Chuyện "mì gói"

Thứ Năm, 09/09/2021, 12:43

Cách đây mấy hôm, vừa mới chợp mắt, tôi bỗng bị đánh thức bởi cuộc điện thoại của cô em gái. Vừa bật máy, một câu hỏi bất ngờ đã dội vào tai tôi: "Nhà anh lâu nay ăn mì gì?". "Mì nào chả được cô, nhà anh bọn trẻ dễ tính lắm". Thực ra, nhà tôi chẳng mấy khi ăn mì ăn liền. Từ trước đến nay, vào mỗi sáng chúng tôi thường nấu bữa để ăn.

Từ câu chuyện gói mì ăn liền, người viết liên tưởng đến những "gói ăn liền" đáng suy ngẫm khác đã tồn tại bấy lâu nay, đó chính là gói mì bảo bối, gói mì tự động hóa. Có cô giáo từng rất bức xúc khi kể cho tôi nghe như thế này: Sáng ra, nhiều vị chỉ biết quẳng cho con gói mì ăn liền rồi đi rượu chè bù khú "chào buổi sáng".  20/11 thì đến quẳng cho thầy, cô giáo cái phong bì kèm theo "yêu cầu" dán mác tôn sư trọng đạo là: "Trăm sự nhờ thầy". Thế mà nhiều phụ huynh lại mặc định con mình chăm ngoan, học giỏi, thuần thục kĩ năng sống… Thử hỏi, ai có thể ăn mì gói cả đời được, cũng như con cái không thể phó mặc cho nhà trường, thầy cô mà tự nên người được. Thế mới biết nhiều bậc làm cha, làm mẹ đang "né", đang làm tổn hại tương lai của chính mình. Sự ỉ lại, thiếu hợp tác từ chính cách sống của từng gia đình đã làm giảm chất lượng giáo dục.

Nhưng, khách quan mà nói, không phải lúc nào, hiện tượng "combo" ấy cũng đồng nghĩa với sự cẩu thả bởi nó còn phụ thuộc vào những hoàn cảnh cụ thể. Mấy hôm rồi, cộng đồng mạng xôn xao với một clip về chiếc xe tải chở rau, củ, quả có gắn băng tải vừa chạy vừa tuồn từng bọc thực phẩm xuống đường để người dân ra nhặt. Nhiều ý kiến cho rằng "của cho không bằng cách cho'', không chấp nhận được cách thả rau, củ như thế. Nhưng thực ra cách làm đó xuất phát từ hoàn cảnh khi cả nhóm thiện nguyện giờ đây chỉ còn lại 3 người và họ cũng lo sợ khi phải tiếp xúc trực tiếp với người dân sẽ có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho dân.

Tôi nhớ có lần một ông anh cùng quê giãi bày với người viết rằng: ''Hồi còn độc thân, cuộc sống của tớ đơn giản lắm, quanh quẩn sáng mì tôm úp trứng, trưa bia bọt, có khi tối về lại trứng úp mì tôm. Từ khi lấy vợ, điều mà mọi người nhìn thấy là mâm cơm hàng ngày của gia đình tớ có cơm dẻo, canh ngọt, giúp tớ béo tốt, hồng hào. Nhưng, điều quan trong hơn đằng sau những hình ảnh ấy là vợ tớ đã giúp tớ phá vỡ cái ý thức "mì gói" này.

Thay vì sống trông chờ, phó mặc cho đồng lương, thì giờ đây rau trồng trong vườn nhà cũng thành hàng cho mấy người bán hàng ở chợ, gà, vịt đầy sân, bên mái hiên nhà dập dìu những đôi bồ câu, những phút nhàn nhã của tớ sau giờ làm đều dành cho sạp hàng tạp hóa từ chính cái ô cửa sổ mở ra đường… Sau hơn hai mươi năm, giờ mẹ có shop của mẹ, con có công ty của con, tớ lại một mình mì gói nhưng đầy đủ thịt bò, rau rợ xanh mát nhé. Mình còn khỏe, chịu khó ăn nghỉ, tập thể thao duy trì sức khỏe để chủ động cuộc sống, để giảm tải gánh nặng cho người thân. Cuộc sống là phải biết có những phép cộng, phép trừ, phép nhân, phép chia cho riêng mình chứ không phải một công thức định sẵn''.

Ngẫm ra, câu chuyện phiếm của anh bạn tôi ngày hôm nào và sự giật mình lo âu vì thói quen sống với công thức "mì gói", thói quen tích trữ lương thực, vun vén ích kỉ cho bản thân mà bất chấp lợi ích cộng đồng trong mùa dịch của nhiều người hôm nay gợi cho người viết những đối sánh để nhận ra những bài học quý giá.

Lương Việt
.
.