Thước đo nào cho danh hiệu nghệ sĩ?

Thứ Bảy, 04/08/2018, 08:00
Đã có nhiều ý kiến cho rằng, cách xét duyệt căn cứ vào số lượng huy chương hoặc số lượng giải thưởng thì chưa hẳn thuyết phục được đám đông. Tuy nhiên, ngược lại, nếu không có những thang điểm cơ bản như Huy chương hoặc Giải thưởng thì việc phong tặng lại cảm tính và mơ hồ hơn.


Ghi nhận tài năng không đơn giản

Tuy Hòa

Dù đã 9 lần phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ sĩ Ưu tú và Nghệ sĩ Nhân dân, nhưng càng ngày cuộc bầu chọn mang màu sắc tôn vinh đáng trân trọng này càng nảy sinh nhiều rắc rối hơn. Khoảng cách giữa Nghệ sĩ Ưu tú và Nghệ sĩ Nhân dân ngỡ rất gần, mà lại rất xa. Đặc biệt, những nghệ sĩ không nằm trong biên chế của các đoàn nghệ thuật tồn tại bằng ngân sách thì rất ít cơ hội được chạm tới hào quang lấp lánh kia.

Đã có nhiều ý kiến cho rằng, cách xét duyệt căn cứ vào số lượng huy chương hoặc số lượng giải thưởng thì chưa hẳn thuyết phục được đám đông. Tuy nhiên, ngược lại, nếu không có những thang điểm cơ bản như Huy chương hoặc Giải thưởng thì việc phong tặng lại cảm tính và mơ hồ hơn.

Từ năm 1984, đợt xét duyệt danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú và Nghệ sĩ Nhân dân đầu tiên được thực hiện. Thông lệ mở ra, tiếp tục các năm 1988, 1993, 1997, 2001, 2007, 2011, 2015 và bây giờ 2018 lại có thêm một đợt xét duyệt mới với không ít cam go.

Nghệ sĩ Nhân dân cao hơn Nghệ sĩ Ưu tú một bậc. Người muốn được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân phải có ít nhất 20 năm kinh nghiệm, đã được tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú từ 5 năm trở lên, và được ít nhất hai giải Vàng hoặc một giải Vàng và hai giải Bạc tại các liên hoan, hội diễn nghệ thuật cấp quốc gia, khu vực hoặc quốc tế và các hội văn học nghệ thuật Trung ương từ khi được trao Nghệ sĩ Ưu tú.

Nghệ sỹ Minh Vương và Nghệ sỹ Bạch Tuyết trong vở “Đời cô Lựu”.

Lẽ thường, muốn có giải thưởng hoặc muốn có huy chương thì phải thi thố. Thử hỏi, những nghệ sĩ lớn tuổi chỉ ngồi ghế giám khảo thì làm sao có huy chương hoặc giải thưởng? Cho nên, nghịch lý buồn cười là người thầy chấm cho người trò ở các cuộc thi, thì quay qua quay lại bỗng dưng… người thầy đứng dưới người trò về mặt danh hiệu! Ví dụ, nghệ sĩ Trần Hạnh là một gương mặt rất quen thuộc với khán giả cả nước, được phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú từ năm 1984 nhưng đến nay vẫn chưa được Nghệ sĩ Nhân dân.

Diễn viên gạo cội Trần Hạnh thổ lộ: “Thời đó là Nhà nước phong, chứ không phải làm hồ sơ xin như bây giờ. Tôi đã 3 lần làm đơn xin phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân, nhưng người ta trả lời rằng tôi được 2 Huy chương Vàng là khi được phong Nghệ sĩ Ưu tú, còn sau đó không có gì cả. Họ soi mói thế tôi chịu. Tôi về hưu từ năm 1989, làm sao có điều kiện thi thố mà đạt giải nữa.

Nghệ sĩ có lòng tự trọng, chúng tôi đi diễn cả đời vì tình yêu với nghề, muốn cống hiến cho công chúng. Chẳng ai thích cái việc năm lần bảy lượt làm hồ sơ xin xét tặng danh hiệu này nọ. Năm này bị trượt năm sau lại làm, nó buồn cười lắm. Danh hiệu trong lòng nhân dân với chúng tôi mới là quan trọng. Nhìn mọi chuyện một cách đơn giản thì cuộc sống sẽ thoải mái. Đừng quan niệm nghệ sĩ phải lấy danh hiệu là mốc, là cái đích để hướng tới, hãy làm việc vì nghệ thuật”.

