Truyền hình thực tế: Càng nguy hiểm, càng chuộng

Thứ Hai, 11/04/2016, 08:11
Chương trình "Song đấu" trên Đài Truyền hình Việt Nam liên tục bị khán giả la ó vì những màn thi vô bổ. Nhưng vô bổ chưa hẳn là nguyên nhân duy nhất dẫn đến đỉnh điểm phẫn nộ. Ngòi nổ chủ yếu chính là bởi có nhiều tiết mục nguy hiểm với người chơi. 


Cô bé Mỹ Linh thách đấu lột dừa với võ sư Kim Tuấn. Một trẻ, một già. Người dùng cây nầm (dụng cụ giống như dao), người dùng răng. Kết quả: cô bé bị nầm đâm chảy máu tay, võ sư bị mất một cái răng. Ở một tiết mục khác, hai anh chàng thi "hơi ai dài hơn" bằng cách người thổi sáo, kẻ nín thở trong chậu nước. Màn thi kết thúc cũng là lúc khán giả đứng tim khi anh chàng Hữu Thời ngã loạng choạng do nín thở quá lâu dưới nước. Phải nhờ sự can thiệp của nhân viên chương trình, anh Thời mới hô hấp lại bình thường.

Trước khi "Song đấu" xuất hiện, "Tìm kiếm tài năng Việt" (Vietnam's Got Talent) luôn ở ngôi vô địch với số lượng các tiết mục nguy hiểm… đáng nể. Không biết nên nói là ấn tượng hay ghê sợ trước cảnh thí sinh nuốt cá kèo, rắn lục sống dễ như nuốt bún. Có người ăn thủy tinh, nuốt kim, dao lam, chọc giáo vào ngực, chặt gạch…

Màn lột dừa đổ máu của cô bé Mỹ Linh trong "Song đấu".

Thí sinh Nguyễn Văn Hoàng chiêu đãi "món" dùng sợi xích sắt xuyên vào 2 mắt, vào cổ và 2 tay để nâng 5 xô nước. Dàn giám khảo Thúy Hạnh, Thành Lộc, Huy Tuấn mắt chữ A miệng chữ O trong khi khán giả có người che mặt, có kẻ vỗ tay. Có lần bị bắt ra nằm cho xe đạp phóng qua, Thúy Hạnh sợ quá khóc nức nở. Đáng nói, nếu trước đây các màn rợn tóc gáy này bị loại thẳng tay thì bây giờ giám khảo háo hức cho vào vòng trong như một cách công nhận đó là tài năng hơn người. Thậm chí, những "kẻ liều mạng" còn tiến sâu vào vòng chung kết.

Tài năng thiên bẩm từ người lớn đến trẻ em bây giờ dần cạn kiệt, hiếm hoi lắm mới nổi lên một hiện tượng. Để cứu nguy, truyền hình thực tế quay sang chiêu trò nước mắt, "bất hạnh hóa" thí sinh. Trò này bắt đầu nhàm và sến thì tiết mục thót tim là quân bài chiến lược để câu kéo khán giả ngồi trước màn hình. Nếu thí sinh không thể tạo ra sự nguy hiểm thì ban tổ chức sẽ trực tiếp ra tay. "Người mẫu Việt Nam" (Vietnam's  Next Top Model) là chương trình khoái nhất trò làm khó thí sinh. Họ bắt thí sinh diễn với rắn lục, chuột, nhện, trăn… Có thí sinh sợ đến nỗi khóc sướt mướt nhưng ban tổ chức không… tha.

Chưa hết, nhiều màn còn có cảnh chụp trên cần cẩu cao chót vót hoặc lặn xuống nước để chụp…Đành rằng mục đích chương trình là nhằm cho các thí sinh cảm nhận được khó khăn của nghề người mẫu. Nhưng cái quan trọng nhất vẫn là tạo được những bộ ảnh thời trang, thể hiện kỹ năng nghề nghiệp chuyên môn của mình chứ không phải lấy cảnh thí sinh la hét, khóc tức tưởi trước nguy hiểm để ống kính đặc tả. Mục đích đặc tả của họ là gì ngoài câu khách?

