Khi tên ca khúc cũng là “phương tiện” để câu like

Thứ Ba, 13/11/2018, 08:20
Rất nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh tên ca khúc “Như lời đồn” (sáng tác Khắc Hưng, trình diễn Bảo Anh). Có nhạc sĩ trẻ còn cho rằng, nếu có thẩm quyền sẽ cấm phát hành “Như lời đồn”. Tuy nhiên, không ít nghệ sĩ lại có quan điểm hoàn toàn khác. Theo đó, nghệ sĩ được tự do sáng tạo và không nên suy diễn “Như lời đồn” theo bất cứ hướng nào.


Vì sao phải lấy tiêu đề bài hát gây tranh cãi?

Những ai đã xem MV “Như lời đồn” của ca sĩ Bảo Anh đều phải thừa nhận rằng, đó là một MV “xem được”. Lời ca khúc không có gì đặc sắc nhưng giai điệu ca khúc vui nhộn, bắt tai, hình ảnh trong MV đẹp, chau chuốt. Ca từ trong ca khúc cũng không có gì là bậy bạ hay thô tục nhưng rõ ràng cái tên “Như lời đồn” là “có vấn đề”. Hiện nay, MV “Như lời đồn” cũng đã thu hút hơn 10 triệu lượt người xem trên Youtube.

Với những người lớn tuổi, “Như lời đồn”, hiểu theo nghĩa đen của từ thì “hoàn toàn bình thường”, nhưng với cư dân mạng thì đây là cách nói lái, một câu chửi thề rất thô tục. Câu hỏi đặt ra là, người sáng tác, biểu diễn ca khúc có biết điều này hay không. Là những người trẻ, chắc chắn Khắc Hưng, Bảo Anh biết rất rõ điều này.

Chính ca sĩ Bảo Anh, ngay sau khi phát hành ca khúc cũng nhắn nhủ “Đề nghị các bạn trẻ ngưng đọc lái tên bài hát dưới mọi hình thức”. Trước đó, ca khúc “Như cái lò” của Khắc Hưng cũng bị chỉ trích nặng nề. Nhiều người cho rằng, “Như cái lò” là bước thụt lùi của Khắc Hưng, người vốn được mệnh danh là “hit maker” của làng nhạc Việt.

Ca khúc “Như cái lò” của Khắc Hưng ra mắt hồi tháng 8/2017 cũng từng gây nên những luồng dư luận trái chiều.

Người lên tiếng chỉ trích sáng tác của Khắc Hưng cũng nhiều nhưng cũng có người lên tiếng bảo vệ anh. Theo đó, những tựa đề ca khúc “Như lời đồn”, “Như cái lò” rất bình thường. Nghệ sĩ tự do sáng tạo và người nghe không thích thì không nghe.

Sáng tạo là quyền của nghệ sĩ và cần phải được tôn trọng. Không nên đổ hết lỗi cho nghệ sĩ bởi những cụm từ nhạy cảm đó bắt nguồn từ cách nói chuyện, giao tiếp của giới trẻ, xuất hiện đầy rẫy trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, một, hai tiêu đề ca khúc chưa thể đánh giá hết bản chất, tài năng của người sáng tác.

Trước những ồn ào, Khắc Hưng viết trên trang cá nhân rằng “Tôi không nghĩ việc được nhiều người bấm like (thích) cho một điều gì đó là mình có quyền đúng, và mình sẽ tiếp tục luôn đúng, chừng nào lượt like vẫn nhiều như thế. Hãy tránh khẳng định và nên xây dựng thói quen nhìn vào nhiều mặt của một vấn đề hơn. Tôi nghĩ trên đời này, không có gì tuyệt đối đúng hay tuyệt đối sai cả”.

Khắc Hưng cũng nói thêm rằng, có thể ở Việt Nam, mọi người đối với những ca khúc giải trí còn khắt khe. Một bài hát giải trí thì nó phải thực sự mang tính giải trí và để mọi người không phải suy nghĩ về ca từ. Giá trị nghệ thuật không phụ thuộc vào ca từ mà nó thể hiện ở nhiều yếu tố như giai điệu, hậu kỳ, phối khí…

Đồng tình với việc những ca khúc giải trí không quá chú trọng đến phần lời nhưng tại sao phải lấy tên ca khúc khi mà nghệ sĩ biết rõ ràng rằng, cái tên đó có thể bị hiểu sai với hàm ý thô tục?. Rất khó để biện minh rằng, đó chỉ là sự “trùng hợp ngẫu nhiên” khi trong ca khúc cụm từ “như lời đồn” xuất hiện nhiều lần. Tôi cho rằng, với lời ca khúc, Khắc Hưng hoàn toàn có thế lấy một tiêu đề khác mà vẫn có thể lôi cuốn khán giả vì giai điệu ca khúc rất bắt tai. “Như lời đồn” sẽ gây ồn ào trong dư luận, khiến khán giả tò mò, thích thú mà tìm nghe ca khúc. Có lẽ, đây mới là mục đích của nhạc sĩ chăng?

Đừng chạy theo trào lưu

“Như lời đồn”, “Như cái lò” không phải là những ca khúc đầu tiên gây tranh cãi về tiêu đề. “Nắng cực” (sáng tác Phạm Toàn Thắng), “Xếp hình” (sáng tác Tăng Nhật Tuệ), “Thu dẩm” (sáng tác rapper LK)… cũng từng gây nên những luồng dư luận trái chiều khi xuất hiện. Sẽ rất oan cho các nhạc sĩ khi nói rằng, cái tên ca khúc không ăn nhập gì với nội dung bởi xét ở góc độ nào đó nó đã phản ánh nội dung ca khúc, chỉ có điều cái tên đó có nghĩa xấu nếu bị suy diễn theo ngôn ngữ mạng.

