Chủ nghĩa "tự nhiên" trên truyền hình thực tế

Thứ Bảy, 30/01/2016, 08:00
Nói về truyền hình, cuộc cách mạng khoa học công nghệ đã tạo ra một thứ vô tri vô giác nhưng lại có khả năng truyền tải những dữ kiện đầy tri giác đến từng nhà. Và kể từ khi truyền hình ra đời, nó đã trải qua 4 giai đoạn chủ yếu và nổi bật gắn liền với các chuyển động của đời sống văn hóa xã hội...


Truyền hình thực tế cần phải đưa những thông điệp tử tế đến với khán giả

Hà Quang Minh

Nếu chúng ta mở truyền hình lên và thấy sự vắng mặt của các chương trình truyền hình thực tế trong một ngày nào đó, ta sẽ cảm thấy dường như đang thiếu một điều gì đó. Thực chất, có thể chúng ta không mong đợi các chương trình ấy, không quan tâm, không theo dõi, không thích thú với chúng nhưng về cơ bản, trực quan của chúng ta mỗi ngày bị buộc phải tiếp xúc với chúng một cách vô thức nên chúng ta mặc định hiển nhiên về sự tồn tại của chúng như một phần tất yếu. Và rồi, nếu ta bình thản lại, không cảm xúc, không vị kỷ yêu-ghét, chỉ thuần túy lý tính để xem bất kỳ một chương trình truyền hình thực tế nào đó, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra rằng: Chủ nghĩa tự nhiên đang thắng thế trên sóng truyền hình.

Nói về truyền hình, cuộc cách mạng khoa học công nghệ đã tạo ra một thứ vô tri vô giác nhưng lại có khả năng truyền tải những dữ kiện đầy tri giác đến từng nhà. Và kể từ khi truyền hình ra đời, nó đã trải qua 4 giai đoạn chủ yếu và nổi bật gắn liền với các chuyển động của đời sống văn hóa xã hội.

Những chương trình truyền hình thực tế đang chiếm sóng truyền hình.

Giai đoạn đầu, tạm gọi là giai đoạn sơ khởi, truyền hình đơn giản chỉ mang lại sự thích thú, cuốn hút cho người xem khi lần đầu tiên trong cuộc đời họ được trải nghiệm một thứ hình ảnh chuyển động hoàn toàn sống động vượt trội những hình ảnh tĩnh của hội họa và nhiếp ảnh. Sự thích thú đó kéo dài không lâu bởi khi nó không còn là mới lạ nữa, nó mất sức hút dần. Và đó là tiền đề cho giai đoạn thứ hai, giai đoạn của các hình ảnh chuyển động được gắn liền vào mạch câu chuyện nối tiếp, kéo dài, quấn chặt lấy đời sống thường nhật của người xem.

Đó là giai đoạn của phim truyện, chương trình ca kỹ, các dạng chương trìng soap-opera (phim dài kỳ). Đỉnh cao của giai đoạn này là các soap-opera, những phim kiểu mô tả đời sống gia đình thường nhật của thị dân và có gắn với các quảng bá khéo léo cho các sản phẩm gia dụng. Nó đánh thẳng vào tầng lớp người xem chủ đạo là các bà nội trợ, những người tay thái hành tỏi mắt dõi TV. Nhưng giai đoạn thứ hai đó, tồn tại đến vài chục năm, đã phải nhường sân cho giai đoạn thứ ba, giai đoạn người xem bắt đầu đòi hỏi nhiều hơn nữa. Họ không muốn các câu chuyện được dựng lên một cách giả tạo, không sát sườn với cuộc sống. Họ thể hiện cái nhu cầu tò mò của con người, nhu cầu nhòm qua lỗ khoá nhà người khác để xem bí ẩn của những con người ấy là gì. Và đây là lúc hàng loạt show truyền hình thực tế bắt đầu ra đời.

