Dưới mái nhà văn chương, chúng tôi là anh em

Thứ Sáu, 04/01/2019, 13:38
Duyên phận anh em của chúng tôi bắt đầu từ thập niên tám mươi thế kỷ trước. Nhà thơ Trúc Thông hồi ấy công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Một lần vào Quy Nhơn, anh tặng chồng tôi (nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng) tập thơ "Chầm chậm tới mình".


Khoáng đạt, kiệm lời, từng chữ thao thức khám phá và sâu đằm nhân ái là ấn tượng thơ anh trong lòng bạn trẻ chúng tôi. Hàn Mặc Tử có câu: "Người thơ phong vận như thơ ấy" - qua thơ Trúc Thông có thể hình dung về tính cách và phong thái của anh.

Tác giả thăm nhà thơ Trúc Thông.

Yêu cầu của công việc ít nhiều gắn với văn chương là lý do chồng tôi thường đi Hà Nội. Đó cũng là những dịp hội ngộ anh em bè bạn. Giữa trập trùng yêu mến, chuyến Hà Nội nào thiếu bóng anh Trúc Thông xem như chưa trọn. Đơn giản vì ở tâm thế một người anh, Trúc Thông chưa bao giờ để chúng tôi lạc lõng. Hơi ấm của tình anh em vừa đủ để rượu nhạt hóa nồng, để nhen quạnh tẻ thành tiếng cười rộn rã. 58 Quán Sứ, cơ quan anh, và 16 Hồng Phúc, nhà anh, là hai địa chỉ chúng tôi thường đến tìm anh mỗi khi ra Hà Nội.

Mùa đông năm 1994, tôi ra nhận giải Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam và đến thăm anh chị. Biết tôi chưa quen với cái lạnh đất Bắc, anh bảo vợ soạn áo rét, khăn choàng cho tôi, rồi đưa tôi đi dạo phố cổ. 

Chiếc xe đạp lăn dọc theo những ngọn gió cắt da, mỗi phố mỗi dừng, mỗi điểm dừng có một câu chuyện về Hà Nội cổ xưa và lịch lãm, để đứa em miền Trung ngơ ngác là tôi hiểu vì sao có những cái tên Hàng Cỏ, Hàng Trống, Hàng Chiếu, Hàng Than, Hàng Bột, Hàng Đường. Thấp thoáng bóng xưa mở chợ hoa xuân trên phố Hàng Đào.

Hốt nhiên, tôi cảm thấy mình từng là nhánh cây đang ngóng tiếng người, là ngọn gió tự vót mỏng mình khi lướt qua nụ qua hoa, là một chút gì của Thăng Long vạn cổ tìm về. Rất nhiều năm sau này, những dẫn giải của anh vẫn là lời giới thiệu hay nhất về Hà Nội mà tôi từng biết.

Anh Trúc Thông bị tai biến ngót chục năm rồi. Trong vòng tay vợ con và bạn bè, anh vượt qua cõi chết, và sống (như thể) vì không thể buông bỏ yêu thương. Cùng với mẹ, hai cháu Phùng Linh, Phùng Vân cố gắng giữ từng hơi thở của cha, cố gắng học hành, tốt nghiệp phổ thông, rồi đại học, cương nghị bước qua tháng ngày khó nhọc. Khi tôi đến thăm anh, được biết Vân đã vào Sài Gòn làm việc, Linh là chị cả, ở Hà Nội cùng bố mẹ, công tác tại VOV5.

Chị Nguyệt hỏi anh có nhận ra ai không, anh gật. Chị hỏi tên, anh nói "Tr...ang". Tôi gọi cho chồng tôi và đưa điện thoại gần tai anh Thông. Chồng tôi gọi: "Anh Trúc Thông ơi! Em, Mừng đây, nhớ anh lắm, nhớ lắm...". Anh gật gật, miệng bập bẹ, những sợi tóc bạc trắng xòa xuống trán.

Anh Trúc Thông của chúng tôi!

Trần Thị Huyền Trang
.
.