Mùa xuân kể chuyện danh họa Bùi Xuân Phái với "Bà Chúa Thơ Nôm"

Chủ Nhật, 11/03/2018, 08:03
Mới đây, tôi có dịp ngồi uống café trên thềm phố cổ Bát Đàn với họa sĩ Bùi Thanh Phương, con trai cố danh họa Bùi Xuân Phái. Ông Phương có lẽ là một kho tư liệu sống về cụ Phái và cuốn sách "Họa sĩ Bùi Xuân Phái trong mắt con trai" do ông xuất bản vừa qua là một tập hợp đầy đủ nhất về cuộc đời của cố danh họa nổi tiếng đã gắn tên tuổi mình với phố cổ Hà Nội.


Cho đến nay, dường như mọi người mới chỉ biết đến và quan tâm đến mảng tranh Phố Phái lừng lẫy cả trong nước và quốc tế của cố danh họa mà chưa mấy ai đề cập kỹ càng đến mảng tranh vẽ nude đặc biệt của ông. Và đây cũng chính là chủ đề và mối quan tâm của tôi khi trao đổi với họa sĩ Bùi Thanh Phương, nhất là trong thời gian gần đây, trên một số trang mạng xuất hiện các tranh nude của cố danh hoạ Bùi Xuân Phái minh họa cho thơ của Hồ Xuân Hương -  "Bà Chúa thơ Nôm".

Về vấn đề trên, hoạ sĩ Bùi Thanh Phương cho tôi biết, việc một số trang mạng đưa tin hiện nay ông đang lưu giữ toàn bộ các bức vẽ khỏa thân nghệ thuật của cha là không đúng. Đáng tiếc hơn, có chuyện một số trang mạng đã tùy hứng lấy các bức vẽ nude của cố danh họa Bùi Xuân Phái (phần lớn là lấy từ trang blog của hoạ sĩ Bùi Thanh Phương) rồi đặt cạnh các bài thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương như một kiểu "Thơ minh họa cho tranh và tranh minh họa cho thơ" nhiều khi không đúng với tinh thần tranh của Bùi Xuân Phái và cũng không đúng với tinh thần thơ của Hồ Xuân Hương.

Ông Phương cho rằng, điều duy nhất có thể chấp nhận được, đấy là do tình yêu của chủ nhân những trang mạng này đối với tranh của Bùi Xuân Phái và thơ Hồ Xuân Hương nên họ đã dùng tranh và thơ minh họa cho nhau để tôn vinh thi ca và mỹ thuật. Đó là chuyện đã rồi và ở chừng mực nào đấy, cũng là một hình thức quảng bá cho các tác phẩm nghệ thuật vượt thời gian.

Hai minh họa thơ Hồ Xuân Hương của danh họa Bùi Xuân Phái.

Có điều, ông Phương cảm thấy không hài lòng khi một số trang mạng đã đưa tranh và thơ với cái tựa đề nghe không được nhã nhặn theo kiểu "Đỏ tái mặt xem tranh Bùi Xuân Phái minh họa thơ Hồ Xuân Hương". Cái kiểu giật tít bài này cốt để "câu khách" vào xem trang mạng của họ và có thể gây sự phản cảm đối với những người thực sự yêu vẻ đẹp của mỹ thuật Bùi Xuân Phái và thi ca Hồ Xuân Hương.

Thậm chí, một số trang mạng còn trích dẫn sai thơ Hồ Xuân Hương so với nguyên bản tác phẩm của bà và đặt cạnh tranh Bùi Xuân Phái theo kiểu tùy tiện, bất chấp nội dung bài thơ không hề phù hợp với  tranh minh họa. Và đấy, theo ông Phương chính là sự không chuyên nghiệp của các "nhà mạng" trong việc thông tin, giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật và các danh nhân.

Theo các nhà nghiên cứu đầu tiên về Hồ Xuân Hương như Nguyễn Hữu Tiến, Dương Quảng Hàm thì bà là con ông Hồ Phi Diễn (SN 1704) ở làng Quỳnh Ðôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ông thi đậu tú tài năm 24 tuổi dưới triều Lê Bảo Thái. Nhà nghèo không thể tiếp tục học, ông ra dạy học ở Hải Hưng, Hà Bắc để kiếm sống.

