Tản mạn về sự nhàn rỗi

Thứ Năm, 16/11/2023, 16:54

“Mai sau, chúng ta còn được bận rộn?”. Câu hỏi có phần “tiếu lâm” này cũng đâu phải là không có lý khi mới đây, Elon Musk đã nói (tại cuộc trao đổi với Thủ tướng Anh Rishi Sunak, trong khuôn khổ AI Safety Summit 2023 diễn ra ngày 1-2/11 ở Buckinghamshire) rằng: “Chúng ta sẽ có một thứ gì đó, lần đầu tiên thông minh hơn cả người thông minh nhất. Thật khó nói chính xác là khi nào, nhưng sẽ đến lúc không cần việc làm nữa" (theo: Lưu Quý- vnexpress.net).

Đó là tương lai không xa của AI, của loài người và cũng là chủ điểm thú vị để chúng ta cùng suy ngẫm trong bài viết này.

cư dân mạng có nhiều luồng ý kiến phức tạp.jpg -0
Cư dân mạng có nhiều luồng ý kiến phức tạp.

Ngẫm ra, trong nhiều thế kỉ qua, bên cạnh việc bận bịu chinh phục thiên nhiên, đấu tranh giải phóng dân tộc, đấu tranh cho bình đẳng giới, chống nạn phân biệt chủng tộc… thì con người cũng luôn nỗ lực để giải phóng sức lao động, giải phóng cho chính mình. Theo nghiên cứu của Viện Toàn cầu McKinsey ước đoán đến năm 2030 sẽ có từ 400 đến 800 triệu việc làm trên toàn thế giới được thay thế bằng công nghệ tự động hóa. Chỉ ít năm nữa thôi, con người sẽ được an nhàn hay không còn là trung tâm của xã hội?

Thông kê này cho chúng ta viễn cảnh của 7 năm sau nhưng từ lúc này chúng ta đã ít nhiều thấm thía sự ảnh hưởng đó. Một anh bạn đi tập thể dục buổi sáng ghé qua nhà nói với tôi: “Nếu sau này ông sống trong smart home, AI sẽ giúp ông lên cả thực đơn từng bữa, giúp con cái ông học bài, viết báo cáo hộ ông… thì ông biết làm gì nhỉ?”. Tôi cười và trả lời anh ta: Biết đâu khi đấy tôi sẽ làm digital nomad (du mục kỹ thuật số) lang thang khắp các vùng đất thì sao? Anh ta có vẻ tin và than thở: “Còn tôi chả biết sẽ làm gì?”.

Trên phương tiện thông tin từng chỉ ra AI có thể thay thế con người trong một số nhóm công việc như: kỹ sư công nghệ gồm lập trình viên, kỹ sư phần mềm và phân tích dữ liệu; quảng cáo, thiết kế đồ họa, sáng tạo nội dung, báo chí; trợ lý pháp lý tại các văn phòng luật sư và các chuyên gia phân tích dữ liệu, chuyên gia phân tích và tư vấn tài chính, nhân viên môi giới trên sàn giao dịch chứng khoán, kế toán và thậm chí là cả giáo viên…

Đó là chuyện của mai sau còn hôm nay sự nỗ lực, lòng trung thực và sự tự cường vẫn đang cần dùng những phẩm chất mà con người đang cần dùng để vượt lên hoàn cảnh, để thành danh và lập nghiệp. Còn nhớ cách đây chừng 15 năm, khi mà Internet mới bắt đầu “phủ sóng” trên lãnh thổ Việt Nam. Lúc đó, chuyện rao bán ý tưởng và hợp tác qua mạng là điều khá mới mẻ. Bạn Lê Hoài Văn, cựu sinh viên Đại học Nông nghiệp I, Hà Nội kể trên Báo Thanh niên: "Qua mạng ảo, tôi đã tìm được một dự án đầu tư rất thành công ở Hoài Đức, Hà Tây. Hồi tháng 10/2007, bạn Lê Thanh Quyết, ở Hoài Đức, Hà Tây gửi lên diễn đàn ý tưởng trồng lan hài. Bạn đó có đất rộng, tôi có kỹ thuật vì đã học chuyên ngành trồng trọt. Chúng tôi góp vốn và làm trang trại trồng lan. Giờ chúng tôi đã có lan để bán ra thị trường". Khi công nghệ đã giúp hai người nhàn rỗi thành một sự bận rộn họ cảm thấy niềm hạnh phúc mà công nghệ đem lại.

Sau 15 năm, dư luận bàn luận sôi nổi về cái lý trong việc bán ý tưởng của một vị PGS. Rõ ràng giữa quy định và thực tiễn, giữa nhận thức về khoa học và tính pháp lý vẫn còn những khoảng trống, những điểm bất cập. PGS.TS. Nguyễn Đình Hiền - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn đã nêu trên Báo Dân trí: “Liên quan đến sáng tạo khoa học của trí thức, nếu quy định hành chính quá sẽ hạn chế sự phát triển của cán bộ giỏi. Chúng tôi rất hy vọng làm sao để trí thức có không gian rộng trong sáng tạo, đồng thời chấn chỉnh nghiêm những cá nhân có hành vi vi phạm trong hoạt động sáng tạo, nghiên cứu khoa học”. Có thể thấy ngày nay, một nhà giáo, một bác sĩ bận rộn bởi vừa phải đảm bảo tám giờ hành chính một ngày, vừa lo “giờ thứ 9” mưu sinh. Sự bận rộn của họ là tất yếu vì đồng lương khiêm tốn hay chúng ta đã lãng phí nguồn “tài nguyên” trí tuệ của họ trên chính khu vực công.

trí tuệ nhân tạo thay con người làm việc.jpg -1
Trí tuệ nhân tạo thay con người làm việc.

