Xuất khẩu phim Việt: Mộng ước không quá xa vời

Thứ Sáu, 09/06/2017, 08:05
Vượt qua bom tấn “Kong: Đảo đầu lâu” (168 tỉ đồng doanh thu tại Việt Nam), tính đến đầu tháng 6, “Em chưa 18” đã chạm mốc 170 tỉ đồng. Bỏ qua những lùm xùm gây tranh cãi trong giới phân tích điện ảnh về bộ phim "Em chưa 18" tràn ngập màu sắc Mỹ và đạo diễn "làm phim Mỹ nói tiếng Việt" thì công bằng mà nói, đến thời điểm này, có thể coi đây là tác phẩm ăn khách nhất trong lịch sử điện ảnh Việt.


Niềm vui tiếp tục tăng theo cấp số nhân khi bộ phim này được các nhà sản xuất Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ... “tranh nhau” mua bản quyền để remake (phim làm lại).

Lúc chấp bút viết kịch bản, bộ ba Lê Thanh Sơn, Charlie Nguyễn và Trần Khánh Hoàng chỉ dám mơ phim đạt 40 tỉ chứ không hề nghĩ rằng nó lại lập kỷ lục khủng và lọt vào mắt xanh của hàng loạt hãng nước ngoài như vậy. Dù đang trong quá trình thương thảo nhưng đã có nhiều tín hiệu khả quan hứa hẹn “Em chưa 18” phiên bản Hàn, Ấn, Trung… sớm ra mắt. Nếu thành công, “Em chưa 18” có thể coi là phim Việt đầu tiên được nước ngoài mua kịch bản trong trào lưu remake sôi sùng sục trên thế giới.

Nhiều hãng phim nước ngoài ngỏ lời mua bản quyền kịch bản “Em chưa 18”.

Đây không chỉ là tin vui cho hãng phim Chánh Phương mà còn là bước đột phá ngoạn mục của điện ảnh Việt. Trước đây, chúng ta chuyên “xách dép” đi mua bản quyền của các nước có nền điện ảnh phát triển hòng lôi kéo khách, đắp đổi giữa cơn khát kịch bản.

Trào lưu remake mang về hàng loạt bộ phim gây sốt như “Em là bà nội của anh” (bản gốc “Ngoại già tuổi 20”, Hàn Quốc), “Bạn gái tôi là sếp” (làm lại từ “ATM, lỗi tình yêu”, Thái Lan) và sắp tới là các phiên bản Việt sắp ra mắt như “Sắc đẹp ngàn cân”, “Ngựa hoang” (làm lại từ phim Sunny, Hàn Quốc)… Riêng truyền hình đã quá quen thuộc với phim remake từ các phiên bản thương mại nổi tiếng: “Cô gái xấu xí”, “Anh em nhà bác sĩ”, “Gia đình là số 1”, “Ngôi nhà hạnh phúc”… 

Khi ấy, đạo diễn Phan Đăng Di từng ao ước trong tương lai sẽ có phim thương mại Việt được mua bản quyền làm lại tại nước khác. Anh chua xót thừa nhận mình ao ước như thế bởi tham gia các sự kiện điện ảnh thế giới, anh hiểu rằng điện ảnh Việt Nam vẫn là một vệt mờ, một vùng trũng trong mắt bạn bè nước ngoài.

Dăm năm trở lại đây, phải công nhận ngành điện ảnh nước ta có bước phát triển vượt bậc, số lượng không ngừng tăng lên theo năm. Hiện tại, tuần nào cũng có phim Việt ra rạp. Phim Việt đã kéo được khán giả tới rạp và làm nên những con số ấn tượng ở phòng vé. Có phim qua mặt cả bom tấn Hollywood, Trung Quốc... Nhưng đó là ở thị trường nội địa.

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh thẳng thắn chỉ rõ: “Chúng ta mải miết chinh phục thị trường trong nước mà ít quan tâm đến thị trường quốc tế. Trong khi xây dựng nên thương hiệu điện ảnh của một quốc gia nghĩa là nền điện ảnh đó phải đạt được hai yêu cầu lớn: một là phim phải đoạt giải thưởng quốc tế uy tín; hai là phải bán được ra nước ngoài”.

