Danh hiệu nghệ sĩ: Sao cho "y phục xứng kỳ đức"

Thứ Năm, 05/09/2019, 07:50
Việc vinh danh các nghệ sĩ là rất cần thiết, nhưng đừng để "Vàng thau lẫn lộn". Chỉ có những người tài năng tầm tầm thì cảm thấy rất cần danh hiệu để làm thương hiệu...


391 cá nhân có nhiều cống hiến trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc vừa được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT).

Phát biểu tại buổi lễ vinh danh này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các nghệ sĩ tiếp tục tích cực học tập, rèn luyện nâng cao trí tuệ, bản lĩnh, kế thừa và phát huy truyền thống vinh quang của Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng; luôn sáng tạo nghệ thuật mang tầm thời đại, xây dựng nền nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi".

Nhìn lại 479 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT đợt 8, tháng 1-2015: Sau gần 5 năm, không ít người trong số họ sau khi nhận được danh hiệu cao quý này đã chìm nghỉm, bặt vô âm tín hoặc im hơi lặng tiếng. Nhiều lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật vẫn giậm chân tại chỗ, chưa có những bước đột phá, chưa có những tác phẩm hay, xứng tầm thời đại, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức văn hóa tinh thần ngày càng cao của nhân dân.

Bên cạnh đó, bầu không khí sáng tạo khá trầm lắng trong lúc cuộc sống đầy sôi động với rất nhiều vấn đề nóng bỏng đang được đặt ra trong xã hội, ví như: Tại sao những người nông dân lại bỏ quê hương, đồng ruộng để giam mình vào các khu công nghiệp với đồng lương ít ỏi? Tại sao giới trẻ hiện nay lại sống ích kỷ, vô nghĩa và quên dần quá khứ? Tại sao vấn nạn tham nhũng bị trừng trị nghiêm minh như thế mà vẫn không hề có dấu hiệu thuyên giảm? Tại sao tôn ti trật tự trong gia đình đảo lộn, đạo đức, văn hóa xã hội lại có chiều hướng ngày càng đi xuống như vậy?…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng các nghệ sĩ trong buổi lễ vinh danh Danh hiệu nghệ sĩ lần thứ 9 năm 2019.

Trong công cuộc phát triển đất nước, văn học - nghệ thuật cũng là một mặt trận không kém phần cam go, quyết liệt. Chắc chắn, văn nghệ sĩ của chúng ta luôn có nhiều trăn trở trước những vấn đề lớn của đất nước, của dân tộc! Vậy tại sao các nghệ sĩ vẫn chưa cho ra đời những dòng nhạc, dòng phim, những vở diễn mang đậm hơi thở cuộc sống và thời đại?

Phải chăng, cho tới tận bây giờ, các văn nghệ sĩ vẫn chưa thoát khỏi môi trường "bao cấp" về tư duy và như vậy thì chúng ta chưa có một đội ngũ nghệ sĩ thực thụ, mà chỉ là những "công chức, viên chức làm văn nghệ". Điều này thể hiện rất rõ qua các hội thảo, các đề tài về nâng cao chất lượng tác phẩm nghệ thuật.

Tìm kiếm các nguyên nhân khiến chưa có nhiều tác phẩm lớn, xứng tầm không phải do thiếu người tài, mà cái chính là thiếu phương tiện, kỹ thuật, thiếu sự đầu tư, quan tâm thích đáng của Đảng, Nhà nước… Kết luận cuối cùng vẫn thường là: Để có những tác phẩm lớn thì Nhà nước phải chi nhiều tiền hơn nữa.

Chúng ta còn nhớ, trong những năm tháng khốc liệt nhất của chiến tranh, trải qua thời kỳ bao cấp đói khổ, đến khi đất nước mở cửa, phải đối mặt với bao khó khăn, thách thức, nhưng người nghệ sĩ trong những giai đoạn này vẫn hăng say sáng tác và thực tế đã để lại nhiều tác phẩm để đời, từ điện ảnh cho đến sân khấu, kịch hát dân tộc… Nhưng hiện tại, rất nhiều lĩnh vực nghệ thuật đang bị cơn lốc thị trường, giải trí cuốn theo. Nói cách khác, những người sáng tác đang thiếu đi sự quyết liệt. Có thể thấy thực tế đáng buồn hiện nay là nhiều nghệ sĩ chỉ lo làm sao để kiếm được nhiều tiền, làm sao để nổi tiếng, dễ dãi hơn với những sáng tác của mình và thờ ơ với những vấn đề lớn của đất nước.

Trong thời đại 4.0 hiện nay, sự nổi tiếng luôn thu hút được sự quan tâm của báo chí, truyền thông, mạng xã hội. Văn nghệ sĩ, nhất là những người có danh tiếng sẽ ảnh hưởng lớn tới đời sống tinh thần của xã hội. Nếu họ nói tiếng nói của cộng đồng thông qua các tác phẩm, hình tượng nhân vật để thể hiện được thái độ, trách nhiệm, tình cảm, trí tuệ trước những vấn đề lớn của dân tộc và thời đại, thì sẽ rất hữu ích, góp phần thúc đẩy cuộc sống đi nhanh, đi đúng hướng hơn. Vì vậy, văn nghệ sỹ phải lên tiếng, cần phải nói lên những đòi hỏi của xã hội, của tiến bộ và cái đẹp.

Để thực hiện được tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi", nên làm gì và làm như thế nào thì việc ấy giao lại quyền cho các nghệ sĩ, miễn mục đích cuối cùng là để cuộc sống tốt hơn lên, người dân mình thương yêu nhau hơn và xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh hơn.

Việc vinh danh các nghệ sĩ là rất cần thiết, nhưng đừng để "Vàng thau lẫn lộn". Chỉ có những người tài năng tầm tầm thì cảm thấy rất cần danh hiệu để làm thương hiệu. Bởi được phong tặng NSƯT, NSND đồng nghĩa với "danh và lợi", nó là cơ hội thăng tiến, đôi khi còn mở ra cả cơ hội làm giàu và cả những điều khó định danh khác.

Danh hiệu cũng chỉ là đồ trang sức, là khẳng định của những người trong nghề với nhau, còn phần thưởng cao quý nhất vẫn là sự yêu mến và chỗ đứng của nghệ sĩ đó trong lòng khán giả.

Cù Tất Dũng
.
.