Ca khúc trào phúng “đổ bộ” nhạc Việt

Chủ Nhật, 22/04/2018, 08:56
Ngay sau khi nhóm Lộn Xộn trình bày xong ca khúc “Người yêu tôi không có gì để mặc” trong chương trình “Sing my song – Bài hát hay nhất 2018”, nhạc sĩ Đức Trí khẳng định như đinh đóng cột: “Đây là năm của những ca khúc có đề tài trào phúng, đây là xu hướng âm nhạc tiếp theo!”.


Đả kích thói hư tật xấu bằng âm nhạc được xem là xu hướng thời thượng thu hút sự quan tâm của người yêu nhạc. Khuynh đảo dòng nhạc này đa phần là những gương mặt rất trẻ. Trước khi nổi tiếng ở “Sing my song”, nhóm Lộn Xộn đã được cộng đồng yêu nhạc underground biết đến với loạt ca khúc trào phúng.

Đây có thể xem là nhóm nhạc chuyên khai thác âm nhạc châm biếm, đả kích những chuyện chướng tai gai mắt trong sinh hoạt thường ngày như: “Khoan cho anh ngủ” (châm biếm sự vô ý thức của người dân cứ khoan đục bê tông đúng giờ mọi người đi ngủ), “Lũ chó” (lên án nạn trộm chó), “Đường của bố mày” (giễu nhại việc đi đường bất chấp luật lệ giao thông của một số người)… 

Sau ca khúc “Người yêu tôi không có gì để mặc” phác họa chân dung những cô nàng dù đầy ắp quần áo nhưng hễ ra đường là than không có gì để mặc, nhóm Lộn Xộn tiếp tục khiến khán giả đứng ngồi không yên với ca khúc mới toanh ở vòng 2: “Nổi tiếng dễ không?”. Bài hát lên án kiểu câu like, tạo sự nổi tiếng bất chấp chiêu trò hèn mạt trên mạng xã hội của không ít người hiện nay.

Ca khúc “Hóng hớt showbiz” của Châu Đăng Khoa.

Có thể nói “Sing my song” là cái nôi để rất nhiều bài hát trào phúng ra đời. Mùa 1, Lê Thiện Hiếu gây sốt với bài hát “Ông bà anh”. Bài hát thể hiện cách nhìn dí dỏm về tình yêu thời Facebook, Zalo quá nhanh, quá nguy hiểm và vô cảm khi ai nấy chỉ tập trung vào chiếc điện thoại trên tay.

Bùi Công Nam thì mang đến ca khúc “Ôi trời ơi” rất bắt tai và đầy ngụ ý sâu cay cho những cô nàng quen “đào mỏ” đại gia. Sau khi rời cuộc thi, hai gương mặt này vẫn tiếp tục khai thác dòng trào phúng. Mới đây, Bùi Công Nam gây tượng khi trình làng “Tự giác đi”.

“Tự giác đi” khai thác nỗi khổ tâm của những người trót cho bạn bè mượn tiền mà cuối năm họ chây ì ra không trả. MV phỏng theo chuyện Nobita đòi nợ Chaien khiến bài hát thêm hài hước, mắc cười. Lê Thiện Hiếu thì bám ngay câu nói cửa miệng của nhiều người trẻ là “Tội gì phải cưới” để viết bài hát cùng tên.

Ca khúc trào phúng thật ra không phải là khái niệm gì mới mẻ. Tính tới thời điểm này, nổi tiếng và thành công nhất trong dòng ca khúc trào phúng có thể kể đến “Thật bất ngờ” của nhạc sĩ Mew Amazing do Trúc Nhân thể hiện năm 2015. Nó nổi bởi ra đời đúng thời điểm làng showbiz có vô số chuyện tào lao, ì xèo scandal không đâu vào đâu.

“Thật bất ngờ” chỉ rõ bản chất của showbiz: "Từng ngày vội vội vàng đi qua/ Câu chuyện ngày ngày càng đi xa/ Trên bản tin có lẽ anh hơi ngây ngô khi chia tay tôi, tôi không có lỗi/ Và màn hình tivi, đêm ngày trồng trọt vào trong trí óc/ Về một thế giới, như mơ, như thơ, như ly kem bơ ôi thật bất ngờ!".

Nhóm MTV cũng đánh dấu sự quay trở lại của mình vào năm 2016 bằng ca khúc “Đừng nhìn bề ngoài” mỉa mai làng giải trí lắm thị phi. Lời ca khúc hài hước mà chua cay: “Xưa nay đại gia cặp kè chân dài, ấy lẽ thường như thạch sùng phải bò trên tường/ Yêu nhau cũng có, hợp đồng cũng nhiều, lúc tan chợ chẳng ồn ào, nhà ai nấy về/ Cớ sao bây giờ, có anh chơi lầy, hái hoa chê chán rồi chẳng muốn mất tiền/ Thế nên chơi trò, vác đơn đi kiện, ôi giời ơi...” hay “Danh xưng tự phong, nào là hot girl với những hot boy sao giờ đây nhiều như lá cây?...