Bảo Anh trong MV ca khúc gây tranh cãi “Như lời đồn” phát hành hồi trung tuần tháng 10 vừa qua.

Nội dung của ca khúc “Nắng cực” đề cập đến thời tiết nắng nóng và “nắng cực” là cách nói rất dân dã. Tuy nhiên, với cư dân mạng “nắng cực” lại có nghĩa hoàn toàn khác. Tên ca khúc “Xếp hình” và những ca từ trong ca khúc dễ khiến người nghe liên tưởng đến hình ảnh nhạy cảm.

Trong ca khúc này, có những câu như:  “Xếp thành ngôi sao, ai chơi nào/ Người đứng cuối, anh đi đầu, rồi đằng sau xếp nên đoàn tàu/ Người nằm xuống, đứa ngoi lên/ Người đứng cho anh ngồi/ Thì đêm nay xếp ra hình gì” hay “Em nói hôm nay em muốn chơi game… yeah, okey baby, lets it go/Anh xếp cái đỉnh trên cao còn em bên dưới thành tháp Tokyo/ Xếp lẹ tay lẹ chân vô… cẩn thận cho chắc không khéo nó lại đổ/ Chỗ nào còn thiếu thì em cứ thêm vô một khi đã xếp là không có chừa…”.

Cái tên “Thu dẩm” gây tranh cãi nhưng ca từ ca khúc thì “bất ngờ” vì nội dung cực kỳ “lãng xẹt”. Đại loại như thế này: “Cô ta tên là Thu/Cô ta hơi đơ đơ đờ/ Đêm đêm cô ta thường mơ/ Quần áo nhăn nhúm mái tóc bơ phờ/ Cô ta thầm nghĩ đến tôi/ Thường vào facebook tôi/ In tấm hình để dưới gối”, rồi “Cô ta mắc bệnh dẩm tên Thu/ Săn lùng tôi ở trên mọi góc hình/ Đêm đến cô ta mới là chính mình/ Cô ta bị dẩm và tên Thu/ Hay nổi điên mỗi khi thấy nóng nực/ Khi nhìn tôi cô ta hay tức ngực/ Tôi phải làm sao bây giờ”.

Sáng tác ca khúc theo trào lưu là cách mà nhiều nghệ sĩ trẻ khai thác. Những xu hướng, câu nói trên mạng xã hội được đưa vào ca khúc để thu hút khán giả trẻ. Cùng với đó, tiêu đề ca khúc sử dụng “mốt” chơi chữ, nói lái đang được sử dụng một cách có mục đích. Và mục đích đó không gì khác là để gây sự chú ý. Điều này lý giải tại sao bài hát không hay nhưng số lượng người xem, người nghe vẫn không ngừng tăng lên.

“Người khôn, của khó”, thị trường âm nhạc bão hòa và việc thu hút khán giả ngày càng trở nên khó khăn. Một ca khúc hay về ca từ, được đầu tư bài bản, chau chuốt về hình ảnh lại rất chật vật tìm chỗ đứng. Trong khi đó, một ca khúc nhảm, nhạt lại “sống khỏe” trên thị trường nhạc số. Các nghệ sĩ cũng “đau đầu” tìm cách thể hiện mới lạ để gây chú ý cho sản phẩm. Suy cho cùng, cách đặt tên ca khúc gây tranh cãi cũng là một chiêu gây sự chú ý mà thôi.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ rằng, anh đánh giá thấp những người mang trên vai tấm áo nghệ sĩ mà muốn thể hiện cái “ngông”, cái “thô”, cái “tục” trong những tác phẩm của mình. Là nghệ sĩ đúng nghĩa, nên định hướng khán giả chứ đừng hùa theo khán giả. Một số nhạc sĩ khác cho rằng, bài hát là sản phẩm văn hóa - nghệ thuật. Trong đó, tựa đề bài hát rất quan trọng, bởi nó thể hiện được diện mạo, tinh thần của tác phẩm. Chính vì vậy, việc đặt những tiêu đề bài hát gây hiểu nhầm là không nên.

Dẫu biết rằng, sáng tạo là quyền tự do của mỗi nghệ sĩ tuy nhiên, nghệ sĩ còn có sứ mệnh cao cả là làm đẹp cuộc sống, hướng con người đến những giá trị chân - thiện - mỹ. Sáng tạo cần hướng đến cộng đồng, lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng. Nếu nói rằng, sáng tạo là việc của nghệ sĩ còn nghe hay không là quyền khán giả thì điều đó có nghĩa rằng, người nghệ sĩ đã chối bỏ trách nhiệm cao cả với cộng đồng. Tất nhiên, theo quy luật, những ca khúc thiếu văn minh, sớm muộn sẽ bị đào thải.

Sáng tác ca khúc hay thể hiện sự lao động nghệ thuật nghiêm túc, trách nhiệm của người nghệ sĩ. Tôn trọng khán giả cũng chính là tôn trọng chính mình. Nghệ sĩ không nên là người chạy theo trào lưu, chiều theo thị hiếu khán giả mà phải là những người tạo ra trào lưu, định hướng khán giả. Đó mới là hướng đi đúng đắn của những người nghệ sĩ chân chính.

Phạm Thiên Giang
.
.