Dù hy sinh để cho khỉ cắn phá mình, nhưng bộ ảnh của các thí sinh Vietnam's Next Top Model 2015 vẫn bị cho là thiếu tính thời trang và buồn cười. "Cuộc đua kỳ thú" hay "Ai dám hát" cũng liên tục đặt thí sinh vào tình huống nguy hiểm.

Tai nạn của các thí sinh trong "Song đấu" không phải là hi hữu. Cách đây không lâu, thí sinh Tấn Phát phải nhập viện vì uống nhầm axit khi trình diễn một tiết mục trong đêm bán kết "Tìm kiếm tài năng Việt" mùa ba.  Một thí sinh khác bị chảy máu khi diễn trò nuốt dao lam. Ở các tiết mục mạo hiểm này, người ta không khỏi đặt câu hỏi về mức độ an toàn mà chương trình bảo đảm cho người tham gia.

Đại diện đơn vị thực hiện "Song đấu" và "Tìm kiếm tài năng Việt" đều cho hay người chơi được họ kiểm tra kỹ lưỡng trước khi biểu diễn chính thức. Phía sau cánh gà cũng luôn có đội ngũ y tế túc trực để kịp thời ứng phó khi tai nạn xảy ra. Song đã là chương trình mạo hiểm thì tai nạn là điều khó tránh khỏi. Chỉ có điều, trước những cam kết như trên thì chương trình nguy hiểm ảnh hưởng đến tính mạng người chơi đang có biểu hiện gia tăng. Có vẻ như nhà tổ chức tỏ ra an tâm với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của mình còn người chơi thì "liều ăn nhiều".

Ở nước ngoài, đã có không ít vụ tai nạn thương tâm xảy ra ở các chương trình truyền hình thực tế, thậm chí là án mạng. Bị coi là chương trình tử thần, "Deadliest catch" của kênh Discovery Mỹ khiến nhiều người tham gia bị thương và gần 30 người thiệt mạng. Ngôi sao Gandee và hai người đồng hành chết trong chiếc xe tải khi tham gia chương trình truyền hình thực tế "Buckwild". Họ bị ngộ độc khí khi dấn thân vào thử thách độc đáo tại nông thôn.

Năm 2010, hàng triệu khán giả của chương trình truyền hình thực tế  "Wetten, dass?" của Đức trực tiếp chứng kiến tai nạn thương tâm của thí sinh Samuel Koch. Koch dùng một đôi chân giả gắn lò xo và nhảy qua nhiều chiếc xe ôtô đang chạy. Đến lần nhảy thứ 4, anh đập đầu vào nóc xe và lăn xuống đường. Vụ tai nạn đã biến Koch thành người tàn phế.

Những trò mạo hiểm, đầy rủi ro thế này vẫn xuất hiện nhan nhản trên các chương trình truyền hình thực tế.

Không khác gì "Song đấu" ở Việt Nam, một thí sinh của chương trình "Thách quỷ" ở Ấn Độ chấp nhận thử thách đứng dưới nước trong một bể kính khổng lồ càng lâu càng tốt. Nhưng khi anh bắt đầu được vài phút thì ban tổ chức hốt hoảng kéo anh ra. Tình trạng sức khỏe của anh rơi vào nguy kịch đến mức phải sử dụng máy hô hấp thường xuyên. Ngay sau đó, ban tổ chức bị tạm giữ để điều tra về tội cố tình gây nguy hiểm cho người khác.

