn - đó là giai đoạn đầu những năm 70 cho đến khoảng cuối những năm 95 để khép lại thế kỷ XX.

Cho đến nay, một số ý kiến quá cực đoan cho rằng: sân khấu đã xuống cấp, khán giả cũng xuống cấp - nhưng chúng ta vẫn phải bình tâm để thừa nhận rằng - sân khấu đã thưa vắng khán giả; những “ông hoàng, bà chúa” của thánh đường sân khấu đã không thực sự cuốn hút công chúng. Tất nhiên, nếu nhìn nhận vấn đề này một cách thật khách quan và cả chủ quan nữa, chúng ta thấy vẫn còn rất nhiều vấn đề cần phải quan tâm!

Như chúng ta đã biết, hiện nay, tại Thủ đô Hà Nội, nếu so với các tỉnh, thành khác thì các nhà hát được xếp vào loại tốt nhất, nhì… cả nước như Nhà hát Lớn, Rạp Công nhân, Nhà hát Tuổi trẻ, Rạp Hồng Hà, Kim Mã; vậy mà công chúng yêu sân khấu vẫn nhận thấy hiện tượng - ngoài việc cứ thi thoảng, mỗi khi có vở mới ra mắt tổng duyệt xong, chiêu đãi một hai buổi… rồi hoặc là cất vào kho, hoặc là đi lưu diễn (?)… và rạp hát lại trở về cảnh cũ tối đèn!

Đó là một thực trạng - dẫu thực trạng đó là đáng buồn đi chăng nữa - thì chúng ta vẫn phải chấp nhận, nhằm cố gắng tìm ra những nguyên nhân để lý giải, để khắc phục, để lấy lại tình yêu của khán giả với sân khấu.

Tất nhiên, đây là trách nhiệm, là một công việc khó khăn, cả trước mắt cũng như lâu dài của các cơ quan quản lý nhà nước về văn học, nghệ thuật. Còn đối với chúng tôi, những người nằm trong “bếp núc” và hai cánh gà sân khấu suốt nửa thế kỷ qua, thì đây chỉ là một vài suy nghĩ nhỏ - bằng tình yêu, tấm lòng và bày tỏ “nỗi niềm chia sẻ” mà thôi…

Sân khấu là mối quan hệ tổng hòa từ kịch bản, đạo diễn, mỹ thuật, âm nhạc, múa… nhưng kịch bản là khâu đầu tiên và quan trọng nhất để tạo nên thành công của một vở diễn. Có bột, mới gột nên hồ - vì thế, kịch bản là vấn đề chúng ta cần quan tâm nhất. Bởi, hiện nay, thiếu kịch bản hay, là điều ai cũng nhìn thấy – nhất là những vấn đề phản ánh cuộc sống đầy những thách thức, khó khăn hôm nay mà công chúng hết sức quan tâm…

Vở kịch “Lâu đài cát” của Nhà hát Kịch Việt Nam được diễn tại Cuộc thi nghệ thuật sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2015.

Trong nhiều năm qua, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã thường xuyên tổ chức các Trại sáng tác trong cả nước, và cuối năm đã trao Giải thưởng cho các tác phẩm xuất sắc. Đây là một việc làm hết sức hiệu quả, hữu ích, rất đáng trân trọng.

Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho việc sáng tác hiệu quả hơn, nên chăng, Hội cần có kế hoạch phối hợp cụ thể và hiệu quả hơn với Cục Nghệ thuật biểu diễn (là cơ quan quản lý Nhà nước thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch), đề xuất các đề án đệ trình với Bộ, để Cục đứng ra tổ chức thêm các Trại sáng tác chuyên sâu, chuyên ngành riêng, cho các đơn vị nghệ thuật sân khấu trong cả nước - ngoài các trại đã do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức.

Tất nhiên, mô hình này phải khác của Hội. Có thể mở riêng cho các đề tài truyền thống, hoặc xen kẽ. Các kịch bản chuyên về hài dân gian, huyền thoại, kịch bản hài cho sân khấu đương đại – đang là một khoảng trống rất lớn…

Một vấn đề mà giới sân khấu cũng rất quan tâm hiện nay, đó là việc dàn dựng tiết mục hằng năm của các đơn vị nghệ thuật, từ các nhà hát Trung ương cho đến địa phương (có lẽ nhận thấy tầm quan trọng của nó mà vừa qua, Hội Sân khấu Hà Nội đã tổ chức Hội thảo về mối quan hệ giữa tác giả và các nhà hát…).

Đây không chỉ là trách nhiệm riêng của các đoàn nghệ thuật, mà Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng cần có các cách tiếp cận, trao đổi, bàn bạc cùng Bộ VHTT&DL nhằm có các biện pháp cụ thể hơn để tìm ra những kịch bản đạt chất lượng nghệ thuật để dàn dựng; nhất là những tác phẩm tham dự Hội diễn, Liên hoan sân khấu toàn quốc.

