Phim Việt: “Khát” biên kịch vàng?

Thứ Sáu, 07/07/2017, 08:12
Thực tế cho thấy, không ít bộ phim truyền hình hay điện ảnh Việt gây được tiếng vang trong dư luận thời gian gần đây được Việt hóa từ phim ăn khách của nước ngoài. Nhiều chuyên gia có chung nhận định rằng, phim Việt có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nhưng lại thiếu đội ngũ biên kịch tài năng. Phim hay bắt đầu từ kịch bản, phim hấp dẫn và nếu thiếu biên kịch vàng thì phim Việt khó có thể phát triển mạnh mẽ trong tương lai.


Phim "vay", kịch bản "mượn"

Minh chứng rõ nét nhất là hai bộ phim truyền hình "gây sốt" lên sóng truyền hình Việt Nam thời gian gần đây là "Sống chung với mẹ chồng" (Biên kịch Đặng Thiếu Ngân, đạo diễn Vũ Trường Khoa) và "Người phán xử" (Biên kịch Nguyễn Trung Dũng, đạo diễn Nguyễn Mai Hiền, Nguyễn Khải Anh, Nguyễn Danh Dũng).

Đã rất lâu rồi mới có bộ phim truyền hình Việt gây được sự chú ý của công chúng như vậy. Thậm chí, có người còn nói rằng, "Sống chung với mẹ chồng" và "Người phán xử" đã làm sống lại phim giờ vàng một thời. Mặc dù còn rất nhiều vấn đề còn tranh cãi xoay quanh hai bộ phim này về tính giáo dục, văn hóa Việt trong phim… nhưng nhìn chung, "Sống chung với mẹ chồng" và "Người phán xử" là phim "đáng xem", mang đến cho khán giả món ăn tinh thần hấp dẫn trong bối cảnh phim truyền hình Việt thiếu vắng phim hay.

Tuy nhiên, điều đáng bàn ở đây là hai bộ phim gây chú ý này không phải là phim thuần Việt. "Sống chung với mẹ chồng" được phóng tác từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Trung Quốc Phù Thủy Dưới Đáy Biển (tên thật là Giả Hiểu). Trong khi đó, "Người phán xử" được chuyển thể từ bộ phim "The Abitrator" của Israel (bộ phim phá vỡ mọi kỷ lục truyền hình của nước này với 6 tỷ người xem trong 3 phần phim, phim có 4 phần).

Đội ngũ biên kịch Việt cần những "cú hích" như cuộc thi "Nhà biên kịch tài năng 2017" do CGV tổ chức.

Một trong những điểm được coi là "mấu chốt" tạo nên thành công của hai bộ phim này là xây dựng được những nhân vật điển hình và đẩy kịch tính phim lên cao trào. Nếu không có yếu tố cốt lõi từ kịch bản ngoại thì biên kịch, đạo diễn Việt, dù có tài năng đến đâu cũng khó tạo được bộ phim hấp dẫn. Trước đó, cũng có không ít phim truyền hình tạo được dấu ấn trong lòng khán giả có xuất xứ từ nước ngoài, trong đó khá nhiều phim gốc Hàn Quốc như "Ngôi nhà hạnh phúc", "Mùi ngò gai", "Vườn ảo thuật"; "Người mẹ nhí" (phiên bản gốc của Tây Ban Nha), "Nhật ký Vàng Anh" (phiên bản gốc của Bồ Đào Nha) …

Nhìn sang "địa hạt" điện ảnh cũng thấy rõ trào lưu phim Việt hóa đang lấn lướt màn ảnh rộng. Bộ phim ăn khách nhất của dòng phim này phải kể đến "Em là bà nội của anh" (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh) sản xuất năm 2015 được chuyển thể từ kịch bản phim "Miss Granny" của Hàn Quốc với doanh thu trên 100 tỷ đồng. Một số tác phẩn điện ảnh khác được đánh giá thành công như "Yêu" (đạo diễn Việt Max) có phiên bản gốc là phim "The Love of Siam" của Thái Lan, "Bạn gái tôi là sếp" (đạo diễn Hàm Trần) có phiên bản gốc là phim "ATM: Er Rak Error" của Thái Lan…

6 tháng cuối năm 2017, điện ảnh Việt sẽ chứng kiến hàng loạt phim có kịch bản nước ngoài như: "Sắc đẹp ngàn cân" (do công ty của nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh, mua bản quyền từ phim "200 pounds beauty" của Hàn Quốc), "Yêu đi, đừng sợ" (do hãng CJ Entertainment và HK Film sản xuất dựa trên kịch bản phim "Spell bound" của Hàn Quốc), "Ngựa hoang" (Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng mua bản quyền từ phim hài "Sunny" của Hàn Quốc), "Cô nàng ngổ ngáo" (đạo diễn Văn Công Viễn, làm lại từ phim "My sassy girl"), "Ông ngoại tuổi băm" (nhà sản xuất Chánh Phương, mua lại bản quyền phim "Key of life" của Nhật Bản).

Không thể phủ nhận lợi thế từ trào lưu làm lại  (remake) phim ăn khách của nước ngoài. Đó là kịch bản phim chặt chẽ, hấp dẫn và đã đạt được thành công nhất định khi trình chiếu ở nước sở tại. Không ít khán giả Việt đã biết đến phiên bản gốc của phim qua youtube, mạng xã hội… và "tò mò" muốn xem bộ phim được Việt hóa thế nào. Bên cạnh đó, theo một số nhà sản xuất thì chi phí để Việt hóa phim thấp hơn so với chi phí viết kịch bản phim thuần Việt. Bài toán kinh tế luôn được các nhà sản xuất tính toán một cách kỹ lưỡng.

