Vì sao thế giới vinh danh "Bà chúa thơ Nôm"?

Thứ Tư, 26/01/2022, 14:55

Xuân Hương có thể hiểu là hương vị mùa xuân. Phải chăng hiểu như vậy mà trong thế giới nghệ thuật thơ của mình, Bà Chúa thơ Nôm hay nói về mùa xuân “êm ái” - mùa lễ hội, mùa tình yêu, là miền Cực Lạc... Đấy cũng là quan niệm chung của nhân loại về mùa xuân. Thế nên khi thơ Xuân Hương ra với quốc tế người ta liền thấy đây là một đẳng cấp thế giới (a world - class poet). Bà “chính hiệu” là một “Bồ Tát” (Bodhisattva) – người kiến tạo nên cả một thế giới Cực Lạc bằng thơ!  

Năm 2022 này, nhân dịp kỉ niệm 250 năm ngày sinh nhà thơ, Tổ chức UNESCO sẽ tôn xưng Bà là Danh nhân văn hóa. Vượt lên trên danh vị “Bà Chúa thơ Nôm”, chân dung văn hóa nữ sĩ kiệt xuất người Việt Nam sẽ được cả nhân loại chiêm ngưỡng. Xin được tóm lược những ý kiến thế giới đánh giá về Bà, cũng là những lý do thế giới vinh danh Hồ Xuân Hương – nhà thơ được dịch ra 12 ngôn ngữ.

1. Hầu hết các đánh giá khẳng định một tinh thần nữ quyền rất sâu đậm trong thơ Xuân Hương. Bà là nhà thơ duy nhất thời trung đại dám hạ bệ cả một chế độ nam quyền rất phi dân chủ vốn coi nữ giới chỉ là một thứ “trò chơi”, thứ “cơm nguội”, thứ đầy tớ, thứ nô lệ... Bà đã lột cái mặt nạ đạo đức giả làm trơ ra cái tư thế thảm hại cùng bản chất kém cỏi của lũ vua quan được mang cái danh vị “quân tử”. Thằng đàn ông nói chung là hiện thân cụ thể nhất của cường quyền bị Bà biến thành loài vật “lổm ngổm”: “Bố cu lổm ngổm bò trên bụng” (Thân phận đàn bà). Dưới cái nhìn của nữ sĩ, bọn họ chỉ xứng đáng làm những việc “đóng cọc mít”: “Quân tử có thương thì đóng cọc” (Quả mít), hoặc “bóc yếm ốc nhồi”: “Quân tử có thương thì bóc yếm” (Ốc nhồi)...

Vì sao thế giới vinh danh
Hồ Xuân Hương – Một tượng đài văn hóa!

Xuân Hương hạ bệ cả thần quyền tiêu biểu là đạo Phật. Cường quyền và thần quyền như hai bàn tay vô nhân đạo bóp cổ người phụ nữ xã hội thời trung đại đến mức làm họ mất ý thức về quyền sống cá nhân. Xuân Hương đã dùng tiếng cười đào hố ngôn từ lấp lửng mà chôn cả lũ sư sãi “miệng nam mô” nhưng “bụng” toàn chuyện đểu cáng, dâm dật... Tại sao Xuân Hương lại ghét sư sãi? Có thể là nhà Phật chủ trương “diệt dục” trái hẳn với tinh thần yêu đời mãnh liệt, cái khát sống, ham sống mãnh liệt của thi nhân!?

Tiêu biểu cho hướng đánh giá này là tạp chí The American Review với ý kiến của tác giả John Balaban (người dịch thơ Xuân Hương sang tiếng Anh) - giáo sư tại Viện Đại học North Califonia, đề nghị tinh thần nữ quyền ấy cần đặt vào bối cảnh thời trung đại phương Đông sẽ càng thấy rõ hơn tính chất “nguy hiểm” của sự “chống đối” và ý nghĩa “vĩ đại” đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ!

