Thị phi và gameshow truyền hình: Ai vin vào ai?

Thứ Bảy, 03/12/2016, 08:00
Nữ kỹ sư trẻ tuổi tên Quyên trong gameshow "Ai là triệu phú" đang gây nên cơn áp thấp trong dư luận khi phải nhờ tới sự trợ giúp mới vượt qua hai câu hỏi đầu tiên. Giữa các luồng ý kiến chê bai, bênh vực, Quyên nổi lên với tai tiếng nhiều hơn là sự cảm thông chia sẻ. 


Chụp mũ về kiến thức đã đành, người ta còn mạt sát cả dung nhan cô gái vốn chẳng hề liên quan đến cuộc chơi cô tham gia. Tự hỏi, nếu phần chơi của cô bị cắt đi thì chắc cô sẽ yên ổn trước một dư luận luôn thừa mứa thời gian soi mói những cá nhân dị biệt, khác thường. Và điều mà ai cũng công nhận là nhờ Quyên, "Ai là triệu phú" nóng hầm hập trở lại.

Thử gõ Google xem, cụm từ "Phạm Thị Quyên", "canh cua rau đay", "El Nino là gì?" và "Ai là triệu phú" sẽ thấy đó là từ khóa nóng nhất của cư dân mạng mấy ngày nay. Người ta lại chép miệng, bỗng dưng mà Quyên nổi tiếng rần rần… dù rằng cô chẳng hề muốn nổi theo cách ấy.

Bây giờ khái niệm nổi tiếng đang bị đánh tráo tàn nhẫn. Người ta không còn phân biệt được đâu là nổi tiếng, đâu là tai tiếng và mặc định nó là một. Kiểu như Lệ Rơi, Bà Tưng, Quân Kun, Kenny Sang và mới đây nhất là "Công chúa Thủy Tề" Tùng Sơn.

Phải nhờ đến sự trợ giúp để vượt qua hai câu hỏi đầu tiên của "Ai là triệu phú", Phạm Thị Quyên trở thành tâm điểm tranh cãi.

Bị ném đá, xúc xiểm đủ kiểu nhưng độ nóng của những nhân vật "bất bình thường" này khiến tài năng kiệt xuất cũng phải ganh tị. Kéo theo đó, những sản phẩm trời ơi đất hỡi của họ lôi kéo không biết bao nhiêu mà kể lượt xem, like (dù hơn 90% là vào like, bình luận chửi rủa).

Khi những gương mặt này vô tình hoặc cố tình tham gia một show truyền hình nào đó thì chương trình đó nhanh chóng được chú ý. Lệ Rơi thì không cần biểu cảm gì nhiều, vậy mà nhanh chóng "thọt lét" Trấn Thành và ẵm 100 triệu trong "Thách thức danh hài".

Quân Kun thì gây náo loạn Vietnam's Idol với màn hát dở ẹc và quỳ lạy ban giám khảo để được chọn vào vòng trong. Tùng Sơn cũng không kém cạnh khi trưng trổ giọng hát "đấm vào tai người nghe" tại một chương trình thi thố tài năng mới toanh trên truyền hình.

Và có lẽ hiểu được sự tai tiếng của những cá nhân lố bịch còn gây chú ý hơn cả tài năng phi thường nên các nhà sản xuất, nhà đài tăng cường zoom cận cảnh, khuếch trương nó. Khi số thí sinh tài năng quá ít ỏi, kiểu ngàn năm có một như "cậu bé Google" Nhật Minh hay tay trống nhí Trọng Nhân thì các gameshow truyền hình chuyển sang ưu ái những cá nhân ở thái cực còn lại. Bởi họ dễ dàng câu view nhờ muôn kiểu điên rồ, dị hợm gây bức xúc cho người xem.

Người ta từng rất bất bình khi chương trình "Người giấu mặt" quay luôn cảnh thí sinh nữ cởi áo để giảm cân đến nỗi lộ ngực. Đã vậy, đạo diễn của chương trình tỉnh bơ bảo đây là chi tiết "đắt" cực kỳ hấp dẫn, chẳng có gì là phản cảm cả. Mặc dù hình ảnh này đã bị che mờ khi lên truyền hình nhưng trước đó, bộ phận truyền thông của chương trình đã kịp tung những hình ảnh không hề che mờ cho báo chí. Tới đây thì đủ hiểu ý đồ của nhà sản xuất.