Lướt web mỗi ngày thấy lắm bi hài, thấy đời như sân khấu không cần catse”. “Đừng nhìn bề ngoài” không chỉ nói về những hiện tượng thiếu tích cực trong showbiz, những phát ngôn gây sốc... mà còn đề cập đến cả các khía cạnh xã hội như sở thích chơi game Pokémon “quên ăn quên ngủ” thậm chí nguy hại đến tính mạng của nhiều người. Ca khúc này nằm trong vệt những ca khúc đả kích, châm biếm của nhóm MTV trước đây như: “Nói chung là...” (Chuyện thằng say), “Tại sao bạn đến trái đất này” (khai thác chuyện showbiz), “Anh ngoan rồi vợ ơi” (châm biếm thói gia trưởng và bợm nhậu của mấy ông chồng).

Việc bóc phốt showbiz có vẻ được rất nhiều nghệ sĩ để tâm. Bởi ngoài “Thật bất ngờ”, “Đừng nhìn bề ngoài”, dòng ca khúc “đá xoáy” người trong giới giải trí còn có “Những cô nàng ham vật chất” của Minh Quân, “Hóng hớt showbiz” của Châu Đăng Khoa...

Các vấn đề nhức nhối của xã hội như thói “nổ”, thói côn đồ, nạn kinh doanh thực phẩm bẩn... cũng được đề cập trong các ca khúc như “Chém gió” (nhạc sĩ Vũ Quốc Việt), “Giáo dục công dân” (Tiến Đạt), “Lương tâm” (Tiến Đạt)... Jun Phạm thì có bài hát “Tân thời” (nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong sáng tác) hấp dẫn, lôi cuốn từ lời ca đến nội dung MV. “Tân thời” cũng là một bài hát châm biếm việc cứ chăm chăm vào thế giới ảo, mạng xã hội của một bộ phận người trẻ mà bỏ quên tình cảm thật xung quanh.

Nhóm Lộn Xộn gây sốt với ca khúc “Nổi tiếng dễ không?”.

Sở dĩ những bài hát trào phúng được lòng công chúng vì nó thể hiện cái nhìn thẳng thắn vào thói hư tật xấu ở đời bằng giọng điệu mai mỉa, sâu cay và hài hước.  Những vấn đề đó người ta thấy hằng ngày, chứng kiến hằng ngày nhưng số bài hát khai thác vấn đề này quá ít ỏi. Nên khi có bài hát gãi đúng chỗ ngứa, bài hát nhanh chóng thành câu cửa miệng và lan truyền với tốc độ chóng mặt.

Ca sĩ Phương Thanh nhận định: “Trước những điều trái tai gai mắt, rất hiếm người có thể im lặng. Tôi ủng hộ cách nghệ sĩ lên tiếng thông qua những ca khúc thông minh và văn minh thay vì cứ lên báo hay mạng xã hội chém gió, văng tục hay “ném đá” lung tung. Nếu trào phúng, giễu nhại sâu cay và chỉ ra được bản chất của hiện tượng, âm nhạc thực sự có ý nghĩa và khiến người nghe nhớ lâu”.

Phải thừa nhận rằng viết ca khúc trào phúng không hề dễ. Nó đòi hỏi người nghệ sĩ phải có óc quan sát, khiếu hài hước và cái tầm sâu sắc. Không đơn giản là anh bày ra hiện thực rồi phổ nhạc lên là hát. Phải làm sao âm nhạc và lời ca hòa quyện khiến cho kẻ bị đả kích thấy “nhột”, thấy “xót”. Nó phải thật thâm thúy, thật sáng tạo và ấn tượng về nội dung, thông điệp. Bởi không hiếm ca khúc thuộc dòng này nhanh chóng chết yểu vì chỉ đơn thuần “điểm mặt chỉ tên” thói tật xã hội hay sự kiện thời sự.

Có thể kể đến ca khúc “Hóng hớt showbiz” của nhạc sĩ Châu Đăng Khoa. Nhiều người ví, sau tháng 11-2017, gần như chẳng ai nhớ đến bài hát này nữa vì bài hát chỉ thuần liệt kê những những tranh cãi đang nóng ở thời điểm đó: Chi Pu đi hát nhưng bị chê là thảm họa, Hương Tràm phản đối "hot girl làm ca sĩ" , Đào Bá Lộc lên báo kể hết về chuyện tình éo le với "một nam diễn viên hài kiêm MC nổi tiếng" và "từng có 14 người yêu"...

Dù cứ ra mắt là được hưởng ứng nhưng có vẻ như các ca khúc trào phúng vẫn chỉ ở mức “gãi ngứa” sự việc chứ không giải quyết được vấn đề gì. Cái khó là những ca khúc này chỉ nổi theo dạng truyền miệng trên mạng, trong cộng đồng ngầm chứ ít được ưu ái ở các sân khấu biểu diễn ca nhạc chính thức. Nó không dễ để nghệ sĩ chạy show kiếm tiền vì bài hát xem ra bị “lạc quẻ” giữa rừng bài hát thời thượng khác.

Toàn bộ chương trình, các ông bầu cũng muốn mang đến cho  khán giả cái gì giải trí nhẹ nhàng chứ không thích đả kích sâu cay, đâm bị thóc, thọc bị gạo. Ngay cả ca sĩ, nhạc sĩ Anh Tuấn, người sáng tác chùm ca khúc “đá xoáy” showbiz như “Đừng nhìn bề ngoài” cũng ngao ngán thừa nhận: “Chúng tôi không ngại đụng chạm nhưng “xoáy” hoài cũng mệt mà showbiz cũng chẳng khá lên. Vậy nên chúng tôi sẽ tạm dừng hình thức châm biếm này để đổi sang một cách thể hiện khác...”.

Phan Thi Uyên
.
.