 "Survivor" (Người sống sót) nổi tiếng là chương trình cực kỳ nguy hiểm vì những tình huống khắc nghiệt chương trình đưa ra để thử bản năng sinh tồn của con người nơi hoang dã. Ở phiên bản Mỹ, chương trình khiến hàng chục người bị thương. Riêng phiên bản Pháp phải hủy toàn bộ mùa giải năm 2013 khi để xảy ra cái chết của thí sinh Gerald Babin. Sau phần thi kéo co và nhảy từ một chiếc thuyền, anh bị thương. Nhưng khi các nhân viên y tế đưa anh đến bệnh viện gần đó thì Gerald Babin đã tắt thở.

Nhiều chương trình có nội dung về sinh tồn ném người chơi vào ranh giới sinh tử như bị bỏ lại trên sa mạc hay trong rừng, để mặc dưới tuyết giá lạnh nhưng không có một giọt nước, mẩu thức ăn. Khát khô, người chơi buộc phải uống nước vắt ra từ dạ dày một con lạc đà chết trên sa mạc. Thậm chí anh ta phải ăn côn trùng khi bị bỏ đói trong rừng…Và thước phim ấy được nhà sản xuất coi như thỏi nam châm hút khách.

Chương trình mạo hiểm không chỉ gây nguy hiểm với người chơi mà còn đe dọa ekip làm chương trình. Bởi họ phải làm việc, sống cùng thí sinh trong môi trường xa lạ, thậm chí phải tìm những góc quay hoặc tạo ra rủi ro để chương trình khác biệt. Năm 2015, hai chiếc trực thăng đâm nhau trên không tại một quốc gia ở Nam Mỹ khiến 10 người thiệt mạng. Phần lớn những người thiệt mạng là ekip chương trình "Dropped" của Pháp và các ngôi sao thể thao nổi tiếng tham gia chương trình.

Bài học nhãn tiền từ truyền hình thực tế các nước dường như không làm nao núng các nhà đài Việt Nam. Họ thừa nhận trong đám đông khán giả vẫn có những người thích thú, tò mò với pha mạo hiểm, tai nạn. Chương trình càng nguy hiểm họ càng đón đợi, phấn khích. Vậy nên thay vì hạn chế loại chương trình này thì ngược lại, yếu tố thương mại đã khiến họ say sưa cho ra lò càng nhiều màn rùng rợn mê ly càng tốt, trong khi yếu tố an toàn, bài học giáo dục bị xem nhẹ.

Khi cô bé Mỹ Linh bị đứt tay chảy máu, buộc phải dừng cuộc đấu thì MC lẫn đám đông khán giả vẫn gào khản giọng reo hò cho vị võ sư. Không ai đoái hoài đến cô bé cho đến khi màn đấu hoàn toàn kết thúc.

Trong màn phóng dao lên tấm ván ở những gánh xiếc, tại sao người ta không thay thế người đứng chịu mũi dao bằng hình nhân? Hình nhân cũng đứng đó, cũng hứng những con dao tài nghệ của người nghệ sĩ phóng đi. Nhưng nếu đó là hình nhân, không ai xem cả, dù tài nghệ phóng dao điêu luyện cỡ nào. Hình nhân không nguy hiểm, hình nhân không biết đau thì người ta đâu thấy sướng.

Trớ trêu thay, nỗi sợ của người này là niềm vui của người kia. Vì mưu sinh, việc mạo hiểm như những gánh xiếc chỉ là chuyện bất đắc dĩ. Còn ở đây, người ta chuốc lấy nguy hiểm như một trò cá cược. Câu chuyện nhân sinh giản dị, gần gũi hầu như không xuất hiện trong màn giật gân trên. Cái cốt yếu của nó chỉ là mua vui và kiếm lợi.

Các chương trình truyền hình nguy hiểm có khác gì những thước phim bạo lực rùng rợn, máu me mà người ta lên án khi giới trẻ ưa chuộng. Đáng tiếc, nó còn nguy hiểm hơn phim. Bởi cái mác: thực tế. Bởi nguy hiểm với người chơi, nguy hiểm với chính người ngồi trước màn hình.

Nguyễn Trang
.
.