 Mới đây, "Căn hộ trong mơ" được "nổ" trên mây là một chương trình thực tế có kinh phí lên tới 40 tỷ. Chương trình nhằm tìm kiếm những tài năng trẻ có khả năng làm việc nhóm, đam mê thiết kế nhà ở. Thế nhưng chỉ vài tập đầu, khán giả đã choáng váng trước màn cãi nhau tay đôi bằng lời lẽ thoá mạ, vô văn hóa của các thí sinh.

Ở tập 5, dù chung đội nhưng thí sinh H.N và T.Q liên tục mắng mỏ, quát tháo vào mặt nhau. Thậm chí thí sinh Q. còn nói H.N: "Nhớ nhé, đi ra đường thì đi bằng hai chân chứ đừng đi bốn chân". Không thua kém H.N đáp: "N. nhỏ tuổi hơn Q., chứ nếu bằng tuổi là bay vô vả vào miệng rồi đó".

Có lúc, hai bên gầm ghè sắp choảng nhau đến nơi. Đỉnh điểm nhất là màn đập đồ đạc, lao lên la hét như du côn của thí sinh nữ Q.M và N.U ở tập 10. Cứ một thử thách được đưa ra là y như rằng chuẩn bị xảy ra khẩu chiến, đồ đạc bay vèo vèo.

Lý lẽ mà ban tổ chức "Căn hộ trong mơ" đưa ra là để các thí sinh thể hiện cá tính, sự mạnh mẽ của mình dưới áp lực của chương trình giống như câu slogan cổ vũ "Mạnh mẽ để chiến thắng". Hóa ra, mạnh mẽ và cá tính ở đây là không thèm nghe ý kiến phải trái của đồng đội mà mạnh ai khư khư ý kiến của mình, không ai chịu ai nên phải chửi nhau như cơm bữa!?

Đã vậy, ngay khi mới ra mắt chương trình, ban tổ chức còn PR bằng hàng loạt đoạn clip thí sinh đập đồ đạc, ném đồ vào người nhau kèm theo đó là câu hứa hẹn "đây là một chương trình drama (kịch tính - PV) nhất từ trước đến nay"!!!

Chuyện thí sinh và ngay cả giám khảo bất hòa, nói xấu nhau là chiêu trò rất được các chương trình truyền hình thực tế áp dụng. Vietnam's Next Top Model thường xuyên có những thí sinh thuộc dạng khó ưa này. Nguyễn Oanh, Nguyễn Thị Hợp là một trong số đó. "Gương mặt thương hiệu", "Vietnam's Idol"…, giám khảo cũng rần rần đá xéo.

Cảnh thí sinh chửi rủa, đập đồ đạc trong chương trình "Căn hộ trong mơ".

Gần đây nhất là vụ tranh cãi giữa huấn luyện viên "Nhân tổ bí ẩn 2016" ngay tại sân khấu bằng lời lẽ xúc phạm nhau. Nguyên nhân cũng do quan điểm về bài hát "Không quan tâm" của thí sinh Minh Như. Tùng Dương chỉ trích Dương Khắc Linh còn Thanh Lam thì bảo Hồ Quỳnh Hương giả tạo và đóng kịch. Chiêu trò phản giáo dục này cũng được đưa vào gameshow dành cho trẻ em như "Vua đầu bếp nhí".

Đặc tả cảnh mắng chửi, đánh nhau như ở đầu đường xó chợ hay trau chuốt tỉ mỉ góc quay hình ảnh phản cảm, khai thác triệt để đời tư của người chơi bất tài, lệch chuẩn …, gameshow truyền hình muốn truyền tải điều gì? Họ bảo rằng vì nó là truyền hình thực tế nên mọi thứ diễn biến tự nhiên thế nào thì máy quay ghi lại thế ấy. Tin được không?