Hiện nay hằng năm, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã trao tặng giải thưởng xuất sắc cho các vở diễn của các đơn vị nghệ thuật trên cả nước - để vừa động viên sự sáng tạo của các nghệ sĩ trong năm, đồng thời, những phần thưởng này được cộng thêm điểm khi xét phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT - đó là một việc làm cần thiết, hiệu quả rất đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nâng cao hơn nữa chất lượng nghệ thuật khi xét tặng giải thưởng, để đáp ứng được niềm tin yêu đích thực của giới nghệ sĩ sân khấu trong cả nước cũng như đông đảo công chúng.

Sân khấu tư nhân vẫn cố gắng nỗ lực sáng đèn trong bối cảnh thoái trào.  Cảnh trong vở “Ngọc Lan trong gió” của sân khấu kịch Phú Nhuận.

Về Liên hoan, Hội diễn toàn quốc, hiện nay, cứ 2 năm một lần, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức các liên hoan và hội diễn. Đây là một công việc định kỳ, “đến hẹn lại lên”, để tổ chức nên một sân chơi nghệ thuật hào hứng cho các nghệ sĩ sân khấu. Nhưng một vấn đề mà chúng ta cần quan tâm, đó chính là chất lượng nghệ thuật của các vở diễn, vì thời gian không thể gọi là đủ dài để tìm ra kịch bản và cả kinh phí cho các đơn vị.

Vì thế, không thể tránh khỏi có những vở diễn đã được dàn dựng một cách vội vã, sơ sài cả về tổng thể nghệ thuật, từ nội dung tư tưởng cho đến chất lượng diễn xuất non kém của các nghệ sĩ, cũng như thiết kế mỹ thuật sân khấu, âm nhạc, múa, ánh sáng…

Qua một số liên hoan gần đây, rõ ràng đã nảy sinh một số vấn đề bất cập mà báo chí, công luận, cũng như chính các nghệ sĩ đã phản ánh về các giải thưởng: từ giải cho vở diễn, đến các giải thưởng cá nhân, tạo nên những làn sóng ngược chiều trong dư luận xã hội, gây nên những bức xúc trong cả giới nghệ sĩ…

Như chúng ta đã biết, thiết kế mỹ thuật sân khấu - với chức năng của người họa sĩ trang trí sân khấu - là một bộ phận không thể tách rời của nghệ thuật sân khấu, với chức năng của người họa sĩ thiết kế mỹ thuật và người đạo diễn thật sự gắn bó với nhau một cách mật thiết, để làm cho vở diễn đạt yêu cầu cả về nội dung và hình thức, đưa ngôn ngữ trang trí đến với người xem - tạo điều kiện cho người nghệ sĩ biểu diễn, sáng tạo những vai diễn bất tử của mình.

Mỹ thuật sân khấu đương đại Việt Nam, tính đến nay đã đi qua một chặng đường trên nửa thế kỷ, đã hình thành một đội ngũ các họa sĩ sân khấu Việt Nam có nghề nghiệp, có bản lĩnh và tài năng; vượt qua không ít khó khăn, thiếu thốn, lạc hậu của sân khấu, bằng các thủ pháp gợi tả, ước lệ, cách điệu, tượng trưng, kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống của cha ông và sân khấu hiện đại, đã thiết kế hàng nghìn vở diễn từ tuồng, chèo, cải lương, kịch nói, múa rối, kịch dân ca, nhạc vũ kịch, ca múa nhạc, xiếc… với nhiều giải thưởng, huy chương Vàng, Bạc, tại các liên hoan, hội diễn sân khấu trong nước và quốc tế…

Tuy nhiên, trong vài ba năm gần đây, giống như kịch bản, trang trí sân khấu cũng đã chững lại về mặt sáng tạo, thiếu những vở diễn có trang trí, trang phục độc đáo, mang lại những hiệu quả lớn về thẩm mỹ của nghệ thuật của sân khấu.

Kể từ những năm đầu thế kỷ XXI đến nay, trong cơ chế thị trường; các loại hình nghệ thuật đều nằm trong một cơn khủng hoảng tất yếu; trước sự tấn công ồ ạt của phim ảnh, ca nhạc ngoại, băng hình sex, video, vũ trường, mạng Intenet… và cả sự bùng nổ các loại sốp, mếch, nhà hàng lan tràn, đông đúc và không kém phần cuốn hút - nhất là với thế hệ trẻ.

Nhưng rõ ràng, nếu khách quan, công bằng và bình tĩnh nhìn lại, chúng ta vẫn hoàn toàn có thể tự tin để khẳng định rằng - nghệ thuật sân khấu Việt Nam, như những ngọn lửa diệu kỳ - sẽ tiếp tục bừng lên và cháy sáng, để lấy lại niềm tin yêu của đông đảo khán giả, và hòa nhập vào dòng chảy chung của các nền sân khấu tiên tiến trên thế giới!

Lê Huy Quang
.
.