Mấy chuyện văn chương có cần bàn luận?

Thứ Bảy, 10/08/2019, 08:11
Đã từ khá lâu, dễ chừng hơn 30 năm trước, tôi có ý tưởng này: Truyện ngắn Việt Nam hiện đại và thơ Việt Nam cổ kim có thể sánh với truyện ngắn và thơ của bất cứ một nước nào khác.


1. Tôi đã viết: “Là người có theo dõi văn học thế giới từ những nguồn khác nhau, đôi khi còn tham gia dịch thuật, tôi thấy nhiều tác phẩm của các nước khác cũng bình thường thôi, không có gì “ghê gớm” đến làm cho ta phải choáng ngợp (chẳng hạn, có khi đọc hàng chục hàng trăm bài thơ đã được tuyển chọn, mới lấy được một vài bài để dịch). Không hề có tâm lý “tự thỏa mãn”, và với tất cả sự khiêm tốn cần thiết, tôi cho rằng trong nửa thế kỷ văn học này (1945- 1995) chúng ta có những tác phẩm chững chạc có thể “chung sống” một cách đàng hoàng, bình đẳng với những nền văn học của bất kỳ một nước nào khác...

Theo sự quan sát của tôi, thì về một số thể loại như kịch bản (kịch bản sân khấu, kịch bản điện ảnh) và tiểu thuyết chẳng hạn, chúng ta còn yếu so với nhiều nước, nhưng về truyện ngắn và thơ, chúng ta không thua kém nước nào”.

Đoạn văn trên đây nhắc lại ý tưởng nói trên vốn đã có từ mười năm trước, sau mới viết cho tham luận tại cuộc Hội thảo khoa học “Việt Nam - nửa thế kỷ văn học” do Bộ Văn hóa - Thông tin, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 20-9-1995. Về sau, tôi đã đưa vào hai tập phê bình và tiểu luận của mình. Đó là “Người lính nhà văn”, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 1998 và “Người lính - nhà văn” (tác phẩm chọn lọc và được giải thưởng Bộ Quốc phòng 5 năm, 1994-1999), Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2003.

Mấy năm gần đây, tôi bỗng thấy một vài tác giả, có cả tác giả nổi tiếng, cũng có ý tưởng này, thể hiện trên một vài tờ báo. Không rõ các tác giả ấy tán đồng ý tưởng của tôi, hay ý tưởng của họ trùng hợp (một cách ngẫu nhiên) với ý tưởng của tôi. Dẫu thế nào, tôi cho cũng là một điều hay. Vì ở đây, mình đã không... đơn độc.

Cho đến nay, 20 năm đã trôi qua, kể từ những dòng chữ của tôi đăng báo và in sách với “tư cách” một tham luận mà thời gian khảo sát ở đấy chỉ trong phạm vi nửa thế kỷ (1945-1995).

Nhà thơ Trần Đăng Khoa hồi nhỏ.

Để cho rõ hơn và chặt chẽ hơn, đồng thời thu hẹp vấn đề lại một chút (chưa nói về truyện ngắn) bây giờ - năm 2019 này - tôi sẽ nói:

“Theo cách nhìn của tôi, thì thơ Việt Nam (thơ xưa và thơ nay) có thể sánh với thơ bất kỳ một nước nào trên thế giới (thơ ở đây hiểu theo nghĩa rộng, gồm cả tục ngữ, ca dao, dân ca...)".

Không biết có ai phản bác lại tôi, trong chuyện này?

2. Bài thơ “Mẹ ốm” rất hay của nhà thơ Trần Đăng Khoa viết năm 12 tuổi (1970) có hai câu nói lúc mẹ đỡ bệnh:

“Sáng nay trời đổ mưa rào

Nắng trong, trái chín ngọt ngào bay hương”.