Tại đây ông đã lấy cô gái Bắc Ninh, họ Hà, làm vợ lẽ. Hồ Xuân Hương ra đời là kết quả của mối tình duyên đó. Bà xuất thân trong một gia đình phong kiến suy tàn, song hoàn cảnh cuộc sống đã giúp nữ sĩ có điều kiện sống gần gũi với quần chúng lao động nghèo, lăn lộn và tiếp xúc nhiều với những người phụ nữ bị áp bức trong xã hội.

Bà là một phụ nữ thông minh, có học, nhưng học và giao du rộng rãi với bạn bè, nhất là đối với những bạn bè ở làng thơ văn, các nhà nho. Nữ sĩ còn là người từng đi du lãm nhiều danh lam thắng cảnh của đất nước. Là một phụ nữ tài hoa, có cá tính mạnh mẽ nhưng đời tư lại có nhiều bất hạnh.

Hồ Xuân Hương lấy chồng muộn mà đến hai lần đi lấy chồng, hai lần đều làm lẽ, cả hai đều ngắn ngủi và không có hạnh phúc (theo tài liệu của GS Hoàng Xuân Hãn và ông Lê Xuân Giáo thì nữ sĩ có tới 3 đời chồng chứ không phải hai: Tổng Cóc, quan Tri phủ Vĩnh Tường và cuối cùng là quan Tham hiệp trấn Yên Quảng Trần Phúc Hiển). Có thể thấy Hồ Xuân Hương không phải là một phụ nữ bình thường của thời phong kiến mà bà đã có một cuộc sống đầy sóng gió.

Như vậy có thể nói, tuy sống sau "Bà Chúa thơ Nôm" Hồ Xuân Hương hơn một thế kỷ, nhưng danh họa Bùi Xuân Phái bằng tài năng của mình với sự đồng cảm - tri âm về văn hóa nghệ thuật đã sáng tạo, tôn vinh các bài thơ bất hủ của tiền nhân bằng các nét vẽ thăng hoa đầy cảm xúc.

Kể lại xuất xứ về việc Bùi Xuân Phái vẽ minh họa thơ Hồ Xuân Hương, ông Phương cho biết, năm 1982, ông Nguyễn Lộc ở một nhà xuất bản có mang cuốn thơ Hồ Xuân Hương đến gặp danh hoạ Bùi Xuân Phái nhờ trình bày trang bìa cho tập thơ này. Cụ Phái đã vẽ bìa tập thơ là cô gái mặc yếm đào ôm cái trống, dáng lả lơi để cho ông xã trưởng cầm dùi gõ thủng cái trống đó như một biểu tượng phồn sinh của tình ái.

Sau khi cuốn thơ Hồ Xuân Hương được xuất bản, ông Nguyễn Lộc mang 20 tập thơ đến tặng  Bùi Xuân Phái. Là một người có tiếng là chiều bạn và hào phóng, cụ Phái tặng lại các tập thơ này cho bạn bè thân thiết mỗi khi họ đến chơi nhà, mỗi người một cuốn.

Vì không muốn chỉ tặng bạn sách không, cụ Phái phải lọ mọ thức đêm để vẽ tay các minh họa thơ Hồ Xuân Hương, dán kèm theo mỗi cuốn thơ là 4 bức phụ bản minh họa. Tổng cộng hoạ sĩ Bùi Xuân Phái vẽ khoảng 80 bức minh họa nude cho thơ Hồ Xuân Hương.

Và, từ đấy xuất hiện bộ tranh minh họa thơ Hồ Xuân Hương của Bùi Xuân Phái và danh họa vẽ minh họa nude kiểu này cho đến tận cuối đời. Thậm chí, có một số người bạn còn làm thơ về đề tài tình ái rồi đến "bắt nợ" cụ Phái vẽ tranh minh họa khỏa thân cho các bài thơ của họ.

 Ngày trước, khi vẽ tranh nude, hoạ sĩ Bùi Xuân Phái cùng một số họa sĩ bạn bè thời kinh tế khó khăn thường thuê chung một người mẫu để cùng vẽ. Cụ thường vẽ ký họa theo người mẫu thực và có nghiên cứu cẩn thận, không những đặc tả hình thể mà còn đặc tả gương mặt với nội tâm nhân vật, sau đó về nhà mới dựng thành tác phẩm mỹ thuật hoàn chỉnh. Do vậy tranh nude của cụ Phái rất sống động, có tình cảm, có thân phận và rất thuyết phục.

