Âm nhạc Việt Nam ngày càng lún sâu trong “vùng trũng” của âm nhạc khu vực?

Thứ Bảy, 14/04/2018, 08:11
Có thể nói, chưa bao giờ những hoạt động liên quan đến âm nhạc lại phong phú, đa dạng như hiện nay. Những đại nhạc hội, chương trình biểu diễn lớn xuyên Việt, những cuộc thi hát, những liveshow này liveshow kia; rồi thì từ ca hát phòng trà, càphê tới karaoke...


Thị trường băng đĩa ca nhạc thì thật là sa vào "trận đồ bát quái" của đủ loại nhạc, đủ loại giọng hát; rồi thì nơi nơi tổ chức chương trình nhân dịp này, dịp kia... và, âm nhạc của thế giới ngập tràn trên hệ thống truyền thông với hay cũng nhiều mà dở thì vô thiên lủng...

Thế nhưng, thật đáng buồn là đời sống âm nhạc của chúng ta hình như cứ mỗi ngày lại tàn héo đi một ít; và điều đáng buồn hơn là công chúng ngày càng "chìm đắm" vào "mớ hỗn độn" mà khó có thể phân biệt được đâu là giá trị thực, đâu là "hàng giả, hàng nhái, hàng lai căng, hàng kém chất lượng".

Ấy thế nhưng, rất nhiều người đang tự hào là những nhạc sĩ "thượng thặng", là những ca sĩ "siêu sao". Cũng đúng thôi! Với một đời sống âm nhạc hỗn độn cùng nhiều giá trị giả, ảo lên ngôi; thì sự tự phong, tự nhận và những tôn vinh mà đằng sau đó là sặc mùi... háo danh, tiền là lẽ đương nhiên.

Bây giờ nói đến âm nhạc Việt Nam là đại bộ phận công chúng nghĩ đến những bài hát này, bài hát kia của nhạc sĩ này nhạc sĩ nọ... Điều này thật nguy hại. Đó là chưa nói đến những nguy hại của các bài hát với những ca từ đầy phản cảm, não tình, nhăng nhố...

Phi Thanh Vân được xem là biểu tượng thảm họa âm nhạc.

Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc đã phải lên tiếng: "Những chương trình như "Bài hát Việt", "Con đường âm nhạc", "Sao Mai điểm hẹn"... và rất nhiều chương trình trên truyền hình hiện nay chỉ hoàn toàn là ca khúc, mà lại thường được quảng cáo là "bộ mặt đương đại của nền âm nhạc Việt Nam".

Điều này làm cho tuyệt đại đa số công chúng, kể cả người nước ngoài hiểu sai về âm nhạc Việt Nam chỉ có ca khúc quần chúng. Nên gọi cho chính xác hơn về các chương trình trên là "một phần bộ mặt đương đại của nền ca khúc quần chúng Việt Nam". Nhận định của tác giả Hoàng Ngọc Tuấn (Australia) trong bài "Nhìn lại nền âm nhạc Việt Nam trong thế kỷ 20" khiến chúng ta không khỏi giật mình: "So với nền văn chương Việt Nam, phẩm chất của nền âm nhạc Việt Nam rất thấp.

Lý do hiển nhiên là vì từ người viết văn tới độc giả, không nhiều thì ít, ai cũng được học văn chương từ bậc tiểu học trở lên, cho nên chúng ta có những người viết và người đọc có trình độ. Còn phần giáo dục âm nhạc thì quả là một sa mạc khủng khiếp. Muốn thưởng thức thơ thì ít nhất phải biết đọc chữ, muốn thưởng thức nhạc thì ít nhất phải biết đọc nhạc. Nếu người không biết đọc chữ chỉ có thể thưởng thức bằng cách nghe thơ vè bình dân, thì người không biết đọc nhạc cũng chỉ có thể nghe ca khúc phổ thông là cùng".

Ngày nay, hình như ai cũng có thể trở thành nhạc sĩ; và ai cũng có thể thành ca sĩ. Từ một người bình thường, sau khi viết được một, hai ca khúc, nếu giỏi lăng xê, đã có thể trở thành một "nhạc sĩ", thậm chí nhạc sĩ nổi tiếng mà không cần đến năng khiếu đặc biệt.

Từ một người vô danh, nếu "đầu quân, đầu tư" vào một "lò" nào đấy, với sự hỗ trợ tối đa của công nghệ âm thanh thời hiện đại, lập tức một hoặc một dàn "ca sĩ" ra đời và cứ đà ấy sẽ là những "ngôi sao", "siêu sao"; những diva này nọ... Đời sống âm nhạc hiện nay của nước ta đã "đầy phè" những nhạc sĩ, ca sĩ kiểu đó. Và, họ ví như một thứ "sim rác" đang bán đầy các ngõ ngách từ thành thị tới nông thôn. Thế nhưng, lạ lùng ở chỗ, đời sống âm nhạc của Việt Nam lại đang bị các thứ như thế thống trị, ngự trị; còn thứ âm nhạc đích thực thì như những ngọn đèn leo lét, như những tiếng nói yếu ớt thi thoảng mới được cất lên...

Một hiện tượng trái quy luật nữa là, trước kia các nhạc sĩ tạo ra ca sĩ; còn hiện nay ở ta, nhiều nữ ca sĩ ngôi sao "đẻ" ra nhạc sĩ, nhiều nhạc sĩ nổi lên nhờ "ăn theo" ca sĩ.... Nhạc sĩ Vũ Ngọc Quang khi chưa về với cõi vĩnh hằng đã đặt một dấu hỏi nghi vấn: "Phải chăng hiện nay ta đang mất dần nền móng cơ bản của một thẩm mỹ đúng đắn! Chúng ta không thấy sốt ruột trước tình hình âm nhạc hiện nay sao!".