Đợt phong tặng danh hiệu năm nay có chi tiết khó quên là phải bầu chọn lại ở cấp Bộ. Có cả thảy 14 trường hợp từng bị trượt ở cấp Bộ đã được chính hội đồng cũ bỏ phiếu lại một cách ngon lành. Cụ thể, đó là 7 hồ sơ xét danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân của Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu, Trương Hải Thọ (Nhà hát Chèo Truyền thống Thanh Hóa), Lưu Kim Hùng (Nhà hát Tuồng truyền thống Khánh Hòa), Nguyễn Thị Mai Lan (diễn viên khiêm Trưởng đoàn tuồng Thanh Quảng, hiện công tác tại Nhà hát Nghệ thuật Thanh Hóa), Nguyễn Ngọc Quyền (nam diễn viên, đạo diễn - nguyên Trưởng đoàn tuồng Thanh Hóa).

Và 7 hồ sơ xét danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Kết quả bất ngờ đó, được ông Phùng Huy Cẩn – Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng, Bộ VH-TT&DL chia sẻ sự hài lòng: “Hội đồng đã làm việc rất khách quan, toàn diện và trung thực. Tôi chuẩn bị trình báo cáo xin Thủ tướng thành lập Hội đồng cấp Nhà nước để đưa các hồ sơ lên tiếp tục duyệt".

Nền nghệ thuật nước nhà có quyền tự hào về những Nghệ sĩ Nhân dân như Phùng Há, Song Kim, Đào Mộng Long, Nguyễn Đình Nghi, Hồng Sến, Hải Ninh, Đặng Nhật Minh, Trà Giang, Đoàn Dũng, Thế Anh, Trần Tiến, Lê Dung, Thu Hiền, Tường Vy…

Thế nhưng, cũng có những nghệ sĩ không may mắn được danh hiệu gì, nhưng vai diễn của họ, giọng hát của họ, điệu múa của họ, nhân cách của họ… vẫn toả sáng trong lòng công chúng nhiều thế hệ. Vì vậy, cái thước đo quan trọng nhất của nghệ sĩ, không phải là danh hiệu được sơn son thếp vàng mà là sự ngưỡng vọng của người đời, một cách hồn nhiên nhất, một cách trân trọng nhất!

Nhà biên kịch – NSƯT Văn Lê: Phải tránh tình trạng dưới cổ vũ trên cự tuyệt

Thái Hiếu (thực hiện)

- Đợt xét tuyển Nghệ sĩ Nhân dân và Nghệ sĩ Ưu tú năm nay quả thật gay go. Có vài gương mặt nổi trội như Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu… sau khi trượt lần trước, đã được bầu bổ sung vào danh sách Nghệ sĩ Nhân dân để trình lên Hội đồng cấp Nhà nước phê duyệt. Theo ông, đây hẳn là một tin vui?

+ Đó là một thái độ lắng nghe dư luận. Tuy nhiên, theo tôi, cần có sự quan tâm đặc biệt đến giới cải lương nói riêng và giới nghệ thuật truyền thống nói chung. Bởi lẽ, nghề của họ bây giờ hắt hiu lắm. Tất cả đều sống chật vật, nhưng vẫn nuôi ngọn lửa đam mê bằng chính trái tim mình. Đừng nói tầm vóc cỡ Minh Vương, Thanh Tuấn hoặc Giang Châu mà những nghệ sĩ ít tên tuổi hơn một chút cũng rất nên trao danh hiệu cao quý cho họ, như một sự ghi nhận, như một sự tri ân.

- Ông đã có danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú từ lâu, lại là tác giả kịch bản bộ phim “Long thành cầm giả ca” đoạt giải thưởng Liên hoan phim Châu Á – Thái Bình Dương, sao ông chưa lên Nghệ sĩ Nhân dân?

 + Tôi cảm thấy đủ rồi. Không nên vất vả theo đuổi danh hiệu gì nữa, vì cốt lõi của tôi vẫn là một người cầm bút. Tôi không làm hồ sơ, dù tôi thừa các tiêu chuẩn như giải thưởng cấp quốc gia và quốc tế.