Vế thứ nhất, chúng ta đã gặt hái được ít nhiều thành công ở một số liên hoan phim vừa và nhỏ. Riêng các liên hoan phim danh giá như Cannes, Venice… chúng ta vẫn chỉ góp mặt ở các sự kiện bên lề chứ gần như chưa có mặt trong các đề cử chính thức.

Vế thứ hai, nhiều năm qua, chúng ta loay hoay tìm cách khẳng định mình ở phòng vé nước ngoài nhưng số lượng dừng ở con số khiêm tốn. “Dòng máu anh hùng” có thể coi là phát mở đường cho phim Việt tự tin tìm kiếm nhà phát hành ngoài nước khi nó được The Weinstein Company (Mỹ) mua bản quyền. Ngay sau đó, “Bẫy rồng” cũng có mặt trên một số kênh truyền hình của Pháp, Anh, Mỹ...

BHD là hãng phát hành tiên phong chinh chiến để tìm kiếm cơ hội cho phim Việt ở các hội chợ phim, liên hoan phim trên thế giới. Nhờ cầu nối này, các bộ phim như “Áo lụa Hà Đông”, “Chuyện của Pao”, “Chơi vơi”, “Cánh đồng bất tận”, “Bi, đừng sợ”, “Hotboy nổi loạn”, “Lửa Phật”… tìm được đường ra mắt ở châu Á và Mỹ.

Tuy nhiên, bà Ngô Thị Bích Hiền, Giám đốc sản xuất Công ty BHD thừa nhận, con đường để phim Việt đến được rạp chiếu thương mại trên thế giới là rất gian nan và cực kỳ tốn chi phí chào hàng. “Lửa Phật” là bộ phim mà BHD bán được giá cao nhất: 200 ngàn đô la. Nhưng để bán được giá đó thì chi phí maketting, phí tham dự các hội chợ và quảng bá rất lớn. Vậy mà hầu hết phim bán ở nước ngoài đều phát hành theo dạng DVD, chiếu trên truyền hình, phòng chờ khách sạn hoặc phòng vé nhỏ dành cho cộng đồng người Việt...

Số phim phát hành thương mại ở các rạp lớn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Năm 2016, “Cha và con và…" của đạo diễn Phan Đăng Di được Memento Films - nhà phát hành phim nghệ thuật hàng đầu nước Pháp - mua bản quyền phát hành thương mại 400 cụm rạp. Khoảng 50.000 vé bán ra và 3 tháng trụ rạp của “Cha và con và…” là thành tích vô cùng ấn tượng ở xứ người của một phim Việt.

Phim truyền hình “Người phán xử” được chăm chút kỹ lưỡng để tìm hướng xuất khẩu ra thị trường châu Á.

Trước đó, năm 2014, “Chung cư ma” (đạo diễn Văn M.Phạm) được phát hành trên 30 cụm rạp tại Malaysia và một số nước Đông Nam Á. Năm 2015, “Ngủ với hồn ma” (đạo diễn Bá Vũ) được Skyline phát hành ở Campuchia, Malaysia…

Riêng ở lĩnh vực phim truyền hình, chuyến xuất ngoại có phần ảm đạm hơn. Năm 2003, “Đất Phương Nam” xuất khẩu sang Mỹ có thể coi là phát súng khai màn cho các phim như “Ngọn nến hoàng cung”, “Dòng đời”, “Người đẹp Tây Đô”, “Mùi ngò gai”… ra biển lớn. Nhưng tất cả đều chỉ phát hành dưới dạng DVD và phục vụ Việt kiều tại Mỹ chứ chưa chính thức có mặt trên sóng truyền hình. Đến năm 2016, chúng ta mới có ba bộ phim gồm “Nghiêng nghiêng dòng nước” (đạo diễn Nam Quan), “Trả giá” (Đinh Đức Liêm), “Sương khói đồng hoang” (Nguyễn Dương) được chiếu định kỳ trên sóng truyền hình Myanmar.

