Không chỉ là đề tài văn chương

Thứ Sáu, 11/05/2018, 08:19
Trong khuôn khổ hoạt động của Trại sáng tác văn học “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” (lần thứ IV, 2017-2020) do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức tại Hạ Long, Quảng Ninh (từ ngày 16 đến 27-4-2018), nhiều hoạt động nghề nghiệp hữu ích có ý nghĩa hỗ trợ sáng tác. 


Chiều 26-4, Trại sáng tác đã tổ chức buổi tọa đàm văn chương mang tính nghề ngiệp cao. Trong số 30 tác giả tham gia Trại sáng tác có nhiều cây bút thuộc lực lượng Công an, Quân đội và nhiều người khoác áo dân sự.    

1.Trại sáng tác văn học “ Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Bộ Công an – Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức là một cuộc tập hợp lực lượng viết văn trên phạm vi cả nước. Ba mươi nhà văn, tác giả đến từ nhiều vùng miền, ngành nghề khác nhau của đất nước: Bế Mạnh Đức, Nguyễn Đức Nguyên (Lạng Sơn); Vũ Quốc Khánh, Tống Ngọc Hân (Phú Thọ); Trần Ngọc Dương, Nguyễn Duy Liễm (Quảng Ninh); Đoàn Hữu Nam, Nguyễn Văn Cự (Lào Cai); Phạm Đức Thái Nguyên (Thái Nguyên); Tôn Ái Nhân, Nguyễn Đăng An, Bạch Lê Vân Nguyên, Lê Duy Nghĩa, Phan Đình Minh, Trọng Nghĩa (Bộ Công an); Phạm Quang Đẩu, Bùi Thanh Minh, Nguyễn Bá Cổn, Nguyễn Đình Tú, Trần Đức Tĩnh (Bộ Quốc phòng); Nguyễn Hiếu, Văn Chinh, Vương Tâm, Hoàng Việt Hằng (Hội Nhà văn Việt Nam).

Có tác giả vốn là nhà ngoại giao kỳ cựu như Nguyễn Chiến Thắng (bút danh Thăng Sắc, từng là Đại sứ Việt Nam tại Pháp, Angiêri, Campuchia), đã nhận Giải thưởng văn học Sông Mê Kông (2010). Trại viên lớn tuổi nhất là tác giả Phương Văn (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) có nhiều năm gắn bó với đề tài Công an. Năm nay ông đã 77 tuổi. Nhưng bền chắc, dẻo dai như một loại cây rừng.

Trại viên trẻ nhất là Nguyễn Văn Học (sinh năm 1981) đến từ Báo Nhân Dân, đã sở hữu hơn 10 tác phẩm gồm truyện ngắn và tiểu thuyết. Tham gia Trại  sáng tác có hai nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng, Lê Thị Bích Hồng – những “người bạn của Công an”, được coi là một đổi mới thành phần của trại viên. Nhà phê bình Bùi Việt Thắng thời gian tham dự Trại sáng tác đã đọc hơn 800 trang bản thảo, đã trao đổi sâu về chuyên môn với các đồng nghiệp.

Trong thời gian dự Trại sáng tác, các nhà văn, tác giả đã đi thực tế tại Trại giam Đông Triều, thăm Đền Cửa Ông, Đền Cặp Tiên ở Cẩm Phả. Đặc biệt ở sảnh A Nhà nghỉ dưỡng 368 Hạ Long của Bộ Công an, mỗi ngày vài lần đều có “sa-lông” văn chương. Khi thì ba bốn, khi thì dăm bảy trại viên không hẹn mà gặp, đều sôi nổi trao đổi nghề nghiệp. Chẳng cần có người “cầm càng”, những đối thoại văn chương cứ nở rộ. Kết thúc có người thì hỉ hả, có người  thì vẫn còn bừng bừng khí thế muốn tiếp tục luận chiến.

 2. Không có cái gọi là “cận văn học”, “văn chương loại ba”. Ý kiến của nhà văn Tôn Ái Nhân mở đầu buổi tọa đàm nhấn mạnh việc cần xóa bỏ định kiến mảng sáng tác về đề tài Công an. Những tác phẩm về vụ án, có tính chất hình sự/trinh thám nếu đạt chất lượng nghệ thuật cao, đều có giá trị văn chương.