- Xin tò mò chút, Nghệ sĩ Ưu tú hoặc Nghệ sĩ Nhân dân ở trường hợp như ông, thì về hưu có thêm lương bổng gì không?

+ Làm gì có lợi ích kinh tế nào. Chỉ có danh hiệu nửa hư nửa thực.

- Thế nhưng, cái danh hiệu ấy cũng nhiều thị phi lắm ông ạ. Đợi xét duyệt nào cũng lắm tiếng bấc tiếng chì…

+ Vì quy định phải được 90% phiếu bầu của những người trong hội đồng thì mới được thông qua. Theo tôi, điều này hơi cắc cớ. Có những vị ngồi trong hội đồng không có chuyên môn về lĩnh vực nghệ thuật mà họ bỏ phiếu, nên họ lắc đầu cũng dễ hiểu.

- Tại sao không đặt niềm tin lớn hơn ở hội đồng cơ sở nhỉ?

+ Đúng, hội đồng cơ sở là những người trong nghề, gần gũi và thấu hiểu đồng nghiệp. Tôi cho rằng, mỗi ngành nên căn cứ vào hội đồng cơ sở, còn hội đồng cấp trên chỉ xét yếu tố nhân thân khi có khiếu kiện hoặc nghi ngờ hợp lý. Phải tuyệt đối tránh tình trạng dưới cổ vũ trên cự tuyệt, vừa mất thời gian vừa gây bức xúc.

- Nhiều người cho rằng, việc xét tặng danh hiệu hiện nay vẫn tồn tại nhiều bất ổn do yếu tố cá nhân xen vào rất nhiều…

+ Tôi cho rằng, vẫn có chuyện quen biết và gửi gắm, nhưng quan trọng hơn là thiếu vắng những bậc danh sư để ngồi uy nghiêm trong các hội đồng thẩm định. Lưu ý, danh sư nhé, danh sư thì tài năng và phẩm cách của họ có thể thuyết phục được tất cả mọi người, kể cả những người bị… trượt!

- Nếu thiếu vắng danh sư, thì phải trông cậy vào đám đông thôi. Lẽ ra, danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân thì phải để… nhân dân bầu chọn chăng?

+ Cũng nên lấy ý kiến rộng rãi. Hội đồng chuyên môn đưa ra một danh sách, và mời nhân dân bỏ phiếu. Nghệ sĩ Nhân dân đích thực sẽ làm hài lòng cả hội đồng chuyên môn lẫn hội đồng quần chúng!

- Liệu đưa ra danh sách cho nhân dân bình chọn, ông có ứng thí danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân không?

+ Sẵn sàng! Tôi muốn nghe những tiếng nói hồn nhiên và trong sáng từ công chúng. Dù bị nhân dân đánh trượt thì cũng là một vinh dự!

- Xin chân thành cảm ơn ông!

Nhà văn – Đạo diễn Tô Hoàng: Cái đích cuối cùng của nghệ sĩ là khán giả

 Hương Ngân (thực hiện)

-  Mỗi đợt phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú và Nghệ sĩ Nhân dân đều xảy ra điều nọ điều kia. Là một nhà báo theo dõi đời sống văn hoá, lại dự phần trực tiếp với tư cách nhà biên kịch kiêm đạo diễn phim tài liệu, ông cảm thấy thế nào?

+ Cảm thấy ồn ào không đáng, nhưng cũng thú vị, vì hiểu thêm được nhiều con người và nhiều số phận.

-  Danh hiệu nghệ sĩ cũng giống như miếng giữa làng, vì giá trị bằng một sàng xó bếp nên gay go và éo le?

+ Nào có miếng gì, nào có sàng gì. Với người tự trọng thì cái đích cuối cùng của họ vẫn là khán giả, chứ không phải huy chương hay danh hiệu. Chuyện bầu chọn là việc "bếp núc " của các Hội đồng duyệt, qua các khâu duyệt. Tôi chưa bao giờ là thành viên của các Hội đồng này nên không rành rõ mọi chuyện trong cái "tổ tò vò" ấy được.

- Hiện nay, nhiều nghệ sĩ tài danh vẫn đứng ngoài danh sách Nghệ sĩ Ưu tú và Nghệ sĩ Nhân dân. Theo ông, ngành văn hoá có nên bày tỏ thiện chí mời họ làm hồ sơ chăng?

