Phim Việt thắng lớn trên đất khách, “thất thủ” trên sân nhà: Bụt chùa nhà không thiêng?

Thứ Sáu, 26/05/2017, 08:09
Thông tin bộ phim “Cha cõng con” (Biên kịch Bùi Kim Quy, đạo diễn Lương Đình Dũng) gặt hái “cơn mưa” giải thưởng tại một số liên hoan phim quốc tế thời gian gần đây sau khi gần như trắng tay tại giải thưởng Cánh Diều Vàng năm nay được nhiều công chúng yêu nghệ thuật quan tâm. “Cha cõng con” không phải là phim duy nhất rơi vào “vòng xoáy nghịch lý” này.


Việc đạo diễn Lương Đình Dũng quyết định trả lại bằng khen cho Ban Tổ chức giải thưởng Cánh Diều Vàng hồi đầu tháng 4/2017 với lý do là bộ phim “Cha cõng con” không được ghi nhận xứng đáng đã gây xôn xao dư luận. Mặc dù xuất hiện ở ba hạng mục giải thưởng quan trọng là “Phim xuất sắc”, “Đạo diễn xuất sắc” và “Nam diễn viên chính xuất sắc” nhưng cuối cùng, “Cha cõng con” lại... trắng tay, “ngậm ngùi” nhận bằng khen của Ban Tổ chức.

Trước đó, “Cha cõng con” nhận được khá nhiều phản hồi tích cực của khán giả khi ra rạp. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, “Cha cõng con” là bộ phim xuất sắc nhất của điện ảnh Việt ba năm trở lại đây. Trong danh sách phim đề cử, “Cha cõng con” cũng được nhiều nhà báo nhận định là một “điểm sáng”, có thể “làm nên chuyện”. Khi Lương Đình Dũng trả lại bằng khen giải thưởng cho Ban Tổ chức, không ít ý kiến xì xào rằng, vị đạo diễn này ngạo mạn, đánh giá quá cao bản thân mình.

Không được vinh danh tại Cánh Diều Vàng - giải thưởng của hội nghề nghiệp, vốn được coi là “Oscar của điện ảnh Việt” nhưng “Cha cõng con” lại vượt qua hơn ba nghìn bộ phim để ghi danh ở hạng mục “Phim có cốt truyện hay nhất” – Liên hoan phim Quốc tế Boston lần thứ 15 được tổ chức thời gian gần đây.

Bộ phim “Cha cõng con” của đạo diễn Lương Đình Dũng thành công vang dội khi “mang chuông đi đánh xứ người”.

Tại Liên hoan phim Quốc tế Arizona lần thứ 26, “Cha cõng con” đoạt giải “Phim truyện nước ngoài xuất sắc nhất” và “Giải đặc biệt của Ban Giám khảo cho Quay phim ấn tượng nhất”. Ngoài ra, theo thông tin mới nhất thì “Cha cõng con” cũng đã đoạt giải “Quay phim xuất sắc” tại Liên hoan phim Quốc tế Milano, Italy lần thứ 17.

“Cha cõng con” không phải là trường hợp duy nhất đạt thành công vang dội ở các sân chơi quốc tế nhưng lại không giành được giải thưởng trong nước. Trước “Cha cõng con”, phim ngắn “Chuyện ông mờ” ra mắt năm 2007 của Lương Đình Dũng cũng nhận giải khuyến khích tại Giải thưởng Cánh Diều Vàng nhưng lại giành giải xuất sắc ở Liên hoan phim Video quốc tế Tokyo 2007.

Bộ phim “Bi, đừng sợ” (sản xuất năm 2010) của đạo diễn Phan Đăng Di là một ví dụ khác. Từng giành giải “Dự án châu Á nổi bật” tại Liên hoan phim quốc tế Pusan 2007, được lựa chọn tham dự hoạt động LAtelier của Quỹ điện ảnh do Liên hoan phim Cannes tổ chức, giải thưởng “Phim đầu tay xuất sắc”, “Quay phim xuất sắc” tại Liên hoan phim Quốc tế Stockholm (Thụy Điển), giải thưởng của tuẩn lễ phê bình tại Liên hoan phim Quốc tế Cannes (Pháp), Giải  đặc biệt “Special Mention” của Liên hoan phim Quốc tế Vancouver và Giải “Phim hay nhất” tại Liên hoan phim Châu Á – Hong Kong nhưng lại không giành được giải thưởng gì đáng chú ý trong nước.

 “Đập cánh giữa không trung” (sản xuất năm 2014), một bộ phim ấn tượng của nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp thành công vang dội khi “mang chuông đi đánh xứ người” nhưng lại nhận giải thưởng “khiêm tốn” tại Liên hoan phim trong nước.

Cụ thể, “Đập cánh giữa không trung” giành giải “Phim hay nhất” tại Tuần phê bình phim quốc tế Venice 2014, “Giải đặc biệt” của Ban giám khảo tại Liên hoan phim 3 Lục địa lần thứ 36 tại Pháp, Liên hoan phim Quốc tế Fribourg tại Thụy Sỹ, Liên hoan phim Quốc tế Bratislava… tuy nhiên, tại Việt Nam, bộ phim chỉ giành được “Giải đặc biệt” của Ban Giám khảo tại Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội 2014 và giải “Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất” tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19.

