Tròn vành rõ chữ

Thứ Năm, 25/05/2023, 07:51

"Tròn vành, rõ chữ" vốn dĩ là một trong số các tiêu chuẩn để đánh giá các học viên thanh nhạc và cũng là một đòi hỏi tối thiểu cho các ca sĩ khi ra hành nghề. Tất nhiên, không phải ai cũng thành ca sĩ hát Opera. Khi lựa chọn con đường đại chúng hơn, với dòng nhạc bình dân hơn, dễ nghe hơn, các tiêu chuẩn khắt khe của ngành thanh nhạc cũng được giảm bớt dần. Song, không hẳn sự giảm bớt ấy đồng nghĩa với chuyện hát mà người nghe lại không rõ mình đang hát cái gì.

Trong trào lưu xâm thực văn hóa của giải trí Hàn Quốc, với các hình tượng K-pop được sùng bái ở nhiều nơi trên thế giới, việc học theo thần tượng cũng là một hiện tượng phổ biến. Nhưng học cái gì, không nên học cái gì lại là một câu chuyện khác, tùy thuộc vào cái tôi, tư duy cũng như tính tự tôn của người theo đuổi công việc giải trí này. Ở Việt Nam, hiện tượng học theo nguyên mẫu theo kiểu copy, mỉa mai thay, lại trở thành thời thượng. Bởi thế, chúng ta dễ nhận diện được một thế hệ khi sự đồng dạng gần như là nhan nhản. Trong cái học theo tới mức bê nguyên xi đó, việc hát của các ca sĩ chính là thứ rất cần nghiêm túc mổ xẻ.

Hãy thử mở một bản ghi âm của một ca sĩ lựa chọn phong cách học theo K-pop hiện nay, có thể chúng ta sẽ giật mình vì không biết họ đang hát cái gì. Cách xử lý khiên cưỡng đến méo mó, cố gắng "uốn éo" cho ra chất R&B Hàn Quốc của họ nhiều khi đã bóp méo luôn cả cách phát âm bình thường trong tiếng Việt. Nhiều ca khúc được sáng tác ra với giai điệu rất đẹp và ca từ thuộc diện dễ hát bỗng dưng trở nên lạ tai qua cách xử lý ngoại lai như thế. Điều đáng buồn là người nghe có vẻ thích những thứ "ôi sao mà Hàn Quốc thế" như vậy hơn là một thứ chân chất đúng như cách nói, cách hát của người Việt. Và khán giả của các ca sĩ trẻ mới là quan trọng. Còn các nhạc sĩ gạo cội uy tín thì chẳng có chút giá trị nào với họ lúc này!

Bắt chước kiểu Mỹ cũng đang trên lối mòn tương tự, đặc biệt là ở mảng Rap. Nhiều bản Rap được các Rapper thể hiện như kiểu nói hụt hơi, ngắn lưỡi cho dù cơ địa, thể chất của họ không hề như vậy. Nhưng theo họ, đó mới là phong cách. Họ coi nó là thời thượng, tân tiến và bất kỳ góp ý nào cũng đều bị bỏ xó, thậm chí bị xem là "ghen ăn tức ở", là "đu theo tên tuổi" (mà ngôn ngữ mạng gọi thông tục là "bú fame").

Trong buổi giới thiệu ra mắt dự án opera "Công nữ Anio" kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nhật, Kobori Yusuke và Yamamoto Kohei, hai giọng tenor từ Nhật Bản đã làm kinh ngạc cả khán phòng họp báo khi thể hiện một trích đoạn bằng tiếng Việt. Họ hát tròn vành, rõ chữ và phát âm tiếng Việt rất dễ hiểu bất chấp họ mới chỉ sang Việt Nam tập dượt với đồng nghiệp bản xứ có 2 buổi. Thực tế, vì tôn trọng dự án, họ đã có các buổi học tiếng Việt (tự đầu tư kinh phí) trong suốt hơn 1 tháng trước đó. Họ đã khiến khán giả người Việt thích thú với phần phát âm chuẩn xác của mình. Điều đó càng khiến những người nghe băn khoăn hơn về cách hát của các ca sĩ Việt hôm nay.

Tại sao những người nước ngoài hát tiếng Việt luôn cố hát rõ lời nhất trong khi chính người Việt lại đang hát tiếng Việt như một thứ tiếng lơ lớ xa lạ nào? Thậm chí, nhiều bản MV của các ca sĩ trẻ hôm nay còn phải dùng phụ đề tiếng Việt để khán giả của họ hiểu được họ đang hát cái gì. Thật mỉa mai!

Không đòi hỏi các ca sĩ đại chúng phải hát tròn vành, rõ chữ như opera nhưng nhất định, người hát nên để người nghe hiểu mình đang hát gì. Song, có khi, chính người hát cũng đang chẳng hiểu mình đang hát cái gì mất thôi. Bởi nếu hiểu, họ đã không cư xử với tiếng mẹ đẻ theo cách lệch lạc như vậy.

Văn Đoàn
.
.