2. Sẵn một tinh thần tôn trọng phụ nữ nên phương Tây tiếp nhận thơ Xuân Hương cởi mở, thẳng thắn, thậm chí mạnh mẽ. Họ khâm phục một người nữ ở phương Đông cổ điển mà đã đưa hình tượng nhạy cảm của cơ thể phái đẹp vào thơ. Nhịp điệu thơ Xuân Hương là nhịp điệu của vũ trụ, nói khác đi Bà đã ca ngợi hình tượng người nữ ngang tầm với vũ trụ. Những cái “hang”, cái “kẽm”, “cái giếng”, “con đường vô ngạn”... vừa là diễn ngôn về vũ trụ vừa là diễn ngôn thân thể ngọc ngà đầy hấp dẫn, khêu gợi... Điều này thì ngay với phụ nữ phương Tây, trong lịch sử trung đại cũng chưa có ai “ngang tầm” với Bà.

Vẻ đẹp sức sống phồn thực của người nữ được Xuân Hương miêu tả giữa trời đất và bình đẳng với người nam. Còn hình ảnh nào đẹp bằng cảnh trai thanh gái lịch “đánh đu” vui vẻ trong ngày xuân hội: “Trai đu gối hạc khom khom cật/ Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng/ Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới/ Hai hàng chân ngọc duỗi song song…”. Với phương Đông, con hạc là biểu tượng cho sự cao quý, vương giả được Bà lấy làm ẩn dụ để miêu tả con người (gối hạc). Bà gọi chân người là “chân ngọc”, mà “ngọc” là thứ vô cùng quý giá!!!

Những biểu tượng của văn hóa tính dục và các hành vi tính giao trong thơ Xuân Hương cũng được nhìn nhận một cách phóng khoáng. Vốn đã coi đó như là những hoạt động/hành vi văn hóa, thậm chí là thiêng liêng vì là “khởi đầu cho sự sống” nên phương Tây thấy “bất ngờ”, thấy “lạ” vì sao một phụ nữ phương Đông ở cái thời “cấm kỵ” ấy, trong cái xã hội “cấm đoán” ấy lại nói thay cho họ được (!?). Thế nên một tập thơ có tên tiếng Anh là “Spring Essence: The Poetry of Ho Xuan Huong” được đón nhận nồng nhiệt ở Mỹ. “Spring Essence” có thể hiểu là hương vị mùa xuân, cũng là một cách chơi chữ chỉ tên nhà thơ!

Vì sao thế giới vinh danh
Bìa một bản dịch thơ Hồ Xuân Hương sang tiếng Anh.

Có nghiên cứu khẳng định ngàn năm sau ai đó điều tra xã hội học về bất bình đẳng giới, về sự bất công trong gia đình phương Đông hàng trăm năm trước không thể không lấy thơ Xuân Hương minh họa vì nó sống động, cụ thể, và nói hay hơn các con số rất nhiều về cảnh chồng chung: “Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng/ …Cầm bằng làm mướn mướn không công” (Làm lẽ).

3. Người phương Tây nhìn thấy ở thơ Xuân Hương đã làm cuộc “cách mạng” phá vỡ mô hình cấu trúc không gian văn hóa phương Đông cổ để vươn tới tinh thần đối thoại đi trước thời đại. Chỉ có Bà mới dám “chửi” vào cả một thành lũy phong kiến đã “thâm căn cố đế” ngàn năm. Cũng chỉ có Bà mới có “tiếng lòng” chia sẻ, giãi bày với thân phận người nữ một cách sâu sắc, chân thành, thẳng thắn. Với niềm khát khao một sự đồng cảm sẻ chia, Bà đối thoại theo cách của riêng mình - một tâm hồn giàu yêu thương, một tiếng cười vĩ đại.

