Làm sao để giữ “tính thiêng” cho các danh hiệu?
- Danh hiệu nghệ sĩ: Sao cho "y phục xứng kỳ đức"
- Thước đo nào cho danh hiệu nghệ sĩ?
- Lấy ý kiến về xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” và“Nghệ sĩ ưu tú”
Ba năm một lần, Nhà nước xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) trên các lĩnh vực văn học nghệ thuật nhằm tôn vinh những đóng góp của các nghệ sĩ trong việc xây dựng đời sống văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội. Danh hiệu cao quý và quy trình xét tặng chặt chẽ là vậy nhưng dường như, lần xét tặng nào cũng có những lùm xùm. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định về việc xét tặng NSND, NSƯT có lẽ là điều cần phải ưu tiên làm ngay từ thời điểm này.
Danh hiệu "mất thiêng" vì quy định "cứng"
Theo thống kê, có 84 NSND, 307 NSƯT được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng, truy tặng danh hiệu lần thứ IX-2019. NSND Đường Tuấn Ba, nhà quay phim Hãng phim Giải phóng, nay là Công ty cổ phần phim Giải phóng thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là nghệ sĩ nam cao tuổi nhất (92 tuổi). NSND Phó Thị Đức (Kim Đức), nguyên diễn viên hát thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam là nữ nghệ sĩ cao tuổi nhất (88 tuổi).
Phát biểu tại buổi lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ IX, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định, "391 nghệ sĩ được vinh danh hôm nay đã vượt qua một quy trình lựa chọn chặt chẽ, sáng tạo xét trên những cống hiến thực tế của nghệ sĩ. Họ thực sự là những viên ngọc quý của đất nước".
Một số nghệ sĩ được trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ IX - năm 2019. |
Có lẽ, đây là đợt có số lượng nghệ sĩ được xét tặng NSND, NSƯT đông đảo nhất từ trước đến nay. Đồng thời, đây cũng là lần xét tặng mà kết quả nhận được sự đồng thuận cao từ các nhà lãnh đạo, giới chuyên môn cũng như công chúng yêu nghệ thuật. Lần đầu tiên, Chính phủ đã ban hành một Nghị quyết riêng đề nghị phong tặng, truy tặng NSND, NSƯT cho một số nghệ sĩ có nhiều đóng góp trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nhưng chưa đảm bảo các tiêu chuẩn quy định tại Nghị định số 89/2014/NĐ-CP, ngày 29/9/2014 của Chính phủ về xét tặng NSND, NSƯT.
Quyết định "xé rào" này là minh chứng cho thấy, quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT đã bộc lộ rõ những bất cập, thậm chí là cứng nhắc, chưa kịp thời động viên, vinh danh nghệ sĩ có đóng góp tích cực cho nghệ thuật nước nhà. Chính điều này dẫn đến tình trạng không ít nghệ sĩ gạo cội, là "nghệ sĩ nhân dân" theo đúng nghĩa nhưng không được vinh danh vì không đáp ứng được các tiêu chuẩn về hồ sơ xét tặng. Danh hiệu NSND, NSƯT vì thế cũng dần "mất thiêng".
Một trong những quy định "cứng" để xét tặng NSND, NSƯT là số huy chương mà các nghệ sĩ đạt được trong quá trình hoạt động nghệ thuật. Theo quy định tại Nghị định số 89/2014/NĐ-CP, với danh hiệu NSND phải có "ít nhất 02 giải Vàng quốc gia sau khi được tặng danh hiệu NSƯT"; với danh hiệu NSƯT phải có "ít nhất 02 giải Vàng quốc gia hoặc 01 giải Vàng quốc gia và 02 giải Bạc quốc gia".
Mặc dù tiêu chí về số lượng huy chương chỉ là một trong số nhiều tiêu chí để xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT nhưng trên thực tế, đây là tiêu chuẩn đầu tiên để xác định nghệ sĩ có qua được "vòng gửi xe hay không". Tiêu chí "cứng" này luôn là vấn đề gây tranh cãi trong những đợt xét tặng danh hiệu. Nhiều người băn khoăn đặt câu hỏi, người đủ tiêu chuẩn được vinh danh có thực sự xứng đáng và những người không đủ tiêu chuẩn để vinh danh nhưng thực sự là những tên tuổi lớn trong làng văn nghệ có thiệt thòi?
Thực tế cho thấy, không ít nghệ sĩ đã mất rồi mới được truy tặng, cho dù họ có nhiều cống hiến, được rất nhiều khán giả mến mộ. Có nghệ sĩ mà phần lớn khán giả nghĩ họ đã được vinh danh NSND, NSƯT từ rất lâu vẫn "trầy trật" nộp đơn xin tặng danh hiệu nhưng bị cơ quan quản lý "lắc đầu" vì thiếu huy chương.
Sẽ rất thiệt thòi cho những nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật tự do, nhất là nghệ sĩ ở phía Nam, không thuộc biên chế ở đoàn thể nào hoặc những đơn vị nghệ thuật nhỏ, ít có cơ hội thi thố để giành huy chương. Nhiều nghệ sĩ tên tuổi thường chọn cách "đứng ngoài cuộc", tham gia ghế giám khảo tại các Liên hoan nghệ thuật, "nhường" sân chơi cho các nghệ sĩ trẻ. Tuy nhiên, đây lại là nghịch lý vì nếu không tham gia thi thì không có cơ hội để nhận huy chương và chắc chắn sẽ không đủ tiêu chuẩn để xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT.
