Tục bắt vợ: chẳng của riêng ai

Thứ Năm, 11/05/2023, 10:41

Tục “bắt vợ”, “cướp vợ”, “kéo dâu” là những cặp từ mang sắc thái khác nhau chỉ một tục phổ biến trên khắp thế giới từ xưa tới nay, trong tiếng Anh gọi là tục “bắt cóc cô dâu” hay “hôn nhân nhờ bắt cóc”.

Tục này ở Việt Nam hiện không chỉ có ở người Mông mà còn lác đác có ở người Dao, người Thái. Trên thế giới, hiện nó vẫn còn ở các nước Rumani, Mexico và đặc biệt tại các nước Trung Á như Kazakhstan, Kyrgyzstan, Azerbaizan.v.v.

Tục đi nghỉ “tuần trăng mật” có gốc từ nước Anh đầu thế kỷ 19 dành cho đôi vợ chồng son tầng lớp thượng lưu được coi là một tàn dư của tục này. Nó diễn ra khi người chồng bắt vợ đưa đi trốn để tránh sự trả đũa của họ hàng nhà vợ và với ý định làm vợ có thai vào cuối tháng.

Tại một số bang của Ấn Độ, còn có tục “bắt cóc chú rể” hay “bắt chồng”. Tục này do gia đình cô gái nhắm vào các chú rể có học hay giàu có. Năm 2009, 1224 vụ “bắt chồng” đã được trình báo ở bang Bihar.

image001.jpg -0
Một cuộc “kéo dâu” của trai gái Mông, có vẻ là một màn kịch vui hơn là một cuộc bắt cóc..

Gần gũi với tục bắt vợ còn có tục “cưới chạy” có ở nhiều nơi trên thế giới. Đôi trai gái cùng chạy trốn, thành vợ chồng trước rồi mới tìm cách nhận sự đồng ý sau của bố mẹ hai bên.

Tục bắt vợ - tính hai mặt

Thực tế, tục bắt vợ ở mọi dân tộc đều gồm hai dạng: dạng có sự đồng thuận và không có sự đồng thuận của cô gái. Ở dạng thứ nhất, chàng trai có thể bắt cóc cô gái nếu cô ta cũng muốn thế và khi nhà chàng trai quá nghèo không thể lo được tiền thách cưới. Ở dạng thứ hai, nếu cô gái không chịu lấy kẻ bắt cóc có thể làm nhà cô gái mất mặt, khiến bố mẹ cô không còn cách nào khác là cố thuyết phục con chấp nhận số phận, để khỏi phải tự tử bởi không còn trinh khiến cô gái khó hoặc không thể lấy ai khác. Chính vì thế, tục này vẫn tồn tại dù bị cấm và tiếp tục gây tranh cãi.

Một phe, dựa trên những vụ bắt cóc đồng thuận, coi đó là luật tục, là truyền thống vô hại lâu đời. Hơn nữa, đó còn là một phong tục nhân văn, tốt đẹp, thể hiện tự do hôn nhân, thể hiện giá trị của người phụ nữ, một lối thoát cho các chàng trai nghèo khỏi tục thách cưới nặng nề. Thực tế, tại nhiều dân tộc, tục này vẫn được sự ủng hộ của người có tuổi. Nhiều phụ nữ là bà và mẹ của các cô gái cho rằng, họ cũng từng bị bắt cóc như vậy, nhưng sau đó mọi việc vẫn đâu vào đấy và giờ họ vẫn thấy hạnh phúc.

Một phe, từ những vụ bắt dâu cưỡng bức gắn với việc giam giữ, cưỡng hiếp cô gái, kéo theo bạo lực gia đình, dẫn đến bệnh trầm uất và nạn tự tử ở phụ nữ. Báo chí truyền thông đã mạnh mẽlên án và coi đó là hủ tục, là hành vi trái pháp luật cần nghiêm minh xử lý. Liên hợp quốc đã ra nghị quyết lên án tục này là một sự vi phạm nghiêm trọng nhân quyền. Chính vì thế, dư luận xã hội đối với tục này luôn phân hóa và ngay cả việc xét xử các vụ bắt dâu cưỡng bức cũng không dễ dàng.