Ý kiến này nhận được sự đồng tình của nhiều người. Không phải ngẫu nhiên mà một cuộc khảo sát gần đây ở nước Nga đã đưa ra một con số có đến 60% người đọc thích đọc truyện trinh thám. Đã có hẳn một tổ chức gọi là Hiệp hội các nhà văn viết truyện trinh thám thế giới (thành lập từ 1986). Nhà văn Hữu Mai là tác giả Việt Nam đầu tiên được kết nạp vào Hội này. Một số nhà  văn trẻ ở ta (như Di Li, Đào Trung Hiếu, Nguyễn Đình Tú, Tống Ngọc Hân) đã thành công trong thể loại hình sự/trinh thám (các tiểu thuyết “Trại Hoa Đỏ”, “Bão ngầm”, “Cô Mặc Sầu”, “Âm binh và lá ngón” đều đã nhận Giải thưởng của Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam thời gian qua).

Tọa đàm sáng tác văn học về đề tài “ Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” tại trại sáng tác văn học do Bộ Công an và Hội nhà văn phối hợp tổ chức tháng 4 -2018.

Cuộc sống chiến đấu của CBCS lực lượng Công an là một kho tư liệu vô tận, một nguồn cảm hứng sáng tác không cạn kiệt đối với người viết. Ý kiến của tác giả Nguyễn Sỹ Chân gợi nên hiệu ứng trao đổi, tranh luận. Trong lực lượng Công an, những câu chuyện phản gián, tình báo dễ tạo nên sự hấp dẫn của tác phẩm. Thượng tá Trần Cao Kiều, Phó Giám đốc NXB CAND cho rằng, mảng đề tài này ngày càng được giải mật và được hình tượng hóa bằng nghệ thuật ngôn từ (như "Đêm yên tĩnh" của Hữu Mai, "Yêu tinh" của Hồ Phương, "Đơn tuyến" của Phạm Quang Đẩu...).

Nhà văn nên quan tâm nhiều hơn nữa đến “hậu phương” của người chiến sỹ Công an trên mặt trận tình báo. Nhà văn Nguyễn Đăng An nêu lên những khó khăn và thách thức khi viết về lực lượng Công an. Đặc biệt về lĩnh vực tình báo. Đây là một không gian - thời gian sống đặc biệt của các chiến sỹ Công an, đầy hấp lực với người viết nhưng khó khăn chồng chất khó khăn.

Nhiều đóng góp hy sinh vĩ đại của chiến sỹ tình báo nhưng đến nay vẫn chưa được giải mật để được tiếp cận, lại phải chờ đợi, có khi mấy chục năm sau. Ông cho biết, khi viết tiểu thuyết "Mê cung" (về cuộc đấu tranh với tổ chức FULRO) đã hòa trộn hai hình thức phản gián và tình báo. Ông hy vọng cuốn tiểu thuyết mới sẽ có nhiều độc giả.

 Viết vụ án hình sự dễ hơn các chuyên án phản gián, tình báo, nhất là khi công bố trên báo chí hay in thành sách. Ý kiến của  tác giả Trọng Nghĩa nhận được nhiều chia sẻ. Kinh nghiệm của hơn 30 năm làm báo đã giúp ông có những “ chiêu” để đưa tác phẩm ra công khai. Vấn đề là từ cái cụ thể cần nâng lên tầm khái quát nghệ thuật, gắn với những vấn đề nhân văn, nhân sinh xã hội.

Nhà văn Bạch Lê Vân Nguyên chia sẻ về những trải nghiệm hơn 30 năm công tác Nội tuyến trong lực lượng An ninh Khánh Hòa. Ông cho rằng lĩnh vực này là một nguồn quặng vô cùng tận. Nhưng khai thác nó thì rất khó khăn vì các vỉa tầng của nó có “độ sâu” lớn. Ông đã, đang và sẽ tiếp tục viết về lực lượng Công an cho đến khi không còn viết được.

Tương lai của truyện trinh thám sẽ sáng sủa – đó là sự khích lệ của nhà văn Văn Chinh khi bàn về vai trò của hình thức tác phẩm này trong văn chương thế giới và Việt Nam.  “Ai đó nói không thích đọc văn chương trinh thám Việt Nam là hơi... khắt khe - Ông thẳng băng nói và nhấn nhá - nên xem lại” (!?). Ông là người đọc rất tinh khi nhận xét có quá nhiều ngẫu nhiên trong tiểu thuyết "Đơn tuyến" của Phạm Quang Đẩu. Như thế thì chiến công của chiến sỹ tình báo liệu có bị suy giảm, hạ thấp? Ông cũng than phiền về cái gọi là “trần” (những giới hạn về tư tưởng), nó hạn chế sức viết của nhà văn.