Từ cái camera công khai cho tới những camera giấu kín đã được huy động để những nhóm người chơi tình nguyện phơi mình lên màn hình hàng triệu hộ gia đình. Bi kịch của cái ác, cái dã man của công nghiệp truyền hình bắt đầu nảy nở những mầm mống đầu tiên từ đây. Bên cạnh số ít ỏi những câu chuyện thật nhân văn là đầy rẫy những chiêu trò được phơi sáng.

Khán giả tiếp tục đòi hỏi để thúc đẩy truyền hình đi vào giai đoạn thứ tư, giai đoạn của chủ nghĩa hậu hiện đại, với nhu cầu “tham gia”; “cùng quyết định kịch bản”; “phản hình thức” và ưa mỉa mai. Đó là giai đoạn truyền hình được hỗ trợ mạnh mẽ bởi điện thoại di động, bởi internet để tham gia trực tiếp vào kết qủa mọi cuộc chơi, hướng đi mới của kịch bản đang nằm chờ dang dở. Và đó chính là đỉnh điểm của cái thực tế không mấy hay hớm trên truyền hình.

Sức thu hút mãnh liệt của chúng khiến những nhà sản xuất cũng bắt đầu dã tâm hơn khi họ sẵn sàng khai thác những mảnh đời riêng tư nhất; ném những thân phận câu khách lên “sân khấu 360 độ của cuộc đời”. Và theo dự đoán, với việc chủ nghĩa siêu hiện đại đã định hình và lên ngôi, tính “trans” (liên, xuyên, hoán đổi) đa tầng như mạng lưới được đề cao, truyền hình trong tương lai sẽ bước sang giai đoạn thứ 5, giai đoạn của mạng lưới, của truyền hình Internet, giai đoạn người ta có thể vừa ngồi trên xe bus vừa bật cười hả hê với một nhân phẩm bị dìu vào cuộc chơi chỉ nhờ chiếc máy tính bảng hoặc chiếc điện thoại thông minh kết nối Internet.

Sự thật luôn đắng ngắt và không phải sự thật lúc nào cũng có tình. Ở khía cạnh này, truyền hình đã khai thác cái tính chân thật của nhân vật, sự kiện để tất cả cùng kéo nhau tràn vào vùng đất của sự lạnh lùng, vô cảm, đôi khi là phi nhân tính. Cái cách người ta cười một nhân vật tham dự một cuộc thi nào đó như cười một kẻ thiểu năng cho thấy để giải trí, truyền hình sẵn sàng làm tất cả, kể cả chà đạp người khác một cách không thương tiếc.

Song, giữa thế giới thiếu nhân văn ấy, người Việt thật đáng buồn hơn bởi sự tháu cáy của những người làm chương trình. Họ sẵn sàng đồng loã với nhau để cố tạo ra thêm sức hút cho những chương trình mình làm bằng cách tối đa hoá mọi chiêu trò. Nếu cái vô cảm của truyền hình thực tế nước ngoài là biến nhân vật thành nạn nhân thì ở Việt Nam, ngoài chuyện đó, những nhà sản xuất sẵn sàng cùng với những nhân vật được lựa chọn đặc biệt chung tay tạo ra những diễn biến có phần quái gở, tận dụng cả những phát sinh ngẫu nhiên của cuộc chơi và bàn tay nhúng chàm của truyền thông nhằm vẽ ra những câu chuyện mỗi ngày.

Có những câu chuyện được nhà đài dày công dựng lên một cách giả dối, nhưng sau khi bị vạch trần thì nhà đài để mặc nhân vật - sản phẩm hư cấu của họ bất đắc dĩ trở thành những kẻ tội đồ bị xã hội phỉ báng về sự gian dối.