+ Thiện chí hay không không ở chỗ "mời họ làm hồ sơ", mà là cách đối đãi trong quá trình cống hiến của họ! Xin nhớ cho một điều, không phải nghệ sỹ nào cũng rầu rĩ, sùi sụt khi không được xét tặng danh hiệu.

- Đó là lý do ông không xin phong tặng danh hiệu, dù đã làm nghề lâu năm?

+ Xét về tư cách cá nhân, tôi vừa là nhà văn cũng là người phê bình phim, đạo diễn phim phóng sự - tài liệu. Xét về phương diện ghi nhận, tôi đã được tặng Bông Sen Vàng cho phim tài liệu "Hồ Chí Minh - Cội nguồn cảm hứng sáng tạo" và giải Nhất cho công trình nghiên cứu phê bình "Có một thế giới khác nằm ngoài ống kính", giải Nhì cho công trình "Gánh nặng đường xa". Nhưng tôi chưa hề viết đơn hoặc ngong ngóng tới các lần xét duyệt danh hiệu. Bởi chỉ vì một điều, tôi chú trọng tác phẩm, chứ không quan tâm những thứ ngoài tác phẩm!

-  Theo ông, làm sao để xét tặng danh hiệu một cách thuyết phục mà không phải hành vi ban phát?

+ Có lẽ, cũng nên đắn đo cho một tư duy mang tính phản biện nữa. Phải chăng, chúng ta nên chấm dứt những đợt phong tặng danh hiệu nghệ sỹ theo định kỳ? Bởi lẽ, khi đã mở hội thì sẽ có sự chen lấn và xô đẩy. Theo tôi biết, công việc này khởi nguồn từ Liên Xô. Trong 14 các nước thuộc "phe ta" thuở ấy, chỉ có riêng Bungary sao chép lại mà thôi. Sau khi "phe ta" tan rã, từ đó đến nay - cả nước Nga lẫn Bungary đã ngưng lại việc xét duyệt các danh hiệu này.

Tại Cuba xưa kia và ngày này cũng không hề thấy nghệ sỹ nào mang danh hiệu Nhân dân hay Ưu tú. Trong các tiêu chuẩn xét duyệt, người ta có xem xét đến cả đạo đức tư cách và lập trường tư tưởng. Mà người nghệ sỹ đích thực sao tránh được một lần "trượt miệng"? Các tác phẩm của họ sao tránh được một lần nào đó "có vết"? Chỉ cần một kẻ "tà tâm” tung hỏa mù nói nọ nói kia là ứng viên bị bật ra ngoài vòng xét tuyển rồi!

-  Nếu chấm dứt đột ngột, thì những người chưa có danh hiệu sẽ cảm thấy thiệt thòi…

+ Nghệ sĩ thực tài chả ai nghĩ thế! Trường hợp Thành Lộc chẳng hạn, thử hỏi Nghệ sĩ Nhân dân nào ở lĩnh vực kịch nói dám… phủ nhận tài năng và cống hiến của Thành Lộc. Hào quang của Thành Lộc đến từ vai diễn của anh ta, không cần ai phong tặng bằng sự ngạo nghễ bề trên!

Kỳ nữ Kim Cương: Chỉ sợ mang danh Nghệ sĩ Nhân dân mà không ai biết

Trên thực tế, những bàn cãi về cách trao tặng danh hiệu vừa qua đã khiến tôi thấm thía rất nhiều về câu nói ông bà xưa vẫn thường dạy: "Của cho không bằng cách cho". Tất nhiên, danh hiệu không phải là của. Không phải là thứ mà người nghệ sĩ chúng tôi trông chờ để được tăng lương, được cấp nhà, được sở hữu thêm những tài sản giá trị. Đó là tinh thần, giá trị tinh thần cho biết bao năm cống hiến trên sân khấu.

Như đã nhiều lần gặp gỡ các lãnh đạo cao cấp, kể cả khi nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm gia đình tôi nhân dịp Tết Nguyên đán cách đây không lâu, tôi cũng nói đến tâm nguyện, đừng đong đếm, khắt khe với nghệ sĩ bằng những Huy chương Vàng, Huy chương Bạc.

