Truyền hình thực tế: Nỗi buồn từ hàng ghế khán giả
Quyền lực... cảm tính
Nếu hỏi rằng, Hồ Văn Cường hát có hay không, câu trả lời là có. Em hát hay, đầy cảm xúc. Giám khảo Văn Mai Hương không dưới ba lần lên tiếng nói rằng, khi nghe Cường hát, cô như quên hết những thứ gọi là kỹ thuật, "lỗi" trong giọng hát như chênh cao độ, lệch nhịp... Giám khảo Tóc Tiên thì không ngần ngại gọi Cường là "Sứ giả cảm xúc".
Sau hiện tượng Phương Mỹ Chi ở "Giọng hát Việt nhí" mùa đầu tiên thì có lẽ, Cường là trường hợp hiếm hoi theo đuổi dòng nhạc dân ca được công chúng đón nhận nồng nhiệt đến vậy. Cường lọt vào top 4 của "Thần tượng âm nhạc nhí" là hoàn toàn xứng đáng, nhưng để em giành ngôi vị cao nhất của cuộc thi thì có phần hơi "gượng".
Đặt lên "bàn cân" top 4 của cuộc thi thì có thể thấy rằng, mỗi em có một thế mạnh và màu sắc riêng. Nếu Hồ Văn Cường có thế mạnh về dân ca thì Jayden có thế mạnh về âm nhạc quốc tế và khả năng chơi 14 loại nhạc cụ, Gia Khiêm có thế mạnh về vũ đạo, Bảo Trân nổi trội về giọng hát và khả năng trình diễn.
Dù không phải là thí sinh xuất sắc nhất nhưng Hồ Văn Cường vẫn đăng quang "Thần tượng âm nhạc nhí" 2016 nhờ lượng bình chọn áp đảo của khán giả. |
Nếu theo dõi cuộc thi từ những vòng đầu thì hẳn rất nhiều người sẽ đồng tình rằng, Bảo Trân mới là thí sinh xuất sắc nhất của "Thần tượng âm nhạc nhí" năm nay. Ở Bảo Trân, khán giả thấy được sự đam mê, cảm xúc, sự tinh tế trong âm nhạc, sự nhiệt thành trong biểu diễn. Không có thử thách nào có thể làm khó em. Từ rock, ballad, ca khúc nước ngoài, dân gian đương đại... Bảo Trân đều dễ dàng vượt qua một cách xuất sắc. Tuy nhiên, điều đáng nói là, phần bình chọn của khán giả dành cho Bảo Trân luôn có một khoảng cách khá xa so với Hồ Văn Cường.
Vì sao Hồ Văn Cường lại được khán giả yêu thích? Phải chăng vì em theo đuổi dòng nhạc dân ca và giọng hát, cách hát của em đã chạm đến trái tim khán giả? Câu trả lời này đúng nhưng chưa đủ. Dường như đêm thi nào, Hồ Văn Cường cũng nhận được sự bình chọn cao nhất cho dù hôm đó em thể hiện ca khúc chưa thực sự thành công, thậm chí còn bị đánh giá là sa sút phong độ.
Có lẽ, khán giả bình chọn cho Cường còn vì "đời tư của em" - chất liệu vốn được coi là rất màu mỡ cho truyền hình thực tế. Cuộc sống vất vả của gia đình khiến cậu bé 13 tuổi phải đi hát đám cưới kiếm tiền khiến không ít khán giả rơi nước mắt.
Chắc chắn rằng, trong số những người bình chọn cho Cường không ít người là fan ruột của ca sĩ Phi Nhung - người đã nhận Cường làm con nuôi sau khi chương trình lên sóng được vài tập. Cường được bình chọn nhiều không hẳn vì em là thí sinh xuất sắc nhất mà vì em còn có một đời tư khác biệt hoàn toàn với những thí sinh còn lại. Liệu điều này có công bằng với Bảo Trân, Jayden, Gia Khiêm hay không, khi đáng lẽ ra giọng hát - yếu tố chuyên môn cần có lại bị che lấp bởi yếu tố cảm tính của khán giả?
Hồ Văn Cường không phải là trường hợp đầu tiên giành chiến thắng nhờ vào sự cảm tính của khán giả. Câu chuyện của Yasuy, chàng trai người dân tộc Churu, quán quân “Thần tượng âm nhạc Việt Nam” mùa thứ 4 là một minh chứng cụ thể.
Bị đánh giá là non về mọi mặt từ kỹ thuật, khả năng trình diễn sân khấu nhưng trong đêm chung kết, Yasuy vẫn nhận được lượng tin nhắn áp đảo trên 70% để giành chiến thắng trước giọng hát đẹp và đầy nội lực của Hoàng Quyên. Lý giải về chiến thắng của Yasuy, khán giả cho rằng, họ nhìn thấy ở anh sự hồn nhiên, mộc mạc. Anh giống như một làn gió mát lành thổi vào showbiz Việt vốn đã rất xô bồ như hiện nay.