Viết về đề tài gì thì tác phẩm văn chương cũng phải thực sự hấp dẫn. Ý kiến của nhà văn Lê Ngọc Minh chạm đến chỗ sâu nhất của nghề văn. Tác phẩm viết về Công an hứa hẹn nhiều hấp dẫn vì những lý do mà các đề tài khác đôi khi khó hàm chứa - nó chất đầy những bí mật, những hy sinh thầm lặng, nhiều tấm gương tận hiến, nhiều tình huống éo le, nhiều số phận vinh quang và cay đắng, cái vĩ đại và cái bình thường đan xen... Ông chia sẻ đã viết một số tác phẩm về lực lượng Công an. Nên thấy không có chuyện “đề tài”. Cổ nhân nói “cái khó ló cái khôn”.

Nhà văn Đoàn Hữu Nam tiết lộ đang viết một câu chuyện về một vụ án hy hữu. Một người do phòng vệ quá mức đã gây chết người. Anh đã trốn vào rừng cả năm trời. Người thân cất công đi tìm nhưng ít hy vọng. Nhưng cuối cùng ông đã cho nó “đổ”. Quyết tâm “dỡ ra và viết lại” theo gợi ý của nhà phê bình Bùi Việt Thắng.

Nhà văn Phạm Thanh Khương hào hứng nói: “Không có đề tài Công an. Chỉ có tác phẩm hay”. Cuộc sống hiện tại cần sự bình yên, ổn định để phát triển. Thử hình dung một ngày không có lực lượng Công an thì an ninh trật tự đời sống sẽ diễn ra như thế nào? Ai hy sinh trong thời bình nếu không phải là các chiến sỹ CAND? Họ là những con người tận hiến, một phẩm chất không dễ có ở bất kỳ người nào.

 Nhà phê bình Bùi Việt Thắng có một đề xuất nghề nghiệp có tính chất “thăm dò”: Nên chăng viết tiểu thuyết ngắn xét từ góc độ hiệu quả kinh tế và cơ chế đọc hiện đại? Ngắn, phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ của cả người viết lẫn người đọc Việt Nam. Trong thời buổi thị trường hóa, viết không thể không tính đến độc giả (Thượng đế). Nhưng ngắn là bao nhiêu? Ý kiến này được thảo luận sôi nổi. Nói ngắn nhưng co dãn, cơ động trên dưới 200 trang. Viết ngắn là một nghệ thuật chứ không phải thiếu vốn sống.

3. Đã hiện hữu nhiều tác phẩm hứa hẹn thành công về lực lượng Công an trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống. Một số bản thảo đã rõ đường nét, tiếp tục được hoàn chỉnh như “Mê cung” của Nguyễn Đăng An, “Chinh phụ làng Chuông” của Bùi Thanh Minh, “Giọt mật của Thượng đế” của Nguyễn Văn Cự, “Phía sau cuộc chiến” của Nguyễn Duy Liễm, “Hòn Rồng” của Bạch Lê Vân Nguyên, “Tiên đã về trời” của Nguyễn Văn Học…

Nhiều bản thảo của các nhà văn, tác giả Tôn Ái Nhân, Nguyễn Hiếu, Phạm Quang Đẩu, Vương Tâm, Sỹ Chân, Lê Ngọc Minh, Phạm Đức Thái Nguyên, Trần Ngọc Dương, Đoàn Hữu Nam, Lê Thị Bích Hồng, Trần Đức Tĩnh, Tống Ngọc Hân, Nguyễn Đức Nguyên, Bế Mạnh Đức… đang dần dần phát lộ đường nét và dung nhan.

Trại sáng tác văn học “Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ IV (2017-2020) đã có những tín hiệu thành công ngay từ khí thế bước đầu. Văn chương về lực lượng Công an đã, đang và sẽ hòa vào văn học dân tộc nói chung với giá trị nhân văn và nghệ thuật ngày càng được nâng cao. Trại sáng tác tạo môi trường nghề nghiệp (giao lưu, trải nghiệm) dù thời gian có hạn.

Ban tổ chức hy vọng cuộc thi và Trại sáng tác sẽ có tác dụng lan tỏa, thu hút ngày càng có hiệu quả lực lượng viết trong và ngoài lực lượng Công an. Thời gian dù chưa đủ để chia sẻ kinh nghiệm sáng tác và các trải nghiệm hiện hình, nhưng đó là tiền đề tốt, hứa hẹn những tác phẩm ra đời trong tương lai gần không chỉ để hưởng ứng cuộc thi hay nộp sản phẩm sau khi tham gia Trại. Nó là một cú “huých” sáng tác. Nó là một niềm cổ vũ say mê lao động nghệ thuật. Nó hứa hẹn gặt hái mùa màng văn chương mới.

Hạ Long, Quảng Ninh, 26-4-2018

Bùi Việt Thắng
.
.