Trong bối cảnh thiếu vắng kịch bản hay thì Việt hóa là lựa chọn an toàn cho các nhà làm phim Việt. Ngoài ra, Việt hóa cũng là cách giúp phim Việt phong phú hơn, khán giả được thưởng thức món ăn tinh thần đa dạng hơn. Thực tế cho thấy, ngay cả những quốc gia có công nghệ sản xuất phim tiên tiến cũng vẫn mua bản quyền phim nước khác để sản xuất lại. Tuy nhiên, chấp nhận phim Việt hóa, điều đó cũng đồng nghĩa chấp nhận sự giao thoa văn hóa bởi khó có thể Việt hóa 100% phim nước ngoài thành phim thuần Việt. Đã có nhà phê bình nghệ thuật lên tiếng bày tỏ lo ngại về "cái hồn vay mượn" trong phim Việt.

Cần cú hích cho đội ngũ biên kịch

Hiện chưa có con số thống kê chính thức về số lượng biên kịch ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia thì đội ngũ biên kịch phim Việt còn mỏng và chưa có thị trường chuyên nghiệp đúng nghĩa. Trong đội ngũ này cũng có biên kịch tài năng nhưng để cho ra đời một kịch bản phim chất lượng thì thời gian có thể kéo dài 1 - 2 năm. Trong khi nhu cầu sản xuất phim Việt ngày càng tăng mạnh, đòi hỏi kịch bản, nhất là kịch bản chất lượng thì đội ngũ biên kịch Việt chưa đáp ứng được.

Liệu trào lưu Việt hóa phim nước ngoài có làm ảnh hưởng đến đội ngũ biên kịch Việt?. Sự ảnh hưởng này có thể diễn ra theo hai chiều hướng, cả tích lẫn tiêu cực. Về góc độ tích cực, trào lưu Việt hóa có thể là "chất kích thích", thúc đẩy biên kịch Việt tự thay đổi để tạo lợi thế cạnh tranh, thu hút nhà sản xuất lựa chọn kịch bản của mình.

Một cảnh trong bộ phim "Sống chung với mẹ chồng" gây được sự chú ý của công chúng trên sóng VTV thời gian qua.

Xét ở góc độ khác, Việt hóa phim hạn chế khả năng sáng tạo của biên kịch vì những giới hạn trong khuôn khổ phim phiên bản gốc như nội dung chính, tuyến nhân vật, đường dây kịch bản trong phim... Bên cạnh đó, cần phải nhìn nhận một cách khách quan rằng, biên kịch Việt không thể cạnh tranh với biên kịch đình đám của các quốc gia có nền điện ảnh, truyền hình tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Để có phim truyền hình và điện ảnh hay phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trước tiên phải có kịch bản hay. Kịch bản hay được coi là yếu tố sống còn của phim. Phim Việt muốn phát triển, có thể khẳng định mình thì không thể trông chờ vào kịch bản phim ngoại. Kịch bản phim nước ngoài dù hay, hấp dẫn đến đâu, được chuyển hóa thành công thế nào thì suy cho cùng, đó vẫn là "hàng vay mượn". Chính vì vậy, tập trung đầu tư, phát triển đội ngũ biên kịch Việt là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Ngoài việc nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ biên kịch, cần có cơ chế, giải pháp về chính sách, đãi ngộ… tạo vị thế xứng đáng, động lực khuyến khích đội ngũ biên kịch sáng tạo và cống hiến.

Được biết, gần đây, Công ty CJ CGV Việt Nam (CGV) phát động cuộc thi "Nhà biên kịch tài năng 2017" (bắt đầu từ ngày 6/6/2017 - 14/9/2017) với mục tiêu tìm kiếm, hỗ trợ những tài năng trong lĩnh vực biên kịch trong độ tuổi từ 18 - 35, góp phần tạo ra nguồn kịch bản tốt cho phim Việt. Trong khuôn khổ cuộc thi này, các thi sinh không chỉ được làm việc với đạo diễn, nhà sản xuất phim hàng đầu Việt Nam mà kịch bản được lựa chọn làm phim sẽ được CGV hỗ trợ một phần chi phí sản xuất.

Cuộc thi "Nhà biên kịch tài năng 2017" sẽ là sân chơi tốt để các bạn trẻ thử sức, cọ xát và tỏa sáng tài năng. Tôi cho rằng, đây là "cú hích" cần thiết cho đội ngũ biên kịch Việt trẻ. Để tìm kiếm, phát hiện và đào tạo biên kịch trẻ cần phải có thêm những cuộc thi như vậy trong thời gian tới.

Cuối cùng thì chất lượng kịch bản phim phụ thuộc vào tài năng, vốn sống của những nhà biên kịch. Nghệ thuật nói chung, nghệ thuật thứ bảy nói riêng đều bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống và nói gì thì nói, nếu không có vốn sống, nền tảng văn hóa phong phú thì biên kịch không thể cho ra đời những kịch bản phim hấp dẫn khán giả. Chỉ có sự lao động nghệ thuật nghiêm túc, sự tích lũy, trải nghiệm cuộc sống, sự say mê, yêu nghề với trái tim nhiệt huyết mới giúp biên kịch thành công trên con đường chông gai mà mình đã chọn.

Tường Phạm
.
.