  Trao đổi với nghệ sĩ Cello Ngô Hoàng Quân - nguyên Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, về vai trò quản lý nhà nước trong đời sống âm nhạc, ông Quân cho rằng: Chúng ta hôm nay có quá nhiều kênh thông tin, mà thông tin hay có dở có. Ngay trong đời sống âm nhạc thì nghệ sĩ chính thống, bài bản, tài năng có; người nghiệp dư, người hoạt động phong trào có; bên cạnh đấy sự khuyến khích xã hội hóa của nhà nước đối với hoạt động nghệ thuật; rồi thời của công nghệ âm thanh...

Và ở đâu cũng có kẻ háo danh, hám danh, người cơ hội... Trong khi đó âm nhạc đích thực thiếu sự quan tâm chu đáo và khó có điều kiện phát triển... Vậy là một sự hỗn loạn trong đời sống âm nhạc khó tránh khỏi. Quản lý nhà nước về vấn đề này là cả một vấn đề nan giải.

Nhưng, đã đến lúc (thậm chí đã muộn) phải có những chế tài nghiêm khắc trong lĩnh vực này.

Để đời sống âm nhạc Việt Nam như hiện nay, trách nhiệm thuộc về ai? Thiết nghĩ cần phải nhìn thẳng vào sự thật. Thứ nhất, trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa; đã lơi lỏng, không đủ khả năng để đưa hoạt động âm nhạc đi đúng chiều hướng tích cực....

Thứ hai, Hội Nhạc sĩ Việt Nam là hội chuyên nghiệp, mang tính chuyên sâu và chính thống về âm nhạc; nhưng những hoạt động cùng tầm ảnh hưởng tới đời sống âm nhạc cả nước khá mờ nhạt... Thứ ba, hệ thống truyền thông (truyền hình, phát thanh, báo chí, mạng...) trong thời đại thông tin toàn cầu và kinh tế thị trường đã,M nhiều khi vì lợi ích cục bộ, thông tin một chiều hoặc lệch về một số vấn đề trong đời sống âm nhạc.

Nhóm nhạc K-Pop bị chỉ trích vì lời bài hát vô nghĩa, lố lăng.

Ví dụ như: lăng xê nhạc sĩ này, ca sĩ kia quá khả năng vốn có của họ; ngợi ca những giá trị âm nhạc không đúng với tầm mức của tác phẩm.... Thứ tư,  thiếu một sự giáo dục âm nhạc mang tính hệ thống đối với toàn xã hội (nằm trong chiến lược phát triển con người, đất nước của những nhà hoạch định). Thứ năm, ý thức và trách nhiệm của mọi người đối với đời sống âm nhạc hiện nay.

Một ví dụ rất điển hình về ý thức, trách nhiệm, hay sự vô cảm của truyền hình và các cơ quan, cá nhân liên quan đến âm nhạc; đó là các cuộc thi Sao Mai của truyền hình quốc gia. Bao nhiêu năm nay vẫn thấy gọi là: "Thi phong cách Nhạc nhẹ", "phong cách Thính phòng" và "phong cách Dân ca".

Các nhạc sĩ, thậm chí cả Giáo sư, Tiến sĩ âm nhạc ngồi trong Hội đồng giám khảo vẫn cứ điềm nhiên như không hề biết có gì đó sai của nhà đài phát động. Ở đây ban tổ chức các cuộc thi đã gọi sai hoàn toàn khái niệm. Trong âm nhạc chỉ có các dòng "nhạc Thính phòng", "dòng nhạc Nhẹ", "dòng nhạc mang âm hưởng Dân ca". Còn phong cách là khái niệm chỉ về sự đặc trưng, điển hình, nổi trội…của cá nhân, nhóm…Và, truyền thông, báo chí vẫn cứ điềm nhiên tuyên truyền cái sai đó. Đây thực sự là điều nguy hại bởi nó góp một phần định hướng, hướng dẫn thị hiếu thưởng thức của người dân.

Có thể thấy, để đời sống âm nhạc của chúng ta lành mạnh là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Tuy nhiên, trách nhiệm đầu tiên thuộc về những nhà quản lý và những nhà hoạt động chuyên môn.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã đề nghị có một kênh truyền hình nhằm chuyển tải những chương trình âm nhạc có chất lượng, giá trị tới đông đảo nhân dân. Đây là một ý tưởng hay; tuy nhiên, nếu chỉ có một kênh hay, còn các kênh khác không có sự điều chỉnh bắt buộc, thì hẳn rằng ý tưởng ấy lại rơi trở lại cái vòng luẩn quẩn cũ mà thôi.

Đã là quá muộn, nếu chúng ta không tỉnh táo để nhìn sang các nước phát triển quanh ta (chưa nói đến các nước châu Âu), Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đã đành; ngay cả Thái Lan, Singapore, Malaysia... họ cũng chỉ mới đầu tư cho dòng nhạc trí tuệ trên 20 năm thôi (Việt Nam đã gần 60 năm); nhưng họ đã phát triển, tiến nhanh và vượt chúng ta một khoảng cách khá xa.

Nếu như Việt Nam chỉ say sưa với những ca khúc quần chúng, rồi thì xu hướng ca khúc Bolero đang trỗi dậy… không có một sự đầu tư, định hướng cho âm nhạc trí tuệ, thì mãi mãi âm nhạc của chúng ta cũng chỉ "trong vũng" mà thôi.
Cao Minh
.
.