Người viết cho rằng, dù ở thời đại nào, dù công nghệ thì vẫn còn đó những vấn đề xã hội mà chúng ta vẫn quen gọi bằng hai từ “bất cập”. Mỗi khi xuất hiện một sự kiện, lập tức cộng đồng mạng lên tiếng bàn thảo đúng sai, đặt chúng ta vào sự lựa chọn. Chưa bao giờ, việc tìm kiếm thông tin dễ như mạng xã hội nhưng cũng chưa bao giờ khó phân biệt thị phi như mạng xã hội.

Có không ít người đã lựa chọn đáp án cho những thắc mắc đó bằng cách chọn theo “phe” đa số trên mạng xã hội. Từ cách dạy con cái, thái độ làm việc đến bày tỏ quan điểm xã hội đều cho thấy những xu hướng của con người hôm nay. Nhưng, liệu có phải chủ điểm nào mà cư dân mạng lựa chọn cũng là vấn đề quan trọng, liệu số đông nào cũng đúng. Khi chúng ta tỏ sự quan tâm, lo lắng, thương cảm trước một anh bạn cần giải cứu dưa hấu, thanh long, bí xanh… mà quên mất rằng phải cần giúp anh ta tính toán lại phương án sản xuất sao cho phù hợp với thị trường. Nói theo, làm theo trend quả là nhàn, nhưng ngẫm ra thật đáng nguy hại.

Có lẽ cộng đồng mạng chưa bao giờ bận rộn như thế này. Chúng ta đi từ các vấn đề xã hội đến kinh tế, văn hóa, nghệ thuật… mà quên mất rằng trước tiên phải đặt smart phone, Ipad… xuống và đọc cho ra nhẽ về tri thức, quy định của vấn đề ấy. Du mục kỹ thuật số sẽ là sự lựa chọn hợp lý nhất. Bởi, nếu để sự nhàn rỗi sẽ lấy đi chính bản năng bày tỏ chính kiến, quan điểm và thái độ sống của mình. Khi bạn không có những điều đó, cuộc sống đâu thể hạnh phúc.

Sau khi được công chiếu, bộ phim truyện “Đất rừng phương Nam" đã có một sự khởi đầu không hề suôn sẻ như những “Mắt biếc”, “Nhà bà Nữ” hay “Bố già”… Có người cho rằng thói quen “mổ xẻ” vấn đề là một nét chưa đẹp, là kiểu “nhàn cư” của nhiều người khi tham gia mạng xã hội.

xu hướng đi du lịch nước ngoài kết hợp với làm việc từ xa đang trỗi dậy, thúc đẩy nhiều nước đưa ra chương trình thị thực du mục kỹ thuật số-ảnhgetty.jpg -2
Xu hướng đi du lịch nước ngoài kết hợp với làm việc từ xa đang trỗi dậy, thúc đẩy nhiều nước đưa ra chương trình thị thực du mục kỹ thuật số.

Nhưng có lẽ, cái sự nhàn nhã ấy phải được gọi chính xác bằng “tâm tình” như nghiên cứu viên Lang Minh trên vnexpress.net: “Nhà quản lý cũng không cần can thiệp vào tâm tình của công chúng. Ví như thanh tra thị trường chỉ cần đảm bảo nhà hàng bày bán các món ăn đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm chứ không có chức trách kiểm tra xem ai chê bai món đó ngon hay dở” (bôi xấu một bộ phim). Mỗi người có một tâm tình, nỗi niềm riêng đáng trân trọng. Họ có thể yêu ghét, có thể nhạy cảm, tự ái và bức xúc… bởi muôn vàn lý do khác nhau. Tuy nhiên, không phải mọi dư luận xã hội đều là ý kiến khoa học; nhà quản lý phải đứng trên luật pháp, quy định để đưa ra quyết định của mình.

Câu chuyện về sự nhàn rỗi không hề đơn giản. Đôi khi lúc “trà dư tửu hậu” lại là lúc nhàn thân mà không nhàn tâm bởi bao điều phải nghĩ. Văn hào Victor Hugo từng nói: “Người chìm trong suy nghĩ không phải là người nhàn rỗi. Có sự lao động hữu hình, và có sự lao động vô hình”. Có lẽ, ngay cả khi thế giới này thay đổi vì sự tiến bộ của AI thì con người vẫn phải bận rộn trước lựa chọn và suy nghĩ. Và đó sự suy tư cũng là con đường tất yếu để xây dựng kiến trúc thượng tầng trong đó có văn hóa trong thời đại mới.

Người viết cho rằng, tất cả những tiện ích sẽ chỉ là công cụ để phục vụ cho chúng ta sống và lao động tốt hơn trong bất kì thời đại lịch sử nào.

Phương Việt
.
.