Tản mạn về số đông

Thứ Sáu, 21/07/2023, 18:23

Số đông là một tiềm năng để phát triển nếu đi đúng hướng, nếu biết hợp tác, gắn kết tạo ra nguồn lực xã hội. Nhưng, để có được điều đó cũng cần một ứng xử, một nhận thức lựa chọn để tạo ra nét văn hóa hài hòa, phù hợp giữa các lợi ích và sự phát triển tiến bộ của xã hội…

Cloud Computing (điện toán đám mây) có thể coi là một trong những phát minh quan trọng để chúng ta có thể sử dụng chung, gắn kết, chia sẻ, phản hồi… thông qua các mạng xã hội, sàn giao dịch điện tử. Bởi thế, trong cuộc cách mạng 4.0 này, dẫu có nhiều tiện ích giúp chúng ta giảm bớt các giao dịch trực tiếp như order các dịch vụ, đăng kí các thủ tục… nhưng xu thế, xu hướng vẫn cho thấy tính gắn kết, sự hưởng ứng, hiệu ứng domino vẫn đang tồn tại. Thậm chí, số đông còn đang trở thành một tiềm năng để khai thác. Vì lẽ đó, việc sàng lọc lựa chọn của mỗi người để theo xu thế nào, tập hợp nào cũng cần vào sự tỉnh táo của mỗi cá nhân.

Trước hết, bạn hãy nhìn vào những cơn sốt mới nhất. Blackpink là một minh chứng rõ nhất cho sự phát triển của nền công nghiệp văn hóa của xứ sở kim chi. Mặc dù trang Sputnik Music cho rằng album Born Pink của nhóm (phát hành tháng 9/2022) chỉ là: "một mớ hỗn hợp các bản nhạc được nhét vào để làm hài lòng người hâm mộ" (theo Anh Nguyễn - Hà Thu-vnexpress.net); mặc dù họ được đánh giá là mạnh về hình thức hơn là chất lượng giọng hát nhưng sức hút của Blackpink vẫn không thể phủ nhận.

cần tuyên truyền và nâng cao chất lượng đào tạo nghề để thay đổi nhận thức, suy nghĩ của phụ huynh và học sinh-ảnh vov giao thông.jpg -0
Cần tuyên truyền, nâng cao chất lượng đào tạo nghề để thay đổi nhận thức, suy nghĩ của phụ huynh và học sinh.

Blackpink đã vượt ra khỏi giới hạn của âm nhạc khi họ biết kết hợp với sức mạnh của thời trang, trang sức để tạo ra xu thế âm nhạc thị giác chứ không dừng ở thưởng thức của thính giác. Thính giả ngày nay đến đi xem còn để quan sát cách ăn mặc, sử dụng phụ kiện của các thần tượng. Mốt (model) không còn ở dạng “khuyết danh” như thời mới mở cửa mà được khởi xướng, được xác tín bằng chính các idol của họ.

Trong xã hội hiện đại, việc con người bị “đánh úp” bởi những kênh thưởng thức khác nhau cũng đâu có gì lạ. Một người hàng ngày có thể nghe đọc truyện khi anh ta đang lái xe hơi dù cả năm không lật mở một trang sách. Bạn có thể vừa ngồi xem bóng đá trên khán đài vừa tranh cãi với bạn bè về một hãng thời trang, một dịch vụ mà cầu thủ ngôi sao đó đã sử dụng… Khi các phương tiện truyền thông tạo ra các sản phẩm đa dạng, con người cũng dễ dàng thích ứng đón nhận tất cả các sản phẩm của nó và đương nhiên, có thể chúng ta sẽ quên mất giá trị cốt lõi của nó.

Câu chuyện hiệu ứng đám đông, tư duy đám đông không hề đơn giản như cách nhiều người vẫn nói là tư duy bầy đàn. Trong khi, chúng ta đang đối mặt với nguy cơ dân số già thì ngay trước mắt là muôn vàn thách thức hàng ngày. Số đông không phải lúc nào cũng được sống theo trend, theo sở thích. Ngược lại, số đông phải cạnh tranh quyết liệt với nhau để có được cơ hội may mắn nhất. Một ví dụ cụ thể: theo các chuyên gia: “số lượng các trường THPT công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội mới chỉ đáp ứng được khoảng 55-60% nhu cầu của thí sinh vào lớp 10”. Thông tin trên Báo Tiền phong: “Theo công bố của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, số học sinh vào lớp 6 năm học 2023 - 2024 là 188.400, tăng khoảng 38.000 học sinh so với năm học 2022 - 2023. 4 năm tới, số học sinh vào lớp 10 của Hà Nội tăng rất cao”… Nhưng con số ấy là thực tế mà không chỉ các cấp chính quyền mà bản thân mỗi người chúng ta cần thấu hiểu và chia sẻ.

thong tin black.jpg -2
Thông tin BlackPink tới Hà Nội biểu diễn vào tháng 7 gây sốt mạng xã hội Việt Nam.

Khách quan mà nói, với sự đòi hỏi của việc phát triển đô thị, phát triển công nghiệp, tỉ lệ giữa các khu chung cư và trường học là bài toán khó. Hơn nữa, mật độ dân số còn phụ thuộc nhiều vào tâm lý xã hội, vào xu thế lựa chọn nghề nghiệp. Tuy nhiên, nếu ở cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở là sự lựa chọn bắt buộc thì ở cấp trung học phổ thông đã có sự lựa chọn thêm hướng đi khác. Việc nhiều phụ huynh không mặn mà với các trường dạy nghề mà nhất quyết cho con đi thẳng đến… cổng trường đại học đang là điều đáng lo ngại. Phải chăng, hướng nghiệp vẫn chưa thực sự cần thiết hay chất lượng đào tạo nghề còn là một dấu hỏi?

