Nhạc Việt về đâu nếu chỉ là bản sao của Kpop?

Thứ Sáu, 13/04/2018, 08:54
Chưa thể khẳng định con đường âm nhạc của Zero 9 sẽ đi đến đâu nhưng sự xuất hiện của nhóm nhạc này một lần nữa khiến khán giả đặt câu hỏi, nhạc Việt phong cách Hàn có giúp chúng ta đi xa hay mãi chỉ là bản sao của người khác?


Những ngày gần đây, sự xuất hiện của nhóm nhạc Zero 9 của "ông bầu" Tăng Nhật Tuệ gây những luồng phản ứng trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng, Zero 9 là "phiên bản lỗi" của Kpop khi giọng hát chưa thực sự xuất sắc, phong cách ăn mặc, trang điểm lòe loẹt...

Chưa thể khẳng định con đường âm nhạc của Zero 9 sẽ đi đến đâu nhưng sự xuất hiện của nhóm nhạc này một lần nữa khiến khán giả đặt câu hỏi, nhạc Việt phong cách Hàn có giúp chúng ta đi xa hay mãi chỉ là bản sao của người khác?

Phiên bản Kpop lỗi?

"POM" là MV mới nhất của Zero 9, "trình làng" hôm 30/3 vừa qua. MV trẻ trung, sôi động và nhiều màu sắc. Phần lớn khán giả cho rằng, khi xem "POM", họ có cảm giác như xem MV của những nhóm nhạc Hàn Quốc nhưng vẫn có cái gì đó "gợn gợn".

Giọng hát của các thành viên trong nhóm không xuất sắc, vũ đạo bình thường, phần đọc rap không rõ lời khiến khán giả không hiểu các thành viên đang hát gì. Sau hơn một tuần ra mắt, MV "POM" thu hút hơn 2 triệu lượt xem trên Youtube, 27 ngàn like (yêu thích) nhưng số lượng dislike (không thích) cao gấp nhiều lần, hơn 100 ngàn.

Nhóm nhạc Zero 9 bị đánh giá là phiên bản lỗi của nhóm nhạc BTS nổi danh ở Hàn Quốc.

Zero 9 có 7 thành viên được tuyển chọn từ 20 ứng viên qua quá trình đào tạo chuyên nghiệp trong vòng hai năm. Zero 9 xây dựng theo phong cách nhóm nhạc thần tượng của Hàn Quốc. Từ trước khi ra mắt, Zero luôn được gắn mác "BTS Việt Nam" (BTS là nhóm nhạc nam hip hop nổi tiếng của Hàn Quốc gồm 7 thành viên, ra mắt tháng 6/2013).

Tuy nhiên, khác với BTS, các thành viên trong nhóm có ngoại hình không quá xuất sắc nhưng cách ăn mặc, trang điểm thì khá lòe loẹt, thậm chị bị đánh giá là "dị". Chính điều này đã phản tác dụng khiến Zero bị chế giễu là "dị biệt nửa mùa". Fan của Kpop nói chung và fan của BTS nói riêng đòi tẩy chay vì không muốn Zero 9 "ăn theo" thần tượng của mình để nổi tiếng.

Zero 9 không được lòng khán giả còn vì phát ngôn gây tranh cãi. Đại diện Zero 9 nói đại ý rằng, "chúng tôi muốn đưa làn sóng Hip hop về Việt Nam, muốn cho mọi người hiểu văn hóa Hip hop là như thế nào. Chúng tôi muốn làm điều gì đó mới lạ cho âm nhạc Việt Nam vì chúng ta đang thiếu rất nhiều thứ. Ở Việt Nam chỉ có Ballad và R&B thôi, vậy thì tại sao lại không có nhóm nhạc nào đông thành viên như thế này theo đuổi Hip Hop và Trap?".

