Nhân một vụ “bay màu”

Thứ Năm, 26/08/2021, 11:08

Vài hôm trước, nhiều người bất ngờ nhận thấy sau một đêm tỉnh giấc thì số lượng bạn bè của mình trên facebook đã vơi hẳn. Có những trường hợp đang từ có 2000 người bạn bỗng dưng chỉ còn lại 400 bạn sau một đêm. Những tài khoản bạn bè bỗng dưng mất tích kia được cư dân mạng gọi là “bay màu”. Lý do rất đơn giản: Họ đã chia sẻ một đường dẫn tới một video có cảnh quan hệ nhạy cảm của trẻ vị thành niên và facebook đã khoá vĩnh viễn tất cả những tài khoản ấy sau một đêm “truy quét”.

Nhân câu chuyện “bay màu” này, có nhiều điều chúng ta có thể rút ra được bài học kinh nghiệm. Ở cả mặt đạo đức, sự “bay màu” của nhiều tài khoản không hẳn chỉ nên được đánh giá đơn giản và một chiều theo cảm tính thông thường. “Hãy nhớ rằng những người còn là bạn bè của mình không hẳn là những người đạo đức cao vọi mà rất có thể vì họ sử dụng zalo, telegram” - Đó là một nhận xét dí dỏm của T., một chủ tài khoản facebook ở TP. Hồ Chí Minh về chuyện “bay màu”. Thực tế đúng là đã có rất nhiều người chia sẻ đường dẫn kể trên nhưng lại không bị “bay màu” bởi đơn giản, phương tiện họ sử dụng để phát tán không phải là facebook mà là các kênh khác.

Như vậy, nếu đánh giá rằng “những ai còn lại sau đợt truy quét mạng của facebook là có đạo đức” thì đánh giá ấy có thể sẽ rất vội vàng. Và nếu facebook làm được cái việc kiểm duyệt nội dung một cách gắt gao như vậy thì tại sao các nền tảng khác lại để lọt lưới những nội dung độc hại và phản cảm?

Nhưng, nếu zalo làm cái việc kiểm duyệt gắt gao như facebook, có chăng sẽ lại phát xuất ra một loạt những bịa đặt cho rằng có sự can thiệp của chính quyền để thâm nhập các nội dung mang tính riêng tư của công dân? Chắc chắn là có. Tiêu chuẩn kép đã lộ diện. Trong khi người dùng Việt Nam có thể chấp nhận sự can thiệp thậm chí nhiều khi là phi lý của một nền tảng quốc tế như facebook, youtube, instagram… vào các thứ được coi là quyền riêng tư của mình (như tin nhắn chẳng hạn) thì họ lại sẵn sàng chỉ trích việc ấy nếu như nền tảng đó là của Việt Nam.

Thử xét qua một dữ kiện thứ hai. Đó là 80% số tài khoản “bay màu” ở vụ truy quét đình đám này là… phụ nữ. Rất nhiều người ngạc nhiên, “Ôi, sao chị em phụ nữ lại bậy bạ thế”. Nhưng cực ít người, gần như là không thấy ai, lên tiếng phân tích theo xu hướng phụ nữ, với thiên chức làm mẹ, họ quan tâm những nội dung kể trên ở tâm thế chia sẻ cho nhau hiểu mối nguy hại với con cái ra sao nếu cha mẹ không chăm sóc con mình kỹ lưỡng.

Thực tế, đa số tài khoản của phụ nữ bị “bay màu” là vì họ sợ hãi nội dung này, sợ hãi cho chính con em của mình. Họ chia sẻ như một câu chuyện cảnh giác. Song, thuật toán của facebook không quan tâm đến tin nhắn đính kèm mang tính cảnh báo của người gửi, mặc định đã chia sẻ đường dẫn là tất nhiên vi phạm. Chấm hết.

Ở khía cạnh này, chúng ta càng thấy rõ nét hơn sự vội vã của phán xét xã hội thời mạng xã hội. Cũng như việc họ sẵn sàng phán xét chính quyền và nền tảng trong nước hoàn toàn đến từ cảm nhận dễ dãi ban đầu và mang tính bề mặt.

Việc phán xét dựa trên bề nổi thông tin đang ngày càng phổ biến. Sự dễ dãi ấy đến từ đâu? Một tập quán lười tư duy phân tích chăng? Hay là hội chứng tò mò hời hợt giống y như cách người ta có thể bu đông vào xem một vụ hoả hoạn mà quên rằng rất cần không gian cho chữa cháy.

Văn  Đoàn
.
.