Với người Việt và truyền hình thực tế, có lẽ cần phải nhắc lại một câu nhận xét từ 100 năm trước của một kỹ sư người Pháp để thấy rằng chúng ta đang quá “phù hợp” với cái “ác” của truyền hình thực tế. Trong tàng thư của người Pháp ở Aix (miền Nam nước Pháp), vẫn còn giữ một nhận xét của một kỹ sư, người đi thanh tra tình trạng lao động của những người Việt ở các công xưởng miền Nam nước Pháp rằng: “Tôi không thể hiểu được hết những con người này, khi chứng kiến họ đứng trên bờ, cười đùa hềnh hệch trong khi một người đồng hương đang chết đuối dưới sông”. Vâng, đúng vậy, nhiều người Việt bây giờ đang đứng trên bờ cười đùa hềnh hệch, khi chứng kiến đồng hương của mình trên sóng truyền hình, thảm thương hơn chết đuối.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: “Có nhiều trường hợp tôi không muốn cho lên sóng”

Đan Anh (thực hiện)

- Chào đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, anh là người gắn liền với nhiều chương trình truyền hình thực tế, cả ở cương vị đạo diễn lẫn giám khảo. Vậy chương trình anh thích nhất là chương trình nào?

+ Tôi thích format chương trình "Người giấu mặt" (Big Brother). Bởi vì format đó được ghi hình 24h, ghi mọi khoảnh khắc của nhân vật, nên bản năng và ngóc ngách tính cách đều được chúng ta thấy. Với 1 thời gian dài mấy tháng và liên tục người ta khó diễn. Và kỹ thuật cũng khá phức tạp về ghi hình, biên tập. Chương trình đó ta có thể thấy hết nhưng không phải chúng ta chiếu hết và khán giả thấy hết. Cái hay nữa là format đó nó khai thác tâm lý của người chơi triệt để.

- Tức là anh thích nhìn thấy sự thật? Sự thật đúng nghĩa mà truyền hình thực tế muốn theo đuổi, sự thật đến tận cùng.

+ Tôi nghĩ điều đó đúng với từ thực tế.

- Nhưng anh có công nhận là sự thật nhiều khi rất ác? Chẳng hạn như việc chúng ta sử dụng thực tế về một cá nhân rằng họ hơi "thua kém" so với mặt bằng chung và lấy đó làm thứ giải trí?

+ Người ta thường nói là "sự thật phũ phàng”. Bản chất của truyền hình thực tế là giải trí.

- Vậy thì giải trí trên sự yếu kém của người khác, thậm chí là hơi thiểu năng và trên cả một tâm lý bị dồn đến triệt để có phải là một hành động phũ phàng không? Và người tham gia truyền hình thực tế phải ý thức và chấp nhận điều đó?

+ Tôi nghĩ cũng không đến nỗi phũ phàng đến thế.

- Như vậy, anh có đồng ý là có một mâu thuẫn tồn tại ở Truyền hình thực tế. Người ta bảo một nửa sự thật không phải là sự thật. Nhưng sự thật lại vốn dĩ phũ phàng. Làm truyền hình thực tế thì càng phải tối đa hoá cái thực tế nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với tối đa hoá sự phũ phàng?

+ Cuộc sống vốn mâu thuẫn mà. Nhưng tôi nghĩ tất cả những gì được kể lại, được biên tập thì không bao giờ là 100% sự thật cả. Cái nguy hiểm của Truyền hình thực tế thực ra là càng ngày nó lại không thực tế. Chúng tôi hay nói đùa Truyền hình thực tế “sái 2”. Vấn đề là Truyền hình thực tế hay phải diễn. Vì nhiều lý do. Lý do người ta giữ hình ảnh; lý do là kinh phí đầu tư. Vì thật ra để có "Cái thực tế" là phải rất kỳ công, phải canh, phải săn bắt mất nhiều thời gian để được khoảnh khắc. Nhưng càng ngày càng nhiều cạnh tranh nên người ta hay tiết kiệm bằng cách diễn cho nhanh.

- Vậy là cái thực tế cuối cùng lại không hẳn thực tế và anh có thừa nhận rằng đã có những nhà sản xuất sẵn sàng "dàn dựng" mà bất chấp hệ lụy với đối tượng bị soi trên chương trình là như thế nào?