Khán giả cho rằng, phát ngôn của Zero 9 là quá tự đề cao mình khi mà các thành viên của nhóm thuộc thế hệ 9X, thậm chí là 10X. Khi Hip hop manh nha xuất hiện ở thị trường Việt Nam thì nhiều thành viên của Zero 9 còn chưa chào đời. Chính vì vậy, việc phát ngôn "muốn cho mọi người hiểu Hip hop là như thế nào" là ngông cuồng, thiếu hiểu biết.

Chưa thể nói gì nhiều về Zero 9 với một sản phẩm "chào sân" như MV "POM". Việc Zero nhận những phản ứng trái chiều từ dư luận là điều dễ hiểu. Điều đó cũng cho thấy, sự quan tâm, kỳ vọng của khán giả đến thị trường âm nhạc trong đó có nhạc trẻ. Hoạt động, duy trì các nhóm nhạc khó khăn hơn nhiều so với việc quản lý những ca sĩ độc lập, nhất là về vấn đề tài chính. Thực tế cho thấy, ít nhóm nhạc nào có thể đi được đường dài mà sớm hay muộn cũng tan rã vì nhiều lý do.

Tôi cho rằng, sự ra đời của Zero 9 đáng khích lệ, nhất là trong bối cảnh thiếu vắng những nhóm nhạc thực sự xuất sắc. Tuy nhiên, để đi được đường dài, Zero 9 cần có chiến lược phát triển bài bản, nghiêm túc, tạo được phong cách, dấu ấn riêng trong sáng tạo nghệ thuật. Nếu chỉ là bản sao, chạy theo một nguyên mẫu khác thì Zero 9 khó có thể thành công.

Không thể thành công nếu chỉ đơn giản là bản sao của người khác

Nhìn lại thị trường nhạc trẻ Việt Nam thời gian gần đây, ngoài Zero 9, không ít nhóm nhạc được xây dựng, đào tạo theo phong cách Hàn Quốc như Uni5, Lip B, Lime hay Monstar… Các thành viên trong nhóm được tuyển chọn, đào tạo theo mô hình nhóm nhạc thần tượng: ngoại hình đẹp, hát hay, vũ đạo tốt, công nghệ lăngxê bài bản…

Ba thành viên nhóm nhạc nữ Lime còn được đào tạo khắc nghiệt trong môi trường chuyên nghiệp nhất ở Hàn Quốc. Ngoài việc học, biểu diễn, ra sản phẩm, Lime còn tham gia gameshow truyền hình thực tế Hàn Quốc để cọ xát thực tế và giao lưu với khán giả. Khi trở về nước vào giữa 4/2017, Lime tham vọng trở thành nhóm nhạc nữ hàng đầu showbiz Việt.

Tuy nhiên, sự thành công của Uni5, Lip B, Lime hay Monstar… cũng chỉ ở mức độ vừa phải. Tất cả đều chưa có khả năng bùng nổ, chưa thể tạo dấu ấn và cũng chưa thể chiếm lĩnh thị trường như các nhóm nhạc Hàn Quốc. Điều này đặt câu hỏi, liệu nhạc Việt theo phong cách Hàn Quốc có phải là hướng đi đúng đắn, lâu dài để thành công?

Nhìn rộng ra một chút, không chỉ có các nhóm nhạc xây dựng theo motip Hàn Quốc mà chúng ta thường xuyên bắt gặp màu sắc Hàn trong âm nhạc, trang phục, lối trang điểm của một số nghệ sỹ trẻ Việt Nam. Sơn Tùng M-TP là ca sĩ có lượng fan hâm mộ đông đảo hàng đầu showbiz Việt hiện nay với hàng loạt ca khúc liên tiếp đứng đầu các bảng xếp hạng âm nhạc trực tuyến.

Đồng thời, đây cũng là nghệ sỹ bị "nhiễm" phong cách Hàn Quốc nhiều nhất. Có lẽ, với khán giả nước ngoài, nhìn hình ảnh của Sơn Tùng khó nhận ra đây là ca sĩ Việt Nam hay Hàn Quốc. Hot girl Chi Pu gây sốc khi quyết định lấn sân ca hát hồi cuối năm ngoái. Giọng hát yếu, phát ngôn gây sốc nhưng bù lại, cô gái gốc Hà Thành này có được những MV ca nhạc "chuẩn" Hàn Quốc.