Bên cạnh đó, việc quy định tiêu chí về số lượng huy chương để xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT tất yếu sẽ dẫn đến tình trạng "chạy huy chương", "mưa huy chương" trong các Hội diễn, Liên hoan nghệ thuật. Khi đó, tấm huy chương không còn là thước đo chính xác chất lượng tác phẩm nghệ thuật cũng như không có giá trị để trở thành tiêu chí xét tặng NSND, NSƯT.
Một vấn đề khác cũng cần phải được bàn luận là ngoài tiêu chuẩn "cứng" về số lượng huy chương, tiêu chuẩn "mềm", mang tính chất định tính như "có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống, tận tụy với nghề; có tài năng nghệ thuật xuất sắc, tiêu biểu cho ngành, nghề nghệt thuật; có uy tín nghề nghiệp; được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ" cũng là vấn đề thường gây tranh cãi.
Mặc dù Hội đồng xét tặng đều là những người có trình độ, uy tín trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nhưng cũng không thể loại trừ yếu tố cảm tính chi phối. Việc xét tặng NSND, NSƯT phải trải qua Hội đồng cấp cơ sở tại đơn vị nghệ thuật cơ sở, Hội đồng cấp Bộ, Hội đồng cấp Nhà nước (gồm hai bước). Tại mỗi Hội đồng, cá nhân đề nghị xét tặng NSND, NSƯT đều phải đạt tỷ lệ đồng ý từ 90% trở lên. Tỷ lệ này được cho là quá cao và cần phải điều chỉnh ở mức 75% để đảm bảo quyền lợi cho các nghệ sĩ. Nhiều người bị "trượt oan" vì những vòng bỏ phiếu "gay cấn và đầy may rủi".
Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng, hiện nay, việc phong tặng NSND, NSƯT chỉ dành cho lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Điều này gây thiệt thòi cho nghệ sĩ hoạt động ở một số lĩnh vực nghệ thuật như hội họa, nhiếp ảnh. Ngay trong lĩnh vực sân khấu, những tác giả có công chuyển thể kịch bản văn học sang tuồng, chèo, cải lương… cũng không nằm trong danh mục đối tượng được xét tặng danh hiệu.
Cần phải thay đổi
Một số ý kiến cho rằng, nên bỏ hẳn quy định xét tặng NSND, NSƯT để tránh những lùm xùm không đáng có. Tôi cho rằng, quan điểm này có phần cực đoan bởi lẽ, NSND, NSƯT không phải chỉ là danh xưng, càng không phải là hư danh mà đó là sự ghi nhận, vinh danh đóng góp của những người làm nghệ thuật. Danh hiệu đó là cần thiết để động viên những nghệ sĩ cố gắng hơn nữa trong nghề nghiệp, giữ gìn nhân phẩm, đạo đức và lối sống của mình.
Nhiều nghệ sĩ luôn tâm niệm rằng, danh hiệu NSND, NSƯT là phần thưởng cao quý, ghi nhận những nỗ lực cống hiến và tài năng nghệ thuật xuất sắc của các nghệ sĩ nhưng danh hiệu cao quý nhất vẫn là hình ảnh nghệ sĩ trong lòng khán giả.
Suy cho cùng, bất kỳ quy định xét tặng nào cũng có những hạn chế, thiếu sót và qua quá trình vận hành thực tế để bổ sung và hoàn thiện. Điều quan trọng là các cơ quan quản lý, các hội nghề nghiệp phải phát hiện điều đó để tham mưu sửa đổi cho phù hợp.
Tại lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ IX, Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục rà soát các quy định pháp luật có liên quan về xét tặng đối với hai danh hiệu nêu trên; sớm nghiên cứu, đề xuất, trình sửa đổi, bổ sung Nghị định số 89/2014/NĐ-CP, ngày 29/9/2014 của Chính phủ quy định về xét tặng NSND, NSƯT theo hướng phù hợp với thực tiễn; điều kiện, quy trình xét duyệt bảo đảm minh bạch, công bằng, nhanh chóng và thuận lợi cho các nghệ sĩ; chế độ chính sách và ưu đãi cho các nghệ sĩ được tốt hơn.
Ngay từ bây giờ, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, nhanh chóng xây dựng quy chế mới xét duyệt hồ sơ cho phù hợp theo hướng đơn giản về thủ tục, quy trình; xác định Huy chương Vàng không phải là tiêu chí "cứng" để xét tặng danh hiệu; bổ sung những quy định "mở", "trường hợp đặc biệt" xét tặng cho những nghệ sĩ có nhiều đóng góp cho xã hội.
Với những nghệ sĩ đặc biệt xuất sắc này, các cơ quan chức năng có thể trực tiếp đề xuất vinh danh mà không cần đến các quy trình, thủ tục theo quy định. Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu, tính toán một "kênh" để công chúng có thể đề xuất các cơ quan chức năng vinh danh những nghệ sĩ mà mình yêu mến.