Tản mạn về chất lượng cuộc sống

Thứ Năm, 05/10/2023, 20:28

Vụ cháy chung cư mini ở ngõ 29/70 phố Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) đã được phân tích từ nhiều góc độ nhằm lí giải nguyên nhân hỏa hoạn và sự bất cập trong xây dựng và quản lý. Khi đã điềm tĩnh lại để theo dõi các thông tin, người viết bất ngờ với hình ảnh chiếc thang dây của gia đình anh Nguyễn Công Huy (SN 1982, sống ở tầng 3 chung cư), một sự cẩn thận đã tạo ra khác biệt.

Sự khác biệt ở đây không chỉ là một lối thoát hiểm an toàn cho gia đình anh và một số người hàng xóm vào thời khắc quan trọng mà còn gợi cho chúng ta suy ngẫm: từ lúc nào anh Huy đã nghĩ đến tình huống xấu ấy và bao lâu nay sao chúng ta không nhận ra cần có một quy định về an toàn nơi cư trú?

Tản mạn về chất lượng cuộc sống -0
Chất lượng cuộc sống nói lên sự hạnh phúc.

Tại buổi tiếp xúc cử tri các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm của tổ đại biểu Quốc hội TP Hà Nội chiều 29/9/2023, ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch Thành phố Hà Nội đã phát biểu: "Quan điểm của lãnh đạo thành phố là kiên quyết không hợp thức cho những chung cư mini vi phạm, kiên quyết xử lý. Không thể để những quy định của thành phố bị lợi dụng hoặc cố tình lợi dụng, bắt tay làm ngơ cho các cá nhân tổ chức vi phạm".

Chung cư mini vi phạm là điều đã "hai năm rõ mười". Bởi thế, dù sáng kiến này hay giải pháp khác của một cá nhân có cứu được bao nhiêu người trong vụ cháy thì trách nhiệm của người cung cấp dịch vụ vẫn không thể biện minh. Ở vị trí của một khách hàng, anh Huy không thể làm gì hơn ngoài việc sắm một chiếc thang dây và chuẩn bị kĩ năng thoát hiểm. Điều đó nói lên một cách tiếp cận khác với điều kiện sống, một cách thích nghi trong khi chờ những chế tài, quy định được hoàn thiện.

Chúng ta đều luôn tâm niệm "thủy, hỏa, đạo, tặc" là bốn mối đe dọa sinh tồn của con người. Trong thời bình, xác suất xảy ra các nguy cơ này được hạ xuống thấp nhưng khi ngọn lửa bùng lên, những người đồng bào đã phải lìa xa cuộc đời này và chúng ta không cho phép mình được lãng quên bài học đắt giá ấy. Giá như chúng ta nhận ra và cảnh báo, mọi việc sẽ không xảy đến đáng tiếc như thế chăng?

Nhưng, chúng ta đã bận và quên, quên đưa ra sự lựa chọn chu toàn cho cuộc sống. Một chính kiến luôn phán xét những gì đang diễn ra và nhận diện rõ nguy cơ thay vì đổ lỗi cho hoàn cảnh. Có thể câu nói của nhà văn người Mỹ Robert Anson Heinlein (1907-1988) có phần cực đoan nhưng bạn hãy thử một lần lắng nghe sẽ thấy thú vị: "Hãy đứng về một bên! Luôn luôn đứng về một bên! Đôi khi bạn lựa chọn sai lầm - nhưng người không chịu đứng về bên nào thì luôn luôn sai lầm". Đôi khi, chính kiến không phải lúc nào cũng là quan điểm để đối lập với đám đông mà có lúc chỉ đơn giản là tìm ra mô hình, cách thức phù hợp hơn với cuộc sống của mình. Bạn không thể thay đổi hoàn cảnh nhưng có thể tránh được nguy cơ, bạn không thể tạo ra môi trường mới nhưng tạo ra những điều kiện có lợi cho mình.

Gác lại hình ảnh chiếc thang dây, chúng ta lùi xa hơn để suy ngẫm đến một điều: "Thể chất - tinh thần - xã hội" là ba tiêu chí cơ bản nhất mà mỗi người cần phấn đấu để đáp ứng cho chính bản thân mình. Nếu như hai yếu tố đầu tiên nằm trong tầm tay của mỗi cá nhân thì yếu tố xã hội phụ thuộc vào môi trường, năng lực và sẽ định hình hoàn cảnh sống. Hàng ngày ta vẫn thấy công việc ảnh hưởng trở lại với tính cách của người làm nghề khi bắt gặp một chị kế toán luôn cẩn trọng, một anh luật sư luôn giữ sự im lặng để tìm ra phương án, một sĩ quan nghiêm khắc và sự "lạnh lùng" của vị bác sĩ…

Tản mạn về chất lượng cuộc sống -1
Con trai ông thợ sửa khoá ở Thái Bình 2 năm liên tiếp giành Huy chương vàng Olympic Toán Quốc tế khi biết vượt lên hoàn cảnh.