Sau khi trải qua 2 năm đào tạo khắt khe ở Hàn Quốc, Lime trở về nước hoạt động và tham vọng trở thành nhóm nhạc nữ hàng đầu showbiz Việt nhưng chưa thành công.

Không ít ca khúc nhạc trẻ ra đời thời gian gần đây bị cho là giống ca khúc nước ngoài. Thí sinh tham gia cuộc thi "Sing my song - Bài hát hay nhất" năm nay liên tiếp dính nghi án đạo nhái mà phần lớn trong số đó bị đánh giá là giống ca khúc của nhạc sĩ, ca sĩ Hàn Quốc.

Thế mới thấy sự ảnh hưởng mạnh mẽ của âm nhạc Hàn Quốc đến thị trường Việt Nam. Rất khó để đưa ra kết luận các thí sinh có "đạo" ca khúc của nước bạn hay không nhưng có thể, các thí sinh đã nghe nhạc nhiều đến mức "thẩm thấu" và khi sáng tác, các giai điệu bật ra trong đầu họ một cách tự nhiên đã mang hơi thở của nhạc nước ngoài.

Những năm gần đây, làn sóng Hàn Quốc (Hallyu) qua phim ảnh, âm nhạc… đã thoái trào, không còn xuất hiện ồ ạt như chục năm về trước. Tuy nhiên, sức ảnh hưởng của nó với khán giả trẻ vẫn còn rất lớn. Phim ảnh, âm nhạc Hàn Quốc vẫn có chỗ đứng nhất định trong lòng khán giả trẻ. Chính vì vậy, việc xây dựng nhóm nhạc mang phong cách Hàn Quốc vẫn được đánh giá là mang tính thời thượng, hợp thị hiếu khán giả trẻ.

Tuy nhiên, đã nói tới trào lưu thì sớm hay muộn cũng sẽ bị thanh thế bằng trào lưu khác. Khi trào lưu mới xuất hiện, nhóm nhạc cũ trở nên lỗi thời, lạc hậu và chắc chắn sẽ không thể tồn tại.

Cuộc thi "Ngôi sao Việt" lên sóng VTV hồi năm 2014 từng gây nên những tranh cãi. Với giải thưởng lên đến 7,5 tỷ đồng, chương trình nhận được sự quan tâm rất lớn của công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ yêu Kpop. Mục tiêu của cuộc thi là tìm ra những tài năng để đào tạo ngôi sao theo chuẩn Hàn Quốc.

Không ít thí sinh xuất hiện trong chương trình có cách ăn mặc, trang điểm hệt diễn viên Hàn Quốc, có thể hát ca khúc Hàn nhưng không thể hát trọn vẹn một ca khúc Việt. Những á quân, quán quân của chương trình cũng chật vật để tỏa sáng ở thị trường Việt sau khi cuộc thi kết thúc.

Phân tích, dẫn chứng như vậy để thấy rằng, để thành công trên con đường âm nhạc, người nghệ sỹ phải tạo được dấu ấn riêng để không lẫn vào bất cứ ai. Nhạc phong cách Hàn Quốc không phải và không thể là tương lai của nhạc Việt.

Trong quá trình toàn cầu hóa, trong đó có lĩnh vực văn hóa, việc giao lưu, tiếp thu những tinh hoa, kinh nghiệm, công nghệ… của nước bạn là điều hết sức cần thiết nhưng đó phải là sự tiếp thu một cách có chọn lọc. Không thể thành công nếu chỉ đơn giản là bản sao của người khác bởi dù cố gắng đến đâu thì bản sao cũng không thể "qua mặt" được bản chính, mãi là cái bóng của phiên bản chính mà thôi…

Phạm Thiên Giang
.
.