Ngoài vấn đề khó khăn ở chi phí quảng bá, sở dĩ những cố gắng ra biển lớn của chúng ta vẫn là đốm sáng le lói còn bởi câu chuyện chất lượng và thương hiệu. Nhiều năm qua, dù nở nồi về số lượng nhưng rất ít phim nội địa có chất lượng tương xứng.

Người ta vẫn nhắc nhiều đến thành công của “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” ở mặt thương mại lẫn nghệ thuật như một sự khẳng định bản sắc Việt và hướng đi đúng đắn của cái bắt tay tư nhân – nhà nước. Trong khi đó, đa số phim đi theo hai hướng, nếu doanh thu cao lại không được đánh giá tốt chuyên môn và ngược lại.

“Em là bà nội của anh” nổi lên ở hai mặt nhưng đây lại là phim remake. Chúng ta chạy theo trào lưu remake mà ít đầu tư sáng tạo kịch bản mang dấu ấn riêng. Phim hài vẫn chiếm phần đông trong khi loại phim này cực kỳ khó chào bán. Kinh dị và hành động xếp vào loại dễ bán nhưng rất hiếm tác phẩm “ra tấm ra món” để chinh phục khán giả trong nước huống hồ “mang chuông đi đánh xứ người”.

Kiểu ăn xổi, đầu tư ít, gọn, lẹ để thu hồi vốn nhanh ăn sâu vào tư duy làm phim khiến cho các tác phẩm hay, sáng tạo, vừa hút khách vừa hài hòa ở mặt chuyên môn như lá mùa thu. Do đó, không ngạc nhiên khi đến giờ này, điện ảnh Việt vẫn loay hoay đi tìm diện mạo của mình.

Riêng ở phim truyền hình, vấn đề kỹ thuật khá lạc hậu. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam cho biết “Người phán xử” là bộ phim thu tiếng đồng bộ, một tiêu chuẩn mà thế giới đã thực hiện từ lâu nhưng với phim truyền hình Việt thì khá hiếm. Với sự đạt chuẩn này, anh hy vọng “Người phán xử” có thể mở ra hướng xuất khẩu phim Việt ở châu Á.

Để nước ngoài xem phim Việt, chúng ta phải có những bộ phim tốt ở khâu kỹ thuật, nội dung mang bản sắc, diện mạo riêng. Để nước ngoài remake phim Việt, đứa con tinh thần của chúng ta còn phải mang tính phổ quát, nhân văn và câu chuyện độc lạ, hút khách. Nếu quá đặc trưng vùng miền mà không có tính phổ quát, khó có thể sản xuất phiên bản Hàn, Ấn, Trung.

Dù chưa thật sự quá xuất sắc ở khâu sáng tạo nhưng với các kỷ lục của mình, “Em chưa 18” đã trở thành cú hích để các nhà đầu tư mạnh tay bỏ tiền làm điện ảnh, khuyến khích nhà làm phim sáng tạo sản phẩm hay, chất lượng, ít nhất chinh phục được khán giả trong nước một cách tử tế chứ không đi theo kiểu dễ dãi, mì ăn liền.

Trong bữa tiệc ăn mừng mới đây, đạo diễn Lê Thanh Sơn nói vui nếu sở hữu riêng “Em chưa 18”, anh sẽ không chần chừ mà bán ngay và luôn bản quyền. “Bởi đây chính là cột mốc thúc đẩy, nâng cao vị thế phim Việt Nam. Điều quan trọng nhất, nó tạo ra sự cân bằng, tôn trọng nhau giữa nhà làm phim các nước trên thế giới trong thị trường điện ảnh. Anh remake phim tôi nghĩa là anh gián tiếp công nhận phim tôi hay, anh trân trọng nó và muốn khán giả của nước anh được thưởng thức bằng phiên bản của mình. Đó chính là sự công nhận phim Việt” – anh phân tích.

Phan Thi Uyên
.
.