Vì sao phim Việt có thể giành chiến thắng tại các liên hoan phim quốc tế mà lại không làm được điều tương tự ngay tại Việt Nam? Phải chăng là “bụt chùa nhà không thiêng” hay cách nhìn nhận, đánh giá phim của Việt Nam vẫn còn khoảng cách xa so với quốc tế? Các nhà chuyên môn cho rằng, sở dĩ bộ phim “Cha cõng con” không được đánh giá cao là do cách thể hiện theo lối cũ, tiết tấu phim chậm, kịch bản còn “non”, phim không đẩy được kịch tính nên không gây được ấn tượng mạnh cho người xem.

Một cảnh trong phim “Bi, đừng sợ” của đạo diễn Phan Đăng Di.

“Phản pháo” lại nhận xét này, đạo diễn Lương Đình Dũng cho rằng, cách thể hiện khác lạ của “Cha cõng con” là nguyên nhân khiến Ban Giám khảo Cánh Diều Vàng 2016 chưa thể tiếp cận bộ phim một cách đầy đủ và “cần một sự công bằng cho bộ phim và những tác phẩm tử tế để phát triển điện ảnh Việt Nam”.

Trong khi đó, chia sẻ trên các phương tiện truyền thông, Giám đốc điều hành của Liên hoan phim Quốc tế Boston Patrick Jerome nhận định về tác phẩm “Cha cõng con” rằng, “đây là tác phẩm chúng tôi yêu thích và là một trong những bộ phim hay nhất tại liên hoan phim năm nay. Tôi ấn tượng với “Cha cõng con” qua các cảnh quay dưới mưa. Nhất là khi nhìn cảnh lũ nhấn chìm căn nhà, người cha cho đá vào thuyền để giữ thuyền dưới nước… chúng tôi thực sự tin mình đã ở đó và mọi cảnh quay là thật. Tôi cảm tưởng như đang xem một câu chuyện thật chứ không phải hư cấu”.

Nhiều người cho rằng, Hội đồng giám khảo đánh giá phim Việt cần phải được đổi mới trong cách chấm giải, mạnh dạn cổ vũ cho những tác giả, tác phẩm có tìm tòi, thể nghiệm mới lạ dù đó chưa phải là cái được số đông chấp nhận ngay tức thời. Tôi cho rằng, giải thưởng không đơn thuần là việc ghi nhận, vinh danh những tác giả, tác phẩm xứng đáng mà còn phải là cầu nối đưa tác phẩm đến gần hơn với công chúng, xác lập, định hướng thị hiếu thưởng thức nghệ thuật cho công chúng.

Qua theo dõi, có thể thấy rằng, những bộ phim Việt đạt giải tại những Liên hoan phim quốc tế đề cập ở phần trên đều là phim có góc nhìn mới, khai thác những khía cạnh, cung bậc cảm xúc sâu thẳm bên trong tâm hồn mỗi người. Đây cũng là mảng đề tài mà các nhà làm phim trên thế giới quan tâm, đánh giá cao.

Nhiều người cho rằng, “an toàn”, “tròn trịa” vẫn là tiêu chí phổ quát, bao trùm giải thưởng của điện ảnh Việt. Chính vì vậy, những tác phẩm mới với cách xây dựng nhân vật, tiếp cận vấn đề khác biệt thường “không có cửa rộng” ở các Liên hoan phim Việt. Điện ảnh Việt cần tiệm cận với xu hướng, trào lưu của điện ảnh thế giới trong cả việc đánh giá, vinh danh những sáng tạo nghệ thuật mới.

Xoay quanh câu chuyện phim Việt “thất thủ” tại các giải thưởng điện ảnh trong nước, có ý kiến cho rằng, nhiều đạo diễn Việt mắc “căn bệnh thành tích”, làm nghệ thuật mà cứ đòi giải thưởng cao thì khó có thể đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật.

Giải thưởng quan trọng nhưng không phải là tất cả, nó chỉ có giá trị ở một thời điểm nhất định nào đó. Suy cho cùng, khán giả mới là người “định đoạt” số phận của tác phẩm chứ không phải là giải thưởng. Có những bộ phim không đạt giải thưởng tại các kỳ liên hoan phim lớn nhỏ nhưng lại có sức sống lâu bền với công chúng, giống như “hữu xạ tự nhiên hương”. Quan điểm này không phải không có lý.

Tôi đồng tình cho rằng, giải thưởng không phải là tất cả và làm phim không phải chỉ để tranh tài mà mục đích cuối cùng là hướng tới phục vụ công chúng. Tuy nhiên, một nghịch lý ở Việt Nam hiện nay là, nếu đặt quyền quyết định hoàn toàn vào khán giả thì có lẽ quá mạo hiểm bởi thực tế cho thấy, có những bộ phim bị đánh giá là “nhảm, nhạt” lại thu hút đông đảo khán giả tới rạp và có doanh thu “khủng”.

Trong khi đó, có những bộ phim được giới chuyên môn đánh giá cao, thậm chí được vinh danh tại các giải thưởng trong nước thì khán giả lại không mặn mà khi ra rạp. Chính vì vậy, nói gì thì nói, việc ghi nhận, đánh giá, vinh danh các tác phẩm điện ảnh xứng đáng, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới vẫn hết sức quan trọng và cần thiết, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi điện ảnh Việt đang phát triển “nóng”…

Tường Phạm
.
.