Tại Kyrzystan, từ 1994-1996, đã có ít nhất 11.800 vụ được trình báo, nhưng tòa chỉ xử 1.500 vụ. Tại Mỹ, trong một vụ án năm 1985 ở California, một chàng trai Mông bị xử vì đã bắt cóc và cưỡng hiếp một cô gái Mông, nhưng luật sư đã viện dẫn “lý do văn hóa” để bị cáo chỉ bị kết án tội “bắt người trái phép”, nhẹ hơn nhiều so với tội danh ban đầu.

Tục bắt vợ: vì sao vẫn tồn tại ở người Mông?

Sự tồn tại dai dẳng của tục bắt vợ ở người Mông là do những nguyên nhân lịch sử-kinh tế-xã hội sâu xa. Dễ thấy phong tục đó, ở người Mông cũng như ở các tộc khác trên thế giới, đều gắn liền với tục gia trưởng phụ quyền, tục hôn nhân mua bán, tục tảo hôn cùng với tình trạng nghèo đói, thất học.

Riêng với người Mông, ngoài các lý do trên, thêm nữa tập quán của họ lại gắn bó với lối sống du canh du cư và nghề trồng thuốc phiện. Người Mông vốn là một tộc người trồng lúa. Họ có thể sống định cư bằng cách làm ruộng nước với hệ thống thủy lợi hay với ruộng nước bậc thang. Nhưng hàng nghìn năm qua phần lớn người Mông đã phải sống chủ yếu bằng cách phá rừng làm nương gắn với việc du canh du cư ở vùng núi. Một cuốn sách năm 1924 về người Mông viết rằng trong lịch sử của mình, người Mông “đã phiêu bạt qua hàng triệu cây số” và “đã đốt phá phần lớn những cánh rừng già châu Á”!

Trong lối sống đó, nam giới Mông đóng vai trò quyết định. Họ là những thợ rèn làm ra những con dao sắc bền chặt cây rừng, những lưỡi cày sắc khỏe trên đất dốc. Và cũng chỉ nam giới Mông mới có thể giỏi dùng những con dao, lưỡi cày đó để phá rừng mở đất. Và trong hơn hai trăm năm qua, người Mông đã từng là tộc người trồng, bán và dùng thuốc phiện chính ở Việt Nam.

Ngược lại lịch sử thế giới, năm 1858, sau khi bị Anh đánh bại trong hai cuộc chiến tranh thuốc phiện, Trung Quốc bị ép phải hợp pháp hóa việc buôn bán và trồng loại ma túy này. Một số quan lại nhà Thanh nghiện và làm giàu nhờ buôn bán thuốc phiện đã đưa việc trồng cây thuốc phiện lên các vùng người Mông. Quá trình người Mông di cư xuống Việt Nam, Lào, Thái Lan, chiếm lĩnh vùng núi cao có liên quan tới việc trồng thuốc phiện, loài cây ưa đất màu từ việc đốt rừng già ở nơi khí hậu mát lạnh.

Với người Mông, thuốc phiện một thời xa xưa cũng là cây trồng lý tưởng, nhờ nó họ có muối ăn hàng ngày, có bạc làm đồ trang sức cho phụ nữ, có vải bông may quần áo cho đàn ông, có lợn trâu để làm đám ma, có tiền tươi bạc thật để mua dâu và nộp thuế. Có thuốc phiện, đàn ông Mông cũng có được những giây phút ngây ngất bên “nàng tiên nâu”, phụ nữ Mông cũng có thuốc quí khi có bệnh. Trong nghề trồng thuốc phiện, nam giới cũng giữ vai trò chính. Nhà nào có nhiều đàn ông là nhà đó có nhiều thuốc. Chưa kể, người đàn ông Mông còn là nòng cốt của các dòng họ phụ hệ Mông có vai trò quan trọng trong việc cố kết xã hội Mông vốn phân tán, biệt lập. Đàn ông Mông cũng là những chiến binh dũng cảm trong các cuộc xung đột. Đặc biệt, họ cũng là những pháp sư cao cường trong cúng tế, những người thổi và múa khèn tài ba trong đám ma, những người chủ chốt trong việc kết nối người Mông với tổ tiên-thần linh và chữa lành những nỗi đau trần thế của họ.