Một nghiên cứu mới về quyền lực cho biết, đặc trưng của kẻ ở đỉnh cao quyền lực là rất cô đơn mà nguyên nhân là do không có/được đối thoại. Khi người đó nói thì lời ấy là quyền lực, kẻ khác phải thi hành. Đấy không phải đối thoại. Đấy là sự áp đặt. Sống lâu trong môi trường phi đối thoại, tức môi trường ít tính người dần sẽ hình thành ở kẻ đó tính cách của “bạo chúa”. Chỉ những ai ở đỉnh cao quyền lực mà vẫn được đối thoại thì mới giữ được nhân tính. Thực tế lịch sử cho thấy những ai ở đỉnh cao quyền lực chính trị lại kiêm thi sỹ, nghệ sỹ thì không thể là “bạo chúa”! Điều này chứng minh tính đối thoại là một nhu cầu nhân văn mang tính người rất rõ. Quyền năng cũng như thiên chức của nghệ sỹ là tạo ra các đối thoại, biểu hiện cụ thể chính là tác phẩm. Đối thoại được với nhiều nền văn hóa là thước đo tầm cỡ, chiều kích một tác phẩm lớn.

Xuân Hương không có quyền lực theo nghĩa đen nhưng chắc chắn rất cô đơn. Bà có quyền năng tinh thần của riêng mình, đó là tình, là trí, là nỗi đau với sự khát khao đối thoại thúc đẩy Bà đã hạ bệ kẻ thù một cách rất đích đáng - bằng thơ. Chửi, rủa, nguyền, chế giễu, châm biếm, mỉa mai, kết án… cũng là đối thoại. Thơ lại là phương tiện tốt nhất để tỏ bày mong được chia sẻ với tri âm, hơn nữa ở ngày ấy làm thơ chỉ thuần túy để tỏ chí, để ngâm ngợi giao đãi và giao kết bạn bè. Xét kỹ tác phẩm văn chương cũng là một thứ để tri âm, sẻ chia với đời, đối thoại với đời theo cách riêng của nghệ thuật. Như một lẽ tự nhiên, Xuân Hương chủ động, tự chủ đối thoại với nhân thế và thời thế!

4. Xu hướng chung của thế giới hiện đại coi tác phẩm nghệ thuật đích thực phải nói lên được cái “mẫu số chung” của văn hóa nhân loại. Điều này thì thơ Xuân Hương đã nói được một cách xuất sắc và “sáng chói” (shines brightly) ở cả nội dung và hình thức. Nhất là về biểu tượng. Ký hiệu học (Semeiology) đang được coi là hướng nghiên cứu chủ yếu của văn hóa học có nhiệm vụ tìm hiểu, cắt nghĩa các biểu tượng(symbol), vì xét đến cùng văn hóa là thế giới của biểu tượng. Là sự kết tinh các giá trị tinh hoa nên giải mã các biểu tượng mới hiểu được văn hóa.

Thế giới nghệ thuật thơ Xuân Hương là cả một thế giới biểu tượng tràn đầy sức sống nhưng có liên hệ chặt chẽ với cội nguồn (mẫu gốc). Có nhà nghiên cứu tìm thấy biểu tượng “Nước” rất thú vị. “Nước” không chỉ là “đặc sản” thiên nhiên nơi nhà thơ sinh ra mà còn là biểu trưng chung của nhân loại về sự sống, sức sống, sự trường cửu, là sự sinh ra (nước “ối” trong bào thai bụng mẹ), là tái sinh... Các biến thể gần gũi của “Nước” cũng cực kỳ phong phú, là sóng, là sông, là thuyền, là giếng khơi, là hành vi tắm, tát nước... Và chỉ có Xuân Hương mới đưa vào thơ hình ảnh “nước lộn trời” – nhịp biến thiên của vũ trụ!

Có tạp chí (Utne Reader) khẳng định: “Xuân Hương là một thi sĩ xuất sắc nhất”. Lại có tạp chí (New York Times Review) nhận định Bà “là thi sĩ vĩ đại”… Giở mỗi trang thơ Xuân Hương sẽ bắt gặp nhịp điệu mùa Xuân, nhịp điệu Cuộc đời, nhịp điệu Tình Yêu!

Nhân loại tự hào về Hồ Xuân Hương – Một tượng đài văn hóa!

Thanh Nguyễn
.
.