Bởi như Amy Wruble, nhà sản xuất kỳ cựu của các gameshow truyền hình thực tế, tiết lộ: "Truyền hình thực tế không phải phim tài liệu. Sẽ không bao giờ có đủ thời gian để chờ mọi thứ tự nhiên xảy ra. Các nhà sản xuất sẽ định hướng hành động bằng việc làm với từng người tham gia. Họ có thể gây ra sự nghi ngờ lẫn nhau, hay thậm chí khiêu khích xung đột để tạo nên tình huống".

Rõ ràng, những kiểu tai tiếng, "kịch tính" trên thường nằm trong kịch bản của chương trình. Các câu nói có thể bị cắt ghép, dàn dựng cho một mục đích nhất định. Thí sinh dị biệt, ngốc nghếch, không có tài năng gì đặc biệt được nhà sản xuất được giữ lại rất lâu trong chương trình mà giám khảo không được quyền thắc mắc.

Là chương trình quay và phát lại, có xử lý hậu kỳ, sao những cảnh chưa được văn hóa như thế không được biên tập lại, bỏ đi để đỡ gây ảnh hưởng tiêu cực đến người xem? Đưa nó lên trước hàng triệu khán giả, có khác nào nhà sản xuất đang cổ súy cho bạo lực, hành xử thiếu văn hóa đang gia tăng trong xã hội. Đành rằng là chương trình giải trí, nhưng không phải núp dưới lớp vỏ tưởng như vô hại ấy mà có quyền đưa ra đủ trò, mặc nhiên vứt đủ thứ rác rưởi, tai hại cho công chúng. Những kẻ muốn được chú ý bằng thị phi thường vin vào gameshow truyền hình để khuyếch trương sự lố bịch của mình.

Người chơi thì bị lãnh đủ "gạch đá" dư luận. Cơn thịnh nộ và hiếu kỳ của dư luận dồn ép người chơi có tự trọng vào sự "hoảng loạn", đường cùng. Năm 2007, thí sinh Jo O'Meara của chương trình "British Celebrity Big Brother" (Anh) tự sát khi người cùng chơi gọi cô là kẻ bắt nạt và phân biệt chủng tộc.

Năm 2008, tham gia gameshow Wife swap (Đổi vợ), Simon Foster và vợ đồng ý có người đàn bà đồng tính sống chung theo kịch bản chương trình. Không chịu nổi tình cảnh bị thiên hạ chê cười, nhạo báng, anh tự kết liễu đời mình. Ở Việt Nam chưa đến nỗi có thí sinh tìm đến cái chết vì hứng chịu tai tiếng khi tham gia gameshow truyền hình nhưng cũng đã có cô bé hoảng hốt gửi đơn kêu cứu đến Quốc hội khi em và gia đình trở thành mục tiêu để dư luận chĩa mũi dùi.

Nhà nghiên cứu xã hội, Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang ví von: "Bằng các xung đột, thị phi thật hay giả giữa các thí sinh và giữa thí sinh với giám khảo; bằng các màn trình diễn của các thí sinh bất tài bị đem ra cười nhạo công khai trước cả nước.

Cộng lại, chúng thu hút người xem như một đám ẩu đả ngoài đường". Và dù có la ó, phản ứng dữ dội đến đâu thì công chúng chẳng thể khiến tình hình khả quan hơn khi vô số kẻ hiếu kỳ, tò mò vào xem nó dị hợm, kinh khủng đến mức nào chứ không hề tẩy chay.

Khán giả chỉ có thể tiếp tục "chịu trận thưởng thức" tiếp những trò kệch cỡm, "sốc óc" hơn mà thôi.  Bởi như Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đã dẫn: "Với triết gia người Đức Norbert Boltz, sự khác nhau giữa trước kia và ngày nay là trước kia cái thô thiển và rẻ tiền phải bị giấu giếm đi, còn ngày nay chúng chiếm những vị trí quan trọng nhất, dương dương tự đắc, vì chúng đem lại nhiều tiền nhất".

Phan Thi Uyên
.
.