Dễ hiểu, chế độ gia trưởng phụ quyền đã sâu rễ bền gốc trong xã hội Mông xa xưa như thế nào.

Trong chế độ ấy, đàn ông luôn là bề trên, vợ phải phục tùng và chăm sóc chồng tận tình, chu đáo. Phần lớn dân ca Mông là “tiếng hát làm dâu”, và phần lớn tiếng hát làm dâu là những lời ai oán. Trong chế độ ấy, con trai luôn được ưu ái. Một câu ca Mông hát “Nuôi con lợn béo còn được mỡ. Nuôi con gái lớn không được gì”. Nói phũ vậy thôi chứ thực tế, bố mẹ có con gái xinh đẹp khỏe mạnh sẽ được nhiều tiền nếu bán được con gái với giá cao. Cả bố và mẹ người Mông đều muốn con trai lấy vợ sớm để họ sớm có thêm người sai bảo việc nhà việc ruộng vườn, để họ phải làm ít hơn và được say nhiều hơn. Cùng một mong muốn ấy, có người nên giàu nên khỏe, có người thành nghèo thành yếu. Các cặp vợ chồng Mông, trên chiếc giường hẹp tổ tiên truyền lại nói là để gắn bó với nhau, cũng yêu nhau và sinh con nhiều hơn. Từ đó, những đứa trẻ Mông ra đời và lớn lên như những nương lanh, khóm ngô giữa sương mù và trên dốc núi…

Cũng từ đó, tục bắt vợ đã bao đời như đá núi trên con đường sống của người Mông.

Ngày nay, cùng với sự đổi thay của đất nước, có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chính phủ, cuộc sống người Mông đã có những thay đổi tích cực. Người Mông nhận thức được trồng cây thuốc phiện là sai, là xấu, họ đã bỏ được cây thuốc phiện và sống định canh định cư. Quyền phụ nữ Mông và quyền trẻ em Mông cũng đang dần được cải thiện.

Cách đây vài năm, chúng ta đã biết đến Mai, một cô gái Mông bán hàng rong ở Sa Pa với tài nói tiếng Anh như gió. Cô đã từng may mắn thoát khỏi một cuộc bắt vợ không mong đợi và mong muốn bãi bỏ tục lệ này. Sau này, cô đã tự do chọn chồng là một khách du lịch- doanh nhân người Bỉ, sang Bỉ sống, li hôn, từng hẹn hò với một doanh nhân Mỹ gốc Á, rồi tiếp theo với một người Bỉ khác… Đúng là một cô gái có tự do hôn nhân, có nữ quyền thực sự!

Gần đây chúng ta lại biết đến Di, nhân vật chính của bộ phim tài liệu “Những đứa trẻ trong sương” nổi tiếng trong và ngoài nước của đạo diễn Hà Lệ Diễm. Đó cũng là một cô gái Mông Sa Pa, cũng đã vượt qua tục bắt vợ để tiếp tục đi học và sau đó tự quyết việc chồng con của mình. Theo đà đó, chúng ta mong rằng, sẽ ngày càng có nhiều cô gái Mông có học, có ý thức, có lòng dũng cảm vượt qua tục này, để một ngày, tục đó chỉ còn là một chuyện xưa, tích cũ.

Tạ Đức
.
.