Chân dài trình diễn chiêu trò trong game show
- Giám khảo “diễn sâu” cũng không cứu được gameshow tụt dốc
- Phi scandal bất thành game show?
- Rộ mốt "sao" lên gameshow kể lể đời tư
- Thị phi và gameshow truyền hình: Ai vin vào ai?
Chương trình "Vietnam's Next Top Model All Stars 2017" phát sóng trên VTV3 đêm 15-7 vừa qua đã phô bày sự kệch cỡm khó chấp nhận. Đó là chuyện các thí sinh Thùy Dương, Cao Thiên Trang và Kikki Lê không chịu dọn đồ để trả phòng cho thí sinh Nguyễn Hợp.
Diễn biến tiếp theo, thí sinh Nguyễn Hợp đã ném tư trang của các thí sinh kia ra khỏi phòng. Rồi thí sinh Thùy Dương đáp trả bằng cách ném đồ vào mặt Nguyễn Hợp, còn Thiên Trang và Kikki Lê hất nước vào mặt Nguyễn Hợp. Tất cả những hình ảnh lố bịch ấy đều được đưa lên truyền hình như một cách tạo ấn tượng để thu hút sự quan tâm của công chúng cả nước.
Mâu thuẫn của các chân dài là có thật, hay diễn… kịch? Hầu hết thí sinh tham gia và những người tổ chức đều khẳng định không hề dàn dựng. Cựu siêu mẫu Võ Hoàng Yến - một trong ba nhân vật cầm cân nảy mực của chương trình "Vietnam's Next Top Model All Stars 2017" chia sẻ: "Chúng tôi không có mặt ở ngôi nhà chung cùng các thí sinh nên không nắm rõ các câu chuyện xảy ra tại đây. Chắc chắn giữa các cô gái có lý do nào đó để dẫn đến hành động hất nước, đụng tay, đụng chân. Tôi nghĩ các em cần tự chấn chỉnh và tiết chế bản thân hơn".
Ngược lại, bà Trang Lê - Giám đốc sản xuất "Vietnam's Net Top Model All Stars 2017" thổ lộ: "Những gì khán giả nhìn thấy trên truyền hình đều là chuyện có thật. Các thí sinh không phải diễn viên nên cảm xúc, phản ứng của họ là hoàn toàn tự nhiên". Như vậy còn đáng ái ngại hơn. Bởi lẽ, không biên tập những đoạn trên thì khác gì cổ vũ cho những thái độ ứng xử thiếu văn hóa. Trình độ của giới người mẫu luôn được mặc định có giới hạn. Tuy nhiên, không thể biện minh "chân dài óc ngắn" mà phô bày tất cả những lố lăng của họ lên chương trình tương tác của đài truyền hình quốc gia.
Năm ngoái, khi tham gia Asia's Next Top Model 2016, thí sinh Minh Tú từng gây sốc trên truyền hình vì gọi đối thủ người Indonesia là "đồ khốn". Bây giờ, ở sân chơi "Vietnam's Next Top Model All Stars 2017" lại tái diễn câu chuyện thí sinh tranh chấp với nhau như hàng tôm, hàng cá. Thú vị gì những cảnh ấy, hấp dẫn gì những cảnh ấy, thông điệp gì những cảnh ấy?
Cựu người mẫu Xuân Lan đã từng làm giám khảo cho nhiều cuộc thi tuyển lựa chân dài trên truyền hình, bày tỏ quan điểm: "Các người mẫu nên tập trung vào tính chuyên môn thay vì để khán giả nhìn vào mình mà lắc đầu ngán ngẩm hoặc nhớ mặt chỉ vì tính khí đanh đá, hung dữ". Còn ca sĩ Cao Thái Sơn bình luận: "Đẳng cấp một ngôi sao không thể hiện qua thái độ sang chảnh mà là thể hiện qua thái độ chuyên nghiệp tài năng, phong cách một ngôi sao!
Chương trình "The Face - Gương mặt thương hiệu 2017". |
Một vị trí ngôi sao hàng đầu thì không bao giờ thể hiện sự ghê gớm hay ném đồ của mình ra với đồng nghiệp! Các em mới chỉ bước vào nghề thôi, hãy thể hiện thần thái và tài năng catwalk chụp hình đẹp! Đây là Việt Nam chứ không phải Mỹ. Đừng biến mình thành những con rối".
Bên cạnh "Vietnam's Next Top Model All Stars 2017", trên sóng VTV3 cũng đang có chương trình tương tự là "The Face- Gương mặt thương hiệu" với những màn hai huấn luyện viên Lan Khuê và Minh Tú đấu "võ mồm" ầm ĩ. Nhiều khi xem các game show có sự góp mặt của giới chân dài, khán giả không hiểu mục đích cuối cùng của những nhà tổ chức là gì? Phơi bày một lối sống phô trương và nhăng nhố ư? Hay là, khuyến khích giới trẻ lao theo những xu hướng hào nhoáng rẻ rúng mà không cần chú trọng bồi dưỡng nhân cách?