Có lần, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ và tôi bảo nhau: Giá mà ở câu thứ hai, Trần Đăng Khoa bỏ dấu phẩy ở sau chữ “trong”, để cho nắng ở bên trong trái chín ngọt ngào bay hương, câu thơ lý thú hơn. Tuy nhiên, theo tôi, nếu bỏ dấu phẩy ấy, câu thơ trước cần điều chỉnh lại một chút.

Tôi có nói lại với nhà thơ Trần Đăng Khoa chuyện này. Hình như nhà thơ tán đồng một nửa. Tất cả những lần in lại bài thơ “Mẹ ốm” sau đó, đều không còn dấu phẩy ở câu thứ hai, nhưng câu thơ trên thì vẫn như cũ.

Tôi cho rằng, nếu như được sửa lại, chẳng hạn, là:

“Sáng nay trời tạnh mưa rào
Nắng trong trái chín ngọt ngào bay hương”,

thì hợp lý hơn. Trong thơ, nhiều khi rất cần sự phi lý, nhưng cũng có những khi cần sự... hữu lý.

Nhân đây, hãy đọc lại bài thơ này (bản đầu, chưa sửa):

Mẹ ốm

Mọi hôm mẹ thích vui chơi
Hôm nay mẹ chẳng nói cười được đâu
Lá trầu khô giữa cơi trầu
Truyện Kiều gấp lại trên đầu bấy nay.
Cánh màn khép lỏng cả ngày
Ruộng vườn vắng mẹ cuốc cày sớm trưa
Nắng mưa từ những ngày xưa
Lặn trong đời mẹ đến giờ chưa tan.
Khắp người đau buốt, nóng ran
Mẹ ơi! Cô bác xóm làng đến thăm
Người cho trứng, người cho cam
Và anh bác sĩ đã mang thuốc vào.
Sáng nay trời đổ mưa rào
Nắng trong, trái chín ngọt ngào bay hương
Cả đời đi gió đi sương
Bây giờ mẹ lại lần giường tập đi.
Mẹ vui, con có quản gì
Ngâm thơ, kể chuyện rồi thì múa ca
Rồi con diễn kịch giữa nhà
Một mình con đóng cả ba vai chèo
Vì con mẹ khổ đủ điều
Quanh đôi mắt mẹ đã nhiều nếp nhăn
Con mong mẹ khoẻ dần dần
Ngày ăn ngon miệng, đêm nằm ngủ say.
Rồi ra đọc sách, cấy cày
Mẹ là đất nước, tháng ngày của con...

                                1970

Cũng nên nói thêm là, về bài thơ này của nhà thơ Trần Đăng Khoa, tôi còn lưu tâm đến một chỗ khác nữa. Đó là chữ “đóng” trong câu “Rồi con đóng kịch giữa nhà”. Nếu viết như thế thì hai chữ “đóng” trong hai câu sẽ nhấn mạnh việc lặp lại “cả ba vai chèo”, câu thơ lý thú hơn.

Ấy là ta bàn cho ra ngô ra khoai mấy chữ trên đây thuộc vấn đề “ngôn ngữ trong thơ”. Chứ với trường hợp thơ Trần Đăng Khoa thời nhỏ, bàn là một chuyện, còn có nên sửa hay không, lại là một chuyện khác. Tôi bỗng nhớ, có lần Trần Đăng Khoa kể chuyện nhà thơ Xuân Diệu đã chữa cho một chữ trong thơ anh. Thời nhỏ, Khoa có những câu này trong bài thơ “Đêm Côn Sơn” (1968):

“Mờ mờ ông Bụt ngồi nghiêm

Sợ gì, ông vẫn ngồi yên lưng đền”.

Nhà thơ Xuân Diệu chữa chữ đầu ở câu thứ hai là “nghĩ”:

“Nghĩ gì, ông vẫn ngồi yên lưng đền”.