+ Thực chất hầu hết các chương trình có format lớn quốc tế người ta đều có hợp đồng rất kỹ. Hầu như là đều toàn quyền quyết định của nhà sản xuất. Và người chơi cũng phải chấp nhận luật chơi khi tham gia. Nhưng không vì vậy mà các nhà sản xuất muốn làm gì thì làm. Vì Truyền hình thực tế cũng là 1 sản phẩm, nó cần uy tín, sự tín nhiệm nhiều năm cho người chơi, người xem, cũng như cộng sự. Cho nên tóm lại Truyền hình thực tế là 1 sản phẩm giải trí. Và 1 sản phẩm thì luôn phải cần marketing, PR, câu chuyện, cũng như chất lượng và uy tín.

- Vậy trong những chương trình anh đã tham gia, có lần nào anh có cảm giác chạnh lòng trước một nhân vật nào đó, cảm giác không nỡ đưa họ lên sóng, nhưng vì luật chơi anh vẫn phải làm không?

+ Có nhiều chứ. Có rất nhiều trường hợp chúng tôi đề nghị không nên lên sóng.

- Nhưng nếu nhà đầu tư muốn lên sóng, anh có thỏa hiệp?

+ Đó là quyền của đạo diễn và nhà sản xuất. Thường chúng tôi thấy quá đáng thì sẽ không hợp tác lần sau.

- Tức là có thể chúng ta không ác, nhưng nhiều khi chúng ta bị rơi vào hoàn cảnh mang tiếng ác, và chỉ còn cách không hợp tác với họ nữa, đúng không?

+ Tất nhiên nếu quá đáng thì chúng tôi sẽ phải lên tiếng.

 - Xin cảm ơn đạo diễn Nguyễn Quang Dũng.

Truyền hình  đừng đánh mất lòng tin

Mai Quỳnh Nga

Vì mang chữ thực tế nên sự khốc liệt, thảm thương, bi lụy đủ kiểu được đưa vào để làm trò hút khán giả. Sự lên ngôi của Yasuy trong Vietnam Idol 2012 hay mới đây là quán quân Giọng hát Việt 2015 Đức Phúc đều gây tranh cãi. Yếu tố thu hút nhất của họ không phải giọng hát mà là gia cảnh khó khăn, chân chất của anh chàng người dân tộc thiểu số như Yasuy; vẻ ngoài trông ngờ nghệch, cách trình diễn run như cầy sấy của Đức Phúc, và cả sự kém sắc của anh cũng được các huấn luyện viên ném thẳng nhận xét lên sóng truyền hình để sau đó các báo "lá cải" trên internet xúm vào luận bàn.

Các phiên bản dành cho trẻ em cũng tận dụng tối đa nước mắt. Những đứa trẻ như Ngọc Anh khiếm thị, ni cô mồ côi Huyền Trân tự dưng biến thành cụ non, tí tuổi đầu đã sầu não với “Mưa trên phố Huế”, “Còn tuổi nào cho em”. Hoàn cảnh của các em được máy quay khai thác không bỏ sót, từ ông bà, cha mẹ đến bà con chòm xóm đều nói về “con bé bất hạnh” ấy. Tỉ tê, than khóc đủ kiểu để khán giả móc điện thoại và ban tin nhắn cứu vớt cuộc đời em. Gửi tin nhắn đi, người ta hạnh phúc khi thấy mình cao thượng, nhân văn. Họ càng vui sướng nếu thí sinh mình gia ơn lọt sâu vào vòng trong. Còn tài năng ư? Chương trình có đề cập đâu mà tốn hơi sức để ý.

Hốt hoảng, nhà sản xuất ráo riết tìm “của lạ”, chứ khóc hoài có khi sưng húp mắt. Đó là Hồng Xuân cao 1,9 mét của Vietnams Next Top Model 2015. Ngoài chiều cao khủng, Hồng Xuân không được giới chuyên môn đánh giá cao. Nhưng Hồng Xuân vẫn loạng choạng tiến vào vòng chung kết. Đó là Trần Thị Thanh Hà tự ví mình như Quan Âm giáng thế, “chắc chắn em phải được giải nhất. Nếu như không thì phải xem lại ban giám khảo!”. Hay cô gái “vừa ăn kẹo vừa hát” Phượng Vũ... 

