Cần chế tài nặng hơn

Thứ Năm, 02/09/2021, 10:05

Kể từ khi dịch COVID-19 còn mới manh mún hồi đầu năm 2020, đã có nhiều vụ xử lý các chủ tài khoản mạng xã hội tung tin sai lệch liên quan đến dịch bệnh, công tác chống dịch. Việc xử lý này kèm theo các xử lý vi phạm tương tự ở các chủ đề xã hội khác, đã tạo thành một trào lưu dùng mấy chữ “bảy triệu rưỡi” (mức phạt vi phạm) làm các bình luận dưới các bài đăng có nội dung sai lệch. Trào lưu này cho thấy cộng đồng đã rất hiểu mức phạt và nhận thức được thế nào là hành vi vi phạm.

Nhưng thực tế, tình hình vi phạm theo thời gian đã không thuyên giảm mà còn có xu hướng tăng mạnh hơn với hoang tin được phát tán trên nhiều nền tảng mạng xã hội. Theo báo cáo của Sở Thông tin - Truyền thông TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, Sở đã phối hợp với các Cục thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông gỡ bỏ 112 bài viết trên tài khoản mạng xã hội, 182 video trên kênh YouTube, 17 video trên ứng dụng Tiktok có nội dung sai sự thật, xuyên tạc sự thật liên quan đến dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố. Số lượng này chỉ mới là các vụ vi phạm nổi cộm mà thôi và trên thực tế, các nội dung tin giả, gây hoang mang dư luận còn lớn hơn nhiều.

Có vẻ như mức chế tài hiện tại đang còn quá nhẹ tay, chưa đủ tính răn đe để các cá nhân phải biết sợ và thận trọng trước khi loan báo một thông tin nào đó. 7,5 triệu hay 15 triệu, nghe có vẻ là một số tiền không nhỏ, nhưng thật ra nó không ảnh hưởng quá nhiều đến đời sống của một cư dân trung lưu thành thị. Và khi chế tài chưa đủ mạnh để khiến người ta phải tự kiểm duyệt hành vi của mình, việc vi phạm nhiều là đương nhiên.

Hãy đơn cử ví dụ của nước Pháp để chúng ta có thể thấy chế tài của họ nghiêm như thế nào. Ở đợt phong toả hồi năm 2020, người Pháp có hành vi vi phạm như ra phố khi chưa được phép sẽ bị phạt 135 euro cho lần thứ nhất và thứ 2. Từ lần thứ 3 trở đi, mức phạt vi cảnh sẽ lên tới 1.000 euro. Mức phạt lần đầu (135 euro) tưởng nhỏ so với đời sống Pháp nhưng không hẳn. Mức lương trung bình của người lao động phổ thông ở Paris cũng chỉ vào khoảng 1.800 euro/tháng mà thôi.

Gần đây, mạng xã hội có lan truyền video một phụ nữ trung niên ở Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh liên tục có hành vi không đeo khẩu trang ra phố khi đang giãn cách xã hội bất chấp người phụ nữ này đã bị xử lý nhiều lần. Có thể nhiều người cho rằng cô ta có vấn đề về thần kinh nhưng thực sự, còn tiền đóng phạt nên còn vi phạm là một thực tế của trường hợp này. Nếu như thay vì chế tài phạt vi cảnh 3 triệu đồng mỗi lần vi phạm bằng chế tài gấp 5 gấp 10 lần ở lần vi phạm thứ ba trở đi thì sao? Chắc chắn, không ai dại gì, và dư tiền, để vi phạm liên tục như thể khinh lờn pháp luật đến thế.

Kỳ giãn cách xã hội căng thẳng này cho thấy vẫn còn một bộ phận cố tình vi phạm các quy định mà Chính phủ ban hành. Nó chính là bề nổi của một thực trạng kéo dài nhiều năm nay là ý thức tuân thủ pháp luật còn thấp. Có lẽ, kỳ giãn cách chống dịch này nên là lúc để áp dụng kỷ cương chặt chẽ hơn nữa, chế tài mạnh tay hơn nữa để tập quen cho công chúng ý thức tôn trọng pháp luật và tạo dựng một xã hội pháp trị nghiêm khắc nhằm giải quyết tình trạng tồn tại như bấy lâu nay. 

Văn Đoàn
.
.