Nhận xét về quá trình sáng tạo của cha mình, hoạ sĩ Bùi Thanh Phương cho rằng: "Chúng ta vẫn theo thói quen là gọi chung các chủ đề Bùi Xuân Phái đã vẽ về đề tài văn hóa dân gian: hát chèo, hát ả đào, hát quan họ và mảng đề tài cũng rất quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của ông là những bức họa vẽ theo ý thơ của Hồ Xuân Hương và những tác phẩm sơn dầu vẽ theo tinh thần của Nguyễn Du trong "Truyện Kiều", đặc biệt hình ảnh "Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên" và "Kiều tắm" đã được Bùi Xuân Phái khai thác, thể hiện qua nhiều tác phẩm ở các chất liệu. Tất cả các chủ đề được nêu trên, đã bị người ta hoặc vô tình, hoặc chưa đi sâu vào nghiên cứu một các có hệ thống về Bùi Xuân Phái, nên đã bị thu gom lại và gọi chung là CHÈO. . ."

 Họa sĩ Bùi Thanh Phương cũng cho biết, vẽ tranh thiếu nữ, có lẽ cũng ít ai có cách vẽ bằng chất liệu cà phê độc đáo như danh họa Bùi Xuân Phái: "Một lần, tề tựu với bạn hữu tại cà phê Lâm, trong lúc cao hứng với trà dư tửu hậu lại có cả mắt biếc và nụ cười mỹ nhân, được các bạn hữu đề nghị, họa sĩ Bùi Xuân Phái đã vẽ liền một seri chân dung cô gái tên Nga.

Hôm đó vì không đủ phương tiện và màu vẽ nên họa sĩ đành phải dùng cà phê đen và mực bút để vẽ ra những bức họa. Khi họa sĩ kết thúc phiên vẽ, người ta đếm được 30 bức họa. Họa sĩ dùng số tranh đó tặng mọi người có mặt. Cô Nga (chủ thể của bức tranh) được họa sĩ ưu tiên chọn trước và chỉ khiêm tốn lấy về cho mình 5 bức. Nhà thơ Dương Tường lấy được 12 bức, họa sĩ Lưu Công Nhân và vài người khác chia nhau số tranh còn lại".

Ông Bùi Thanh Phương cho biết thêm, hiện nay 20 cuốn thơ Hồ Xuân Hương có phụ bản minh họa của cố hoạ sĩ Bùi Xuân Phái đều đang "lưu lạc trên giang hồ" và có thể đang nằm trong tay những nhà sưu tầm tranh nổi tiếng ở trong và ngoài nước. Ông Phương không có cuốn nào và chỉ lưu giữ các bản chụp lại các tranh nude của cụ Phái.

Tranh nude của hoạ sĩ Bùi Xuân Phái có một đặc trưng là thấm đẫm hồn cốt Việt Nam và mang bản chất Việt rất sống động, đầy tinh tế. Ông Phương cho biết, một tâm sự của cha mình khi vẽ tranh nude, là cụ như đang được trở lại với hoài niệm ký ức của một thời đã qua với nhiều tâm trạng

Theo ông Phương, cha ông cũng giống như nhiều họa sĩ nổi tiếng thế giới khi về cuối đời, thường trở lại với đề tài tranh khỏa thân như một sự lưu luyến, mong muốn trở lại với tình yêu lứa đôi những năm trẻ tuổi.

"Bộ tranh nude cuối đời của cha tôi cũng tương tự như bộ tranh nude cuối đời của danh họa Picasso, đã gây bất ngờ cho giới hội họa. Điều quan trọng là chúng ta phải phân biệt được cái đẹp, cái hay của tranh nude nghệ thuật và loại tranh khỏa thân kiểu phàm tục. Nó cũng giống như nhiều người thấy bất ngờ, choáng váng khi gặp trong một số đền đài Ấn Độ", ông Phương nói.

Chúng ta cùng thưởng ngoạn một số bức tranh minh họa thơ của "Bà Chúa thơ Nôm" Hồ Xuân Hương hết sức thú vị của danh họa Bùi Xuân Phái để thấy được ý tưởng "Trong thơ có họa và trong họa có thơ" qua hai tài năng văn hóa nghệ thuật kiệt xuất của dân tộc.

Nguyễn Việt Chiến
.
.