Rồi nặng đô hơn là pha cãi nhau kịch liệt của thí sinh và giám khảo, thí sinh nghi kỵ, đá đểu nhau... Các chiêu trò càng lúc càng quái thai: thí sinh này lộ ngực, thí sinh khác lấy khăn piêu linh thiêng của dân tộc Thái làm khố. Khán giả cả nước chưa hết hãi hùng trước những tiết mục nguy hiểm như uống axit, nuốt cá kèo sống, dùng lưỡi chặn cánh quạt đang quay… thì lại cười lăn cười bò với những màn biểu diễn bất tài, lố bịch kiểu cô gái bị loại trong tích tắc khi trước đó còn háo hức khoe “em sẽ biểu diễn một tiết mục ấn tượng nà (là) hài đương đại”.

Trong tiểu luận “Quẳng gánh lo đi và xem truyền hình thực tế”, TS Đặng Hoàng Giang cho rằng, tất cả yếu tố trên đều đánh vào lòng hiếu kỳ của người xem. Ông dẫn lại câu nói bất hủ của Helmut Thoma, Giám đốc Hãng truyền hình RTL (Đức): “Truyền hình thực tế là cái may mắn được chứng kiến một tai nạn”.

Và tai nạn càng độc, lạ, sốc, càng gây nhiều ý kiến trái chiều càng tốt. Chẳng phải trước lùm xùm của Vietnams Next Top Model 2015, đại diện nhà sản xuất, Tùng Leo tuyên bố xanh rờn: "Ý kiến trái chiều của số đông đều nằm trong tính toán của chúng tôi. Với đặc thù của loại chương trình truyền hình thực tế thì nó cần tạo ra nhiều chiều dư luận thì mới tồn tại được". Người chơi trở thành miếng mồi ngon, mọi khóc cười riêng tư, điều tiếng và cái lố bịch, cái đáng thương, đáng trách của họ bị khai thác tối đa dưới danh nghĩa là sự thật.

Có khi, chính người chơi cũng bắt tay với nhà tổ chức để làm nên tai tiếng. Sau cú lừa của Ánh Thúy trong “Nhân tố bí ẩn” (giả vờ là cô gái bồi bàn Huyền Minh bị tai nạn để lại sẹo trên mặt), nhiều khán giả không còn là con cừu. Họ không thấy truyền hình thực tế thực tế nữa mà toàn thực… tệ. Tin nhắn của họ có quyền lực không khi nắm đằng chuôi là Ban tổ chức?

Khán giả vẫn ăn bỏng ngô và xem truyền hình thực tế, nhưng không phải để đặt cược niềm tin vào một tài năng lên ngôi quán quân hay để bán lòng thương hại mà chỉ trông chờ mùa này, nó có chiêu trò gì mới. Niềm tin đã mất thì chỉ còn lại sự vô cảm và vị kỷ.

Nhạc sĩ, ca sĩ khiếm thị Hà Chương: Nỗi đau không phải là mồi câu khách

Thu Uyên (ghi)

Từng là thí sinh của một chương trình truyền hình thực tế đình đám nên tôi hiểu dù ở hình thức nào, mục đích lớn nhất của các chương trình truyền hình thực tế là giải trí và kinh doanh. Muốn tăng lượng khách, thu hút nhà tài trợ thì bắt buộc họ phải tạo sự chú ý. Có chương trình chuyên khai thác “bi kịch” nên đi sâu vào người có hoàn cảnh gia đình khó khăn, người khuyết tật, người có số phận trắc trở. Có chương trình chỉ chú trọng những thí sinh cá tính, độc, lạ, thậm chí là không bình thường. Có chương trình lại ưu tiên thí sinh dám liều, biểu diễn tiết mục thót tim… Có thể tài năng của họ bình thường nhưng họ có cái mới mẻ, gây tò mò. Rõ ràng, nếu công chúng không thích thú, tò mò thì nhà sản xuất không hơi sức đâu để tạo tình huống sốc nổi, tô đậm đời tư của các nhân vật này.