Và Trần Đăng Khoa khen Xuân Diệu đã “tinh tường”: “Chỉ thay một chữ “nghĩ”, ông Bụt đã hóa thành cơ thể sống, đã thành sự sống”. Tôi thì lại thấy ở đây, Xuân Diệu chẳng những không “tinh tường” mà đã mắc phải cái bệnh người ta gọi là “bệnh nghề nghiệp”. Chỉ người lớn nhìn ông Bụt mới tưởng ra ông đang suy nghĩ, chứ một cậu bé mười tuổi, nhìn ông Bụt thì cảm thấy sợ, không nghĩ được là ông đang “nghĩ gì”. Ở đây, theo tôi, Xuân Diệu đã áp đặt khá lộ kiểu tư duy của một người lớn cho tư duy của một đứa trẻ con.

3. Trong một chuyên luận được viết rất công phu có tên “Phê bình văn học thế kỷ XX” dày đến gần 600 trang sách khổ lớn (16x24cm), Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2018, nhà nghiên cứu Thụy Khuê, khi so sánh Vũ Ngọc Phan (tác giả bộ sách “Nhà văn hiện đại”) với Hoài Thanh (một trong hai tác giả bộ sách “Thi nhân Việt Nam 1932-1941”) có viết:

“Tuyển tập “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh và Hoài Chân (em ông) thu thập rất nhiều nhà thơ thời tiền chiến. Tiếc rằng trong số đó, không ít tác giả ngày nay không còn để lại dấu vết gì. Vì vậy, về việc lựa chọn tác giả, Hoài Thanh không tinh bằng Vũ Ngọc Phan” (tr.68).

Không biết, người đọc và các nhà nghiên cứu khác nghĩ sao? Tôi cho nhận định của bà Thụy Khuê không ổn. Tôi nghĩ ở đây, nhận định về Vũ Ngọc Phan phải đổi cho nhận định về Hoài Thanh, và ngược lại, mới đúng. Là người sưu tầm, biên soạn, giới thiệu “Vũ Ngọc Phan toàn tập”, Nhà xuất bản Văn học, 2011; cũng là người nghiên cứu khá kỹ về Hoài Thanh, tôi thấy Hoài Thanh tinh hơn hẳn so với Vũ Ngọc Phan, chẳng những trong việc lựa chọn tác giả mà còn trong việc bình luận, đánh giá tác phẩm.

Rất nên lưu ý rằng, Vũ Ngọc Phan trong “Nhà văn hiện đại” viết đến 79 tác giả, còn Hoài Thanh (và Hoài Chân) trong “Thi nhân Việt Nam...” chỉ viết về 46 tác giả.

Xét xem nhà nghiên cứu và phê bình tinh hay không tinh ở đây phải căn cứ vào tỉ lệ các tác giả có “để lại dấu vết” trong số các tác giả được nhà nghiên cứu và phê bình đề cập, chứ không phải căn cứ vào số lượng các tác giả được nhà nghiên cứu và phê bình đề cập.

Nói cho nôm na, dễ hiểu, thì giả sử một nhà nghiên cứu viết về 50 tác giả mà chỉ 40 tác giả có “để lại dấu vết” (80%) thì nhà nghiên cứu ấy tinh hơn nhiều so với nhà nghiên cứu viết về 100 tác giả mà có đến 60 tác giả có “để lại dấu vết” (60%).

Tất nhiên, xét chi ly cho ra được ai “để lại dấu vết”, ai “không còn để lại dấu vết gì” là chuyện mà giở ra bàn sẽ khá... lôi thôi, ta chưa làm ở đây. Chuyện này phụ thuộc vào cách nhìn nhận, cách đánh giá của từng nhà nghiên cứu. Vấn đề là nhà nghiên cứu ấy có được nhiều bạn đọc và nhà nghiên cứu khác đồng tình không.

Tôi tin là không, với tác giả “Phê bình văn học thế kỷ XX”, trong trường hợp bà đánh giá Vũ Ngọc Phan và Hoài Thanh.

Hồng Diệu
.
.