Hãy xét công trạng và sức lan tỏa, ảnh hưởng của họ đối với nhân dân. Tôi mừng khi ba Nghệ sĩ Ưu tú Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu có tên trong hồ sơ trình lên Hội đồng nhà nước. Nghĩa là các anh đã có tấm vé để sắp đến toa cuối, sau bao mệt mỏi, căng thẳng, thậm chí nản lòng với nhiều đêm mất ngủ vì những tranh luận, những bàn tán chung quanh danh hiệu!

Hai chữ "trượt" và "đậu" của danh hiệu sao lại để nghệ sĩ tổn thương. Tôi lo là sau những đợt xét tặng tới, sẽ còn đồng nghiệp nào của chúng tôi bị tổn thương. Nhân đây cũng xin đính chính một điều và lưu ý một số báo đã nói tôi hăm dọa trả lại danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân nếu ba đồng nghiệp Minh Vương, Thanh Tuấn và Giang Châu bị trượt lần này.

Xin thưa, hoàn toàn bịa đặt. Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân là danh hiệu cao quý, tôi không làm cái trò con nít để mặc cả danh hiệu cho người khác. Tôi hiểu nỗi lòng của ba nghệ sĩ đồng nghiệp, họ lên tiếng không phải vì mình thua thiệt mà mong muốn sự xét tặng phải hết sức công tâm.

Thật lòng mà nói, có thêm danh hiệu hay không thì với nghệ sĩ chúng tôi không quan trọng. Vấn đề là khán giả, sân khấu và những tác phẩm của mình bán được vé hay không, công chúng có đến xem hay không? Sợ nhất là nghệ sĩ mang danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân mà nhân dân nhiều người không ai biết. Thế thì hư danh chứ có gì mà vui vẻ để tranh giành.

Đừng để danh hiệu trở nên “vô duyên”

 Nguyệt Hà

Trong những đợt xét tặng danh hiệu NSND - NSƯT gần đây luôn xảy ra những ồn ào, tranh cãi xung quanh việc nghệ sĩ này - kia xứng đáng hay không xứng đáng với danh hiệu cao quý này. Và đợt xét tặng danh hiệu lần thứ 9 năm nay cũng không phải là một ngoại lệ. Tuần qua, tại Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, Hội đồng chuyên ngành cấp nhà nước xét tặng danh hiệu NSND - NSƯT lĩnh vực sân khấu đã “xét lại” 22 hồ sơ NSND và 24 hồ sơ NSƯT.

Theo đó, đã có tới 14 nghệ sĩ trở thành người được “đi tiếp vào vòng cuối cùng”. Danh sách này sẽ được trình lên Hội đồng cấp Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Sửa sai cho 14 nghệ sĩ

Hồi đầu tháng 7, Cổng thông tin điện tử Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đã đăng tải danh sách 77 hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu NSND và 303 hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu NSƯT được Hội đồng chuyên ngành cấp nhà nước thông qua trước khi trình lên Hội đồng cấp nhà nước. Sau khi danh sách này được đăng tải, một lần nữa dư luận lại dấy lên những ồn ào, băn khoăn, nghi ngại khi một số nghệ sĩ gạo cội của TP. Hồ Chí Minh “bị đánh trượt” khỏi danh sách NSND như NSƯT Minh Vương, NSƯT Giang Châu, NSƯT Thanh Tuấn...

Đặc biệt, đối với NSƯT Minh Vương, đây là lần thứ 3 hồ sơ xét tặng NSND của ông bị trượt. Vì thế, trong buổi họp báo thường kỳ quý II của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch tổ chức hồi đầu tháng 7, việc xét tặng danh hiệu NSND - NSƯT nhận được sự quan tâm đặc biệt của báo chí. Ông Phùng Huy Cẩn - Vụ trưởng Vụ Thi đua, khen thưởng của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch - sau khi khái quát qua về quá trình xét tặng danh hiệu NSND - NSƯT năm 2018 đã nhấn mạnh: “Trong thời gian này, Bộ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu ý kiến từ nghệ sĩ, các cơ quan báo chí, trên cơ sở đó để báo cáo cơ quan xem xét và sẽ có đề xuất phù hợp hơn...”.

Vậy là, “đề xuất phù hợp hơn” của Bộ chủ quản lần này đã nhận được khá nhiều ý kiến đồng thuận của dư luận khi tổ chức xét lại 22 hồ sơ NSND và 24 hồ sơ NSƯT.