Vì mục đích kinh doanh, giải trí, truyền hình thực tế phải tạo yếu tố đặc biệt thì không đáng trách. Tuy nhiên, lạm dụng những chiêu thức trên và đẩy nó đi quá xa thì rất đáng trách. Kiểu làm lố chuyện đời buồn hoặc khiếm khuyết cơ thể của thí sinh chẳng khác nào lấy nỗi đau của người này để mua vui, mua sự hả hê và làm lợi cho người khác. Lấy điều đó để kêu gọi mọi người bình chọn, nhắn tin cho mình càng đau đớn hơn. Các tiết mục nguy hiểm không chỉ gây ảnh hưởng đến tính mạng người chơi mà còn tai hại nếu người xem, đặc biệt là trẻ nhỏ bắt chước theo. Tôi nghĩ không nên khoét sâu vào những yếu tố thương cảm, gây sốc vì thiếu gì cách khai thác để chương trình tạo tiếng vang.

Tôi dừng chân ở top 6 trong một chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng. Nhiều người thắc mắc sao tôi ít nhiều đã có tên tuổi rồi mà vẫn tham gia chương trình vốn lắm thị phi như vậy? Thật ra tôi liều vì muốn tìm hiểu về truyền hình thực tế. Quan trọng hơn, tôi muốn tạo động lực cho các bạn khuyết tật tự tin chứng tỏ khả năng.

Sân chơi tài năng ở Việt Nam vẫn chưa quan tâm đúng mức đến tài năng thực sự của người khuyết tật. Dù ít dù nhiều họ vẫn chỉ là nhân vật bị Ban tổ chức khai thác những khiếm khuyết  bề ngoài và thân phận để làm mồi câu khán giả ở phút ban đầu rồi bị loại khi chuyện đời tư và ngoại hình không còn sức hút. Còn thí sinh có hoàn cảnh đặc biệt nhưng không có thực lực lại vào sâu, thậm chí giành ngôi quán quân là bởi họ giữ được lượng khán giả cho chương trình. Đó là ta còn chưa kể đến yếu tố mua bán giải thưởng trong nhiều cuộc thi truyền hình thực tế ở Việt Nam hiện nay…

Bản thân tôi không quan tâm lắm đến chuyện lấy nước mắt khán giả hay nghĩ rằng mình khiếm thị thì được Ban giám khảo ưu ái vì tôi tin vào thực lực của mình, được đào tạo bài bản và có thành công trước đó hẳn hoi. Nhưng rất tiếc, tôi cũng không được vào top 4. Nhiều chương trình ở phương Tây, họ không quan trọng bạn là ai, bạn có khuyết tật hay không, miễn là bạn có tài năng. Trong khi truyền hình thực tế ở nước ta dù cũng coi “from zero to hero” (từ số không thành người hùng) là phương châm nhưng họ lại lấy nó làm tấm bình phong để chạy theo đời tư mua vui cho khán giả mà xem nhẹ thực lực.

Chính vì “cuồng” nước mắt, “cuồng” sốc… của truyền hình thực tế nên nhiều thí sinh không ngại phơi đời tư không mấy tốt đẹp, “tô vẽ” cho cảnh ngộ của mình thêm lâm li, bi đát để chiêu đãi khán giả. Kẻ bịa chuyện không nghĩ cái kim trong bọc có ngày lòi ra. Họ cũng không nghĩ rằng tất cả chỉ là bề nổi gây ấn tượng ban đầu, còn tỏa sáng được hay không lại dựa vào thực lực. Dù thực lực đó có lên ngôi quán quân thì nó cũng tàn lụi nếu không đủ tầm. Mà kinh doanh, giải trí thì mấy ai quan tâm đến con đường về sau của thí sinh. 

PV
.
.