Game show trên truyền hình đang bát nháo thực sự, các sân chơi ca hát nhảy múa đã không ổn, mà các sân chơi son phấn tạo dáng càng không ổn hơn! Những người trong giới nghệ sĩ tự tin so sánh một chương trình tương tác cũng giống như một bộ phim truyền hình nhiều tập, muốn giữ chân khán giả thì tập nào cũng phải có điểm nhấn ấn tượng. Thậm chí, họ còn khẳng định game show phải cần nhiều vai phản diện hơn cả phim truyền hình. Vai phản diện càng nanh độc càng cay nghiệt thì càng thu hút khán giả. Cứ tạm chấp nhận như vậy, thử hỏi ngược lại, có phải game show nào không có vai phản diện thì sẽ nhạt nhẽo và vô vị không? Và vai phản diện có phải được nhận thù lao gấp đôi, gấp ba không?
Diễn viên Gia Bảo - cháu nội của danh hài Bảo Quốc gần đây tham gia rất nhiều game show chia sẻ về những thỏa thuận trình diễn trên truyền hình: "Nếu nói một cách bi quan thì đúng là tất cả đang lợi dụng nhau. Nhà sản xuất chỉ mời những nghệ sĩ có sức hút, thí sinh có tài năng.
Ngược lại, họ phải nhận mức cát-xê đúng giá trị, công sức bỏ ra mới đồng ý tham gia game show. Nói một cách khách quan thì phải nắm tay nhau cùng sống, có tài mà không có đất dụng võ thì làm gì? Các sân khấu gần như tắt đèn, phim truyền hình ít hơn trước, phim điện ảnh thì tên tuổi lớn mới có vai diễn, không tham gia game show thì làm gì?
Theo tôi biết, đa số những nghệ sĩ không tham gia game show thường có cuộc sống đầy đủ với mức thu nhập ổn định từ công việc khác. Tất cả là do cá tính của người nghệ sĩ. Khi tham gia các game show, chưa có một nhà sản xuất nào bắt tôi phải "thỏa thuận" điều gì hết. Nếu rơi vào trường hợp đó tôi cũng không bao giờ đồng ý... Tôi luôn nghĩ nếu không gặp nhà sản xuất hợp giơ thì làm việc với nhà sản xuất khác, chỉ cần mình có tài thì không bao giờ sợ đói!".
Đặt trong bối cảnh chung của game show, "Vietnam's Next Top Model All Stars 2017" và "The Face- Gương mặt thương hiệu" hiện đang là hai chương trình có giá quảng cáo khá cao. Một quảng cáo 30 giây muốn xuất hiện trong hai chương trình này phải trả từ 200 triệu đến 300 triệu đồng. Có phải để duy trình độ "nóng" của sân chơi, mà ban tổ chức sốt ruột cho giám khảo và thí sinh trổ hết khả năng gây sốc trước ống kính chăng?
Ở game show "Người mẫu Việt Nam - Vietnam's Next Top Model" năm ngoái, siêu mẫu Thanh Hằng được mời làm giám khảo chính, đã có những chiêu trò cực kỳ phản cảm. Nhân danh khơi dậy cá tính trong các thí sinh, siêu mẫu Thanh Hằng và những giám khảo khác đã phải dùng rất nhiều kỹ xảo lôm côm khác nhau, từ năn nỉ ỉ ôi, ngọt lạt chia sẻ đến trừng trợn dọa nạt. Dường như chưa đủ độ ăn khách, siêu mẫu Thanh Hằng còn không ngại lấy kéo cắt phăng mái tóc dài của thí sinh Út Trang vì cho rằng "nó cũ kĩ, dù biết mái tóc đó rất quý với bố cô ấy".
Siêu mẫu Thanh Hằng hồn nhiên giải thích như triết gia nửa mùa: "Tóc cắt đi thì có thể dài ra, nhưng nếu cứ giữ tư duy sống cũ kĩ thì khó có thể thành công". Bên cạnh hành động cắt tóc thí sinh, siêu mẫu Thanh Hằng còn có một "pha" gay cấn nữa là… tát vào mặt thí sinh. Đó là trường hợp thí sinh Phạm Gia Long, sinh viên năm thứ nhất trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội được gợi ý diễn xuất một người say rượu, đến trước… siêu mẫu Thanh Hằng để buông lời oán trách tình cũ vì đã bỏ rơi anh.
Thí sinh Phạm Gia Long đổ nước lên mặt (thay cho nước mắt) rồi nỉ non khóc lóc: "Tình yêu của tôi, chúng ta đã đến với nhau 3 năm. Tại sao cô bỏ tôi về đây làm chi?". Không khác gì đóng phim, siêu mẫu Thanh Hằng làm nhiều người xem ngỡ ngàng khi bật dậy khỏi "ghế nóng", tiến lại gần và thẳng tay tát vào mặt thí sinh: "Tỉnh rượu rồi nói chuyện". Tất cả những hành vi của siêu mẫu Thanh Hằng được khẳng định là tuân thủ theo kịch bản của chương trình tương tác, nhưng khán giả không thể hiểu họ manh động đến mức ấy nhằm bày tỏ tinh thần nghệ thuật gì?
Cãi vã và xung đột trong các game show truyền hình đang dần trở thành một thứ "mốt" nhem nhuốc. Dù chủ yếu để… diễn, hoặc "hoàn toàn tự nhiên" thì cũng chứng minh sự cạn kiệt ý tưởng và sự hời hợt thẩm mỹ của những nghệ sĩ hôm nay.