Chuyển thể MV ca nhạc sang phim điện ảnh: Không dễ hái trái ngọt

Thứ Sáu, 23/08/2019, 08:03
Sau "Em gái mưa", đến lượt MV đình đám "Người lạ ơi" được chuyển thể thành phim điện ảnh. Đây là hiện tượng mới mẻ, thu hút sự quan tâm, tò mò của công chúng. Song từ tiền lệ của "Em gái mưa", mới thấy rằng, không phải cứ chuyển thể MV nổi tiếng sang phim điện ảnh là "hốt bạc".


Bộ phim "Người lạ ơi" dự kiến ra rạp vào ngày 13-9. Thủ vai nam chính là chàng ca sĩ, rapper Karik - vốn là nhân vật chính trong MV "Người lạ ơi" gây sốt trong làng nhạc trước đó. Nếu trong MV, anh hát cặp với nữ ca sĩ Orange thì ở phiên bản điện ảnh, anh kết hợp với diễn viên Thùy Anh.

Ra mắt đầu năm 2018, MV "Người lạ ơi" khiến giới trẻ phát cuồng bởi ca từ và hình ảnh chất lừ. Những câu hát như "Người lạ ơi ! Xin cho tôi mượn bờ vai/ Tựa đầu gục ngã vì mỏi mệt quá/ Người lạ ơi! Xin cho tôi mượn nụ hôn/ Mượn rồi tôi trả, đừng vội vàng quá…" trở thành câu cửa miệng được lan truyền rộng rãi trong cộng đồng mạng.

Ca sĩ, rapper Karik thủ vai nam chính trong bộ phim điện ảnh chuyển thể từ MV "Người lạ ơi".  

Dù MV không có cốt chuyện rõ ràng mà chỉ phác họa hình ảnh một chàng trai, một cô gái lang thang trên núi đồi Đà Lạt lạnh giá, lạc loài không biết đi đâu về đâu… cũng khiến công chúng thấm thía cảm giác cô đơn, mơ hồ và niềm khao khát yêu thương của nhân vật chính. Đến nay, MV đã gần chạm đến con số kỷ lục 200 triệu view.

Từ sức cuốn hút và ý tứ bỏ ngỏ của MV, đạo diễn Trương Chí Bình phát triển  thành câu chuyện "Người lạ ơi" đầy kịch tính, lớp lang trong phiên bản phim dài hơn 90 phút. Phim thuộc thể loại tình cảm pha hài. Karik vào vai một anh chàng DJ tên Thăng có đời sống phóng túng.

Dù được nhiều cô gái đẹp vây quanh nhưng Thăng lại không hề xao lòng vì anh không tin vào tình yêu. Trái tim băng giá của Thăng đến một ngày cũng tan chảy vì một cô gái xa lạ (Thùy Anh thủ vai). Tác phẩm còn quy tụ nhiều diễn viên tên tuổi như Trương Thế Vinh, Mỹ Duyên, Trịnh Thảo… 

Khác với "Em gái mưa", ekip bộ phim "Người lạ ơi" lại ém "hàng" rất kỹ. Đến sát thời điểm công chiếu họ mới tung trailer và poster. Điều này khiến công chúng vô cùng bất ngờ và hào hứng. Đặc biệt, qua đoạn trailer hé lộ nhiều chi tiết kịch tính, những ai vốn là fan hâm mộ của MV "Người lạ ơi" kỳ vọng phiên bản điện ảnh cùng tên sẽ làm nên chuyện.

Tuy nhiên, nhìn lại bước tiên phong trong việc chuyển thể MV ca nhạc thành phim điện ảnh của ekip phim "Em gái mưa" năm 2018, nhiều người vẫn nghi ngại về sự thành công của "Người lạ ơi". So về độ phủ sóng, MV "Em gái mưa" không hề thua kém.

Nếu "Người lạ ơi" là ca khúc mang màu sắc hip hop pha RnB khuấy đảo năm 2018 thì "Em gái mưa" do Hương Tràm thể hiện lại đậm đặc chất pop - ballad và luôn trong top thịnh hành năm 2017. MV "Em gái mưa" có cốt chuyện rõ ràng và không khác gì bộ phim ngắn về tuổi thanh xuân.

Nội dung MV xoay quanh rung động đầu đời của một nữ sinh phổ thông với thầy giáo thực tập điển trai. Cô nhầm tưởng những cử chỉ chăm sóc của thầy là tình yêu. Như lời bài hát, dù trải qua nhiều kỷ niệm đẹp nhưng thầy giáo vẫn chỉ xem cô học trò như em gái. Cuối cùng cô bé đành chôn chặt mối tình đơn phương khi vô tình nhận ra thầy giáo đã có người yêu.

Câu chuyện đơn giản nhưng lại hớp hồn khán giả bởi nội dung trong trẻo rất hợp chất nhạc của nhạc sĩ Mr Siro, cộng với điểm sáng là hai diễn viên chính đóng quá đạt, có ngoại hình ưa nhìn. Giọng hát Hương Tràm da diết càng giúp MV của đạo diễn Kawaii Tuấn Anh thấm đẫm cảm xúc. Ngay sau đó, Huỳnh Lập bắt tay làm phiên bản parody (phiên bản nhại lại hài hước) "Em gái mưa" và cũng hút lượt xem đáng nể.

