Làm mới MV ca nhạc bằng văn hóa truyền thống

Chủ Nhật, 26/04/2020, 08:26
Thời gian gần đây, có không ít MV (music video) triệu view, được đông đảo giới trẻ yêu thích không phải là những MV được làm theo phong cách phương Tây hiện đại mà lại thuộc về những sản phẩm mang đậm văn hóa truyền thống của các ca sĩ trẻ. Quay về với vốn cổ đang trở thành một xu hướng không ít nghệ sĩ theo đuổi và bước đầu đã có những thành công.


Mặc dù dịch bệnh COVID - 19 vẫn đang tiếp tục gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống văn học nghệ thuật, nhưng bằng việc ra mắt các MV, các ca sĩ vẫn thường xuyên tương tác được với khán giả. Sự phong phú, đa dạng của các MV cho thấy sức sáng tạo dồi dào của các ca sĩ. Đặc biệt, trong số những MV ra đời như nấm sau mưa ấy, việc tìm về với văn hóa truyền thống đang trở thành một xu hướng đáng được cổ vũ.

Sau khi “oanh tạc” các giải thưởng cũng như đời sống âm nhạc bằng các MV như "Bánh trôi nước", "Để Mị nói cho mà nghe", "Tứ phủ”..., mới đây, ca sĩ Hoàng Thùy Linh tiếp tục khai thác chất liệu văn hóa dân gian trong MV mới có tên "Kẻ cắp gặp bà già".

MV do Kawaii Tuấn Anh đạo diễn ngoài việc tái hiện 5 họa phẩm nổi tiếng của làng tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống còn mô phỏng ván cờ gánh, một trò chơi dân gian xuất phát từ miền Trung. Không chỉ có vậy, những bộ trang phục trong MV có nhiều điểm giống trang phục thời Lê sơ. MV vừa ra mắt đã cán mốc hơn 10 triệu lượt xem.

Có thể nói, Hoàng Thùy Linh là một trong những ca sĩ dẫn đầu trong xu hướng tìm về với những nét văn hóa truyền thống của dân tộc khi làm MV. Các MV trước đây của cô như "Tứ phủ", "Duyên âm"đều thấm đẫm chất dân gian. Chẳng hạn, MV "Tứ phủ" miêu tả Thoải cung với hình ảnh Cô Bơ vốn rất gần gũi trong đạo Mẫu. MV "Duyên âm" lại tái hiện một số trò chơi dân gian như "Bịt mắt đập niêu" hay "Kéo co". Trước đó, "Bánh trôi nước" là sự kết hợp giữa hình ảnh đậm chất Á Đông, vừa truyền thống, vừa hiện đại xen cảnh sắc Việt Nam tươi đẹp.

Ca sĩ Bích Phương hóa thân thành cô gái vùng cao Tây Bắc trong MV "Nói thương nhau thì đừng làm trái tim em đau".

Bích Phương cũng là một ca sĩ luôn cho khán giả thấy sự trau chuốt trong các MV của mình thông qua những cảnh quay đẹp, được đầu tư kỹ lưỡng. Chính vì thế, các sản phẩm của cô luôn được giới trẻ đón nhận nồng nhiệt. Mỗi lần ra mắt đều mang đến sự mới lạ nên chất liệu văn hóa dân gian cũng là xu hướng mà cô tập trung khai thác thời gian gần đây.

Dự án "Việt Nam Việt Nam" gồm 3 ca khúc mang âm hưởng nhạc dân tộc là ví dụ điển hình. Trong đó "Nói thương nhau thì đừng làm trái tim em đau" là MV mà ở đó, Bích Phương hóa thân thành một cô gái Tây Bắc trong trang phục truyền thống, với những hình ảnh đặc trưng vùng cao như bếp củi, ngô treo gác bếp...

"Bùa yêu" - một MV khác của Bích Phương cũng mang yếu tố văn hóa dân gian. Nhiều trò chơi dân gian của trẻ em được tái hiện. Hình ảnh trầu têm cánh phượng xuất hiện trong MV như một điểm nhấn của văn hóa truyền thống. Khán giả rất thích thú với hình ảnh có sự hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại ở trang phục, cách trang điểm... Bích Phương là ca sĩ đầu tư rất lớn cho trang phục. MV như một bộ sưu tập áo dài nhỏ của cô trong đó có những chiếc áo dài truyền thống pha trộn với những chiếc áo cách điệu ấn tượng khiến MV sinh động mà vẫn toát lên được hồn Việt.

Một nghệ sĩ trẻ gần đây nhận được nhiều yêu mến từ khán giả là Chi Pu. Dù không có lợi thế về giọng hát nhưng cô ca sĩ bé nhỏ này rất chịu khó tìm tòi, đầu tư cho các sản phẩm âm nhạc của mình. MV "Anh ơi ở lại" được đánh giá là sản phẩm thành công nhất của cô khi bước chân vào con đường ca hát.

MV xây dựng theo truyện cổ tích Tấm Cám với góc nhìn mới. Trong đó Chi Pu hóa thân thành nhân vật Cám. Dù Cám vẫn độc ác, tham lam như tích cổ nhưng trong MV này khán giả còn thấy nhân vật này đáng thương với tình yêu đơn phương của mình. "Anh ơi ở lại" nhận được nhiều lời khen ngợi về trang phục và bối cảnh. MV cũng đạt được tới con số 80 triệu lượt view.