Việc tổ chức “xét lại” này đã cho thấy sự lắng nghe của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch trong việc lấy ý kiến của nhân dân cũng như công luận, song vô hình chung đã đặt ra câu hỏi, nếu chỉ ở một Hội đồng chuyên ngành cấp nhà nước ở lĩnh vực sân khấu mà đã có sự “sửa sai” tới 14 trường hợp phải chăng là quá nhiều? Vậy thì trước đó, Hội đồng này làm việc có thực sự công tâm, khách quan không? Và ở các hội đồng chuyên ngành các lĩnh vực khác như Điện ảnh, Âm nhạc, Múa... liệu có bỏ sót gương mặt nghệ sĩ nào thực sự xứng đáng với các danh hiệu NSND, NSƯT?

Và những tranh cãi không có hồi kết

“Mùa danh hiệu” năm nay, bắt đầu thu hút sự chú ý của dư luận khi NSƯT Xuân Bắc có đơn gửi lên Hội đồng cấp Bộ (Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch) xin rút hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND. Mặc dù không nói rõ lý do, song dường như mọi người đều ngầm hiểu, có thể hồ sơ của NSƯT Xuân Bắc “thiếu hụt” một điều kiện nào đó.

Hoặc cũng có thể, nghệ sĩ Xuân Bắc tự cảm thấy bản thân không muốn vướng vào những “nghi án”, lùm xùm, không đáng có hay những sự so sánh  khi anh đang có tuổi đời khá trẻ (Xuân Bắc sinh năm 1976) đối với một nam nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND. Kỳ xét tặng danh hiệu NSND - NSƯT lần trước, người bạn thân thiết của Xuân Bắc là nghệ sĩ Tự Long đã vinh dự được phong danh hiệu NSND và cũng từng bị cuốn vào những tranh cãi, so sánh mà người ta thường nói là luôn... khập khiễng.

Quả thực, ở hạng mục xét tặng danh hiệu NSƯT thì có vẻ như mọi việc vẫn diễn ra “êm đềm” hơn ở hạng mục xét tặng danh hiệu NSND, mặc dù những năm gần đây, số nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSƯT cũng lên tới trên 250 người.

Cũng chính vì độ “cạnh tranh cao” của danh hiệu NSND, những tranh cãi về việc ai xứng đáng hay không xứng đáng với danh hiệu cũng vẫn luôn xảy ra. Nhưng phải sòng phẳng mà nói, ở kỳ xét tặng danh hiệu NSND - NSƯT này, bên cạnh những tên tuổi lớn như các NSƯT: Thu Hà, Trần Hạnh, Mạnh Cường, Thanh Ngoan, Phan Muôn, Tạ Minh Tâm, Phó Thị Kim Đức, đạo diễn Bùi Cường, đạo diễn Trọng Trinh, quay phim Vũ Quốc Tuấn, biên đạo múa Trần Thị Thu Vân... mà không có NSƯT Minh Vương, NSƯT Giang Châu, NSƯT Thanh Tuấn của cải lương miền Nam thì liệu có thuyết phục?

Thực sự, nếu như không có tên của những nghệ sĩ này trong danh sách những nghệ sĩ được xét tặng danh hiệu NSND, thì những cái tên như Công Lý, Mạnh Cường hay Bùi Cường xem ra cũng có phần hơi... lạc lõng, vô duyên. Dẫu rằng, mọi sự so sánh đều là khập khiễng, song có thể thấy ngay rằng, nghệ sĩ Minh Vương - Thanh Tuấn đã trở thành một ngôi sao của sân khấu cải lương từ cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước.

Lúc đó, có lẽ nghệ sĩ hài Công Lý vẫn còn là cậu bé ngồi trên ghế nhà trường và cũng có thể rất thần tượng Minh Vương như bao nhiêu cô cậu học trò mơ mộng khác ở khắp các vùng thôn quê cho tới thành thị. Và cũng phải nói thêm rằng, trong lòng những người yêu sân khấu cải lương, thực sự nghệ sĩ Minh Vương - Thanh Tuấn đã trở thành NSND từ lâu rồi.

Bởi thế, những nghệ sĩ gạo cội như Minh Vương - Thanh Tuấn bị “trượt danh hiệu” nhưng lại có những nghệ sĩ so với họ còn nhiều non nớt và ít cống hiến hơn lại được thì xem ra là một điều quá sức phi lý và thiếu tôn trọng nghệ sĩ. 
PV
.
.