Chính thành công liên tiếp này khiến đạo diễn Kawaii Tuấn Anh nghiêm túc lên kế hoạch thực hiện phiên bản điện ảnh "Em gái mưa". Anh cố gắng thêm nhiều tình tiết éo le để bộ phim ra tấm ra món. Tham vọng biến MV dài gần 10 phút thành bộ phim hơn 100 phút của anh thành hiện thực. Nhưng sức nóng của MV chỉ đủ hà hơi tiếp sức cho bộ phim lúc mới khởi đầu. Bởi dù giữ nguyên nam chính Mai Tài Phến và bổ sung thêm dàn diễn viên thực lực như Việt Hương, Phương Anh Đào, Thùy Linh…, dù giữ nguyên bối cảnh học đường trẻ trung, khung hình lãng mạn đã làm nên thành công cho MV nhưng phiên bản điện ảnh vẫn vô cùng nhạt nhòa.

Vốn liếng của Kawaii Tuấn Anh có lẽ chỉ hợp với MV chứ không đủ sức kham nổi một bộ phim nặng ký. Chính anh thừa nhận: "Tôi có nhiều áp lực khi chuyển thể bộ phim này. Từ một MV ca nhạc với chất liệu đơn giản phải triển khai ra một bộ phim với những điều mới mẻ, sâu sắc hơn không phải dễ".

Sự non tay của ekip đã khiến phim "Em gái mưa" không khác gì một MV kéo dài: nhàm chán và lê thê với nội dung kịch bản hời hợt, câu chuyện không đủ sức nặng. Ai cũng hiểu đạo diễn muốn thêm mắm  dặm muối bằng cách khiến câu chuyện phức tạp hơn, lắt léo hơn nhưng cách làm này xem ra phản tác dụng và khiên cưỡng. Trọng tâm chính là tình cảm thầy trò thì lại không tạo được xung đột. Người ta không hiểu vì lý do gì mà thầy giáo Vũ (Mai Tài Phến đóng) lại cứ ỡm ờ với tình cảm của cô học trò Vy (Thùy Linh đóng) và cô bạn thân (Phương Anh Đào).

Sự non tay của đạo diễn Kawaii Tuấn Anh khiến phim điện ảnh "Em gái mưa" thất bại so với bản MV.

Các tình tiết không được giải quyết rốt ráo, chẳng đâu đến đâu cộng với màu phim nhạt nhòa khiến người xem mệt mỏi. Có vẻ ekip chỉ dựa hoàn toàn vào cốt chuyện đơn giản của MV để viết kịch bản trong khi phim điện ảnh đòi hỏi nhiều kịch tính và độ dày dặn cảm xúc. Dàn diễn viên không có nhiều đất để trưng trổ tài năng khi kịch bản quá mỏng.

Cuối cùng, đạo diễn đã ngôn tình hóa cái kết đến mức phi lý, nực cười. Tất cả tạo cảm giác cả ekip chỉ cố ăn theo sức nóng MV. Chính việc vội vàng chạy theo xu hướng mà thiếu đầu tư, chăm chút (thời gian công bố và hoàn tất bộ phim vỏn vẹn hơn nửa năm) khiến tác phẩm nhanh chóng "ngã ngựa".

Có thế thấy, chuyển thể MV ca nhạc nổi tiếng thành phim điện ảnh là xu hướng mới mẻ thu hút sự chú ý của công chúng. Bởi trước nay, việc chuyển thể tác phẩm văn học, kịch nói, cải lương… thành phim đã quá quen thuộc trong khi việc chuyển thể MV sang phim điện ảnh rất hiếm.

Dù thất bại nhưng "Em gái mưa" đã góp phần khơi dậy xu hướng được đánh giá là thức thời và khá triển vọng này. Từ khi MV trở thành một hạng mục quan trọng trong các giải thưởng âm nhạc, số lượng MV được đầu tư bài bản tăng lên càng nhiều. Đây là kho tài nguyên phong phú để các đạo diễn tha hồ khai thác. Cái lợi trước mắt ai cũng dễ dàng nhận thấy là sức cuốn hút của MV sẽ giúp bộ phim gây chú ý ban đầu. Phim dễ dàng tận dụng được lượng fan hâm mộ hùng hậu của MV. Nhà sản xuất ít nhiều cũng đo được thị hiếu khán giả để mạnh dạn đổ tiền.

Tuy nhiên, chính điều này cũng gây áp lực cho ekip. Thành công của MV khiến họ phải nỗ lực hơn để bộ phim trở thành một tác phẩm độc lập, có sức hút riêng mà không bị dán mác ăn theo. Thêm một điều nữa mà nhiều người không lường trước, đó là MV phát hành trên mạng còn phim lại phát hành ở rạp chiếu.

Một bên, khán giả được xem miễn phí, một bên lại phải mất tiền vé. Lượt view MV cao không có nghĩa là sẽ có nhiều người chịu lặn lội đến rạp mua vé xem phim. Vậy nên, dù có bám theo xu hướng nào đi chăng nữa, dù phiên bản MV có nổi đình nổi đám thế nào đi chăng nữa thì có một điều luôn luôn bất biến: khán giả chỉ xem phim hay.

Đã qua rồi cái thời chỉ cần phim sở hữu ngôi sao hoặc đề cập đến vấn đề gây sốc, giật gân, giở chiêu PR là khán giả ùn ùn tới rạp. Theo nhận định của nhà phê bình điện ảnh Trần Luân Kim, thị hiếu khán giả giờ đây nâng lên đáng kể. Những phim ăn khách đều là các phim được làm chỉn chu, nội dung thuyết phục, cuốn hút. Phim dở, nhảm đều bị đào thải.

Nếu MV là cuộc chơi của một cái ao thì phim điện ảnh lại là chuyến ra biển lớn. Mang tư duy làm MV để làm phim thì nhà sản xuất cầm chắc thất bại. Nhiều người hy vọng từ bài học xương máu của "Em gái mưa", ekip "Người lạ ơi" sẽ cho ra đời bộ phim đáng để khán giả xếp hàng mua vé.

Phan Thi Uyên
.
.