Không chỉ có Hoàng Thùy Linh, Bích Phương hay Chi Pu, nhiều ca sĩ khác cũng chọn hướng đưa văn hóa dân gian vào sản phẩm âm nhạc của mình, tạo nên làn gió mới cho nhạc trẻ Việt Nam thời gian gần đây và nhận được sự ủng hộ của đông đảo khán giả. Trung tuần tháng 2 vừa qua, Phan Mạnh Quỳnh cũng đã khiến người hâm mộ bất ngờ khi cho ra mắt MV "Chưa có người yêu" theo một phong cách hoàn toàn khác từ trước đến nay.

"Chưa có người yêu" là một sáng tác có giai điệu vui nhộn, sôi nổi và đầy màu sắc trẻ trung. Điều đáng nói là MV xây dựng kịch bản dựa trên truyện cổ Tấm Cám, giữ lại những tình tiết then chốt nhưng vẫn có những góc nhìn mới. Những nhân vật vốn được coi là phản diện trong tích cũ đều tìm được hạnh phúc của riêng mình. Đặc biệt, việc các nhân vật trong truyện cổ nhưng đều thành thạo công nghệ, sử dụng điện thoại, laptop... trở thành những chi tiết vui nhộn, thú vị của MV. Hình ảnh Phan Mạnh Quỳnh ở MV này cũng thay đổi sang tạo hình cổ trang.

Tiếp nữa, MV "Sao em nỡ" của Jaykii được thực hiện theo phong cách cổ trang liêu trai, lấy cảm hứng từ "Truyện Kiều" của Đại thi hào Nguyễn Du. MV có nội dung gợi nhớ những trích đoạn trong tác phẩm như Kiều gặp Kim Trọng, Kiều bán mình chuộc cha, Kim Trọng tìm Kiều... MV nhận được nhiều lời khen của khán giả vì hình ảnh đẹp mắt, mang đậm hơi thở Việt.

Ca sĩ Đức Phúc cũng vừa quay trở lại thị trường âm nhạc bằng MV ấn tượng "Hết thương cạn nhớ". MV lấy cảm hứng từ cốt truyện Chí Phèo, được Đức Phúc tái hiện qua câu chuyện mới lạ, lãng mạn. Chỉ sau 2 ngày lên sóng, MV nhanh chóng thu hút người xem và cán mốc 5 triệu lượt view. Trang phục của nhân vật trong MV nhận được nhiều phản hồi tích cực của khán giả vì sự thuần Việt. Nhiều cảnh đẹp của làng cổ phía Bắc đã xuất hiện trong MV.

Ca sĩ Chi Pu vào vai Cám trong MV "Anh ơi ở lại".

"Nữ hoàng ma mị" Bùi Lan Hương cũng góp vào xu hướng này bằng MV "Mặt trăng" lấy cảm hứng từ truyền thuyết "Mỵ Châu - Trọng Thủy". Ca sĩ Tân Nhàn cũng về với văn hóa cổ bằng MV "Cô đôi Thượng Ngàn", Thu Hằng với MV "Nhà em ở lưng đồi"...

Âm nhạc là lĩnh vực luôn có sự sáng tạo, thay đổi không ngừng. Việc tìm tòi và sử dụng những chất liệu dân gian vào các MV ca nhạc đang trở thành những cách tân hợp lý trong bối cảnh thị trường âm nhạc đầy ắp âm nhạc Âu Mỹ, Kpop... Theo thống kê, tại bảng xếp hạng Zingchat thời gian qua, không tuần nào là không có những ca khúc mang âm hưởng truyền thống. Thậm chí một số ca khúc ở vị trí top 10 như "Phụ duyên" (X2X), "Thê tử" (Minh Vương M4U, Hương Ly)...

Xu hướng này có manh nha cách đây 5 năm, khi một vài MV mang đậm sắc màu văn hóa dân tộc bắt đầu được thực hiện. Thời điểm đó, khi Quán quân Sao Mai 2011 Đoàn Thúy Trang đã từng khiến khán giả nhún nhẩy theo từng giai điệu trong MV "Tình yêu màu nắng". Trong MV, nữ ca sĩ hóa thân thành cô gái Tây Bắc xinh đẹp, hồn nhiên, trong trẻo.

Đặc biệt, phần âm nhạc được hòa âm khéo léo giữa những nhạc cụ truyền thống như đàn nguyệt kết hợp với tiết tấu RnB trên nền nhạc điện tử. Tiếp sau đó, "Bống bống bang bang" của nhóm 365band từ một ca khúc trong phim đã trở thành "hiện tượng" trong đời sống. Không khó để nhận ra công thức vàng trong các MV triệu view của các ca sĩ trẻ chính là yếu tố hiện đại kết hợp với yếu tố dân gian.

Có thể nói, Vpop đang có một bước chuyển mình đáng kể khi các nghệ sĩ quay trở lại khai thác những giá trị văn hóa truyền thống và có được những thành tích bước đầu. Với bất kỳ nền âm nhạc nào, chất liệu dân gian luôn giữ một vai trò quan trọng. Tuy nhiên, đã từng có thời điểm, vì mải chạy theo những yếu tố thời thượng mà chất liệu dân gian chưa có được vị trí xứng tầm.

Thời gian gần đây, nhiều nghệ sĩ trẻ đã rất nỗ lực trong việc khơi đúng mạch dân gian bằng một tinh thần trẻ trung, hiện đại. Mặc dù đôi khi, yếu tố văn hóa truyền thống trong một vài MV còn chưa được phản ánh một cách chính xác khiến khán giả tranh cãi. Nhưng với những gì mà các nghệ sĩ trẻ làm được, không chỉ cho thấy một hướng đi thông minh mà còn là thái độ trân trọng giá trị văn hóa truyền thống của những người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc.

Khánh Thảo
.
.