Dĩ nhiên, không phải ai cũng có thể chuyển nhà ba lần như người mẹ Mạnh Tử đã làm để thay đổi hoàn cảnh sống nhưng cuộc sống lại luôn xuất hiện một nghịch lý: Người giỏi là người đi ngược lại sự bất lợi để chiến thắng. Vì thế nên chúng ta mới có một Vũ Xuân Trung (Thái Bình) - con trai anh thợ sửa khóa - đã 2 lần đoạt HCV Olympic Toán quốc tế (IMO); một Trần Thị Diệu Liên (TP.Hồ Chí Minh) - con của một người lao công - đã được Harvard cấp học bổng hiếm trên 300.000 USD cho 4 năm học… và còn không ít tấm gương vượt khó để tỏa sáng khác.

Nói đến đây, một câu hỏi được đặt ra: chúng ta thay đổi để thích nghi hay thích nghi để rồi thay đổi? Thực ra, thích nghi để rồi điều chỉnh lại cho hợp lý chính là sự chấp nhận và vượt lên số phận, hoàn cảnh. Còn nhớ, có một người làm nghiên cứu đã hỏi tôi từ cách đây hai mươi năm: "Anh có biết đằng sau một bất cập nào đó trong xã hội là điều gì không?". Tôi ngẫm nghĩ khá lâu và nói: "Có phải là sự ra đời khá chậm trễ của những quy tắc mới trong cuộc sống chăng?". Người đó lắc đầu và bảo: "Không hẳn, anh thử ngẫm xem: đằng sau sự du nhập của khoa học, kĩ thuật, công nghệ… còn là câu chuyện của văn hóa. Xung đột và tiếp biến văn hóa sẽ là cái đáng cho chúng ta phải suy nghĩ nhất"… 

Ngẫm ra, điều đó cũng có lí khi nhìn lại sự thay đổi của xã hội. Từ một Thăng Long của ba sáu phố phường cổ kính đến một Hà Nội có tiếng "tàu điện leng keng" và chuông xe đạp "kính koong". Rồi sẽ đổi thay lại đến khi "xe cúp đã thay cho ngựa tía võng điều" (Nguyễn Duy); và: "Nhà chỉ mấy thước vuông, sách vở xếp cạnh nồi/ Nếu nằm mơ, em quờ tay là chạm vào thùng gạo" (Xuân Quỳnh) của thập niên 80, 90 thế kỷ trước, đến những chung cư hôm nay… Điều đó không chỉ mới, lạ, khác với không gian truyền thống, đòi hỏi sự thích nghi trong sinh hoạt mà còn đặt ra yêu cầu phải tiếp biến văn hóa. Từ ăn, mặc, ở thế nào cho phù hợp, an toàn, đẹp và văn minh luôn là những đòi hỏi mới…

Có một quy luật đã diễn ra cả ngàn năm nay: người Việt biết tiếp thu và biến đổi các yếu tố bên ngoài để bổ sung cho nền văn hóa của mình. Dù ngày nay phải sống ở không gian đô thị hiện đại mới mẻ, người Việt vẫn duy trì được mạch tình nghĩa của thời "giậu mồng tơi", "hàng rào dâm bụt" khi "tắt lửa tối đèn" có nhau. Thật cảm động trước hình ảnh người dân mang gạo, mì tôm, quần áo, bút, sách… đến Nhà văn hóa số 8 Khương Hạ để ủng hộ các gia đình sau vụ hỏa hoạn và nhiều người thông báo mời nạn nhân đến ở nhà mình miễn phí.

Tản mạn về chất lượng cuộc sống -2
Sự lựa chọn góp phần đem lại chất lượng sống cho con người.

Chúng ta lắng nghe những xu thế xã hội, phân tích các hiện tượng đang diễn ra và tự nhìn lại những gì đã và đang làm được. Những vui buồn trong cuộc sống sẽ qua đi, điều đọng lại là một khát vọng sống tốt, sống có ý nghĩa, có chất lượng cả về điều kiện vật chất và tinh thần. Không phải ai cũng may mắn có được một ngôi nhà khang trang, rộng rãi, có một công việc có thu nhập tốt để thực hiện các dự định. Có điều, dù ở hoàn cảnh nào, văn hóa vẫn là yếu tố có tác động không nhỏ đến suy nghĩ và lựa chọn mà cụ thể trong đó là ăn, mặc, ở… Khái niệm "Quality of life" (chất lượng cuộc sống) chính là chỉ số về hạnh phúc, luôn phụ thuộc vào khách quan và chủ quan.

Nói đến đây, người viết thấy tâm đắc với định nghĩa của R.C.Sharma, tác giả của cuốn sách nổi tiếng "Dân số, tài nguyên, môi trường và chất lượng cuộc sống". Ông cho rằng: "Chất lượng cuộc sống là sự cảm giác được hài lòng (hạnh phúc) hoặc (thỏa mãn) với những nhân tố của cuộc sống, mà những nhân tố đó được coi là quan trọng nhất đối với bản thân một con người…". Quan trọng nhất đối với bản thân một con người phải chăng đó là sự hài hòa của văn hóa trong điều kiện sống hôm nay. Và, đương nhiên chúng ta không được quên lắng nghe chính bản thân mình…

Phương Việt
.
.