Yasuy - Quán quân "Thần tượng âm nhạc Việt Nam" 2012 bị đánh giá là "sản phẩm lỗi" từ việc bình chọn cảm tính của khán giả. |
Yasuy có thể là nhân tố lạ, gây tò mò cho khán giả khi còn là thí sinh của cuộc thi nhưng hành trang để đi đường dài cần nhiều hơn thế. Từ con số "0" thành "người hùng", rồi Yasuy lại quay trở về với con số "0" ở điểm xuất phát. 4 năm sau khi đăng quang, chàng trai này không có được sản phẩm âm nhạc nào đáng chú ý ngoài những scandals về đời tư. Không ít người thẳng thắn thừa nhận, Yasuy chính là thất bại lớn nhất của “Thần tượng âm nhạc Việt Nam” tính đến thời điểm hiện nay.
Một nhân vật nữa cũng chiến thắng nhờ vào "quyền lực cảm tính" của khán giả là Đức Phúc - quán quân "Giọng hát Việt 2015". Giống như Yasuy, Đức Phúc cũng là nhân tố lạ của cuộc thi với sự trong sáng, ngây ngô khi biểu diễn. Sự run rẩy, lúng túng của Đức Phúc khi đứng trên sân khấu lại nhận được sự yêu mến, cổ vũ của đông đảo khán giả.
Bên cạnh đó, Đức Phúc may mắn khi về đội của huấn luyện viên Mỹ Tâm. Số lượng fan "ruột" đông đảo hàng đầu showbiz của ca sĩ "Tóc nâu môi trầm" đóng góp lượng vote không nhỏ mở đường cho Đức Phúc bước lên vị trí cao nhất của cuộc thi. Tuy nhiên, dù đã lên đến đỉnh vinh quang nhưng đến tận bây giờ, Đức Phúc vẫn loay hoay trên con đường âm nhạc của mình. Giờ thì sự cảm tính của khán giả không thể giúp chàng trai trẻ này tỏa sáng.
Niềm tin, tình yêu phải đặt đúng chỗ
Xu hướng chung của truyền hình thực tế là trao quyền lực rất lớn cho khán giả. Khán giả sẽ là người quyết định sự ra đi hay ở lại của một thí sinh. Dưới góc độ truyền hình, đây là cách tạo ra sự tương tác gần gũi giữa nhà sản xuất với khán giả, qua đó thu hút thêm khán giả đón xem chương trình. Bên cạnh đó, thông qua bình chọn, các chương trình truyền hình sẽ trở nên hấp dẫn, kịch tính hơn.
Tuy nhiên, việc trao quá nhiều quyền năng cho khán giả tất yếu sẽ dẫn đến tình trạng cảm tính, mất định hướng. Mỗi khán giả có gu thưởng thức nghệ thuật, sở thích khác nhau và họ có quyền thể hiện quan điểm của mình thông qua việc nhắn tin, bình chọn. Đôi khi, họ yêu thích thí sinh vì huấn luyện viên của đội đó hay đơn giản là sự khác lạ của nhân vật mà không cần biết yếu tố "lạ" đó có mang giá trị nghệ thuật hay không.
Thực tế các chương trình truyền hình hiện nay cho thấy, thí sinh hay người chơi nào có hình thể đẹp, gương mặt sáng sân khấu thì đã nắm chắc 50% phần thắng trong tay.
Sự cảm tính của khán giả đôi khi sẽ “giết chết” những tài năng đích thực và là nơi "ươm mầm" thảm họa trong showbiz. Với những cuộc thi tìm kiếm tài năng nên có sự phân chia quyền năng giữa giới chuyên môn và khán giả một cách hợp lý, bởi một tài năng đích thực vừa phải có chuyên môn nhưng đồng thời phải được khán giả mến mộ.
Về lý thuyết là vậy nhưng phần lớn những chương truyền hình thực tế Việt được mua bản quyền từ nước ngoài và một trong những nguyên tắc chính là phải tuân thủ format gốc. Điều đó có nghĩa rằng, việc tự ý thay đổi "luật chơi" là điều không được phép. Chính vì vậy, để ranh giới giữa sự cảm tính và lý trí được thu hẹp, rất cần sự định hướng từ giới chuyên môn, những người làm nghề.
Liệu khán giả có phải chịu trách nhiệm khi sự bình chọn cảm tính của họ dẫn đến sự ra đời "tài năng bong bóng". Câu trả lời là không, bởi tất cả chỉ là một cuộc chơi "vô thưởng, vô phạt" và khán giả không có trách nhiệm phải "giải trình" về quyết định của mình. Tuy nhiên, chính những quán quân từ sự bình chọn cảm tính ấy lại phải gánh chịu hậu quả. Họ không thể tỏa sáng vì ảo tưởng khả năng của bản thân. Và cũng vì thế mà showbiz Việt cứ "dậm chân tại chỗ"...