Đương nhiên, từ góc độ phụ huynh, họ có những băn khoăn của mình. Chị Lê Thu Hằng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ trên VOV Giao thông: "Trường công lập ở Hà Nội hơi ít, nên hầu như gia đình nào cũng rất lo lắng. Nhiều người không muốn cho con đi học nghề đâu, vì nghĩ là trẻ con học nốt cấp 3 cho trọn vẹn tuổi thơ, dính đến chữ “nghề” cảm giác cho con ra đời sớm, thương con. Trước đây chị cũng học cấp 3 xong đi học nghề, nhưng chị thấy dạy nghề ở trường phổ thông chỉ sơ sơ thôi, ra để làm được việc cũng khó lắm, cho nên phụ huynh mới không mặn mà".

Đến đây, người viết nhận ra giữa hiệu ứng Blackpink và sự lựa chọn hướng đi cho con em mình đang có nét sự tương đồng. Thay vì thưởng thức âm nhạc bằng kênh thính giác, chúng ta còn đang “xem” nhạc, bắt trend thời trang. Tương tự như thế, nhiều người dường như cũng đang “nghe” trường, để hướng nghiệp cho con thay vì nhìn vào các chỉ số của năng lực, đánh giá xu thế của tương lai gần hay ước muốn của con cái. Hóa ra, “kênh” chính thức đôi khi lại chưa hẳn có sức mạnh bằng các kênh khác.

Mấy ngày gần đây, nhiều bài báo cũng đang nhắc đến tình trạng "thần thánh hóa" IELTS trong suy nghĩ của nhiều người. Chia sẻ về vấn đề này, giảng viên Tô Thức cho rằng: “Tiếng Anh là một chốt chặn quan trọng trong việc tiếp thu tri thức từ nước ngoài. Trong thời đại Internet, có thể sử dụng tiếng Anh vào việc học giúp học viên tiếp cận nguồn tài liệu và hướng dẫn khổng lồ, chi tiết, dễ hiểu và miễn phí. Khó có thể đếm hết các nguồn tư liệu, video và khóa học mở bằng tiếng Anh. Mà IELTS lại là một hình thức phản ánh chính xác cho khả năng sử dụng tiếng Anh, hoặc ít nhất là chính xác hơn so với bài thi tốt nghiệp. Tác dụng của tiếng Anh sẽ còn được cường hóa khi thế giới bước vào kỷ nguyên AI. Giao tiếp với thiết bị điện tử bằng các ngôn ngữ khác còn chưa được chính xác và hiệu quả bằng tiếng Anh”.

Đến đây có thể thấy sức hút của IELTS là rất có cơ sở khi Việt Nam có 40 trường đại học công bố xét tuyển thẳng nếu có IELTS từ 4.0 - 6.5. Nhưng giữa đòi hỏi và khát vọng của cá nhân còn cần phương pháp, thời điểm và năng lực bản thân. Chúng ta đều biết, trong kỉ nguyên công nghệ ngay cả người công nhân cổ tím, cổ xanh cũng cần được trang bị tri thức về ngoại ngữ, công nghệ thay vì chỉ tiếp thu thụ động. Tuy nhiên, không phải cứ lao theo một chương trình học, cố gắng kiếm được một văn bằng chứng chỉ là đã có kết quả tốt nếu như trình độ không đáp ứng yêu cầu thực tế.

Cách đây hai năm, một người am hiểu tiếng Anh từng chia sẻ: “Hãy tiếp cận việc học tiếng Anh như một phần trong hành trình chinh phục tri thức, coi nó là một phần của cuộc sống. Đừng đau đáu phải có bằng này, chứng chỉ kia để rồi dẫn đến hệ lụy học mẹo, học thuộc, học tủ để có điểm cao, và đánh giá nhau qua tấm bằng IELTS” (theo: Điệp Lê- vnexpress.net). Xem ra, những vấn nạn: “học mẹo, học thuộc, học tủ” mà tác giả nhắc đến ở việc chạy theo IELTS không đến từ chất lượng của chương trình mà xuất phát từ tâm lý người học. Vấn nạn này cũng tương tự như văn mẫu và các căn bệnh thành tích khác.

nhieu thi sinh.jpg -1
Nhiều thí sinh đang chạy đua theo chứng chỉ IELTS một cách máy móc mà không đánh giá đúng năng lực của mình (ảnh chỉ mang tính minh họa).

Vậy đằng sau số đông ấy là điều gì? Người viết cho rằng trước các thách thức mới, xu thế và làn sóng mới, vẫn cần một văn hóa tiếp nhận và tiếp cận vấn đề. Năm 2002, UNESCO đã đưa ra định nghĩa: “Văn hóa nên được đề cập như một tập hợp của những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội và nó chứa đựng, ngoài văn học và nghệ thuật, cả cách sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin”. Phải chăng, “cách sống, phương thức chung sống” mà định nghĩa nêu ra cũng chính là cách tiếp cận, tiếp nhận ấy sao cho phù hợp, hiệu quả, thay vì nó chỉ đáp ứng nhu cầu về hình thức bên ngoài.

Số đông là một tiềm năng để phát triển nếu đi đúng hướng, nếu biết hợp tác, gắn kết tạo ra nguồn lực xã hội. Nhưng, để có được điều đó cũng cần một ứng xử, một nhận thức lựa chọn để tạo ra nét văn hóa hài hòa, phù hợp giữa các lợi ích và sự phát triển tiến bộ của xã hội…

Trang Thu
.
.